Những người nghệ nhân thổi hồn cho Trung thu thêm sáng
- 23/08/2021
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Editor picks, nghệ nhân dân gian, nghệ nhân đồ chơi truyền thống, Trung thu, đồ chơi truyền thống Tết Trung thu
Trung thu xưa, khi chưa xuất hiện những món đồ chơi hiện đại như bây giờ, cứ mỗi mùa trăng đến, người ta lại thấy những làng nghề, những người nghệ nhân miệt mài ngày đêm, thổi hồn cho những món đồ chơi dân gian, mang đậm nét văn hóa truyền thống.
[rpi]
Đối với thế hệ 8x, 9x, mỗi khi nhắc tới Trung Thu là một miền ký ức trong trẻo hiện về. Ta nhớ tới Trung Thu với trái tim của một người đang khao khát quay trở lại thời thơ bé, trở lại với những ký ức êm đềm của tuổi nhỏ. Đó là hình ảnh của ánh trăng tròn, tiếng trống xập xình len lỏi ngõ xóm, ánh đèn lồng rực rỡ, những chiếc mặt nạ xanh đỏ hay đôi ba chiếc bánh dẻo, bánh nướng.
Cuộc sống ngày nay dần trở nên hối hả khiến chúng ta đôi lúc quên đi hình ảnh của ngày xưa. Cái thời mà, cảm giác mong ngóng đợi mẹ mua một chiếc mặt nạ giấy, để phần một chiếc bánh trung thu trong giỏ đi chợ…vẫn còn là ký ức không thể quên được.
Bạn có biết rằng, đằng sau những thức quà làm nên phong vị đặc trưng của một Tết Trung Thu cổ truyền là những nghệ nhân vẫn ngày đêm tô vẽ những chiếc mặt nạ, tỉ mỉ cẩn thận dán những chiến đèn lồng hay đóng khuôn cho từng chiếc bánh. Chúng tôi mượn phép gọi họ là những người “thổi hồn” cho những mùa trăng. Nhờ có họ, màu sắc Trung Thu mới thêm rực rỡ, sắc màu.
Tô vẽ những chiếc mặt nạ
Tìm về làng Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), nơi đây được coi là ngôi làng có truyền thống lâu đời nhất với nghề làm đồ chơi Trung Thu, đặc biệt là những chiếc mặt nạ giấy bồi. Cứ mỗi dịp Trung Thu về, khắp làng người ta lại nhộn nhịp túm tụm nhau lại, ngồi tô tô, vẽ vẽ cho hàng nghìn chiếc mặt nạ.
Tuy nhiên hiện này, sự xuất hiện của những thứ đồ chơi hiện đại được nhập khẩu, khiến người ta không còn quá mặn mà với những món đồ chơi thủ công như thế này nữa. Cùng với sự khó khăn của cuộc sống cơm áo gạo tiền, ngôi làng làm đồ chơi Trung Thu hiện chỉ còn lác đác 2-3 hộ còn duy trì nghề, trong đó có gia đình nghệ nhân, ông Vũ Huy Đông – người đã gắn liền với nghề đến nay được gần nửa thế kỉ.
Ông Đông kể, nghề làm đồ chơi Trung Thu đã theo ông từ lúc còn nhỏ, gia đình truyền nhau, ông theo đến nay đã được nửa đời người. Tuy làm quanh năm, nhưng những thời điểm đó chủ yếu làm để phục vụ cho những cửa hàng lưu niệm bán cho khách du lịch nước ngoài. Còn cứ mỗi độ Rằm tháng 8 Âm lịch, lòng ông mới xốn xang khi được thực sự làm đồ chơi Trung Thu.
Theo sự thay đổi của thời đại, mẫu mã, hình dạng của những chiếc mặt nạ người nghệ nhân đã lên chức ông này cũng đa dạng, phong phú hơn. Từ những hình ảnh quen thuộc với người Việt như chú Tễu, Chí Phèo, Thị Nở, thằng bờm hay những hình tượng mới hơn từ nướ ngoài như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới…hay các con vật trong 12 con giáp. Tất cả đều được người nghệ nhân tỉ mỉ, cẩn thận trong từng khâu, từng bước một để làm nên chiếc mặt nạ.
Những chiếc mặt nạ được làm hoàn toàn thủ công bằng bàn tay khéo léo của người thợ, với các công đoạn: tạo khuôn mặt nạ; sau đó đắp, bồi các loại giấy, có thể là giấy báo, giấy trắng, bìa các tông, thành từng lớp từng lớp, khiến cho chiếc mặt nạ dày dặn, cứng cáp, sau đó dán lên một loại hồ đun chín từ bột sắn, phần này gọi là bồi thô.
Sau khi bồi, những chiếc mặt nạ còn “thô” sẽ được đem đi phơi khô, đặc biệt là phải phơi dưới ánh nắng tự nhiên, có như vậy mặt nạ mới đẹp, chuẩn kiểu dáng, không bị cong hay vênh.
Công đoạn cuối cùng, cũng chính là công đoạn quan trọng nhất, quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ, chính là tô vẽ, “trang điểm” cho chúng sao cho thật chân thực, bắt mắt. Mỗi lần tô chỉ được tô một màu. Màu này khô thì tô tiếp màu mới. Mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần để đảm bảo màu sắc rạng rỡ, tươi sáng không bị lấm lem.
Tất cả những công đoạn đều yêu cầu sự khéo léo, tỉ mỉ, nhẫn nại đòi hỏi người nghệ nhân phải có tình yêu nghề thực sự mới có thể biến sự khó khăn trở thành niềm vui. Nghê nhân Đông nói hiện tại tuy nghề không còn phổ biến, nhưng trong gia đình ông nó vẫn là nghề truyền thống được truyền qua 3 thế hệ, và hiện tại ông vẫn đang duy trì và truyền nó cho con cháu của mình.
Làm nên những chiếc đèn kéo quân
Đã từ lâu vùng đất Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội là nơi được biết đến có nghề làm đèn kéo quân. Ở đó có nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền đã dành cả đời để lưu giữ nét văn hoá truyền thống, “giữ lửa” cho những Tết Trung thu đủ đầy ý nghĩa. Ở tuổi 82, nhưng nghệ nhân vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Bàn tay ông vẫn thoăn thoắt cắt, cắt, dán dán… từng chiếc, từng chiếc đèn.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền kể, khi ông còn nhỏ, cứ đến dịp Tết Trung thu, các cụ trong nhà lại làm đèn cho con cháu chơi. Vừa làm vừa hướng dẫn con cháu học làm theo, các cụ vừa nhân nha kể chuyện sự tích chiếc đèn kéo quân, câu chuyện về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.
Chính từ đó, tình yêu với chiếc đèn dân gian của ông được nuôi nấng qua bao năm tháng tuổi thơ. Ông Quyền bắt đầu biết làm đèn từ năm lên 6 tuổi do được ông và bố truyền dạy. Và như một cơ duyên để rồi thành nghiệp, cái nghề đi cùng ông Quyền và gia đình gần cả đời người.
Để làm một chiếc đèn kéo quân phải trải qua rất nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều rất cầu kỳ, tỉ mỉ, đòi hỏi tính kiên nhẫn của người làm. Đầu tiên là phải chọn những cây tre già, vót cẩn thận, sau đó dựng khung, làm tán, bên trong chính giữa chiếc đèn có chiếc trục thẳng đứng, trên trục là chiếc chong chóng bằng giấy, một vòng tròn ở giữa đèn, trên vòng tròn dán hình các con vật bằng giấy, bên dưới có chỗ để cắm nến.
Xung quanh đèn dán giấy nến (hoặc giấy bản). Để tạo thêm thẩm mỹ, bên ngoài chiếc đèn dán thêm những họa tiết trang trí nhỏ để chiếc đèn nhìn sinh động, bắt mắt hơn. Khi đốt nến (hoặc đèn) bên trong, lửa sẽ làm nóng không khí bên trong khiến không khí giãn nở và tăng thể tích, đồng thời khối lượng riêng của khí giảm.
Khí nóng nhẹ bay lên đẩy chóng chóng bên trên quay và các con vật dán trên vòng tròn cũng quay theo, qua ánh sáng của đèn nến và nhìn qua giấy dán bên ngoài đèn, sẽ thấy bóng các con vật (các quân) cứ nối đuôi nhau chạy thành vòng tròn nhìn rất vui mắt.
Hơn 70 năm làm đèn kéo quân, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền đã chứng kiến những thăng trầm của cây đèn dân gian này. Cách đây khoảng 60-70 năm, đèn kéo quân rất thịnh hành, đây là món đồ chơi “hạng sang”, mọi trẻ em thời ấy được ao ước. Trước đây, làng ông có nhiều nhà làm đèn kéo quân lắm, nhưng đến nay cả làng chỉ có mình ông làm. Ông bảo, một chiếc đèn kéo quân là kỳ công như vậy, mất hơn 8 giờ đồng hồ để hoàn thành nhưng bán lại không được giá cao, hiệu quả kinh tế không tốt.
Tuy nhiên, với tình yêu với chiếc đèn dân gian, gắn bó đã cả đời người, dễ gì mà từ bỏ nó. Hàng năm, ngoài làm đèn ở nhà, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền còn nhận lời mời tới những địa chỉ văn hoá như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trung tâm triển lãm văn hoá Vân Hồ để nói chuyện, dạy cách làm đèn kéo quân…cho mọi người, đặc biệt là trẻ em để hiểu về giá trị giáo dục, ý nghĩa lịch sử của chiếc đèn này.
Ghi nhận công lao của ông trong việc gìn giữ đồ chơi truyền thống, năm 2019, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú ở loại hình Tri thức dân gian. Đó là động lực để ông Quyền tiếp tục gìn giữ và nuôi dưỡng niềm đam mê dù cuộc sống có lúc thăng trầm.
Tạo âm vang tiếng trống “tùng rinh rinh”
Quay trở lại với làng Ông Hảo – ngôi làng nổi tiếng với nghề làm đồ chơi Trung Thu trên cả nước, ta ghé gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tự với nghề làm trống truyền thống. Tuy nhiên cũng giống bao món đồ truyền thống khác, nhà anh Tự là một trong số ít những nhà còn lại trong làng theo nghề.
Là một nghệ nhân trẻ tuổi, mới chỉ ngoài 40, anh cho biết nghề này mình được truyền dạy lại từ bố và ông mình. Đem lòng yêu nét đẹp truyền thống, không giống những thanh niên khác trong làng, đi lao động, tìm công việc mới, hợp thời hơn, anh Tự vẫn miệt mài làm ra hàng trăm, hàng nghìn chiếc trống mỗi mùa trăng. Hiện tại, cứ mỗi độ tháng 6, tháng 7 Âm lịch, cả gia đình anh lại cùng nhau đục đẽo, tạo ra âm vang tiếng trống “tùng rinh rinh”.
Đứng từ đầu ngõ đã nghe tiếng cạch cạch của dao thớt, tiếng è è của lưỡi cưa xẻ từng thớ gỗ. Vừa bước vào tới nhà, có thể cảm nhận rõ rệt cái mùi của gỗ hôi hôi mốc mốc, mùi của sơn vừa thơm vừa nồng, cái mịt mù của bụi gỗ bay tung tăng khắp sân.
Trống được làm ra với nhiều kích thước khác nhau. Dòng gỗ để làm trống trước kia được sử dụng là gỗ mít. Nhưng nay sử dụng chủ yếu là gỗ trám, bồ đề, hoặc mỡ. Nếu như trước kia, chưa có máy móc để làm thân trống thì các công đoạn này đều phải làm bằng tay và tốn nhiều thời gian. Nay có máy cắt thì sẽ tiết kiệm được tối đa vật liệu cũng như thời gian gia công nhanh và hiệu quả công việc cao.
Thân trống sau khi trải qua nhiều công đoạn như sơn, phơi rồi đến làm kín…sẽ được mang đi bưng để làm mặt trống. Da trâu chính là nguyên liệu làm mặt trống, tiếng trống có vang, có trong hay không một phần chính là nhờ da. Da khi được mua về sẽ được xẻ từng tảng làm 3 – 4 mảnh sao cho thật đều rồi ngâm trong nước vôi để tẩy màu. Ngâm đến khoảng 5 – 7 ngày thì với ra phơi khô.
Từ những công đoạn từ phơi thân hay làm kín mặt trống…
Và để mặt trống được căng, được kín thì người làm nghề cũng phải dùng toàn thân để căn mặt da cho chắc chắn. Một phần cũng là để da tràn kín khắp thân trống. Công đoạn cuối cùng là quét sơn và đóng tai. Những chiếc trống đỏ rực, âm vang khắp làng trên xóm dưới hẳn là kí ức thật đẹp mỗi dịp Trung Thu.
Đến căn da, hay quét sơn..
Rõ ràng, đối với cuộc sống hiện đại, để tiếp tục giữ lửa nghề làm đồ chơi truyền thống, người nghệ nhân phải thực sự tâm huyết, đặt trọn tình yêu vào những giá trị văn hóa truyền thống mà những món đồ chơi này mang lại. Mong cho sau này, khi thế giới đổi thay, vẫn sẽ có những người thổi hồn cho những mùa trăng thêm sáng, sáng mãi. Để Trung Thu Việt không bị mất đi những giá trị đẹp đẽ của nó.
Ảnh: Internet
Wanderlust Tips | Cnet