Tò he – đồ chơi dân gian tuổi thơ được tái hiện sống động trên phố đi bộ

Cứ mỗi dịp cuối tuần, người dân và du khách lại thấy những quầy tò he nhiều màu sắc xuất hiện trên phố đi bộ Hồ Gươm, đem đến cho nơi này một luồng gió mới của nét văn hóa truyền thống tưởng chừng đã mai một.

[rpi]

wanderlust tips di san thanh nha ho mien phi tham quan trong dip tet nguyen dan 2018 6

Đã từ lâu, tò he được biết đến như là một thứ đồ chơi dân gian quen thuộc của trẻ em Việt Nam. Những tác phẩm sinh động, đầy màu sắc, mộc mạc, mang đầy nét hoài cổ, nhưng tươi vui rạng rỡ, lạc quan như trẻ nhỏ. Tò he không những ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt, mà còn đi vào thơ ca về những gì đặc sắc nhất của nền văn hoá Bắc Bộ, như trong bài đồng dao:

Tò he cụ bán mấy đồng?
Con mua một chiếc cho chồng con chơi.
Chồng con đánh hỏng thì thôi,
Con mua chiếc khác con chơi một mình.

wanderlust tips di san thanh nha ho mien phi tham quan trong dip tet nguyen dan 2018 5

Cũng không ai biết chính xác tò he có từ bao giờ nhưng tương truyền rằng một trong những nơi khởi nguồn của nghề nặn tò he là làng Xuân La, thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Theo lời của những nghệ nhân cao tuổi, ban đầu, người ta gọi tò he là đồ chơi chim cò: các con công, gà, lợn, cá, trâu, bò… những con vật gần gũi với đời sống của cư dân nông nghiệp; Nhưng về sau, sản phẩm thường được gắn với một chiếc kèn ống sậy, đầu kèn có dính kẹo mạch nha, nguyên liệu làm bằng bột gạo hấp chín, màu sắc tươi rói và có nhiều chủng loại. Kèn có thể phát ra một thứ âm thanh hấp dẫn, khi thổi lên có tiếng kêu ngắt quãng tò… te… tò… te. Có lẽ vì thế người ta gọi là “tò te”, sau nói chệch thành “tò he”.

wanderlust tips di san thanh nha ho mien phi tham quan trong dip tet nguyen dan 2018 11

Một loại sản phẩm khác không thuộc loại chim cò mà là các mâm bồng như: nải chuối, đĩa xôi, chân giò, quả cau, quả hồng, quả oản… để phục vụ cho các bà, các cô đi lễ chùa vào các ngày rằm, mồng một có màu sắc đẹp. Sản phẩm tương đối giống đồ thực và pha thêm chút đường có thể ăn được nên trẻ con và người lớn đều thích, thường gọi là bánh vòng hoặc “con bánh”.

wanderlust tips di san thanh nha ho mien phi tham quan trong dip tet nguyen dan 2018 1 1

Ðể nặn ra tò he chỉ cần những nguyên liệu rất đơn giản, gần gũi với cuộc sống nông dân. Ðó là những sản phẩm nông nghiệp do chính bàn tay họ làm ra như: bột gạo, phẩm màu, que tre.

Bột làm tò he có rất nhiều màu, trong đó có bốn màu cơ bản là vàng, đỏ, đen, xanh. Trước đây, người ta sử dụng màu có nguồn gốc từ thực vật và đun sôi với một ít bột: màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc hoặc dành dành, màu đen thì đốt rơm rạ hoặc dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng… Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này. Bây giờ, màu thực phẩm công nghiệp được sử dụng vì tiện lợi hơn.

wanderlust tips di san thanh nha ho mien phi tham quan trong dip tet nguyen dan 2018 3

Đã có một thời gian, nghề làm tò he truyền thống này tuởng chừng như bị mai một do không cạnh tranh nổi với nhưng món đồ chơi nước ngoài. Đặc biệt là đồ chơi Trung Quốc vừa rẻ, bền đẹp lại đa dạng về mẫu mã, màu sắc. Cho dù các nghệ nhân nặn tò he vẫn rong ruổi trong các phiên chợ quê, trong các ngõ xóm, phố phường để sống và giữ nghề tổ tiên nhưng loại hình đồ chơi dân gian này dường như vẫn ngày càng trở nên nhạt nhòa trong dòng thời gian.

Tuy nhiên, từ ngày có phố đi bộ Hồ Gươm (1/9/2016), UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã dành cho các nghệ nhân một vị trí rất đẹp để bày bán tò he. Bên cạnh những trò chơi dân gian như ô ăn quan, nhảy dây, kéo co… thì hình ảnh những chiếc tò he nhiều màu sắc cũng góp phần đưa mọi người về với hành trình kí ức tuổi thơ.

wanderlust tips di san thanh nha ho mien phi tham quan trong dip tet nguyen dan 2018 8

wanderlust tips di san thanh nha ho mien phi tham quan trong dip tet nguyen dan 2018 13

Những chiếc tò he ngày nay dường như cũng “hòa nhịp” với cuộc sống đương đại. Bên cạnh những hình các con vật như rồng, ngựa hay hình người là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới… thì sản phẩm dưới bàn tay các nghệ nhân hôm nay còn là những biểu tượng trong các trò chơi, phim ảnh, truyện tranh như tò he thủy thủ mặt trăng, siêu nhân, Doremon, ông già Noel, Songoku, Pokemon, người nhện…

Nghệ nhân Đặng Văn Khương, hiện đang nặn và bán tò he trên phố đi bộ Hồ Gươm chia sẻ: “Tôi là người làng Xuân La – ngôi làng mà đến 80% những người trong làng đều biết nặn tò he. Kể từ khi có phố đi bộ Hồ Gươm và có chỗ ngồi cố định thì tôi mới lên đây bán, trước đó, tôi chỉ bán ở các công viên, trường học để có thêm thu nhập và giữ nghề truyền thống của làng mình. Vào những hôm trời ấm áp, khách đông, có khi 12h đêm tôi mới về nhà.”

wanderlust tips di san thanh nha ho mien phi tham quan trong dip tet nguyen dan 2018 10
Nghệ nhân Đặng Văn Khương

Bên cạnh việc bán tò he, các quầy nhỏ này còn bán nguyên liệu cho khách hàng tự ngồi nặn theo ý mình. Mỗi đĩa nguyên liệu tò he có giá 20.000VND, gồm các màu cơ bản, đủ để nặn vài chiếc tò he. Những quầy hàng này thu hút rất nhiều các em nhỏ tuổi. Những con vật ngồ ngộ, đáng yêu, những bông hồng với đủ màu sắc xanh đỏ dù chưa rõ hình thù, đường nét còn gồ ghề nhưng nó toát lên sự ngộ nghĩnh, đáng yêu, sự trong sáng của trẻ thơ, khiến các em thêm hiểu và cảm nhận rõ hơn giá trị của món đồ chơi dân gian này.

wanderlust tips di san thanh nha ho mien phi tham quan trong dip tet nguyen dan 2018 7

wanderlust tips di san thanh nha ho mien phi tham quan trong dip tet nguyen dan 2018 4

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Tính – một người mẹ trẻ đã đưa con mình từ Hà Đông lên phố đi bộ Hồ Gươm để nặn tò he cho biết: “Vào những ngày thứ 7, chủ nhật mình thường đưa bé lên phố đi bộ. Ở đây, có không gian rộng, nhiều người nên bé cũng vui hơn, thêm nữa là bé còn được tham gia các trò chơi truyền thống. Bé nhà mình 5 tuổi, lần nào lên đây cũng thích nhất là nặn tò he và chơi ô ăn quan.”

wanderlust tips di san thanh nha ho mien phi tham quan trong dip tet nguyen dan 2018 9
Chị Nguyễn Thị Tính và con mình đang tập nặn tò he.

Tò he từ lâu đã không còn chỉ là một thứ đồ chơi dân gian mang đậm hồn dân tộc, mà còn được xem như những tác phẩm nghệ thuật. Mặc dù không sử dụng được lâu, chỉ giữ được trong khoảng từ 10 đến 30 ngày (tuỳ thuộc vào tay nghề của thợ nặn, thời tiết và cách bảo quản) nhưng thú chơi dân gian này vẫn nhận được sự yêu thích của không chỉ người Việt mà còn của cả rất nhiều du khách nước ngoài. Ở Hà Nội, bạn có thể đến phố đi bộ Hồ Gươm vào dịp cuối tuần nếu muốn tìm hiểu và tận tay nặn thử những chiếc tò he xinh xắn cho riêng mình.

wanderlust tips di san thanh nha ho mien phi tham quan trong dip tet nguyen dan 2018 12

TH & VL | Wanderlust Tips | Cinet