Những món đồ chơi truyền thống gợi nhớ ký ức Trung Thu

Mỗi năm, khi đến những ngày gần rằm tháng tám, đâu đó trong tôi dâng lên một dòng cảm xúc khó tả. Đó là sự bồi hồi xao xuyến về những ký ức tươi đẹp mà ta vô tình bỏ quên ở đâu đó giữa dòng đời hối hả, là hình ảnh về những đứa trẻ tay cầm chiếc trống đánh “tùng tùng cắc”, tay còn lại huơ huơ chiếc đèn sáng lung linh… và những bài ca vang vọng trên khắp nẻo đường làng.

[rpi]

ĐẦU LÂN

Mang trong mình ý nghĩa của sự thịnh vượng và đầy may mắn, những chiếc đầu sư tử là món đồ chơi yêu thích của đám trẻ chúng tôi ngày ấy. Trước ngày rằm tháng tám, những đứa trẻ, góp nhặt từng đồng tiền quà mà bố mẹ cho, cùng nhau mua một chiếc đầu lân. Nhóm nhiều đứa, góp được nhiều tiền thì mua chiếc đầu lân to, được trang trí đẹp đẽ. Nhóm nào góp được ít tiền, thì mua chiếc đầu nhỏ hơn nhưng cũng xinh không kém. Sau đó, làm mặt nạ ông Địa và, xin bố mẹ mảnh vải thừa buộc làm đuôi để đi múa khắp đầu làng ngõ xóm. Mỗi lần múa lại được một khoản “tiền lộc”, cả đám vui lắm, để dành mua tí bánh, tí kẹo làm bữa liên hoan.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Những món đồ chơi truyền thống gợi nhớ ký ức rằm tháng tám

MẶT NẠ

Bên cạnh mặt nạ ông Địa vẫn thường thấy trong các đoàn múa lân, chúng tôi còn được bố mẹ mua cho mặt nạ thằng bờm hay mặt nạ Tôn Ngộ Không… Để làm nên được một chiếc mặt nạ giấy bồi hoàn chỉnh, những người thợ phải khéo léo đặt giấy lên một chiếc khuôn hình rồi bôi hồ, từng lớp từng lớp cho đến khi chắc chắn mới bắt đầu tô vẽ cho sinh động. Hồi đấy, trong xóm có mấy đứa nhà không đủ tiền mua nên thường tự làm. Chúng cắt giấy thành hình, nhiều tờ giống nhau, bôi hồ lên, phơi khô từng lớp một, rồi tô vẽ nguệch ngoạch bằng những chiếc bút màu cũ kỹ. Dù không được đẹp như những chiếc mặt nạ được bán ngoài hàng, nhưng chúng vui vì đã tự tay làm ra món đồ chơi ưng ý.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Những món đồ chơi truyền thống gợi nhớ ký ức rằm tháng tám

ĐÈN

Tôi còn nhớ cứ mỗi lần đến rằm tháng tám, ở trường lại tổ chức cuộc thi làm đèn Trung thu. Cả lớp háo hức lắm, họp bàn mình sẽ làm đèn gì, ông sao, đèn cù, đèn lồng xếp giấy hay đèn kéo quân. Mặc dù tôi thích đèn cù với đèn lồng xếp giấy nhất, nhưng vì khó làm nên thường xuôi theo chúng bạn làm đèn ông sao với đèn kéo quân. Để tiết kiệm tiền, cả lớp chia nhau ra tự tìm nguyên liệu. Đứa thì đi xin tre, xin giấy, đứa thì lấy bộ màu nước bố mẹ mới mua đem lên vẽ. Chỉ có giấy bóng ở đèn ông sao không tìm được mới phải đi mua. Những đứa trẻ tỉ mỉ ngồi tô tô vẽ vẽ, dán chỗ này, ghép chỗ kia để tạo ra những chiếc đèn đầy sắc màu, treo khắp lớp, treo mãi đến mấy tuần sau…

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Những món đồ chơi truyền thống gợi nhớ ký ức rằm tháng tám

TRỐNG

Hòa cùng với cái không khí tràn ngập sắc màu lung linh, rực rỡ chính là tiếng “tùng tùng cắc” vui tai của những chiếc trống. Chúng góp phần tạo nên cái sự rộn ràng, tưng bừng của ngày Tết thiếu nhi. Nào là trống bỏi bé tí hon, trống ếch xinh xinh hay chiếc trống lắc tay với hai viên nhựa nhỏ gắn vào hai chiếc dây ở hai bên trống. Tôi thích nhất là chiếc trống da trâu to bự thường dùng trong các đoàn múa lân. Để đánh được trống đấy, ai phụ trách chơi trống phải tập luyện cả mấy tuần liền trước đó, sao cho nhuần nhuyễn và đánh đúng nhịp múa.

Wanderlust Tips do choi truyen thong tet trung thu 08

TIẾN SĨ GIẤY

Ở quê tôi không chơi tiến sĩ giấy, mãi cho đến khi ra đây, nghe chúng bạn kể lại mới biết là có cả món đồ chơi đấy. Chúng nó kể những ông tiến sĩ giấy thường được làm bằng những tờ giấy có màu sặc sỡ, đặt ở giữa mâm hoa quả và đèn trang trí. Nhưng chúng lại thường cầm trên tay cùng đi rước đèn trông trăng. Không đơn thuần là món đồ chơi truyền thống dịp Trung thu, tiến sĩ giấy còn mang theo hy vọng và niềm tin của các bậc làm cha làm mẹ, mong rằng con mình sau này lớn lên sẽ đỗ đạt thành tài.

Wanderlust Tips do choi truyen thong tet trung thu 07

Wanderlust Tips | Cinet