Đến Vũng Tàu qua món bánh khọt làm tại nhà
- 07/08/2021
- ẨM THỰC VIỆT NAM
- Ẩm thực Vũng tàu, Bánh khọt, du lịch Vũng Tàu, Editor picks, Vũng Tàu
Bánh khọt – nghe tên có vẻ kì lạ nhưng thực ra là một món bánh dân dã, bình dị, quen thuộc của các vùng miền Trung. Đặc biệt là bánh khọt ở Vũng Tàu, đây là món đặc sản nức tiếng, làm nhiều thực khách say mê bởi hương vị hấp dẫn, thơm ngon và béo ngậy.
[rpi]
Với hình dạng đặc trưng hình tròn, vỏ bánh không quá dày cũng không quá mỏng, được rán vàng rụm, nhân bên trong nào tôm, nào mực, bánh khọt là món đặc sản không thể không thử mỗi khi tới thành phố biển Vũng Tàu. Ăn kèm với chút gỏi xoài, đu đủ thái sợi, chấm vào bát nước mắm chua chua ngọt ngọt, tất cả tạo nên một tổng thể hoàn hảo đến bất ngờ.
Hôm nay, hãy cùng vào bếp cùng Wanderlust Tips làm món bánh khọt Vũng Tàu nhé.
1. Nguyên liệu
- Bột bánh khọt 200gr
- Nước cốt dừa 400 ml
- Tôm thẻ 300 gr
- Mực 300 gr
- Nước cốt chanh 2 muỗng cà phê
- Hành lá 50 gr (cắt nhỏ)
- Tỏi băm 2 muỗng cà phê
- Rau thơm
- 1 ít Ớt băm
- Nước mắm 2 muỗng canh
- Đường 4 muỗng cà phê
- Dầu ăn 1 ít
Vì cần sử dụng những nguyên liệu như tôm, mực, rau thơm… các bạn hãy lưu ý khi đi chọn mua nguyên liệu sao cho thật tươi nhé. Có như vậy món bánh khọt mới đạt được độ ngon nhất.
2. Cách làm
- Bước 1: Sơ chế Tôm Mực
Mực mua về, rút lấy phần đầu mực, rút bỏ nhẹ nhàng phần túi mực để tránh làm vỡ túi, xương sống, rửa thật sạch dưới vòi nước nếu làm vỡ túi mực. Cắt bỏ phần mắt mực và khối tròn cứng ở giữ đầu mực hay còn được gọi là răng mực. Sau đó rửa lại với nước sạch rồi cắt khoanh.
Tôm mua về lột vỏ, rút chỉ, bỏ đuôi rồi lấy thịt, sau đó xé nhỏ thịt.
Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn, phi thơm hành và cho 1/2 phần tôm và mực vào xào sơ. Phần tôm và mực còn lại luộc chín, giã thật nhuyễn. Làm nóng chảo trên bếp, cho tôm và mực đã giã nhuyễn vào, để cháy đều đến khi chúng mịn và khô rang là được.
- Bước 2: Các loại rau
Hành lá xắt nhỏ, đảo qua với chút mỡ để dậy mùi thơm. Phần hành lá này sẽ được dùng để cho lên phần tôm và mực cũng như mặt bánh khọt.
Các loại rau củ quả ăn kèm như xoài, đu đủ bào thành sợi nhỏ, rau thơm rửa sạch. Tất cả các loại rau bày lên đĩa riêng.
- Bước 3: Pha bột bánh khọt
Trộn bột bánh khọt với 400ml nước cốt dừa, 50gr hành lá cắt nhỏ, nêm một chút muối, bột nêm sao cho vừa với khẩu vị, sau đó khuấy đều. Để ngâm bột khoảng 10 phút sau đó cho bột nghệ và hành lá vào, tiếp tục khuấy.
- Bước 4: Đổ bánh và chuẩn bị nước chấm
Đây là bước cuối cùng trong các công đoạn làm món bánh khọt Vũng Tàu.
Bắc khuôn bánh lên bếp, để lửa vừa phải. Chờ khuôn nóng, phết dầu đều lên các khuôn nhỏ. Múc bột đổ vào 2/3 khuôn, đậy nắp khoảng 30 giây cho bánh hơi chín thì cho tôm và mực lên mặt bánh.
Đậy nắp và canh cho bánh vàng giòn (khoảng 1 phút), dùng đũa dài, muỗng nhỏ lấy bánh ra rồi cho chút hành mỡ và tôm cháy lên trên.
Công đoạn này vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận quan sát từ người làm. Nếu để quá lửa, hay quá thời gian, chiếc bánh có thể bị cháy, hoặc nếu đổ bột bánh quá tay ra ngoài khuôn, chúng ta cũng sẽ gặp phải những rắc rối không đáng có với căn bếp của mình.
Với nước chấm của món bánh khọt, cũng tương tự như bánh xèo, nêm nếm các gia vị: nước mắm, hạt nêm, dấm, một chút tỏi và ớt, thêm chút sợi xoài và đu đủ vào. Hỗn hợp nước chấm này sẽ được chế biến với lượng các gia vị, nguyên liệu tùy theo khẩu vị mỗi người, mỗi nhà.
Vậy là chúng ta đã hoàn thành món bánh khọt nức tiếng Vũng Tàu rồi. Lấy một lá cải xanh, một lá xà lách, bên trên là các loại rau như diếp cá, đu đủ thái sợi, húng thơm… gắp một cái bánh khọt cho lên trên, cuốn tròn lại chấm vào nước chấm. Cắn miếng bánh vàng ươm, cảm nhận hương vị bột gạo nguyên chất, thấy cái béo ngậy của dầu mỡ thấm lên vỏ bánh, mùi hành lá, vị đậm đà của tôm mực, vị chua chua của gỏi đu đủ và mùi thơm quyến rũ của nước chấm…
Đây là món ăn cực kì phù hợp cho những ngày cuối tuần họp mặt gia đình. Hãy cùng bắt tay vào làm ngay thôi nào!
Ảnh: Internet
Wanderlust Tips | Cnet.