8 món ngon khó cưỡng khi du lịch Sa Pa
- 24/03/2016
- ẨM THỰC VIỆT NAM
- ẩm thực Sa Pa, du lịch Sa Pa, Editor picks, món ngon ở Sa Pa, Sa Pa, đặc sản Sa Pa
(#wanderlusttips) Là một thành phố du lịch, Sa Pa không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp bồng bềnh của những lớp sương mù mà còn hút khách bởi nền ẩm thực phong phú, từ du nhập cho đến ẩm thực địa phương… Dưới đây là 8 món ăn chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách và để lại ấn tượng khó quên.
[rpi]
1. Đồ nướng
Những xiên đồ nướng đủ màu sắc tỏa hương thơm hấp dẫn là điều đầu tiên mà du khách nghĩ đến khi du lịch Sa Pa. Dường như ở Sa Pa bất kỳ món gì cũng có thể trở thành nguyên liệu của món nướng, từ rau củ, ngô khoai đến trứng, thịt, cá, chim…
Đồ nướng ở Sa Pa rất đặc biệt và khác hoàn toàn với đồ nướng ở những nơi khác, bởi nó được tẩm ướp và nướng cùng các loại rau rừng, gia vị chỉ người vùng cao mới có. Hãy đến phố Hàm Rồng vào buổi tối để thưởng thức những xiên nướng đặc biệt ở đây nhé.
2. Cá hồi
Cá hồi ở đây có vị ngon đậm đà, thịt có màu hồng đẹp, giá trị dinh dưỡng cao. Cá hồi Sa Pa có thớ săn, không có mỡ, chất lượng không thua kém cá hồi nhập khẩu, rất thích hợp để chế biến thành nhiều món khác nhau như: gỏi, lẩu, cháo, cá hồi nướng, trứng cá hấp, cá hun khói, cá hồi tẩm sốt cam và tiêu xanh, cá hồi nhồi dưa chuột…
3. Món cá suối
Sa Pa không những là vùng đất nổi tiểng bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ trong lành, mà còn là nơi có nhiều món ăn mang đậm hương vị núi rừng được nhiều du khách đặc biệt ưa thích. Trước hết phải kể đến món cá từ suối Mường Hoa, Mường Tiên mang lên bán phố chợ. Cá suối có nhiều loại. Cá trắng thân dẹt, tựa cá mương. Cá đen có dáng như cá chiên, nheo, màu đen lẫn với rêu đá. Điều đáng nói là cá suối không hề có vị tanh. Ngoài ra còn phải kể thêm cá hoa, cá bống… Ăn cá suối chỉ việc nướng chín trên than củi, rồi ăn nóng ngay hoặc nướng qua, đem rán ròn rồi chiên với nước sốt cà chua cùng gia vị bột cà ri, bột hồ tiêu là trên mâm cơm đã có một món ăn ngon lành.
4. Thắng cố
Đây là món ăn đặc trưng truyền thống của người Mông. Thịt nấu “thắng cố” được chế biến từ thịt bò, thịt trâu, thịt ngựa và thịt lợn. Các bộ phận như: lòng, tim, gan, tiết, thịt, xương được cho vào chảo nước đun nhừ, có thể cho thêm các loại rau. Khi ăn, chảo vẫn để trên bếp đun, ăn đến đâu múc ra bát đến đó. Đây là món ăn thường được làm vào các ngày lễ hội, lễ ăn thề bảo vệ rừng, những ngày có đông người như hội làng, dòng họ, hay ở chợ phiên.
5. Cải mèo chấm trứng xì dầu
Cải mèo là một loại rau đặc sản ở nơi đây. Cải có thể dùng để ăn lẩu, nấu canh, xào lòng gà nhưng ăn luộc chấm mắm dầm trứng vừa bình dị mà lại giữ được nhiều hương vị của cây cải mèo Sa Pa nhất.
6. Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp từ lâu đã được coi là món ăn đặc sản thường thấy trong bữa ăn của người Mông. Món thịt này thường được làm từ bắp của những chú trâu, bò thả rông trên các vùng núi đồi.
Khi làm món này, người ta thường lọc các thớ thịt ra thành từng miếng kiểu con chì và thái dọc thớ, rồi hun bằng khói của than củi từ các núi đá. Khi thưởng thức, bạn có thể cảm nhận được với ngon ngọt, bùi bùi cùng với mùi khói gần như vẫn còn nguyên, song lại không gây khó chịu.
7. Thịt lợn quay cắp nách Sa Pa
Thịt lợn quay cũng là món ngon mà du khách không nên bỏ qua. Những miếng thịt non mềm, thơm và ngọt, không ngấy; phần bì vàng óng, giòn tan được tẩm ướp gia vị kỹ càng, đậm đà và nhấm nháp cùng với chút rượu sẽ làm bạn “phải lòng” món ăn này ngay từ miếng đầu tiên. Phổ biến nhất là thịt quay ăn cùng nước chấm pha chế từ lá nhội, hạt dổi, muối và ớt xanh.
8. Cơm lam
Cơm lam Sa Pa được làm từ gạo nếp hương nên vừa thơm vừa dẻo. Trước khi nấu cơm lam, người Sa Pa sẽ chặt một đoạn trúc hay nứa để thông mắc và rửa sạch. Nứa, trúc được chọn phải là loại vừa qua tuổi măng, vừa không già lại cũng không non. Sau đó, cho gạo vào ống trúc đã cắt dài hơn một gang tay. Cho vào ống khoảng 3 phần nếp, 2 phần nước lạnh và thêm một chút muối để cơm đậm đà hơn. Cuối cùng đậy kín miệng ống bằng lá chuối đã hơ se và đặt trên bếp lửa.
Sau khi nướng chín đều thì mang ra bóc sao cho cái màng lụa mỏng màu trắng ngà ở phía bên trong ống cây bám dính vào cơm. Ăn cơm lam với muối vừng sẽ rất tuyệt vừa ngon vừa bùi lại có mùi thơm của gạo nếp hòa quyện cùng mùi thơm của muối vừng tạo nên 1 sức hấp dẫn vô cùng lớn với các du khách.
https://www.youtube.com/watch?v=Eyy_yHPvsn0
Trang Tran | Wanderlust Tips
Leave A Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.