Những thức trà quý ở Việt Nam
- 11/07/2019
- ẨM THỰC VIỆT NAM
- trà, trà móc câu, trà ngon Việt Nam, trà nổi tiếng Việt Nam, trà sen hồ Tây, trà Shan Tuyết
Có thể nói mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi cho việc phát triển các loại thực vật. Không chỉ là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, Việt Nam còn được biết tới là nơi sản sinh ra những loại trà quý được giới yêu trà biết đến và ưa chuộng.
[rpi]
TRÀ SEN TÂY HỒ, HÀ NỘI
Trà sen Tây Hồ còn được gọi là “thiên cổ đệ nhất trà”, cũng là loại trà quý đắt đỏ trên thị trường với giá 13 triệu/kg. Trà sen Tây Hồ có hai loại chính là trà sen thượng hạng và trà sen “xổi”.
Trà sen Tây Hồ thượng hạng chỉ được sản xuất vào tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, khi mùa sen ở đầm sen Quảng Bá thuộc khu vực hồ Tây bắt đầu nở. Sáng sớm tinh mơ, người nghệ nhân sẽ chọn những bông sen có cánh hồng phớt, nụ vừa hé để mang về ướp sen. Để làm ra 1kg trà sen Tây Hồ thượng hạng cần 1.000 – 1.200 bông sen. Trải qua rất nhiều công đoạn, sau 2 tuần sẽ cho ra được loại trà mệnh danh là “thiên cổ đệ nhất trà”.
Trà sen “xổi” so với trà sen thượng hạng thì có thời gian làm nhanh hơn, các công đoạn cũng ít cầu kì hơn. Chỉ cần cho trà vào bông sen, bó kín bông hoa lại, sau đó ngâm cành hoa sen trong nước hai đêm để hương sen thấm vào trà. Vì đơn giản nên giá trà sen “xổi” cũng rẻ hơn và sản xuất được nhiều hơn so với trà sen thượng hạng.
Trà sen Tây Hồ khi pha có hương thơm thoang thoảng của sen, vị ngọt dịu, màu xanh nhạt. Người uống khi nâng chén trà sẽ thấy lòng mình lắng lại, thanh khiết.
TRÀ MÓC CÂU TÂN CƯƠNG, THÁI NGUYÊN
Trà móc câu là một trong những loại trà đặc sản của xã Tân Cương thuộc tỉnh Thái Nguyên. Vùng Tân Cương nổi danh là nơi cho ra những loại trà ngon nhất ở Thái Nguyên, tuy nhiên trong các loại trà ấy, trà móc câu được xếp vào loại trà quý và thượng hạng nhất. Trà được yêu thích bởi mang mùi thơm nhẹ của cốm, vị hơi chát, uống xong để lại chút ngọt nơi đầu lưỡi.
Trà được hái từ những búp trà non. Búp trà được hái theo nguyên tắc “một tôm, hai lá”, có nghĩa là chỉ được hái búp trà non nhất và hai lá non kế tiếp. Mục đích của việc hái “một tôm hai lá” là để cánh trà khô sau khi chế biến sẽ có cánh nhỏ như móc câu cá.
Trà luôn được hái vào khoảng thời gian sáng sớm, thời tiết không nắng gắt hoặc mưa. Ví dụ thời tiết mưa nhiều trà sẽ nhạt, không có vị ngọt nơi đầu lưỡi, nhưng đổi lại trà có màu nước xanh đẹp mắt. Còn trời nắng gắt trà phát triển chậm, sản lượng ít hơn, vị trà chát hơn, nước trà có màu đỏ.
THỨC TRÀ QUÝ CỦA TÂY BẮC, TRÀ SHAN TUYẾT
Người ta vẫn thường gọi là chè shan tuyết thay vì gọi là trà shan tuyết. Sở dĩ có tên shan tuyết bởi chữ “shan” trong tiếng hán có nghĩa là “sơn” tức núi rừng, và loại trà này cũng chỉ có duy nhất ở vùng núi rừng Tây Bắc của Việt Nam. Điểm đặc biệt là trên búp chè có lớp lông tơ mịn, dày, khi sao khô chè có màu trắng như tuyết nên ghép chung lại, chè được gọi là chè shan tuyết.
Chè shan tuyết cổ thụ có tuổi đời trên 200 năm và ở Việt Nam theo thống kê chỉ còn khoảng 80 cây ở vùng núi cao Hà Giang hoặc một vài nơi Yên Bái. Chè sống hoàn toàn dựa vào sinh khí của đất trời, không có bất cứ loại thuốc hóa học nào tác động. Cách chế biến chè được truyền từ đời nọ sang đời kia. Từ sáng tinh mơ, đồng bào lên núi hái chè và đeo một cái gùi trên vai, chè được hái nhanh để khi mang về những búp chè non vẫn còn ngậm sương đêm. Sau đó chè được rải ra nền nhà, để khô sương tự nhiên chứ không đem phơi dưới ánh mặt trời. Khi lá chè khô thì nhặt bỏ lá to, nhóm lửa và cho vào sao ngay để giữ lại hương vị thơm tự nhiên vốn có của búp chè.
Hương chè thơm mùi cỏ sớm, cảm giác ngọt, thanh mát, hơi ngai ngái. Vị chè chát chứ không hề đắng. Một lần chè có thể uống được từ 6 – 9 nước.
Trên đây là những loại trà quý nổi danh trong giới sành uống ở Việt Nam, đồng thời cũng được rất nhiều người nước ngoài ưa chuộng tìm mua.
Wanderlust Tips | Cinet