Trải nghiệm văn hoá qua nếp ăn của người Hàn Quốc

[Cẩm nang du lịch hạng sang Hàn Quốc] Hàn Quốc, gạo là sản phẩm chủ yếu của ngành nông nghiệp lúa nước. Do đó, nếp ăn của người Hàn gắn liền với “kki ni” (bữa cơm). Trong các bộ phim Hàn Quốc, hình ảnh cả gia đình quây quần bên bàn ăn đã trở nên vô cùng quen thuộc với khán giả trên khắp thế giới.

[rpi]

Người Hàn Quốc rất coi trọng bữa cơm gia đình, vì thế, tuy nhà hàng mở cửa suốt tuần nhưng chỉ đông khách vào mỗi cuối tuần. Người Hàn Quốc có thói quen dùng cơm tại nhà, và bữa ăn chính trong ngày là bữa sáng với quan niệm sau một đêm thức dậy, cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất để cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho một ngày làm việc dài. Bữa trưa được gọi là “jeomsin” có nghĩa “để làm sáng trái tim”. Bữa tối thật nhẹ nhàng giúp cơ thể phục hồi năng lượng, nhưng không gây chướng bụng, sẵn sàng cho một giấc ngủ ngon.

Đối với xã hội tôn ti của Hàn Quốc, nếp ăn không chỉ là những lời khuyên nhẹ nhàng mà từ lâu đã trở thành những nguyên tắc bất thành văn trong cách thức giao tiếp giữa mọi người. Tôi được cô bạn hướng dẫn viên người bản địa giải thích cặn kẽ. Trên bàn ăn của người Hàn, bát cơm, bát canh và một bộ thìa đũa luôn được dọn riêng cho từng người. Một nguyên tắc quan trọng khi ăn là không được nâng bát cơm lên mà luôn đặt bát cơm trên bàn. Do đó, bát cơm của người Hàn thường là dạng bát dẹt, đế bằng, chứ không phải bát có dáng khum dễ cầm gọn trên tay như bát cơm của người Việt. Ngược lại, khi dùng canh, phải nâng bát lên húp, phát ra tiếng rồn rột thật lớn như để bày tỏ rằng ta đang ăn rất ngon miệng.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Trải nghiệm văn hoá qua nếp ăn của người Hàn Quốc

Trong các bữa ăn gia đình, người lớn tuổi hoặc có thứ bậc cao thường ngồi đầu bàn. Trong các bữa tiệc đãi khách, người có vị trí cao hoặc quan trọng nhất thường ngồi ở vị trí trung tâm. Bữa ăn thường bắt đầu khi người lớn tuổi hoặc quan trọng nhất cầm đũa. Khi ăn, ai nấy đều nhai từ tốn, kín đáo, không mở miệng nói chuyện khi còn thức ăn trong miệng, ăn uống tiết kiệm, không thừa mứa. Phần cơm và canh riêng phải ăn hết. Tốc độ ăn chậm rãi và bữa ăn chỉ kết thúc khi người lớn tuổi hoặc quan trọng nhất gác đũa, rời bàn. Những người khác nếu có việc phải rời bàn ăn phải xin phép.

Bàn ăn của người Hàn ngoài cơm, canh thông thường sẽ có thêm một số món phụ gọi là banchan. Đó có thể là rau sống, rau xào, các loại mắm, món nướng, món kho, món chiên, món khô… Được dịp thưởng thức món ăn Hàn Quốc trong các nhà hàng cao cấp, chúng tôi thật sự choáng ngợp trước sự đa dạng và độ ngon của banchan. Vào mỗi bữa ăn, tất cả kimchi và banchan sẽ phủ kín mặt bàn. Tuy nhiên, một nguyên tắc khác khi dùng cơm với người Hàn là bạn chỉ nên gắp những món ăn đặt gần chỗ ngồi của mình chứ không với tay gắp thức ăn từ xa.

Wanderlust Tips trai nghiem van hoa qua nep an cua nguoi han quoc 02

Đũa ăn truyền thống của Hàn Quốc ngắn hơn đũa của Việt Nam cũng vì lý do này. Đũa kim loại xuất hiện từ năm 18 trước Công Nguyên đến năm 660 sau Công Nguyên. Vua chúa và các gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu thường sử dụng đũa làm từ vàng, bạc hoặc đồng. Kim loại có độ bền cao, không dễ cháy xém khi ăn các món nướng, không dễ bám màu và mùi khi ăn các món có ớt, tương ớt, hay mắm, rất dễ vệ sinh. Một nguyên nhân khác người Hàn duy trì việc dùng đũa kim loại là để hạn chế việc chặt tre, giúp bảo vệ môi trường. Tăm xỉa răng ở Hàn Quốc cũng được làm từ bột ngô hoặc bột khoai dễ phân huỷ.

Với tôi, ẩm thực là một phần của văn hoá. Thông qua những tập tục, thói quen, truyền thống, chúng ta nắm bắt được cá tính, cảm thụ được từng mảng sắc màu của một nơi chốn. Bật lên từ nếp ăn của người Hàn là bản sắc văn hoá đậm nét giữa một xã hội hiện đại. “Nhập gia tuỳ tục”, tôi cho phép mình lẫn vào những màu sắc ấy, trải nghiệm cuộc sống theo một cách khác tôi mọi ngày.

Wanderlust Tips trai nghiem van hoa qua nep an cua nguoi han quoc 03

Lê Ngọc | Wanderlust Tips