Quốc khánh 2/9 qua năm tháng với những cột mốc đáng nhớ
- 25/08/2021
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Diễu binh, Diễu hành, Duyệt binh, Editor picks, Quốc khánh Việt Nam
Quốc Khánh 2/9 là ngày lễ thiêng liêng, quan trọng đối với đất nước chúng ta. Mỗi người Việt Nam, dù đang ở bất kỳ nơi đâu, cũng không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ lại khí thế đầy hào hùng của ngày Tết Độc lập.
Đã là người Việt Nam thì ngày mùng 2/9 mang một ý nghĩa không thể nào quên, ngày 02/9/1945 đã đi vào lịch sử, là ngày độc lập dân tộc chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta, đồng thời mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
[rpi]
Tại quảng trường Ba Đình lịch sử trước hơn 50 vạn dân, chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản tuyên ngôn độc lập tuyên bố với nhân dân Việt Nam và thế giới: khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với ý nghĩa lịch sử trọng đại này ngày mùng 2/9 đã được lấy làm ngày Quốc Khánh của Việt Nam.
Cùng đi qua năm tháng với những cột mốc lịch sử đáng nhớ, gắn liền với Quốc khánh 2/9 của đất nước ta từ cách đây 76 năm.
Quảng trường Ba Đình 2/9/1945
Tháng 8/1945, Cách mạng tháng Tám thành công là một cột mốc lịch sử vẻ vang của dân tộc, Việt Nam chính thức đánh bại thực dân Pháp, giành lại nền độc lập dân tộc sau thời gian dài bị ách đô hộ thống trị. Tại căn nhà số 48 Hàng Ngang, Hàng Đào, chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập trong 2 ngày 28,29/8/1945.
Từ sáng sớm ngày 02/9, hàng chục vạn người với hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đỏ dồn về phía Ba Đình. Lễ đài bằng gỗ đơn sơ được dựng lên giữa Quảng đường Ba đình; các đội tự vệ vũ trang cùng những đơn vị Quân Giải phóng đội mũ ca lô, quân phục nghiêm trang, hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ đài; hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, nét mặt hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới – nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cùng giờ này, nhiều cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Huế, Sài Gòn và nhiều thành phố khác. Muôn triệu trái tim hồi hộp hướng về Hà Nội đợi chờ. Đúng 14 giờ, Hồ Chủ tịch và các vị lãnh đạo trong Chính phủ lâm thời ra lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang từ từ kéo lên. Hàng chục vạn bàn tay nắm chặt giơ lên ngang tai, biểu thị lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kính chào lá cờ vinh quang của Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Tuyên ngôn Độc lập là bản hùng ca viết tiếp những trang sử huy hoàng của ngàn năm về trước, đã đánh dấu thắng lợi của một thế kỷ ngoan cường chống thực dân và phong kiến và mở ra một kỷ nguyên mới trên đất nước ta. Tuyên ngôn Độc lập chẳng những đã khai sinh một nhà nước – nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, mà còn báo hiệu sự thành lập một chế độ xã hội mới – chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Châu Á.
Quốc khánh 2/9/1975
30 năm sau ngày lịch sử, Quốc khánh 2/9/1975 được tổ chức trang trọng, thiêng liêng với lễ duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội. Tính đến thời điểm đó, đây được xem là lễ duyệt binh lớn nhất với hàng chục nghìn người tham gia cùng với các khí tài, phương tiện quân sự.
Thêm vào đó, lễ duyệt binh, diễu hành lịch sử ngày 2/9/1975 còn mang ý nghĩa hơn cả. Đó là khi đất nước thống nhất, giang sơn quy về một mối, Nam Bắc một nhà. Nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo Đảng Cộng sản một số nước và đông đảo khách quốc tế đã đến dự, chung với niềm vui chiến thắng của dân tộc Việt Nam.
Từng phi đội máy bay chiến đấu lao vút qua như vẽ lên hình tượng chiến thắng trên bầu trời thủ đô. Trong đó có cả những chiếc Mig 21 và những phi công anh hùng vừa làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Rồi đến lực lượng bộ đội tên lửa phòng không oai nghiêm tiến vào quảng trường, các lực lượng xe tăng, pháo binh, bộ binh, hải quân… rầm rập tiến vào quảng trường.
Đồng bào dự lễ tràn ngập tiếng cười vui lẫn cả tiếng khóc. Nước mắt xúc động của những người mẹ, người cha, người vợ tiễn bao chồng con ra trận không trở về để Tổ quốc có ngày hôm nay.
Trời Ba Đình lộng gió như hồn thiêng sông núi tụ về. Bên những gương mặt chiến sĩ nhuộm khói lửa chiến trường còn có cả đội nữ binh tự vệ đặc biệt. Những cô gái xinh đẹp, vận trang phục miền Bắc, tay cầm chặt súng trường. Hay là những đoàn những người công nhận, đại diện cho tầng lớp chính xây dựng nên nền kinh tế cho đất nước..
Đây cũng là lần đầu tiên đội du kích trẻ em ra mắt đồng bào. Những cậu bé đội mũ calô, bước chân đi như chim, từng sát cánh với chiến sĩ trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp…
Thủ đô Hà Nội bừng bừng trong ngày Quốc khánh, Tết độc lập, ngày vui của cả dân tộc. Buổi duyệt binh không chỉ có các đoàn quân ở quảng trường, mà còn kéo dài ra tận nhiều tuyến phố quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Các chàng trai, cô gái trong các đoàn diễu dân sự, kinh tế lần lượt vẫy chào đồng bào, như nhắc nhớ bắt tay vào một thời kỳ xây dựng Tổ quốc mới.
Quốc khánh 2/9/1985
Sau lễ Quốc khánh năm 1975, 10 năm sau, để kỷ niệm 40 năm ngày Tết độc lập, chúng ta đã tiếp tục tổ chức một lễ diễu binh nữa vào ngày 2/9/1985, cũng ngay tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
So với các lễ duyệt binh trước đây, ngoài các quân chủng, binh chủng đã tham dự duyệt binh ngày 2/9/1975, lần này có sự tham gia của máy bay không quân – quân chủng hiện đại và giành chiến thắng vẻ vang trong bảo vệ bầu trời miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa và trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam. Cho tới ngày hôm nay, đây cũng là cuộc duyệt binh lớn nhất của lực lượng không quân Việt Nam với sự tham gia của một loạt các loại máy bay hiện đại.
Gần 30.000 người phục vụ cho lễ duyệt binh ngày 2/9/1985. Ở vào thời điểm đó, tình hình kinh tế đất nước tuy có nhiều khó khăn, song Đảng và Nhà nước ta vẫn tổ chức lễ duyệt binh hoành tránh và mang ý nghĩa lịch sử to lớn.
Lễ duyệt binh trong ngày Quốc khánh 2/9/2985 cũng là lần cuối cùng xe tăng, tên lửa và các loại thiết giáp hạng nặng nghiến xích qua thủ đô.
Quốc khánh những năm 1995, 2005, 2015
Kể từ sau Quốc khánh 2/9/1985, Việt Nam không còn tổ chức các lễ duyệt binh hoành tráng với các thiết bị, vũ khí phục vụ chiến tranh như trước nước. Khi đất nước đã bước vào thời bình, vào ngày Quốc khánh, không chỉ tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội mà trên các con phố lớn của thủ đô Hà Nội hay các thành phố khác trên đất nước đều tổ chức các buổi diễu hành, diễu binh để kỷ niệm ngày Tết thiêng liêng này.
Các buổi diễu hành thường được tổ chức vào sáng sớm ngày 2/9. Sẽ có một buổi diễu hành lớn nhất, được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Ba Đình với sự tham gia của hàng chục nghìn người, thể hiện sức mạnh hào hùng, đại diện cho các tầng lớp, tạo nên khối đại đoàn kết của dân tộc.
Dẫn đầu khối nghi trượng là xe Quốc huy rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đi qua lễ đài – nơi mà vào một ngày mùa thu năm 1945, Người đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tiếp sau khối nghi trượng là đội hình diễu binh gồm các lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội, công an, du kích và dân quân, tự vệ.
Dẫn đầu đội hình diễu hành là các Cựu chiến binh Việt Nam, tiếp đó là phần diễu hành của các lực lượng quần chúng đại diện cho nhiều giai tầng trong xã hội như công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, phụ nữ hay có cả những cháu thiếu niên nhi đồng.. Tất cả đều mang niềm kiêu hãnh, tự tôn dân tộc, cờ hoa phấp phới đón Tết độc lập.
Không chỉ có ở Quảng trường Ba Đình, lễ diễu binh, diễu hành ngày Quốc khánh còn đi qua những tuyến phố, con đường lớn để người dân có dịp được hòa chung vào không khí niềm vui của ngày Tết độc lập.
Dù là năm nào đi chăng nữa, ngày Quốc khánh 2/9 vẫn là ngày Tết độc lập, mang ý nghĩa thiêng liêng, là thời gian để người ta nhớ lại trang sử hào hùng của ông cha. Từ đó tiếp tục phát huy sức mạnh dân tộc, cả đất nước cùng nhau phát triển, rạng danh năm châu.
Ảnh: Internet.
Wanderlust Tips | Cnet