Ý nghĩa ẩn sau chiếc mặt nạ kỳ lạ của phụ nữ Iran
(#wanderlusttips #Iran) Nếu có dịp tới Iran, du khách chắc chắn sẽ rất tò mò bởi những chiếc mặt nạ với hình thù độc đáo và nhiều màu sắc của phụ nữ tại đây. Chiếc mặt nạ này thực sự mang nhiều ý nghĩa với người dân Iran.
[rpi]
Người dân ở tỉnh Hormozgan, bờ biển miền nam Iran được gọi là Bandari (người dân vùng cảng). Vì đóng vị trí quan trọng ở con đường hương liệu, gia vị (Spice Route) khu vực này trở thành trung tâm buôn bán lớn từ năm 2000 trước Công nguyên. Nơi đây có sự pha trộn của nhiều nền văn hóa, từ châu Phi, Arab, tới Ấn Độ, Ba Tư. Người dân vùng này đều mặc đồ và trang điểm khác với các tỉnh còn lại của Iran. Phụ nữ mặc váy sặc sỡ thay vì màu đen, đàn ông mặc quần áo phong cách Arab. Tuy nhiên, mặt nạ Boregheh của những phụ nữ Bandari, (dù theo dòng Hồi giáo Sunni hay Shia) mới là loại phụ kiện kỳ lạ nhất.
Trong ảnh là người phụ nữ đeo mặt nạ truyền thống hình ria mép. Đảo Qeshm là nơi có nhiều phong cách mặt nạ kỳ lạ và người ta có thể nhận ra ngay người đó đến từ làng nào, nguồn gốc ở đâu cũng từ những chiếc mặt nạ. Chúng được cả người Hồi giáo Sunni và Shite đeo, tuy nhiên người Hồi giáo Shite thường đeo mặt nạ hình chữ nhật màu đỏ, trong khi người Hồi giáo Sunni lại đeo mặt nạ màu đen và vàng với những họa tiết đơn giản hơn.
Một phụ nữ Bandari đeo mặt nạ truyền thống tại khu chợ Panjshambe Bazar được tổ chức tại Minab trên đất liền mỗi thứ năm. Đây cũng là những người phụ nữ thường tới mua mặt nạ, thắt lưng và khăn shalwars nhiều màu. Họ còn dành thời gian gặp gỡ nhau và trò chuyện khi vừa hút shisha.
Chiếc mặt nạ hình ria mép lạ lùng trong ảnh được cho rằng là thiết kế từ hàng thế kỷ trước để khiến phụ nữ địa phương trông cứng rắn và dữ dằn hơn. Hòn đảo Qeshm có vị trí chiến lược nên rất dễ bị xâm lược, khi kẻ thù nhìn thấy phụ nữ đeo mặt nạ họ sẽ lầm tưởng là các binh lính nam giới.
Bên cạnh đó, chiếc mặt nạ truyền thống này còn có ý nghĩa giữ cho phần đầu được bảo vệ.
Phần chạy dọc theo mũi của mặt nạ được làm từ dụng cụ y tế có sẵn ở các hiệu thuốc, đó là công cụ các bác sĩ thường dùng để nhấn lưỡi xuống khi kiểm tra cổ họng, hoặc có thể thay thế bằng que kem (như ảnh). Các phần còn lại được làm từ cành cây cọ nhỏ.
Khi thực hiện làm mặt nạ, người ta còn sử dụng cả bông và loại giấy màu nhập khẩu từ Mumbai.
Ameneh – thợ may người Hồi giáo Sunni ở trong làng chuyên làm mặt nạ Boregheh.
Mỗi mặt nạ mất hai ngày để thực hiện và được may phù hợp với yêu cầu của người đặt.
Các đồ trang trí sẽ được gắn thêm lên mạng che mặt và mặt nạ dành cho đám cưới, để thêm sự lung linh, lấp lánh. Việc trang trí công phu như vậy cũng thể hiện mức độ tài chính của chủ nhận mặt nạ.
Người Hồi giáo Shiite thường đeo mặt nạ hình chữ nhật màu đỏ và phong cách thêu đặc trưng.
Làng Jargan là nơi mặt nạ chữ nhật đỏ của người Hồi giáo Shite phổ biến nhất.
Nhiều người phụ nữ sẽ cảm thấy xấu hổ nếu ra ngoài đường mà không có mặt nạ của mình.
Trong ảnh là người đàn ông chụp với người vợ thứ hai (trẻ hơn ông 20 tuổi) và con trai họ. Chế độ đa thê rất phổ biến đối với người Baluch – một nhóm dân tộc bảo thủ người sống chủ yếu ở Iran, Pakistan và Afghanistan.
Trong ảnh là người phụ nữ Bandari trên đảo Qeshm chụp ảnh cùng chồng mình. Người chồng chia sẻ rằng thích vợ mình đeo mặt nạ hơn vì điều đó phù hợp với niềm tin tôn giáo của họ.
Tại chợ Panjshambe ở Minab, hình ảnh người phụ nữ đeo mặt nạ và quấn khắn kín mít đang ngồi bán những chiếc áo ngực nhiều màu sắc quá thật là những sự đối lập kỳ lạ.
Phụ nữ ở Qeshm tham gia vào một buổi lễ Zar. Tại đây, khi người phụ nữ được phủ một tấm màn che và ở trạng thái thôi miên, cô được các linh hồn chiếm hữu và gỡ bỏ mặt nạ ra. Đây là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi khi mặt nạ Boregheh bị tháo bỏ ở nơi công cộng.
Zinat là người phụ nữ đầu tiên ở Qeshm dám đi ra đường mà không đeo mặt nạ từ khoảng 20 năm trước, sau khi cô trở về từ thành phố Bandar Abbas và đã hoàn thành khóa nghiên cứu y học. Cô đã người dân địa phương tẩy chay trong vòng hơn 10 năm và những người đàn ông chỉ cho phép vợ mình tiếp xúc với cô ấy khi cần được điều trị y tế.
Zinat làm việc trong phạm vi 62 làng, cô chăm sóc trẻ sơ sinh và giúp đỡ những người nghiện thuốc phiện. Thế nhưng ngoại trừ những lúc được cô ấy trợ giúp y tế thì còn lại các thời gian khác mọi người đều tránh tiếp xúc với cô. Zinat không có bạn bè và không một ai mời cô đến dự đám cưới. Họ cho rằng cô đã gây nên sự nhục nhã cho nền văn hóa địa phương. Tuy nhiên hiện giờ Zinat đang là một chính trị gia tại địa phương và cô đang vận động bảo vệ quyền của nữ giới.
Một buổi trình diễn nghệ thuật tại nhà của Zinat, cô đã đặt chiếc mặt nạ sắt lên mặt cô gái như thay cho lời lên án những áp bức, bất công mà cô đã phải chịu đựng từ khi còn nhỏ, khi bị buộc phải đeo những chiếc mặt nạ ở trong ngôi làng Salakh của cô.
Giờ đây những người trẻ tuổi trên đảo Qeshm gần như không còn giữ truyền thống đeo mặt nạ nữa, và chỉ còn những người phụ nữ Bandari lớn tuổi theo lề thói này. Và một người phụ nữ Bandari đã chia sẻ rằng đeo mặt nạ là cách để bà giấu đi những nếu nhăn tuổi tác.
Có quan điểm chỉ ra rằng chiếc mặt nạ không phải cách thức ngăn cản phụ nữ trong cuộc sống cũng như khi giao tiếp xã hội với đàn ông như trong chế độ hà khắc ở Ả Rập Saudi.
Đeo mặt nạ được xem là một dấu hiệu văn hóa hơn là một phần của tôn giáo. Tuy nhiên thì vẫn có những người phụ nữ nghĩ rằng họ sẽ không thể ra đường mà không đeo mặt nạ.
LN (Theo Daily Mail) | Wanderlust Tips | Cinet