7 đặc sản độc đáo ở Hà Giang

(#wanderlusttips) Nếu ai đã một lần nếm thử những đặc sản của Hà Giang thì chắc hẳn sẽ chẳng thế nào quên. Với vị ngọt béo cay cay của thắng rền, bùi bùi thơm thơm của rêu nướng, và dai dai của thịt trâu gác bếp… Tất cả đã tạo nên một nét độc đáo trong ẩm thực của người Hà Giang.

[rpi]

1. Thắng dền

Thắng dền là món ăn vặt (hay ăn chơi) của người Hà Giang nói chung và được xem là món ăn để bè bạn ngồi lại sum vầy trong những ngày đông giá rét ở thị trấn Đồng Văn.

Thắng dền được làm từ bột gạo nếp, tuỳ vào sở thích cũng như khẩu vị của từng người mà người làm bánh sẽ cho thêm nhân bánh bằng đỗ hoặc để chay. Hình dáng của chúng trông giống như những chiếc bánh trôi tàu ở Hà Nội, nếu không hỏi người dân ở đây thì chắc chắn sẽ có du khách nhầm tưởng đó là bánh trôi thật.

Wanderlust-Tips-7-dac-san-an-quen-loi-ve-o-Ha-Giang 2

Những viên bánh thắng dền chỉ làm to hơn ngón tay cái một chút, được thả trong bát có hỗn hợp nước đường ngọt ngậy với nước cốt dừa và gừng. Chúng tạo lên một hương vị hỗn hợp ngọt, béo và cay cay. Trong mỗi bát thắng dền còn được cho thêm những viên lạc hay vừng đã rang chín, giòn giòn mà thơm phức, trông hấp dẫn hơn nhiều.

Wanderlust-Tips-7-dac-san-an-quen-loi-ve-o-Ha-Giang 1
2. Rêu nướng

Là một món ăn độc đáo của người Tày tại Hà Giang, rêu nướng có hương vị rất riêng. Để có món rêu nướng ngon, người Tày thường lựa chọn những đám rêu non nhất, rồi khéo léo tách phần nhớt phù sa bên ngoài đem trộn với một số loại gia vị như muối, mì chính, lá mùi tàu… sau đó gói chặt lại và dùng 2 chiếc que kẹp chặt 2 đầu cho lên bếp than nướng.

Wanderlust-Tips-7-dac-san-an-quen-loi-ve-o-Ha-Giang 3

Khi nướng thì lật đều tay 2 mặt để rêu chín đều, đến khi nắn thấy rêu mềm và dậy mùi thơm thơm là ăn được. Rêu nướng không chỉ là món ăn được nhiều đồng bào dân tộc ưa thích, mà còn có khả năng chữa nhiều bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng. Với hương vị lạ miệng và nhận được nhiều sự yêu thích của du khách, rêu nướng đã trở thành đặc sản Hà Giang nổi tiếng, giúp làm phong phú hơn những món ăn đặc sản quê hương của nơi đây.

Wanderlust-Tips-7-dac-san-an-quen-loi-ve-o-Ha-Giang 4

3. Cháo Ấu Tẩu (cháo đắng)

Đêm mùa đông lạnh lạnh, lang thang ở thị xã Hà Giang, kiếm một góc quán và gọi món cháo ấu tẩu. Đủ các cung bậc mùi vị trong một bát cháo nhỏ: với mùi thơm lôi cuốn của gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ thơm được trồng trên nương nấu nhuyễn, vị bùi của củ ấu được ninh kỹ và nước hầm chân giò béo ngậy, mùi lá thơm, lá gia vị.

Nấu được bát cháo ấu tẩu quả thực không hề đơn giản. Củ ấu sau khi ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm rồi đem hầm trong vòng 4 tiếng. Gạo nếp cái hoa vàng được trộn với gạo tẻ thơm nấu nhuyễn trong nước hầm xương chân giò và bột củ ấu. Thêm chút thịt nạc băm nhỏ, chút gia vị phụ thêm nữa. Cháo khi ăn có vị đắng nên nhiều người gọi là cháo đắng.

Cháo ấu tẩu không chỉ là món ăn đơn thuần, mà còn là vị thuốc bổ giải cảm. Mùa đông lạnh giá ở miền núi được ngồi trong không gian hàng quán ấm áp và thưởng thức món cháo ấu tẩu thì còn gì tuyệt vời bằng.

Wanderlust-Tips-7-dac-san-an-quen-loi-ve-o-Ha-Giang 6

4. Thắng cố

Nhắc đến Thắng cố là người ta thường nghĩ ngay đến đặc sản của người Mông ở Hà Giang. Được chế biến từ nội tạng và xương trâu, bò rồi được ninh kỹ với các loại thảo quả và gia vị đặc trưng của miền núi nên có vị bùi và khác lạ….tuy thắng cố không hấp dẫn du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng với những ai sành ăn thì món ăn này vẫn để lại ấn tượng khó quên.

Thông thường, món thắng cố thường xuất hiện trong những phiên chợ vùng cao. Khi thưởng thức thắng cố nên ngồi xổm và tụ tập nhiều người cùng uống cạn ly rượu ngô mới có thể cảm nhận được hết hương vị của món ăn đặc biệt này.

4.

5. Thịt trâu gác bếp

Từ bao đời nay, thịt trâu gác bếp đã trở thành món ăn không thể thiếu và là đặc sản Hà Giang mà du khách không thể bỏ qua khi đến đây.

Cách chế biến thịt trâu gác bếp không khó, nhưng cũng khá mất công. Người làm thường cắt những mảng thịt to, chọn miếng thăn, bắp ở vai, lưng con trâu, bò hoặc lợn, lóc các thớ thịt ra thành từng miếng hình con chì. Sau đó họ lại thái dọc thớ, ướp ớt, muối, gừng, nước lá rừng, đặc biệt không thể thiếu lá mắc khén (một loại hạt tiêu rừng) và treo lên gác bếp hun khói cho óng đen, quắt khô để bảo quản.

Trong một ngày se lạnh, thú vị hơn cả là cảm giác ngồi quây quần bên bếp lửa uống ngụm rượu ngô cay lâng lâng và nhấm nháp một vài sợi thịt trâu dai dai để cảm nhận vị khói bếp đậm, ngọt, cay, thơm trên từng thớ thịt.

Wanderlust-Tips-7-dac-san-an-quen-loi-ve-o-Ha-Giang 8

6. Cơm lam Bắc Mê

Cơm lam Bắc Mê được làm từ gạo nếp nương nên vừa thơm vừa dẻo. Trước khi nướng cơm lam, người Bắc Mê sẽ chọn loại ống đựng gạo bằng nứa hoặc trúc vừa qua tuổi măng, vừa không già lại cũng không non. Sau đó, cho gạo vào ống trúc đã cắt dài hơn một gang tay. Cho vào ống khoảng 3 phần nếp, 2 phần nước lạnh và thêm một chút muối để cơm đậm đà hơn. Cuối cùng đậy kín miệng ống bằng lá chuối đã hơ se và đặt trên bếp lửa.

Sau khi nướng chín đều trên bếp củi đợm than hồng thì mang ra bóc sao cho cái màng lụa mỏng màu trắng ngà ở phía bên trong ống cây bám dính vào cơm. Ăn cơm lam với muối vừng sẽ rất tuyệt vừa ngon vừa bùi lại có mùi thơm của gạo nếp hòa quyện cùng mùi thơm của muối vừng tạo nên 1 sức hấp dẫn vô cùng lớn với các du khách.

Wanderlust-Tips-7-dac-san-an-quen-loi-ve-o-Ha-Giang 9

7. Lợn quay cắp nách

Lợn cắp nách có tên gọi rất đặc biệt mà ai cũng tò mò không biết cái tên đó sinh ra như thế nào. Sở dĩ chúng được gọi như vậy vì thân hình của con lợn này khá bé mà người dân khi bắt hay để ôm thọt vào người hay treo dưới nách.

Không giống như loại lợn khác ở miền xuôi, do thói nuôi thả dông mà khiến chúng bé nhỏ và thịt của chúng nạc. Vì vậy, lợn cắp nách có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau được ưa chuộng như: nướng, hấp, luộc…nhưng ngon nhất phải kể đến là món quay.

Lợn được làm sạch, tẩm ướp rồi để nguyên con rồi đem quay trên than hồng. Miếng thịt mỏng tang, từ ngoài vào trong chỉ có một lớp bì ròn tan, rồi đến một lớp thịt nạc thật mềm, ngọt lịm, dày không đến 2 cm; và trong cùng là xương, thường là cũng rất nhỏ và mềm, ăn được luôn nếu không phải là xương ống. Thịt lợn quay cắp nách nhâm nhi với rượu táo mèo Sa Pa thì quả là một món ăn quên cả lối về.

Wanderlust-Tips-7-dac-san-an-quen-loi-ve-o-Ha-Giang 10

Ảnh: Sưu tầm

TT (tổng hợp) | Wanderlust Tips