Kinh nghiệm du lịch bản Cát Cát, Sa Pa
Sa Pa là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách bởi vẻ đẹp vừa hùng vĩ của núi đèo lại vừa thơ mộng bởi cảnh sắc thiên nhiên, mây trời. Đến Sa Pa, các bạn đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá bản làng được mệnh danh “đẹp nhất vùng núi cao Tây Bắc” – bản Cát Cát.
[rpi]
ĐƯỜNG ĐẾN BẢN CÁT CÁT
Bản Cát Cát là địa bàn sinh sống chủ yếu của người H’Mông. Nơi đây được biết đến với những nét văn hóa độc đáo cùng vẻ đẹp thanh bình, tĩnh lặng giữa đất trời Tây Bắc. Bản Cát Cát tọa lạc ngay dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn và chỉ cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 3km theo đường hướng về phía đỉnh Fansipan.
Nếu muốn, bạn cũng có thể đi bộ để có thể thỏa sức tận hưởng khung cảnh thiên nhiên hữu tình của Sa Pa và tận hưởng không khí trong lành nơi đây. Hoặc không bạn cũng có thể chọn đi xe ôm hoặc taxi. Giá xe ôm dao động trong khoảng từ 30.000 – 50.000đ. Giá taxi thì tương đối cao, khoảng 100.000đ.
THỜI ĐIỂM
Mỗi mùa trong năm, bản Cát Cát đều có những vẻ đẹp riêng biệt. Nhưng khoảng thời gian thích hợp nhất để đến Cát Cát là từ tháng 3 đến tháng 11. Đây là thời điểm là bản có khí hậu ôn hòa, không mưa nhiều và thuận lợi để du khách khám phá bản làng. Nếu bạn đến đây vào những ngày cuối xuân đầu hạ (tháng 4-5), bạn có thể thấy một bản Cát Cát khoác trên mình một tấm áo xanh mơn mởn. Vào tháng 9, tháng 10 thì những thửa ruộng bậc thang lại thay một màu vàng rực rỡ, hòa với mùi thơm của mùa lúa mới.
KHÁM PHÁ BẢN CÁT CÁT
Trải nghiệm cuộc sống của người H’Mông
Đến bản Cát Cát, du khách đừng quên trải nghiệm sống cuộc sống của người H’Mông. Tại đây, có khoảng 80 hộ dân người H’Mông sinh sống nên sẽ là cơ hội tốt để bạn có thể khám phá cuộc sống, phong tục tập quán và những nét độc đáo trong văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo người H’Mông. Bạn cũng có thể thuê trang phục người H’Mông để hòa mình vào những tiếng khèn, tiếng trống và những điệu múa đặc trưng của người bản xứ. Giá của một bộ trang phục rơi vào khoảng 30.000 – 50.000đ.
Thăm dòng thác Tiên Sa
Du khách muốn tới được Tiên Sa phải đi qua cây cầu Si được bắc ngang qua dòng suối thơ mộng. Thác Tiên Sa được hiện lên với bọt nước trắng xóa. Âm thanh thác đổ hòa vào núi non bao trùm đại ngàn mang tới cảm giác thư thái và dễ chịu.
Uống rượu ngô
Ở Sa Pa nói chung và Cát Cát nói riêng, rượu ngô rất phổ biến và thường được gọi là “nước hạnh phúc”. Ngô được đun sôi trong nước nóng một thời gian dài cho đến khi các hạt bị tách ra khỏi trái. Sau đó, những hạt này sẽ được làm mát và trộn lẫn với nấm, rồi đem đi lên men. Quá trình lên men thường kéo dài khoảng sáu ngày.
Tìm hiểu quy trình chế tác đồ bạc và kỹ thuật nhuộm màu chàm
Người dân tộc H’Mông tại đây có nghề chế tác đồ đạc bằng bạc, bằng đồng từ nhiều thế kỷ. Do đó, du khách có thể tìm hiểu quy trình chế tác đồ đạc và chứng kiến các nghệ nhân trong vùng chạm khắc đồ đạc tinh xảo. Các sản phẩm chạm bạc của người H’Mông rất phong phú, nhất là những món đồ trang sức dành riêng cho phụ nữ.
Ngoài ra, du khách có thể tìm hiểu kỹ thuật nhuộm chàm. Cây gai dầu, cây bông và vải lanh được lấy từ rừng và sử dụng may thành những bộ quần áo, còn lụa từ tằm được dùng để thêu. Màu vàng từ nghệ, màu đen từ lá rừng, màu đỏ và nâu từ vỏ cây, và màu xanh từ lá chàm tạo nên màu sắc áo trông rất mát mắt.
ẨM THỰC
Dân bản Cát Cát có rất nhiều món ăn được chế biến khá độc đáo, nhận được nhiều sự yêu thích của khách du lịch như món thắng cố, thịt hun khói khăng-gai, tiết canh gà, nhái nấu măng, bánh ngô, món đậu xị…
MUA SẮM
Trước khi chia tay bản Cát Cát, bạn nên ghé thăm khu chợ trung tâm ở bản để mua những món đồ trang trí, đồ lưu niệm về làm quà cho bạn bè và người thân. Ghé qua đây, bạn sẽ được thấy cơ man những sản phẩm thủ công đặc sắc như chiếc khăn thổ cẩm đầy tinh tế, chiếc lắc tay bạc cầu kỳ…
Wanderlust Tips | Cinet