Kinh nghiệm du lịch Tây Tạng
- 07/09/2015
- KINH NGHIỆM DU LỊCH
- du lịch Tây Tạng, Tây Tạng
Với diện tích 1.200.000 km2 và dân số 2.700.000 người, Tây Tạng là vùng đất thử thách sức lực của con người bởi độ cao và môi trường khắc nghiệt, là một địa danh đầy bí ẩn đối với du khách từ xưa đến nay.
Dưới đây là một số kinh nghiệm du lịch Tây Tạng bạn cần phải biết để có một chuyến du lịch đáng nhớ.
Vị trí địa lý
Cao nguyên Tây Tạng có diện tích khoảng 1.200.000 km2, nằm ở độ cao gần 5000m, là một vùng đất rộng lớn và cao nhất Trung Hoa Được mệnh danh là “mái nhà của thế giới” với những rạng núi cao nhất hành tinh như dãy Hymalaya với đỉnh Everest, cao nguyên Tây tạng được hình thành do quá trình thành kiến tạo và va chạm của các mảnh địa chất trên bề mặt vỏ quả đất từ hàng triệu năm trước mà thành. Vì vậy, cho đến nay người ta vẫn còn thấy nhiều dấu vết của các loài động vật biển hóa thạch cùng nhiều hồ nước mặn trên khắp vùng đất thảo nguyên mênh mông.
Đảm bảo sức khỏe
Tây Tạng, phiên âm từ tiếng Hoa “Xizang”, được biết đến như một vương quốc huyền bí của Phật giáo và là một cao nguyên cao nhất thế giới thuộc dãy Hy Mã Lạp Sơn với độ cao trung bình 4.900 m so với mặt nước biển. Ngoài ra, Tây Tạng còn được biết đến với các tên gọi “xứ sở hạnh phúc đã mất” (Lost Shangri La), “đất nước của núi tuyết” hay “mái nhà của thế giới”. Bởi vậy mà nơi đây áp suất thấp, không khí loãng. Hai yếu tố bạn cần quan tâm khi đến đây, đó là:
– Khí hậu lạnh: Do ảnh hưởng của khí hậu cao nguyên, ở độ cao hơn 4.000m thì nhiệt độ có thể thấp hơn 20 độ so với mực nước biển. Tuy nhiên, nếu đi Tây Tạng từ tháng 4 đến tháng 10 thì nhiệt độ không quá khắc nghiệt. Vào tháng 4, nhiệt độ ở Lhasa vào buổi sáng sớm khoảng 10-12 độ C, trưa có thể lên đến 20 độ C.
– Không khí loãng: Nếu đi bằng tàu hỏa thì đây không phải là vấn đề quá lớn đối với bạn vì khoảng 2 ngày trên tàu với độ cao tăng dần, hầu hết du khách đều cảm thấy dễ chịu khi đến Tây Tạng trong ngày đầu. Nếu đi bằng máy bay thì có thể hơi sốc một chút những nếu tuân theo các hướng dẫn an toàn như hạn chế vận động mạnh, hít thở đều, về khách sạn nghỉ ngơi sớm thì sẽ không có trở ngại gì quá lớn. Sau một đêm nghỉ ngơi, bạn hoàn toàn có thể tham quan Lhasa vào ngày hôm sau. Bạn cũng có thể chọn tham quan cung Potala sau hai đêm ở Lhasa, để có thể thích nghi với độ cao hơn khi bạn phải ra sức leo trên các bậc thang.
Tuy vậy, để chuyến đi được suôn sẻ, bạn cần rèn luyện sức khỏe và chuẩn bị tinh thần trước. Bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và tập hít thở. Những người bị huyết áp thấp hay mắc bệnh tim mạch thì không nên du lịch Tây tạng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Xin giấy phép
Giấy phép vào Tây Tạng chỉ được cấp trước 20 ngày của chuyến đi. Bạn phải có visa Trung Quốc trước rồi copy gửi qua cho đại lý bên Tây Tạng tiến hành xin giấy phép. Tây Tạng không cho phép đi tự túc nên bạn phải thông qua một công ty du lịch ở Tây Tạng để có thể khám phá vùng đất huyền bí này.
Có 3 loại giấy phép vào Tây Tạng:
– Loại thứ nhất là giấy thông hành vào Tây Tạng (cần khoảng 20 ngày để xin giấy này), cho phép bạn vào khu tự trị Tây Tạng.
– Loại thứ hai là giấy phép để đi vào một số khu vực hạn chế, ngoài thủ phủ Lhasa.
– Loại thứ ba là giấy phép để đi vào một số khu vực do quân đội quản lý.
Phương tiện đi lại
Có 2 cách phổ biến để đến Tây Tạng là đi tàu hoặc máy bay. Tuyến đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng được nhiều dân phượt lựa chọn, vừa ngắm cảnh đẹp hai bên đường vừa giúp bạn làm quen dần với không khí loãng ở trên cao. Tuy nhiên phương tiện này lại tốn nhiều thời gian và tiền bạc.
Nếu đi bằng đường hàng không, bạn có thể đặt trước vé của Vietnam Airlines (bay Thành Đô vào thứ 4, 6 và Chủ nhật hàng tuần), China Southern (quá cảnh ở Quảng Châu), China Eastern (quá cảnh ở Thượng Hải). Bạn nên đi chuyến bay tầm trưa từ Thành Đô đến Lhasa để ngắm được cảnh đẹp của Tây Tạng khi máy bay hạ độ cao.
Thời điểm nên đi du lịch
Đi Tây Tạng đẹp nhất năm là tầm tháng 5, tháng 9 và tháng 10 vì trời ít lạnh hơn và cũng xanh trong hơn. Ngoài ra, mùa xuân và hè là thời gian thích hợp cho những người hành hương và thích tham gia các lễ hội đầy màu sắc. Nên tránh đi vào mùa đông vì thời gian đó, nhiệt độ có thể xuống tới âm vài chục độ C, rét buốt kèm bão tuyết.
Trang phục
Trang phục khi đến vùng đất này cần được chuẩn bị chu đáo. Bạn cần đem theo ba loại áo ấm: mỏng, dày và thật dày để tùy thời điểm, tùy nơi mà cần những loại áo ấm khác nhau. Thời tiết của Tây Tạng rất trong lành, không bị toát mồ hôi nhiều nên bạn không cần mang nhiều đồ để thay. Nếu lịch trình của bạn bao gồm cả ngủ đêm ở Everest Base Camp thì nhớ mang theo túi ngủ, găng tay, khăn giữ ấm cổ.
Hãy chọn một đến hai đôi giày đế bằng mà bạn cảm thấy thoải mái nhất. Thời tiết ở đây hanh khô nên kem dưỡng ẩm tay hay son dưỡng môi cũng rất cần thiết. Một chiếc kính râm sẽ giúp mắt bạn tránh bị ánh nắng chói chang nơi đây chiếu trực tiếp vào.
Thực phẩm, thuốc men
Bạn có thể mang theo ruốc, muối vừng để ăn cùng cơm, chocolate, kẹo, café, trà gừng để giữ ấm bụng… Các loại thuốc uống như đau bụng, đau đầu, cảm sốt, thuốc nhỏ mắt, mũi… hay thuốc bổ tổng hợp cũng nên mang theo.
Đi đâu, chơi gì?
Được xem như một trong những thánhh địa Phật giáo nổi tiếng vào bậc nhất thế giới, Tây Tạng không chỉ có thảo nguyên, tuyết và cát mà còn là thiên đường của những công trình kiến trúc Phật giáo nổi tiếng, dễ dàng chinh phục những du khách dù khó tính nhất.
Trung tâm của cao nguyên Tây Tạng chính là thành phố L’hasa, nơi được mệnh danh là “thánh địa Phật giáo”. L’hasa, theo tiếng địa phương có nghĩa là “đất bùn của dê” do nguồn gốc xây dựng thành phố trên đất bùn, do các chú dê vận chuyển đến. Lhasa là một di sản văn hóa nổi tiếng thế giới được bắt đầu xây dựng từ khoảng năm 637 trên một ngọn đồi có tên là Mabuge với độ cao cách biệt với bề mặt thành phố là 91m. Đến Tây Tạng, du khách không thể bỏ qua cơ hội khám phá những công trình kiến trúc đặc sắc, trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến cung điện Potala. Potala còn được gọi là Cung điện mùa hè của Đạt Lai Lạt Ma. Cung điện có 13 tầng với khoảng 1.000 phòng, 10.000 miếu thờ và lăng mộ của 8 vị Đạt Lai Lạt Ma, nhìn xuống thành phố Lhasa ở hướng Nam. Potala được xây dựng chủ yếu bằng đất, đá và gỗ (do dê và sức người chở đến). Cung điện đươc chia thành 2 cung nhỏ là Bạch Cung (White Palace) và Hồng Cung (Red Palace). Ngoài nét kiến trúc độc đáo, cung điện Potala còn nổi tiếng với các bức tranh quý giá đang được trưng bày tại đây. Cung điện được xây dựng vào thế kỷ thứ VII, đánh dấu bởi cuộc hôn nhân chính trị gắn kết hai dân tộc Hán – Tạng lại với nhau với vai trò của quốc vương xứ Thổ phồn Songzanganbun và Văn Thành công chúa (nước Đại Đường).
Potala vẫn tồn tại hàng ngàn năm qua như là biểu tượng vĩnh cửu của văn minh Tây Tạng. Đến đây, bạn còn có dịp khám phá cảnh thiên nhiên hùng vĩ của đèo Gangbala, cao 4.800m, tham quan Dương Hồ và Đại Cầu Khúc Thủy – một trong ba cây cầu nổi tiếng bắc qua sông Yarlung Lumg Tsangpo.
Bên cạnh Potala, Tây Tạng nói chung và L’hasa nói riêng còn nổi tiếng với những ngôi chùa Đại Chiêu tự (Jokhang) được xây dựng từ năm 693, nằm ngay tại trung tâm Lhasa, với khu vườn rộng 100 mẫu Anh và 370 phòng. Đây vừa là ngôi chùa cổ, vừa là tu viện nổi tiếng của Phật giáo Tây Tạng. Chùa Đại Chiêu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, và là điểm hành hương thiêng liêng của các tín đồ Phật giáo khi đến với Tây Tạng. Ngoài chùa Đại chiêu, Tây Tạng còn nổi tiếng với đại cổ tự Tashilumpo (thuộc thành phố Shigatse), cách L’hasa khỏang 225 km về phía tây. Cổ tự được xây dựng vào năm 1447, là nơi ở của các vị Đạt Lai Lạt Ma.
Du khách còn biết đến Thiền viện Drepung, nơi gắn liền với tên tuổi của tông phái Hoàng đạo do Tông Khách Ba (Tsong-Kha-Pa) sáng lập nên. Đây là nơi học tập của hàng trăm ngàn tăng sỹ từ khắp nơi trên vùng đất Tây Tạng. Du khách cũng sẽ thực sự ngạc nhiên khi nhìn thấy hình ảnh của những đoàn người hành hương với sự thành tâm cung kính trong bộ dạng tiều tụy và rách rưới. Đó chính là hình ảnh của thánh tăng Hư Vân (1840-1959) mà theo sách sử cho biết ngài đã thực hiện chuyến hành trình “tam bộ nhất bái” (ba bước một lạy) từ Phổ Đà sơn về Ngũ Đài sơn với tổng đoạn đường dài trên 2.500km.
Có thể nói, tôn giáo là nền tảng cơ bản để người Tây Tạng tồn tại, vì vậy hình ảnh những ngôi chùa, những vị tăng trong màu áo nâu được nhìn thấy khắp nơi trên vùng đất thảo nguyên đầy gió và cát, cùng những điều huyền bí của nơi được mệnh danh nóc nhà thế giới này.
Nằm cách Lhasa 225 km về phía Tây, Shigatse là một thành phố Phật giáo rất quan trọng của Tây Tạng. Nơi đây nổi tiếng với Ngôi chùa Tashilhunpo được xây dựng vào năm 1447 và là nơi ở của các vị Đạt Lai Lạt Ma. Vượt qua đèo Gangbala (cao 4.800 m so với mực nước biển), du khách sẽ đến với Dương Hồ (Yanmdrok Lake) với phong cảnh đặc trưng của cao nguyên Tây Tạng, Đại cầu Khúc Thủy – một trong ba cây cầu nổi tiếng bắc qua sông Yarlung Tsangpo và Chùa Tashilumpo – nơi ở của các vị Đại Lai Lạt Ma.
Bạn có thể đi bằng đường hàng không hay đường xe lửa T27 vừa được khánh thành. Nếu đi xe lửa, từ những ô cửa, bạn có dịp khám phá cả đất nước Trung Quốc rộng lớn trên một cung đường dài Bắc Kinh – Tây Tạng: từ phố xá đông đúc chốn thị tứ đến những cánh đồng bạt ngàn của dân du mục, những dãy núi tuyết vĩnh cửu ở cao nguyên Tây Tạng.
Trên cung đường sắt cách mặt nước biển 5.000m, trước tầm mắt là những dãy băng sơn hiển hiện rực rỡ dưới ánh cầu vồng. Từng ngọn núi nhấp nhô, bốn bề mây tuyết phủ tạo cho người ta một cảm giác thật nhỏ nhoi trước vũ trụ. Đến với Tây Tạng không chỉ là chặng đường hành hương về đất Phật mà còn là khoảnh khắc chiêm nghiệm bản thân, gột sạch những vướng bận trong lòng.
Mua sắm
Chủ yếu ở Barkhor tại Lhasa. Nếu đi cả Tibet và Nepal thì nên mua đồ lưu niệm ở Nepal vì giá cả phải chăng.
Một số lưu ý khác
– Không được chụp ảnh cảnh sát, đồn cảnh sát hay quân đội… hoặc nơi để bảng cấm chụp hình. Nếu không bạn sẽ có nguy cơ bị xóa sạch hình hay tịch thu máy ảnh.
– Toilet ở các điểm tham quan của các tu viện rất kinh dị. Đi lộ thiên là hay ho nhất. Hãy lựa nơi có view đẹp trên đường đi và kêu bác tài dừng xe để vừa đi vừa ngắm cảnh luôn.
Theo Cinet
Leave A Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.