Sapa, yêu và không yêu
- 14/02/2016
- ĐIỂM ĐẾN, ĐIỂM ĐẾN VIỆT NAM
- du lịch, Sapa, thành phố trong mây, điểm đến trong nước
Sapa, Sapa… Ai đã từng một lần đến sẽ muốn quay lại, đến thêm lần nữa có thể sẽ cảm thấy chán, nhưng đến tới lần thứ 6 thì sẽ muốn ở lại càng lâu càng tốt. Có những người tôi gặp ở Sapa là dân Hà Nội gốc đến đây sinh sống, có cả người ở tận miền Tây không hiểu sao lại trôi dạt đến cái xứ xa xôi này và cũng có cả những anh Tây mở quán sống định cư tại đây. Điều gì làm cho Sapa trở nên thu hút vậy?Lần đầu tôi đến Sapa là năm 2005, cùng môt nhóm bạn thời đại học. Sapa với tôi lúc đó lạ lẫm lắm, giống giống Đà Lạt về khí hậu, nhưng phong cảnh và con người sống nơi đây như một thế giới khác. Thời điểm đó là cuối tháng 4, đầu tháng 5, ruộng bậc thang chỉ có màu của đất và nước vì chỉ mới bắt đầu mùa cấy. Phong cảnh hoàn toàn không có gì ấn tượng như những bức ảnh tôi đã xem, vì đến đúng mùa có thể coi là xấu nhất trong năm của Sapa. Nhưng bù lại, những cô bé H’Mông xinh xắn, mặc trang phục thổ cẩm thêu hoa văn muôn sắc cùng với kiểu hiếu khách lại rất ấn tượng. Lúc đó tôi ít khi đi du lịch nên nhìn sự vật và con người đơn giản vô cùng. Sapa cũng dễ thương, lạ lẫm, và thầm nghĩ rồi sẽ có lúc quay lại.
Lần thứ 2 tôi đến Sapa là vào mùa đông 2008, trước tết Dương Lịch. Sapa lúc đó đẹp vô cùng, mặc dù chẳng nhìn thấy gì mấy. Bạn sẽ tin vào điều này khi đi trong sương của Sapa, hai người ở khoảng cách 3m có khi không nhìn thấy nhau. Mùa đông Sapa lạnh lắm, lần đầu tiên tôi biết thế nào là rét 3 độ C về đêm và cái buốt căm căm khi lái xe máy qua các cung đường đèo. Thời đó tôi đã bắt đầu cầm cái máy ảnh Canon 400D. Vì chụp ảnh nên tôi chịu khó quan sát và nhào ra ngoài nhiều hơn là chui rúc trong phòng khách sạn để trú đông. Đi chơi mà…
Lần đó tôi mới hiểu câu Sapa có 4 mùa trong một ngày. Buổn sáng trời se lạnh, nhiệt độ khoảng 12-18 độ, lạnh như thế đi bộ thì ok chứ lái xe máy thì buốt không thể tả. Nhớ lúc đó đeo găng tay kín mít, vậy mà cứ mỗi lần rút bao tay da cầm trên tay là rớt lên rớt xuống không thể điều khiển được. Đến trưa thì trời nắng đẹp nhiệt độ ấm lên chỉ cần một chiếc áo khoác hay áo len kín cổ là đủ rồi. Thử tưởng tượng trước khi bước vào nhà hàng ăn thì sương che kín không nhìn thây mặt nhau, vậy mà ăn xong bước ra trời nắng trong, nhưng quay qua quay lại sương lại phủ kín mặt đường. Cảm giác đó thú vị vô cùng.
Khác hoàn toàn so với những thị trấn, bản làng ở vùng Đông Bắc, Tây Bắc, du lịch đã thay đổi mạch sống và con người nơi đây. Ngay tại trung tâm thị trấn, bạn sẽ thấy có rất nhiều người dân tộc H’Mông đen và Dao đỏ qua lại, nhưng phần lớn hầu như là tất cả các khách sạn, hàng quán, nhà cửa của thị trấn này đều là sở hữu của người Kinh, một số rất nhỏ thuộc sở hữu của các ông chủ Tây yêu môi trường sống ở đây và định cư kiếm sống bằng kinh doanh nhà hàng Tây hay mở quán bar.
Các cô gái H’Mông ở đây đa phần đều nói chuyện và giao lưu bằng tiếng Anh khá tốt, cả những bà lão cũng có thể trò chuyện mua bán thoải mái với du khách nước ngoài. Hình ảnh thường thấy như một bà lão tay cặm cụi thêu, chốc chốc lại ngước lên mời khách “two dollars” với một cái tuí thổ cẩm xinh xinh, hoặc “one dollar one photo” với những du khách nào chụp hình bà. Ngộ nghĩnh nhất là khi bà rút điện thoại ra nói ra rả bằng tiếng dân tộc với môt ai đó… Hiện đại nhỉ! Đã có lần tôi còn nhìn thấy một cô gái Dao đỏ bán hàng ngay quảng trường nhà thờ móc Iphone 4 ra nghe điện thoại nữa cơ.
Những điều trên có khi lại là điều tốt, cuộc sống của những con người này đã cải thiện hơn nhiều. Nhưng việc chụp ảnh phải trả tiền hay là bán đồ nói thách giá thì rõ ràng chỉ có du lịch mới làm họ biến đổi như vậy. Sapa bây giờ ngập tràn đồ lưu niệm Trung Quốc, cả những túi thổ cẩm hay dây đeo cũng toàn may bằng máy và chở từ Trung Quốc sang, chỉ một số ít là được làm thủ công. Tôi không thích điều này chút nào. Lần trở lại Sapa vừa rồi tôi đã bắt gặp vài em bé lai, bố người Tây mẹ người dân tộc và tất nhiên bố của đứa bé đã cao chạy xa bay. Du lịch làm cho Sapa thịnh vượng hơn, nhưng không ít cuộc đời phải bị đánh đổi. Và cái giá phải trả chỉ những con người nơi đây mới thật sự hiểu rõ.
Leave A Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.