Hành trình tới nơi lưng chừng thời gian (Kỳ 1)
- 08/07/2016
- KINH NGHIỆM DU LỊCH
- kinh nghiệm du lịch Tây Tạng, larung, Larung Gar, nhiếp ảnh gia Tâm Bùi, tập tục thiên táng, Tây Tạng
(#wanderlusttips #TayTang #Larung) Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi vừa thực hiện chuyến đi tới Tây Tạng trong 15 ngày với 2 điểm đến chính là Larung và Lhasa. Những trải nghiệm của anh mang tới góc nhìn Tây Tạng đẹp ấn tượng và chân thực nhất. Cùng lắng nghe những chia sẻ của Tâm Bùi về vùng đất dường như tách biệt khỏi thế giới này.
[rpi]
Kỳ 1: Độc hành tới Larung
Trước khi đi, nhiếp ảnh gia Tâm Bùi tìm hiểu các thông tin trên mạng nhưng khá ít và các kinh nghiệm đó chia sẻ cách đây đã 3-4 năm. Thế là bằng 1% thông tin và 99% niềm tin rằng sẽ đến được nơi đó, Tâm vẫn quyết định lên đường.
Nhóm có 4 người, trong đó 3 người không muốn đến Larung nên sau khi cùng nhau bay đến Thành Đô, Tâm chia tay các bạn và độc hành tới Larung.
Ngày 1: Quanh quẩn ở Thành Đô
Hành trang kỹ lưỡng cho hành trình sắp tới của Tâm bao gồm: tải bản đồ, từ điển tiếng Trung – Anh, đọc các hướng dẫn chỉ đường, chuẩn bị trang phục gọn nhẹ, nhất thiết phải có đôi giày tốt để đi bộ nhiều…
Vấn đề đầu tiên khi vừa bắt đầu hành trình chính là anh đã đi nhầm bến xe. Đi Larung phải bắt xe đi Serta và chỉ có bến xe Chadianzi mới có tuyến. Thế nhưng do nghe lời anh bạn biết tiếng Trung nói là bến Xinnanmen cũng có thể đi Serta nên Tâm đã quyết định tới bến Xinnanmen, tuy nhiên tại đây không hề có tuyến nào đi Serta cả. Vậy là khi anh quay lại Chadianzi thì đã trễ giờ. Cuối cùng Tâm phải lang thang một ngày nữa ở Thành Đô để đợi sáng hôm sau tới Chadianzi bắt xe lại.
Ngày 2: Lên đường tới Serta
Xe đi Serta xuất phát lúc 6h10, 6h15, 6h20 sáng hàng ngày ở bến xe Chadianz. Các bạn nên mua vé trước từ 1 tới 2 ngày cho an toàn. Một lưu ý đặc biệt là thông tin trên mạng ghi là Serta, còn ở Trung Quốc mọi người phiên âm là “Seda”.
Nếu cách đây 3,4 năm từ Chadianz phải mất 16,5 tiếng để tới Serta thì nay thời gian rút ngắn xuống còn 12 tiếng. Đường khá tốt, chỉ có đoạn gần tới nơi thì hơi xấu và gồ ghề. Thung lũng Larung nằm trên đường tới bến xe ở Serta, cách bến xe khoảng 10km, như vậy nếu đi tới bến xe bạn sẽ phải bắt xe để quay ngược lại Larung.
Tuy nhiên, trong chuyến đi của Tâm, anh không tới bến xe mà dừng lại ngay khi còn chưa tới Larung. Khi còn cách Larung khoảng 40km thì có một trạm cảnh sát, họ kiểm tra hết giấy tờ tùy thân của mọi người trên xe, những ai không phải là công dân Trung Quốc đều phải xuống xe và bị giữ lại không cho vào Larung. Những người cảnh sát tại đây không biết nói tiếng Anh nên rất khó giao tiếp. May sao có một du khách người Nhật cũng bị giữ lại biết nói tiếng Trung, du khách này đã phiên dịch lại lý do cảnh sát không cho vào Larung vì tại đây đang có một lễ hội lớn nên hạn chế du khách nước ngoài (mặc dù sau đó khi vào được Larung thì Tâm không hề thấy lễ hội nào cả). Sau tình huống đó, du khách người Nhật chuyển hướng đi tới nơi khác, trong khi đó Tâm vẫn cố gắng tìm cách để vào Larung cho bằng được.
Tâm được cảnh sát chở vào một khách sạn đắt đỏ gần đó, giá 200tệ (670.000VND)/đêm để ngủ lại chờ sáng mai bắt xe về Thành Đô. Khách sạn cách trạm cảnh sát khoảng 1km. Tâm cất đồ đạc, đeo ba lô ra đường tìm người giúp. Lúc này tầm 5h chiều nhưng trời ở đây vẫn sáng và nắng chang chang.
Sau khi đi một vòng thì Tâm làm quen được một cô gái người Canada cũng chung cảnh ngộ không được vào Larung Gar, cô gái này đã làm ở Đại Lục được 4 năm và rất thạo tiếng Trung. Nhờ vậy mà họ làm quen được với một nhóm thanh niên bản địa. Trong nhóm thanh niên này, một anh chàng đã đề nghị có thể chở Tâm vào Larung với giá 400tệ (khoảng 1,3 triệu). Sau khi thỏa thuận thống nhất, anh chàng bản địa hẹn đón tâm vào lúc 8h30 tối vì giờ đó cảnh sát sẽ không canh chừng nữa.
Tới 8h30 tối, lúc này trời ở đây vẫn còn nắng chang chang, theo đúng lịch hèn, anh chàng bản địa tới đón Tâm ở khách sạn. Anh ta ra dấu cho Tâm ra sau đuôi xe, nằm xuống ghế và đắp mền lại. Qua trạm cảnh sát một hồi, nghe thấy dấu hiệu mọi thứ đã ổn của anh chàng bản địa, Tâm ngồi dậy và hiểu là đã qua được trạm cảnh sát.
Trong suốt chặng đường, mặc dù ngôn ngữ bất đồng nhưng Tâm và anh chàng bản địa đã thỏa thuận anh ta sẽ làm hướng dẫn viên đưa Tâm thăm thú Larung trong 2 ngày với giá là 1400tệ (khoảng 4,6 triệu).
Ngày 3: Thung lũng Larung – Cuối cùng cũng tới!
Khi Tâm còn đang thiu thiu trên xe thì anh chàng hướng dẫn viên bản địa la lên “Larung Larung”. Vậy là đã tới Larung. Giữa ánh sáng lờ mỡ lúc nửa đêm, Larung dần hiện lên sừng sững và đồ sộ. Lúc này người dân ở đây còn đang im lìm ngủ, chẳng có tiếng đọng nào ngoài tiếng xe rì rì, thời tiết thì lạnh cóng.
Tới khách sạn, Tâm phải check in bằng giấy tờ của anh chàng hướng dẫn viên vì khách sạn không cho người nước ngoài check in. Sau đó, Tâm tranh thủ mang chân máy lên mái nhà phơi sáng. Khi tua đi tua lại mấy tấm hình, anh mới thực sự tin rằng mình đã đến được Larung.
Ngày 4: Tận mắt chứng kiến tục lệ thiên táng
Ngày thứ hai ở Larung, hành trình bắt đầu từ lúc 5h30 sáng. Tâm một mình đi chụp ảnh Larung Gar lờ mờ trong sương sớm. Larung Gar là một học viện Phật giáo lớn nhất thế giới ấn mình giữa thung lũng Larung. Tuy nhiên tăng (monk) và ni (nun) ở đây không thích người khác chụp hình họ vì cũng như nhiều người Tạng khác, họ quan niệm khi chụp ảnh thì họ bị tổn thọ nên rất không thích. Vì vậy nhiếp ảnh gia Tâm phải dùng ống tele để chụp từ xa.
Sáng sớm là lúc người dân địa phương ra đường mua hoặc trao đổi thức ăn, vật dụng mà khắp nơi chở tới. Nhìn giống như một phiên chợ nhỏ ngay trung tâm Larung. Hầu hết ai cũng mua 2-3 chai sữa bò Yak mang về dùng trong ngày. Sau khi no bụng thì họ bắt đầu đi học đạo.
Larung đẹp nhất từ khoảng 6-8h sáng, khi mặt trời xuống thấp nhất về phía Tây và lúc này ráng chiều rực lên vàng vọt. Một tuyệt tác hoành tráng nhưng tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Khoảng 9h, Tâm cùng hướng dẫn viên bắt đầu hành trình khám phá Larung với tục lệ thiên táng nổi tiếng. Đây là tập tục lạ lùng của người Tạng, người chết sau khi được khâm liệm 2-3 ngày thì xác được mang lên đồi cao. Ở một số nơi người ta đặt người chết ở khu đất trống, còn ở Larung Gar người ta xây hẳn một nơi riêng cho việc này.
Nghi lễ thường diễn ra từ giữa Ngọ, mọi người tập trung sẵn ở chân đồi, ở trên đỉnh đồi là lũ kền kền ủ rũ tựa vào nhau đứng đợi. Thế nhưng khi xác chết được đưa lên đỉnh đồi, mùi xác chết khiến lũ kền kền bỗng chốc tỉnh táo hẳn, đôi mắt sắc lẻm quắc lên, đôi cánh bắt đầu đập phần phật trên đầu đám người lố nhố để bay lại gần xác chết.
Khi các nghi lễ đã xong, thầy cúng trong trang phục áo đỏ, vàng nổi bật cắt xác thành các phần và để bầy kền kền xông vào ngấu nghiến những xác người trên sàn. Mười mấy phút sau, trên sàn chỉ còn lại những xương của người đã chết.
Ngoài Larung Gar thì phong tục này còn có ở các nơi khác ở Tây Tạng, tuy nhiên do các clip về thiên táng được tung ra trên mạng nhận những lời bán tán không hay về tập tục này, nên người Tây Tạng khép kín hơn và không muốn thế giới bên ngoài biết về tập tục này nữa.
(Kỳ 2: Lhasa và những điều không ngờ tới)
LN (Theo FB Tâm Bùi) | Wanderlust Tips | Cinet