Antoni Gaudi – Người xây biểu tượng của Barcelona
- 16/04/2017
- VĂN HÓA - LỄ HỘI, E.MAGAZINE
- Antoni Gaudi, Barcelona, Casa Milà, Casa Vicens, du lịch Barcelona, Editor picks
Khi đi giữa các tòa nhà chuẩn mực đẹp đẽ ở Barcelona, bỗng thấy một tòa nhà kỳ lạ không giống ai, thì bạn có thể chắc chắn đó chính là tác phẩm của Gaudi.
[rpi]
“Chúng ta đã trao bằng cho một thằng ngốc hay một thiên tài? Thời gian sẽ chứng minh điều đó”, hiệu trưởng của kiến trúc sư Antoni Gaudi (1852-1926) đã thốt lên như vậy tại lễ tốt nghiệp, vì điểm số của ông rất xoàng xĩnh, thậm chí còn thi trượt vài lần.
Antoni Gaudi đã không để thế giới phải đợi lâu để chứng minh ông là ai. Những tác phẩm đầu tiên của ông đã lập tức gây tiếng vang lớn. Sau hàng chục thập kỷ, bao người vẫn choáng ngợp nghiêng mình thán phục trước các công trình kỳ vĩ, đầy ấn tượng có một không hai của ông. Dấu ấn kiến trúc mà ông để lại vô cùng to lớn, đến mức năm 2002, nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông, hậu thế đã phải lên rằng: “Không có Antoni Gaudi thì không có Barcelona, không có Barcelona thì không có Tây Ban Nha”. Những tác phẩm của ông nổi tiếng với sự tự do thể hiện về hình khối, màu sắc, chất liệu và tính hợp nhất với tự nhiên, dưới ảnh hưởng của trường phái nghệ thuật Neo-Gothic, văn hóa phương Đông, chủ nghĩa hiện đại và tôn giáo.
Đứa con của thiên nhiên
Sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm thợ rèn ở Rues (xứ Catalunya), cậu bé Gaudi đã được thừa hưởng những kỹ nghệ đặc biệt với không gian và tạo hình khi giúp ông nội và bố trong xưởng sản xuất của gia đình. Ngoài ra, bị bệnh thấp khớp từ nhỏ nên Gaudi ít khi tham gia vào các trò chơi với bạn bè cùng trang lứa. Cậu bé dành nhiều thời gian khám phá thiên nhiên, điều đã tạo nên một trong đặc điểm nổi bật của kiến trúc Gaudi sau này. Ông tin tạo hóa chính là người thầy quan trọng cho mọi kiến thức uyên bác nhất. Ông từng nói: “Cái độc đáo là trở về với cội nguồn”. Cội nguồn ở đây chính là thiên nhiên và sự đơn giản. Ông được biết đến như một nhà kiến trúc hóa thiên nhiên khi đưa rất nhiều yếu tố thiên nhiên vào các tác phẩm của mình.
Năm 18 tuổi, Gaudi chuyển đến Barcelona để học kiến trúc, đồng thời cũng học thêm về triết học, lịch sử, kinh tế và mỹ thuật. Ông cho rằng kiến trúc không chỉ bị ảnh hưởng bởi mỹ thuật mà còn cả bối cảnh xã hội, kinh tế và chính trị.
Ông cũng làm đủ thứ nghề để kiếm tiền trang trải học phí như phụ việc cho các điêu khắc gia, thợ mộc, thợ rèn… Những công việc này đã giúp ông rất nhiều cho các ý tưởng khi trở thành kiến trúc sư. Gaudi quan tâm tới từng tiểu tiết và sử dụng rất nhiều chất liệu như gốm, thủy tinh, sắt chế tác, gỗ… và trực tiếp hướng dẫn thợ thực hiện theo đúng ý đồ. Bởi thế, ông đã mang tới một luồng gió mới, một bước ngoặt cho nền kiến trúc hiện đại một cách rất riêng, độc đáo đến mức cho đến nay không một ai có thể đi tiếp trên con đường của ông.
Sau khi tốt nghiệp, ông mở văn phòng riêng tại Barcelona. Tài năng của ông lập tức được công nhận khi thiết kế những trụ đèn tại quảng trường Hoàng Gia (Placa Reial), vẫn còn tồn tại đến nay tại khu phố cổ trung tâm thành phố. Mỗi trụ đèn ở giữa tượng trưng cho Barcelona với hình tượng như một ông vua “đội” vương miện, được các binh lính – những chiếc đèn xung quanh – bảo vệ. Hai con rắn cuộn chéo nhau ở cột giữa là biểu tượng của thần Mecury trong thần thoại La Mã. Tất cả tạo nên hình ảnh một chiếc lá chắn vững chãi mang tính biểu tượng cho thành phố thương mại này.
Tòa nhà đầu tiên Gaudi thiết kế cho một người môi giới chứng khoán, Casa Vicens, tuy có thiết kế đơn giản so với các công trình của ông sau này nhưng vẫn thế hiện tài năng độc đáo của ông. Các bức tường của ngôi nhà là đá xen kẽ với gạch lát, có màu vàng, màu của một loại hoa đặc trưng của khu vực này. Điểm nhấn của nghệ thuật khảm Mosaics và những hình khối, màu sắc mang ảnh hưởng của văn hóa Ả Rập và Hồi giáo đặc trưng đã khiến cho tòa nhà trở nên khác biệt và là tiền thân rõ rệt của phong trào chủ nghĩa hiện đại.
Sau Casa Vicens, Gaudi đã xây dựng rất nhiều tòa nhà. Trong số đó, không thể không kể đến những công trình nổi tiếng nhất dành cho nhà quý tộc Eusebi Guell, giàu có nhất nhì thành phố, có sức ảnh hưởng lớn đến nền công nghiệp của Tây Ban Nha và rất yêu thích nghệ thuật. Guell đã trở thành bạn, khách hàng thân thiết nhất và Mạnh Thường Quân của Gaudi đã giúp đỡ ông rất nhiều trong phát triển sự nghiệp sau này.
Trong số gần chục tòa nhà xây dựng cho gia đình Guell, công viên Parc Guell và hầm mộ nhà thờ Colonia Guell là hai trong bảy tác phẩm kiến trúc của Gaudi đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Là một trong những điểm đến không thể thiếu khi ghé thăm Barcelona, công viên Guell thoạt đầu là một vườn ngoại ô của gia đình Guell sau này được chính quyền thành phố mua lại. Tình yêu sâu sắc với thiên nhiên của Gaudi thể hiện rõ rệt ở công trình này, qua những kết cấu hữu cơ (thiết kế sao cho tự nhiên nhất) cho các chi tiết hình học khiến chúng trở nên khác biệt so với các quy luật cứng nhắc cố hữu.
Ngay từ cổng, công viên Guell rất bắt mắt trước hết với hai ngôi nhà bánh gừng khổng lồ trong truyện cổ tích, ngon tuyệt với đủ màu sắc sặc sỡ của nghệ thuật gốm tinh xảo. Gaudi đã giữ lại những đặc điểm tự nhiên của ngọn đồi nơi công viên Guell tọa lạc, với những sườn dốc và quang cảnh thiên nhiên đa dạng để khi vượt qua vài bậc thang bạn sẽ đến một “tầng thượng” giữa không trung nhìn toàn cảnh thành phố. Sân thượng này có hình uốn lượn như một con rắn biển chạy quanh công viên, cũng được ốp gốm sặc sỡ dưới ánh nắng mặt trời. Xung quanh sân thượng là các ban công nhỏ với các lối đi có các hàng cột đá được tạo hình cây cối, người rất độc đáo. Bạn sẽ có cảm giác quay về tuổi thơ, lạc vào xứ xở cổ tích hoặc trở thành Juliet đợi chờ Romeo đến trên các ban công này.
Không như công viên Guell, nhà thờ lãnh địa Guell mới hoàn tất phần hầm mộ rồi bị ngừng lại do Chiến tranh thế giới thứ nhất 1914 và cái chết của bá tước Guell năm 1918, nhưng cũng đủ trở thành một di sản.
Hầm mộ nhà thờ với hình oval bất thường này cũng là một tác phẩm đỉnh cao của Gaudi trong sử dụng kết hợp tài tình các vật liệu gạch, đá, kết cầu vòm, xử lý tinh tế cho ánh sáng rọi vào nhà. Đặc biệt là các cửa sổ nhô ra trên các bức tường và các cột nghiêng lần đầu tiên xuất hiện trong kiến trúc. Những chiếc cột nghiêng bằng đá hoặc gạch này được tạo hình thô sơ như những thân cây nghiêng ngả trong gió lại trở thành nét duyên dáng lãng mạn trong sáng tạo của Gaudi. Tuy nghiêng nhưng kết cấu của những cột này rất vững chãi, gần một thế kỷ vẫn đứng yên như chính tên tuổi tác giả của nó.
Thiên nhiên và mái vòm theo chuỗi điển hình của Gaudi tiếp tục được áp dụng trong công trình nổi tiếng khác của ông là tòa nhà Casa Milà.
Biệt hiệu của Casa Milà là “La Pedrera”, có nghĩa là “Công trình đá” nhưng không phải vì chất liệu đá mà cho ngoại thất gồ ghề của nó. Casa Milà thể hiện sự nghiên cứu, tìm hiểu và khám phá quy luật thiên nhiên của Gaudi để tạo ra một thiên nhiên thứ hai cho con người. Điều đó được thể hiện như hoa lá trang trí cho ngôi nhà vốn là sắt thép có tính chất thẳng được rèn cong hay tường và trần nhà cong, gồ ghề như những hang động tự nhiên.
Một điểm độc đáo chỉ có ở Casa Milà chính là sân thượng. Khi lên đây đập vào mắt bạn sẽ là những giếng trời như những hố sâu hun hút tuyệt đẹp bao quanh là những ống thông gió “đội” mũ giáp trông như những chiến binh Trung Cổ trước khi lâm trận tạo nên một khung cảnh siêu thực chưa từng thấy trong lịch sử kiến trúc. Ngôi nhà này được đánh giá là khép lại một giai đoạn lịch sử kiến trúc bắt đầu từ thời Phục Hưng kết thúc ở thế kỷ 20 khi Gaudi đặt dấu chấm hết cho các ngôi nhà truyền thống và sáng tạo ra một kiểu nhà ở hoàn toàn mới lạ mà chinh phục thẩm mỹ của nhiều người.
Kiến trúc sư của Chúa
Đây là biệt danh nổi tiếng của Gaudi bởi ngoài thiên nhiên, tình yêu dành cho tôn giáo luôn được thể hiện đậm nét trong các tác phẩm của ông.
Một trong số đó là ngôi nhà Casa Batlló tiếng tăm mà Gaudi thiết kế cho một gia đình tư sản ở Barcelona. Mái nhà của Casa Batllo quả có một không hai, là lưng của một con rồng khổng lồ với những chiếc vảy. Con rồng này tượng trưng cho thế lực đen tối bị thánh George giết trong kinh thánh, trong khi các ban công giống như những chiếc xương ống ghép vào nhau kết hợp với các cửa sổ hình ovan tạo thành hình như đầu lâu, đại diện cho các nạn nhân của con rồng.
Casa Batlló còn độc đáo vì nó mô phỏng bộ xương với tất cả các chi tiết không theo một đường thẳng, đã làm nên tên gọi của nó (Casa Batlló nghĩa là “Ngôi nhà của những chiếc xương”). Mặt tiền của ngôi nhà hết sức tinh xảo với nghệ thuật Mosaic trên chất liệu gốm và thủy tinh. Gaudi cũng thiết kế các đồ nội thất cho ngôi nhà này và các công trình khác của ông, chủ yếu là bàn ghế, đèn, ban thờ với những hình dáng rất khác biệt.
Tuy nhiên, để nói về tình yêu với tôn giáo, nhà thờ dang dở Sagrada Familia mới là công trình tuyệt mỹ để đời nhất của Gaudi. Ông bắt tay vào dự án từ năm 1883 khi mới 31 tuổi. Sau 43 năm cho đến khi ông mất, công trình vẫn chưa được hoàn thành.
Khát vọng của Gaudi là viết toàn bộ câu chuyển lịch sử thiên chúa giáo lên một tòa nhà. Do đó, nhà thờ được thiết kế có ba mặt, thể hiện sự ra đời, đam mê và vinh quang của Chúa.
Hiện tại nhà thờ chỉ có 8 tháp so với 18 tháp (tượng trưng cho Chúa, các vị thánh và tông đồ) theo dự kiến khi hoàn thành. Tuy nhiên, như thế cũng vẫn quá đủ cho hàng triệu người ghé thăm mỗi năm.
Những tòa tháp cao 100m giúp các du khách nhận ra nhà thờ từ xa. Rất nhiều người cho rằng thoạt nhìn nhà thờ giống như một lâu đài ma bởi những đường nét kỳ lạ, ma quái với các cột “xương cá” vốn là thương hiệu của Gaudi. Ông đã kết hợp kiến trúc Gothic truyền thống với những nét hiện đại của kiến trúc Art Nouvea đặc trưng với đường uốn lượn, tạo nên sự khác biệt độc đáo tuyệt vời, phá vỡ sự đơn điệu tẻ nhạt của những dãy phố với các ngôi nhà giống nhau nơi đây.
Mặt tiền của nhà thờ được trang trí bằng tượng điêu khắc cầu kỳ miêu tả hình ảnh các thiên thần và nhân loại chào mừng ngày Chúa giáng sinh. Bên trong nhà thờ là một kiểu kiến trúc hoàn toàn mới lạ ở phần cung – thánh, với nhiều ánh sáng chứ không tối như phong cách kiến trúc nhà thờ truyền thống, nhờ các khung cửa kính có màu sắc hoặc trong suốt mang lại nhiều ánh sáng hơn. Các trụ cột được thiết kế như những hàng cây cổ thụ cao vút, các tầng cây lá đan chéo nhau như để giữ mái vòm. Các bức tường xung quanh nhà thờ cũng có hình dáng các hàng cây xen kẽ, thể hiện tình yêu thiên nhiên của Gaudi.
Nếu mặt tiền diễn tả về ngày Chúa giáng sinh thì phía sau nhà thờ miêu tả về cuộc đời hy sinh và các chặng đường của Chúa như bức tượng miêu tả Juda ôm hôn Chúa, nhưng bên dưới chân có hình tượng con Rắn nhắc nhở đến sự phản bội, hình ảnh Chúa vác thánh giá, Chúa chịu đóng đinh, Chúa phục sinh… Tất cả nói lên lòng mộ đạo sâu sắc của Gaudi.
Khi được biết Sagrada Familia sẽ trở thành nhà thờ của người nghèo, Gaudi đã tận hiến 10 năm cuối cùng của đời mình cho công trình, không nhận thiết kế thêm bất cứ tòa nhà nào khác. Nhưng tai nạn giao thông khiến ông qua đời ngột ngột ở tuổi 74. Một nửa người dân Barcelona đã mặc áo đen đưa tiễn ông với lòng cảm kích và khâm phục tài năng người đã xây nên biểu tượng cho Barcelona.
7 tác phẩm của kiến trúc sư Antoni Gaudi đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới bao gồm: nhà thờ Sagrada Familia, công viên Parc Guell, ngôi nhà Casa Batllo, tòa nhà Casa Mila, tòa nhà Casa Vincens, tòa nhà Bellesguard, hầm mộ nhà thờ Colonia Guell.
Wanderlust Tips | Cinet