Ấn Độ: Đất nước đa văn hóa đông dân thứ 2 trên thế giới
- 21/08/2021
- ĐIỂM ĐẾN CHÂU Á
- Ấn Độ
Ấn Độ – Đất nước đông dân thứ hai thế giới, được mệnh danh là đất nước đa văn hóa. Chính sự đa dạng sắc tộc, tôn giáo và những phong tục truyền thống đặc sắc, độc đáo đã làm cho nền văn hóa Ấn Độ trở nên phong phú hơn bao giờ hết.
[rpi]
Là một đất nước có lịch sử từ lâu đời, thế giới nhìn nhận Ấn Độ như là một trong những nền văn hóa phát triển rực rỡ nhất của văn minh nhân loại. Sự thật là có đến hàng ngàn phong tục văn hóa truyền thống ở Ấn Độ. Hầu hết những nét văn hóa này đều bắt nguồn từ Kinh sách và những tài liệu có từ thời Ấn Độ cổ đại. Đó là ngôn ngữ, tôn giáo, khiêu vũ, âm nhạc, kiến trúc, thực phẩm và các phong tục tập quán của người Ấn.
Nếu bạn là du khách nước ngoài khi đến với đất nước này, chắc chắn sẽ không khỏi choáng ngợp, hay như cách cô nàng Tammy Sunsea đã từng chia sẻ sau chuyến đi 1 tháng ở Ấn Độ, là bị sốc văn hóa.
Lối kiến trúc
Kiến trúc và điêu khắc Ấn Độ thực sự là một thành tựu lớn trong kho tàng nghệ thuật Ấn Độ. Trong đó kiến trúc mang đầy tính sáng tạo và sống động, đây chính là một biểu tượng hùng hồn của các mô hình xã hội trong lịch sử Ấn Độ.
Đầu tiên là Phật giáo. Ra đời vào khoảng thế kỉ VI TCN, kiến trúc Phật giáo ở Ấn Độ gồm 2 loại hình. Loại hình thứ nhất là thờ thánh tích, gọi là Stupa, một hình thức mộ táng nhưng cũng đồng thời là tháp, là nơi đặt thánh tích, di tích (hay xá lị) của Phật. Loại hình thứ 2 gọi là chùa, là nơi thờ hình tượng Phật và là chỗ ở của nhà tu hành. Tiêu biểu cho hai loại hình kiến trúc Phật giáo đó là Stupa Sanchi và chùa hang Ajanta.
Thời kì hậu Gupta (TK 6-9) Ấn Độ giáo dần thay thế Phật giáo, các đền ngoài trời thay thế các chùa hang. Đền thờ ở Mahabalipuram và ở Ellora được đẽo từ đá núi lửa nguyên khối, đó là bản trình bày bằng đá vũ trụ luận của Ấn Độ. Ở miền nam đền thờ có các tháp tam quan bên các tường bao quanh. Vô số tượng phủ lên tường và lên nóc các đền thờ đến mức gần như quá tải. Tác phẩm điêu khắc nổi tiếng phải kể đến là pho tượng đồng shiva Nataraja. Một số công trình tiêu biểu có thể kể đến như: cụm thánh tích Mahabalipuram, Pandava ratha,…
Những công trình nổi tiếng ở như Taj Mahal và các công trình kiến trúc có ảnh hưởng Hồi giáo là di sản từ triều đại Mughal. Đặc điểm chung của hầu hết các công trình kiến trúc, Thánh đường Hồi giáo đó là kiến trúc mái vòm và những họa tiết được trang trí cực kì công phu ở trên tường, mái, cột trụ hay trên trần nhà. Đặc biệt hơn là những đường diềm, họa tiết trang trí được làm lên từ những người thợ tài hoa và những vật liệu như thủy tinh, pha lê lấp lánh nhiều màu sắc.
Trang phục truyền thống
Bạn có thể thấy những bộ trang phục Sari truyền thống với màu sắc tươi sáng, được trang trí bắt mắt, hấp dẫn qua những bộ phim truyền hình của Ấn Độ. Sari là trang phục thể hiện nét văn hóa Ấn Độ cũng giống như những chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam.
Sari đã được nhắc đến trong sử thi của Ấn Độ. Nó cũng xuất hiện trên các tác phẩm điêu khắc Ấn Độ có niên đại khoảng 150TCN. Trang phục Sari hiện đại chỉ có một mảnh vải đơn dài khoảng từ 5 -9 mét và một mảnh rộng khoảng một mét. Hai mảnh Sari không còn đơn điệu mà được trang trí bởi những đường nét thêu thùa, viền ren, hoa văn thậm chí là đính đá quý.
Sari được những người phụ nữ Ấn Độ coi là bộ trang phục đẹp và thiêng liêng nhất. Khi mặc Sari, những người phụ nữ phải tuân thủ nguyên tắc là tuyệt đối không được lộ phần chân vì người Ấn quan niệm chân thể hiện địa vị cao thấp.
Không chỉ thế, người mặc còn phải chọn những màu sắc phù hợp tùy theo hoàn cảnh của bản thân. Sari có kiểu dáng tương tự nhau nhưng tùy theo mức độ giàu có mà phụ nữ Ấn sẽ mặc những chất liệu khác nhau như tơ lụa dành cho người giàu có và vải bông sẽ dành cho những người có tầng lớp bình dân.
Nghệ thuật vẽ tay
Vẽ tay Henna là một nét văn hóa Ấn Độ đặc trưng, nổi tiếng trên thế giới, thường được thực hiện với mục đích tôn giáo hay trong những dịp lễ hội lớn. Nghệ thuật vẽ Henna nổi tiếng ở khu vực Ấn Độ và Trung Đông, từ thế kỷ 12. Theo tài liệu lịch sử ghi lại, chính những người Hồi giáo Ả rập đã mang Henna tới Ấn Độ, nơi môn nghệ thuật này nở rộ và trở thành độc nhất vô nhị.
Nguyên liệu truyền thống để vẽ Henna là lá móng, theo truyền thống thường được vẽ lên tay và chân của người phụ nữ. Cùng với sự phát triển của Henna, lá móng ngày nay được sử dụng để trang trí nhiều bộ phận khác của cơ thể. Vào những ngày cưới của Ấn Độ, tất cả các cô dâu đều có những hình vẽ henna trên tay và chân. Đây là một hình thức tượng trưng cho sự gắn bó sắt son của vợ và chồng, cho sự màu mỡ, sinh sôi nảy nở và tinh yêu đôi lứa. bền vững.
Henna không chỉ làm đẹp cho cơ thể người phụ nữ mà nó còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mỗi hình vẽ như là lời chúc tốt đẹp mà mọi người dành tặng cho nhau. Chính vì những họa tiết độc đáo, sáng tạo và đầy ý nghĩa, Henna đã nhanh chóng phổ biến ra khắp mọi nơi trên thế giới.
Ẩm thực và cách ăn uống
Khi nhắc đến những nét văn hóa Ấn Độ thì không thể bỏ qua được nền ẩm thực độc đáo, mới lạ của đất nước này được. Niềm tin tôn giáo và văn hóa Ấn Độ đã đóng một vai trò có ảnh hưởng trong sự tiến hóa của ẩm thực của quốc gia này.
Tuy nhiên, ẩm thực trên khắp Ấn Độ cũng đã tiến hóa do sự tương tác văn hóa quy mô lớn của tiểu lục địa này đồi với Hy Lạp cổ đại, Ba Tư, Mông Cổ và Tây Á, khiến cho ẩm thực quốc gia này có một nét độc đáo pha trộn của các nền ẩm thực khác nhau trên khắp châu Á. Những món ăn của người Ấn có rất nhiều hương vị và màu sắc sặc sỡ, hấp dẫn, kích thích vị giác như món cà ri, cơm Biryani, Thali.
Điều đặc biệt làm Ấn Độ khác biệt với những quốc gia khác trên thế giới đó là chỉ sử dụng tay khi ăn. Chịu sự ảnh hưởng từ Phật giáo và Hồi giáo, người Ấn quan niệm rằng đồ ăn thức uống mà họ có được là cho đấng tối cao ban cho nên khi đón nhận phải đón lấy bằng tay trần một cách thành kính. Việc ăn bằng tay cũng được cho là chạm đến mọi giác quan khiến họ cảm thấy ngon miệng hơn và 5 ngón tay tượng trưng cho 5 yếu tố: Không gian – Không khí – Lửa – Nước và Trái đất.
Hội chợ và lễ hội
Ấn Độ là một quốc gia sở hữu một nền tôn giáo đa dạng với những tôn giáo phổ biến như Ấn Độ giáo, Sikh giáo, Hồi giáo, Kitô giáo và Jaina giáo. Chính sự phong phú, đa dạng này đã khiến Ấn Độ là quốc gia có nhiều lễ hội nhất trên thế giới.
Những lễ hội nhiều màu sắc văn hóa Ấn Độ thu hút được nhiều người đến hằng năm phải kể đến là lễ hội màu sắc (Holi festival), lễ hội ánh sáng (Diwali festival), lễ hội gió mùa, lễ hội Ganesh Chaturthi, lễ hội Bonalu, lễ hội Ugadi. Đây là những lễ hội nổi tiếng đã làm phong phú thêm cho màu sắc đời sống xã hội của những người dân Ấn Độ.
Còn về hội chợ, ít nhất ngày nào trong năm cũng đều có ở đất nước này. Những hội chợ diễn ra thường để người dân nơi đây trưng bày, mua bán những vật phẩm mang tính thẩm mỹ cao, đặc sắc của Ấn Độ. Những hội chợ ở Ấn Độ rực rỡ màu sắc đặc biệt luôn thu hút sự quan tâm của các du khách.
Hội chợ và lễ hội đã làm phong phú thêm cho sắc màu đời sống xã hội của người dân Ấn Độ.
Phong tục, tập quán
Đa dạng về văn hóa là vậy, phong tục tập quán của Ấn Độ cũng là cả một kho tàng đồ sộ, một số phong tục còn vô cùng kì lạ.
Ở Ấn Độ các gia đình thường sống nhiều thế hệ cùng với nhau dưới một mái nhà. Bao gồm tất cả những thành viên trong gia đình (cha mẹ, vợ chồng, con cái và trong một vài trường hợp còn có cả bà con họ hàng). Điều này xuất phát chủ yếu từ tính gắn kết của xã hội Ấn Độ. Đồng thời khi sống cùng nhau, mọi người có thể hỗ trợ, giúp đỡ nhau giải quyết những khó khăn, áp lực hay căng thẳng trong cuộc sống.
Nhịn ăn là một phần không thể thiếu trong nền văn hóa Hindu của Ấn Độ. Nguồn gốc của việc nhịn ăn có lẽ bắt đầu từ một nghi lễ trong Kinh Vệ Đà. Đây là một cách để bày tỏ sự quyết tâm của bản thân hoặc bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần và nữ thần trong văn hóa Hindu.
Người Ấn Độ tin rằng nhịn ăn là một cách để cắt đứt những đòi hỏi của cơ thể, tự trừng phạt để tẩy sạch tội lỗi bản thân đã phạm phải từ trước đó cho đến lúc bắt đầu nhịn ăn. Tùy vào từng dịp cụ thể mà quá trình nhịn ăn sẽ có những quy tắc và luật lệ riêng.
Bò, trong văn hóa Ấn Độ được xem như một con vật Thánh. Bò được tôn thờ như hình tượng của một người mẹ, được miêu tả là có tấm lòng rộng lượng như Mẹ Trái Đất và mang nhiều ý nghĩa tốt lành trong văn hóa và tôn giáo của Ấn Độ.
Trong Kinh Vệ Đà, có nhiều đoạn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo vệ và chăm sóc bò. Bò là nguồn sữa để duy trì sự sống. Thậm chí phân bò còn là nguồn nhiên liệu thiết yếu và là nguồn năng lượng hiệu quả và tiết kiệm, đặc biệt ở những khu vực nông thôn của Ấn Độ.
Giết bò hoặc sử dụng thịt bò được xem là một điều tội lỗi. Vì thế nhiều bang ở Ấn Độ đã đưa lệnh cấm giết mổ bò vào luật.
Khái niệm hôn nhân sắp đặt ở Ấn Độ bắt nguồn từ thời Kinh Vệ Đà. Theo đó, các gia đình hoàng tộc thường tổ chức một nghi thức với tên gọi “Swayambar” cho những cô gái đã đến tuổi cập kê trong gia đình.
Những đối tượng thích hợp từ khắp mọi miền đất nước sẽ được mời đến để thi đấu với nhau trong một vài cuộc thi nhằm tìm ra người chiến thắng để kết đôi với cô gái. Hoặc cô gái cũng có thể tự do lựa chọn ra người chồng mà mình ưng ý trong số những ứng viên được mời đến.
Ngày nay, khái niệm hôn nhân sắp đặt vẫn rất được người Ấn Độ yêu thích và trở thành một phần không thể thiếu trong truyền thống văn hóa của nước này.
Ảnh: Internet.
Wanderlust Tips