Dạo bước Hồng Kông qua những cuốn phim nổi tiếng

[Wanderlust Tips 04/2019] Mang danh Hollywood phương Đông một thuở, Hồng Kông tựa như một phim trường khổng lồ. Mỗi ngóc ngách của thành phố cảng xinh đẹp này, từ những ngõ hẻm bí xíu ra đại lộ thênh thang, từ chung cư cổ điển tới tòa nhà hiện đại, nơi đâu cũng in hằn vết tích của nhiều thước phim nổi tiếng.

[rpi]

Tôi biết tới Hồng Kông từ hồi bé tí, khi tiếng Việt còn ngọng nghịu và ý thức về chuyện du lịch bên ngoài thành phố nơi tôi sống là gần như bằng không. Những năm 1990 hồi ấy, người Hà Nội mê nhất là xem phim truyền hình TVB và phim điện ảnh Hồng Kông, thông qua những cuốn băng VHS thuê ngoài tiệm. Ấu thơ ngây ngốc, tôi không hiểu hết nội dung phim, nhưng chẳng ngờ, nhiều đoạn phim, nhiều chân dung nhân vật cứ nhập vào trí nhớ tôi một cách tự nhiên, êm ái, để nhiều năm tháng sau này, tôi bất chợt nhớ đến trong một khoảnh khắc nào đó.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Dạo bước Hồng Kông qua những cuốn phim nổi tiếng

Yêu phim Hồng Kông và say mê những chuyến đi trải nghiệm, tôi ấp ủ nhiều năm cho một chuyến phiêu lưu đi tìm những bối cảnh từng xuất hiện trong các bộ phim tôi yêu thích. Có nơi tôi tự ghi nhớ từ lúc xem, có nơi tôi tìm hiểu qua những bài viết trong sách báo. Tôi mường tượng trong đầu rằng, hành trình này sẽ đầy ắp hạnh phúc nhưng không kém phần “hành xác”, bởi mỗi ngày sẽ tốn của tôi nhiều giờ đi bộ, tìm tòi, len lỏi vào những góc nhỏ không thuộc phạm trù thắng cảnh du lịch điển hình. Vả lại, ít bạn bè nào đủ cuồng phim Hồng Kông để sẵn sàng “điên” hết cỡ cùng tôi. Vậy nên, tôi quyết định kéo vali ra sân bay một mình.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Dạo bước Hồng Kông qua những cuốn phim nổi tiếng

TIÊM SA CHỦY: THÁNH ĐỊA CỦA TÌNH YÊU, TRUNG TÂM VĂN HÓA HAY HANG Ổ CỦA THẾ GIỚI NGẦM

Trong chuyến du lịch nước ngoài một mình đầu tiên này, tôi chọn thuê phòng dorm (tập thể) trong một hostel tại Chungking Mansions (khu chung cư Trùng Khánh). Ngoài chuyện hệ thống hostel ở đây dày đặc, giá rẻ bình dân, còn có một lý do quan trọng không kém, đó là bởi phim điện ảnh “Chungking Express” (Trùng Khánh Sâm Lâm) tôi yêu thích từng quay ở đây.

Cổng chính của Chungking Mansions nằm trên con đường Nathan – trục đường lớn nối liền Tiêm Sa Chủy với mấy khu trung tâm sầm uất của đảo Cửu Long như Vượng Giác, Du Ma Địa… Không chỉ trở thành cảm hứng cho tựa phim “Chungking Express”, tòa nhà còn là bối cảnh chính cho nửa đầu của phim – nơi diễn ra cuộc gặp gỡ chẳng đầu chẳng cuối, tình cờ, chóng vánh, lơ đãng, mơ màng, thậm chí chẳng kịp hỏi tên nhau giữa chàng cảnh sát thất tình do Kim Thành Vũ đóng và người phụ nữ kỳ bí do Lâm Thanh Hà vào vai.

Chungking Mansions hiện diện trong phim dưới ánh sáng nhập nhoạng, ám khói thuốc và hầu như không thoát khỏi các cuộc rượt đuổi gay cấn: cảnh sát bắt giữ tội phạm và những thành phần thuộc thế giới ngầm cũng truy sát lẫn nhau. Lúc ra mắt phim này ở LHP Venice năm 1994, đạo diễn Vương Gia Vệ thú nhận, ông chọn Chungking Mansions bởi sự thân thuộc từ những hồi ức ngày thơ bé. Thuở nhỏ, vị đạo diễn tên tuổi này sống ở gần đây. Mẹ ông từng cấm con trai ra vào tòa nhà mà phải tới tuổi thiếu niên, ông mới dần hiểu được sự bất an và phức tạp của nó.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Dạo bước Hồng Kông qua những cuốn phim nổi tiếng

Giống như bộ phim “Chungking Express” đã tái hiện và cũng đúng như đôi lời sẻ chia của Vương Gia Vệ, tòa nhà Chungking ở ngoài đời cao lớn sừng sững từ góc nhìn bề ngoài, nhưng quá chật chội khi bước vào bên trong. Tòa nhà chia làm vài phân khu (block) với các thang máy phục vụ riêng. Vậy mà, hàng người xếp hàng trước mỗi cửa thang chẳng bao giờ ngắn lại, mỗi chiếc thang bé tẹo chẳng bao giờ thôi cảnh chen chúc.

Ở thời điểm hiện giờ, toàn bộ nhà trong Chungking Mansions đều được kinh doanh làm nhà nghỉ, khách sạn giá rẻ. Các căn hộ bé tin hin xếp sát nhau dọc các hành lang hẹp, người đan như nêm. Không khí ở đây, với người thích sôi động thì là đông vui, với người ưa thoải mái thì trở thành nhộn nhạo. Dân sống ở Chungking Mansions người bản địa thì ít, người nhập cư thì nhiều. Nhìn tướng mạo, tôi đoán họ đến từ Ấn Độ, Phillippines hoặc khu vực Tây Nam Á. Người khá giả kinh doanh phòng ở. Dân nghèo làm bốc vác cho các cửa hàng, doanh nghiệp xung quanh. Còn một bộ phận trung lưu thì mở kios bán hàng ở sảnh tầng trệt, chỗ này giống như một khu chợ trời trong nhà với đủ thứ mặt hàng được bày bán la liệt, từ trái cây, đồ ăn vặt, đồ dùng gia đình, đồ điện tử giá rẻ cho tới các sản phẩm khiến nhiều người phải “đỏ mặt” như sex toy, tạp chí người lớn…

Trước cửa Chungking Mansions và một vài đoạn phố lân cận, thi thoảng tôi bắt gặp những anh chàng da đen mặc vest chỉnh tề, xức nước hoa mang mùi nồng đặc trưng. Họ liên tục kéo tay các cô gái đi dạo trên phố và miệng không ngừng nói ba từ “I love you”. Tôi không chắc, nhưng có vẻ đó là mấy anh làm nghề trai bao hoặc ma cô cho hoạt động ở phố “đèn đỏ”.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Dạo bước Hồng Kông qua những cuốn phim nổi tiếng

Thật lòng, khi mới bước vào Chungking Mansions, tôi thoáng rùng mình và e sợ. Tính tôi không quen chốn ồn ào, lại sẵn nghe không ít vụ án liên quan tới người gốc Ấn, vì vậy tôi bắt đầu tự dọa mình bằng nhiều bất trắc có thể xảy ra trong gần một tuần lưu lại tại đây. Cô Pauline – người bạn vong niên tôi quen qua Instagram tỏ ra ái ngại khi hay tin tôi thuê trọ ở Chungking Mansions. Trong khi Juno – một cậu bạn trạc tuổi người Hồng Kông, vào hai hôm đi chung, luôn nhất quyết đưa tôi về đến tận cửa, nhìn tôi bước vào thang máy mới yên tâm bắt tàu về nhà. Họ bảo, chỗ này người Hồng Kông còn ngại, huống hồ con gái một thân một mình, lạ nước lạ cái như tôi. Thật may, hành trình của tôi trôi qua êm đẹp.

An ninh của Hồng Kông hiện giờ rất tốt, không còn nhiễu loạn khôn lường như lúc trước. Và thực chất, nhóm dân nhập cư ở Chungking Mansions chẳng đáng sợ như tôi tự dọa mình. Có điều, nỗi sợ ban đầu cũng có cái hay của nó, bởi xem như tôi được trải nghiệm phần nào thứ không khí bí ẩn mà Vương Gia Vệ vẽ nên trong phim “Chungking Express”. Nhịp sống xô bồ, phóng khoáng ở nơi đây mang đến cho tôi thêm một diện mạo của Hồng Kông, ngoài hình ảnh hiện đại hào nhoáng như các nhà quảng bá du lịch vẫn đóng đinh cho nơi này, và song song với vẻ cổ điển diễm tình mà tôi bị mê hoặc qua các thước phim. Chưa kể, vì tập trung đông đúc du khách toàn cầu đổ về Hồng Kông, Chungking Mansions còn kết nối tôi với nhiều người bạn quốc tế rất đáng mến.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Dạo bước Hồng Kông qua những cuốn phim nổi tiếng

Từ Chungking Mansions, tôi mất vài phút tản bộ để ra đến Cảng Victoria và Đại Lộ Ngôi Sao. Không biết có phải vì cảnh sắc vừa sang chảnh vừa hữu tình hay không, mà hai địa điểm này hay được chọn làm nền cho nhiều câu chuyện tình trong phim TVB. Từ hẹn hò mật ngọt tới chia tay đẫm nước mắt, các cặp đôi trên phim vẫn thường ghi dấu tình yêu của mình ở nơi đây. Tuy vậy, thi thoảng các đạo diễn vẫn sáng tác “lạc điệu” một chút, chọn nơi này làm bối cảnh cho những cuộc truy bắt tội phạm của lực lượng cảnh sát. Có lẽ, sự bất cập trị an của Tiêm Sa Chủy giai đoạn trước 1997 ít nhiều còn ám ảnh người Hồng Kông, đưa dải đất này trở thành vừa là thánh địa tình yêu, vừa là hang ổ thế giới ngầm trong muôn vàn tác phẩm điện ảnh – truyền hình.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Dạo bước Hồng Kông qua những cuốn phim nổi tiếng

DU MA ĐỊA: SỞ CẢNH SÁT THƯƠNG HIỆU, CHỢ TRÁI CÂY LỚN NHẤT THÀNH PHỐ VÀ VẾT TÍCH CỦA HỒNG KÔNG DÂN DÃ XA XƯA

Dù trên màn ảnh lớn hay nhỏ, phim Hồng Kông cũng đều tạo thương hiệu lớn nhất với thể loại hình sự. Thường thì cảnh sát của xứ này lưu lại trong trí nhớ của người hâm mộ Việt với chân dung oai phong khi mặc quân phục, bảnh bao khi vận thường phục, trí tuệ lúc phân tích án và dũng mãnh trong những lần truy quét tội phạm. Câu thoại “Xin chào. Chúng tôi đến từ đội trọng án Tây Cửu Long. Mời anh theo chúng tôi về sở hỗ trợ điều tra. Anh có quyền giữ im lặng, nhưng những gì anh nói sẽ là bằng chứng trước tòa” trở nên đặc trưng, khiến người yêu phim thuộc làu. Địa danh sở cảnh sát Tây Cửu Long cũng vì thế mà trở nên thân thuộc. Là fan ruột của phim Hong Kong, chẳng có lý gì tôi lại bỏ lỡ điểm đến này trong chuyến đi của tuổi trẻ.

Mặc dù tồn tại thực sự ở ngoài đời, sở cảnh sát Tây Cửu Long khi lên phim lại được chọn ghi hình ở một nơi khác, đó là trụ sở cũ của đội cảnh sát Du Ma Địa nằm trên đường Quảng Đông, thuộc khu Du Ma Địa. Chỉ cao ba tầng nhưng trải rộng về hai mặt tiền, tòa nhà cảnh sát tạo nên hình ảnh bệ vệ ngay khúc ngoặt của ngã tư đường phố. Kiểu dáng của tòa nhà mang sự đồng nhất với các trụ sở cảnh sát khác của Hồng Kông dưới thời Anh thuộc. Hai gam màu trắng xám – xanh lam phủ lên địa điểm vẻ nghiêm trang, trong khi kiến trúc mái vòm chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Gothic châu Âu lại mang tới vẻ mềm mại.

Khi thực hiện các cảnh quay, phần không gian bên trong sở cánh sát thường được ghi hình tại các phim trường nội cảnh, song các ngoại cảnh thì luôn được thực hiện tại phía mặt ngoài của sở cảnh sát Du Ma Địa. Điều này có thể thấy trong các phim điện ảnh kinh điển như: Vô gian đạo, Người trong giang hồ… hay loạt series danh tiếng của TVB gồm: Lực lượng phản ứng, Chuyên gia đàm phán, Học cảnh truy kích… Đội cảnh sát Du Ma Địa giờ đã chuyển đi nơi khác, tòa nhà này đã đóng cửa song tạm thời được giữ nguyên vẹn, trở thành điểm đến cho lớp lớp khán giả yêu phim Hồng Kông.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Dạo bước Hồng Kông qua những cuốn phim nổi tiếng

Từ sở cảnh sát cũ, tôi tìm đường tới chợ trái cây Du Ma Địa. Qua nhiều cuốn phim gia đình của TVB, tôi được biết đó là chợ trái cây lớn nhất Hồng Kông. Nhân vật Cao Lệ Tâm do Trương Khả Di thủ vai trong phim hài “Ông xã vạn tuế” cũng từng bán sầu riêng ở đây và được tôn sùng như “chị đại” của khu chợ này. Chợ Du Ma Địa là chợ ngoài trời, quy tụ nhiều gian hàng sát nhau, thi thoảng tạo điểm nhấn với những bức tường vẽ bích họa sinh động, rực rỡ sắc màu và thơm nức mũi đủ loại quả tính hàn, tính nhiệt.

Hồng Kông vốn khan hiếm đất trồng trọt, trái cây phần nhiều được nhập khẩu, vậy nên ngay tại nơi chủ yếu bán buôn như chợ Du Ma Địa, giá cả cũng không phải rẻ. Có chăng, chỉ là hoa quả ở đây nhiều lựa chọn và đỡ đắt hơn các khu chợ khác. Điểm gây chú ý nhất với tôi khi tới đây là, thay vì bày bán nhiều loại quả như ở Việt Nam, có những cửa hàng chuyên cung cấp duy nhất một sản phẩm. Có nhà chỉ bán toàn quýt, cả gia đình lột sạch vỏ cả thùng quýt. Tôi đoán, có lẽ họ giao cho các nhà hàng nên mới phục vụ kỹ càng tới vậy.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Dạo bước Hồng Kông qua những cuốn phim nổi tiếng

Tôi còn nhớ, không ít phim TVB từng khắc họa Du Ma Địa là khu vực dân trí thấp của Hồng Kông. Như trong phim “Bí mật tình yêu” chiếu năm 2010, vai nữ chính của Dương Di bị gia đình người yêu phản đối vì bị định kiến là dân Du Ma Địa bần hàn, học thức thấp, không môn đăng hộ đối. Dạo bước ở nơi này, tôi thêm thấm thía những cuốn phim không ngoa ngôn chút nào. Có điều, chính cái vẻ bình dân ấy làm tôi bị lôi cuốn.

Du Ma Địa thấm đẫm mùi vị cổ truyền của lối sống Hồng Kông dân dã được lưu truyền từ những thập niên xưa cũ. Không có những tòa nhà sang chảnh như ở Tiêm Sa Chủy, Trung Hoàn, Vịnh Nhỏ…, khu này chỉ toàn là chung cư, cửa hàng và tiệm ăn kiểu cũ. Phố Miếu không khi nào bớt náo nhiệt bất kể ngày đêm, với ngập tràn hàng quán lề đường, thơm phức mùi thức ăn xào nấu, nhốn nháo tiếng người cười nói, lách cách thanh âm cụng chén, cụng ly. Ở mấy đoạn phố xung quanh, người ta mở sạp xem tướng, hòa lẫn với một vài dịch vụ karaoke hè phố. Đó là lần đầu tôi được chứng kiến kiểu phục vụ này. Tivi, đầu đĩa đặt ngay trên vỉa hè, khách hàng gọi vài ba loại đồ uống và món nhắm, rồi vô tư hát chẳng ngại người qua kẻ lại.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Dạo bước Hồng Kông qua những cuốn phim nổi tiếng

Cách phố Miếu không xa, quán café Mido bền bỉ giữ gìn hình hài xưa cũ sau hơn nửa thế kỷ tồn tại. Đây là một chứng nhân đặc biệt của nền công nghiệp điện ảnh Hồng Kông thời vàng son quá vãng. Hồi thập kỷ 1950 – 1960, giới diễn viên và các nhà làm phim bản địa rất chuộng quán này, thường lui tới dùng bữa chính, uống trà chiều và gặp mặt bạn bè. Những câu chuyện đẹp đẽ của Mido truyền cảm hứng cho tôi ngay lần đầu tôi biết về quán, khi tôi lật giở cuốn sách du lịch tình cờ tìm thấy trước khi sang Hồng Kông. Và khi thực sự tới đây rồi, tôi còn phát hiện ra rằng, hai cảnh sát tham quan do Lưu Đức Hoa và Trịnh Tắc Sĩ đóng trong phim “Trùm Hương Cảng” rầm rộ năm 2017 từng gặp nhau trên tầng hai của quán café này.

Hai lần đầu tôi ghé Mido, quán đều đóng cửa. Không cam lòng từ bỏ một điểm dừng chân đáng giá trong lịch trình, tôi quyết trở lại lần thứ ba và may mắn làm sao, tôi kịp dùng bữa trưa cuối cùng ở Hồng Kông tại đây, chỉ vài giờ trước khi lên tàu sang Ma Cao. Danh tiếng của đồ ăn ngon đủ khiến Mido lấp kín bàn trong hầu hết mọi khung giờ. Chắc vì thế, chủ quán chẳng cần tu sửa hay bài trí cầu kỳ. Những chiếc bàn gỗ chữ nhật, ghế kép xoay lưng kê sát cửa sổ đúng điệu tiệm ăn, tiệm trà truyền thống hay xuất hiện trong phim. Ánh nắng nhẹ đầu thu xuyên qua rèm cửa, đậu trên những mảng tường ốp đá men xanh cũ kỹ, làm cho gian phòng bừng sáng và lấp lánh huyền diệu.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Dạo bước Hồng Kông qua những cuốn phim nổi tiếng

Hồng Kông là đại phim trường mà càng đi, tôi càng khám phá ra nhiều điểm thú vị. Không chỉ phim nội địa, phim Hollywood cũng thi thoảng kéo quân sang lấy cảnh tại đây. Cùng với Tiêm Sa Chủy, Du Ma Địa, nhiều khu dân cư của Hồng Kông đã bước từ đời vào phim với vẻ đẹp nguyên sơ, thuần khiết, mang đậm dấu ấn thực tế. Đó là sân bay quốc tế Xích Lạp Giác gắn liền với phi hành đoàn toàn trai đẹp, gái xinh của hai phần phim đề tài hàng không “Bao la vùng trời”. Đó là bến tàu Trung Hoàn – nơi ghi dấu những cuộc hội ngộ hay tiễn biệt, đôi lúc là hiện trường của các vụ tự tử, ám sát trong các bộ phim. Đó là Đại học Hồng Kông – nơi lưu giữ ký ức tình yêu tan vỡ của hai nhân vật do Lê Minh và Thư Kỳ thể hiện trong “Thành phố thủy tinh” . Đó là thang cuốn ngoài trời ở Trung Hoàn – nơi Vương Phi lén lút theo dõi anh chàng Lương Triều Vỹ cô yêu thầm trong phim “Chungking Express”…

Chuyến phiêu lưu năm ngày chẳng đủ để tôi đặt chân hết tất cả những ngóc ngách thân thương này. Giấc mộng sống trong phim qua những thắng cảnh nơi đây chỉ đành tiếp tục dành dụm cho những năm tháng kế tiếp.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Dạo bước Hồng Kông qua những cuốn phim nổi tiếng

W.TIPS

wanderlust tips ICON 8 1

THÔNG TIN CHUNG

Hồng Kông là Đặc khu hành chính, nằm trên bờ biển Đông Nam của Trung Quốc. Nơi đây từng là lãnh thổ phụ thuộc của Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland từ năm 1842 đến khi chuyển giao chủ quyền cho Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa năm 1997. Hồng Kông chủ yếu bao gồm đảo Hồng Kông, Đại Nhĩ Sơn, bán đảo Cửu Long và Tân Giới.

Tiêm Sa Chủy là một khu vực hành chính thuộc quận Du Tiêm Vượng, nằm ở phần mũi của bán đảo Cửu Long nhìn ra cảng Victoria, đối diện với đảo Hồng Kông. Đây là một trung tâm du lịch lớn của Hồng Kông với rất nhiều cửa hiệu và nhà hàng phục vụ khách du lịch, nhiều bảo tàng của Hồng Kông cũng nằm tại khu vực này.

Du Ma Địa cũng là một khu vực thuộc quận Du Tiêm Vượng trên báo đảo Cửu Long. Khu vực này phần lớn là nhà ở và các cửa hàng bán lẻ. Hàng đêm, các tiểu thương buôn bán tấp nập các loại mặt hàng như quần áo, đồ trang trí, sách đĩa ở Phố Miếu. Gần đó có một di tích nổi tiếng là Miếu Thiên Hậu được xây dựng vào năm 1876. Du Ma Địa tiếp giáp với Tiêm Sa Chủy ở phía Nam bởi đường Austin.

wanderlust tips ICON 4 1

THỜI ĐIỂM LÝ TƯỞNG

Khí hậu Hồng Kông giống hệt miền Bắc Việt Nam, chênh lệch nhiệt độ giữa hai nơi cùng một thời điểm không lớn. Các thời điểm đẹp nhất để du lịch Hồng Kông là mùa thu, mùa đông và đầu năm mới. Tuyệt đối nên tránh khoảng tháng 7 và tháng 8 vì đó là giai đoạn hay có bão.

wanderlust tips ICON 27

DI CHUYỂN

Tới Hồng Kông

Từ Việt Nam, bạn có thể bay thẳng tới sân bay Quốc tế Hồng Kông trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, Hong Kong Airlines, Cathay Pacific, Jetstar Pacific. Riêng Vietjet Air chỉ nối chuyến bay từ TP. Hồ Chí Minh tới Hồng Kông.

Trong Hồng Kông

Khi xuống sân bay, bạn nên mua ngay một thẻ Octopus. Đây được mệnh danh là chiếc thẻ thần kỳ vì có thể thanh toán khi đi 11 loại phương tiện: tàu điện ngầm (MTR), xe bus hai tầng, mini bus, xe điện, tàu biển, thuyền, tàu cao tốc…; ngoài ra có thể dùng để mua hàng tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Từ sân bay về Tiêm Sa Chủy và các khu trung tâm của Hồng Kông, bạn có thể đón xe bus hai tầng hoặc tàu điện cao tốc với tuyến tương ứng.

wanderlust tips ICON 67

TIỀN TỆ

Đơn vị tiền tệ tại đây là: Đô la Hồng Kông. 1HKD ~ 2.954đ (theo tỷ giá hiện tại). Bạn có thể đổi điền tại Việt Nam hoặc tại sân bay Hồng Kông, nếu đổi tiền tại sân bay thì nên mang theo USD. Hồng Kông có nhiều mức chi tiêu cho du khách lựa chọn, tùy thuộc việc sử dụng dịch vụ cao cấp hoặc bình dân. Với mức chi tiêu bình dân, bạn nên mang theo tiền mặt tương đương 12.000.000 – 15.000.000đ, kèm theo các loại thẻ ngân hàng để phục vụ việc chi tiêu và mua sắm.

Phong Kiều | Wanderlust Tips