Đường chạy Run for the Oceans nâng cao nhận thức bảo vệ đại dương

Trong nỗ lực cứu môi trường biển, adidas và Parley khởi xướng chương trình chạy bộ vì đại dương – Run for the Oceans.

[rpi]

wanderlust-tips-nhat-ky-duong-chay-run-for-the-oceans-nang-cao-nhan-thuc-bao-ve-dai-duong-3
Buổi chạy Run for the Oceans tại New York đã thu hút hơn 500 người tham dự và kêu gọi bảo vệ môi trường biển.

Đường chạy vì đại dương

Khác biệt với những chiến dịch chạy bộ truyền thống, Run for the Oceans kết nối người chạy trên toàn thế giới trên nền tảng số thông qua ứng dụng Runtastic. Cho dù bạn ở bất kỳ đâu cũng có thể tham gia chiến dịch mà không cần phải tụ họp đến một địa điểm nhất định để cùng chạy với các runners khác.

Chỉ cần bật ứng dụng, mang giày chạy, khởi động toàn thân và cất bước chạy là bạn có thể đóng góp vào thành tích chung của toàn thế giới. Cứ mỗi dặm thành tích là một lời cam kết hành động vì đại dương. Những câu chuyện hữu ích về hệ sinh thái đại dương được tích hợp trong ứng dụng cũng giúp mỗi người chúng ta trở thành những “đại sứ môi trường” góp phần lan toả nhận thức về mối hiểm hoạ rác thải nhựa.

wanderlust-tips-nhat-ky-duong-chay-run-for-the-oceans-nang-cao-nhan-thuc-bao-ve-dai-duong-4
Tại Việt Nam, những cô gái yêu thể thao cũng đã lập một đường chạy ven bãi biển Long Hải để đóng góp những bước chạy tràn đầy năng lượng tích cực cho thành tích chung của cả thế giới.

Hiện nay Run for the Oceans đã thu hút 59.000 người với 590.000km bảo vệ đại dương.

Hệ sinh thái biển đang bị đe dọa nghiêm trọng

Hệ sinh thái biển – nguồn sống của mọi sinh vật trên hành tinh đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi mối nguy hại rác thải nhựa. 269.000 tấn là con số ước tính tối thiểu mà các nhà nghiên cứu đưa ra về khối lượng rác thải nhựa trên các đại dương toàn cầu. Số lượng nhựa tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần trong vòng 50 năm qua và với tình hình sử dụng nhựa bừa bãi như hiện nay, dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Một điều đáng lo ngại là chỉ có 14% lượng nhựa tiêu dùng được thu gom để tái chế, tỉ lệ thấp hơn nhiều so với các vật liệu khác như giấy (58%) và sắt (90%). Tình trạng ngày càng tồi tệ hơn khi gần 1/3 lượng nhựa tiêu dùng thoát khỏi hệ thống xử lý chất thải và bị rò rỉ ra môi trường, phần lớn là trôi ra biển.

wanderlust-tips-nhat-ky-duong-chay-run-for-the-oceans-nang-cao-nhan-thuc-bao-ve-dai-duong-1

Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016 đưa ra dự đoán đến năm 2050, rác thải nhựa trôi dạt trên biển sẽ nhiều hơn cả cá nếu tính về khối lượng. “Mỗi hơi thở chúng ta hít vào trong bầu khí quyển này đều là món quà của thiên nhiên, của hệ sinh thái đại dương xanh thẳm diệu kỳ. Nếu không hành động ngay thì có thể sẽ không còn kịp nữa” – Cyrill Gutsch, người sáng lập tổ chức Parley for the Oceans, tổ chức bảo vệ môi trường biển cho biết.

Với tình trạng sử dụng nhựa tiêu dùng tăng theo cấp số nhân còn tỉ lệ tái chế cực thấp, đến năm 2050, khối lượng rác thải nhựa trên biển sẽ nhiều hơn cả cá.

Các “anh lớn” trong ngành thời trang và tiêu dùng vào cuộc

Bên cạnh các nhà hoạt động môi trường, các thương hiệu lớn dần nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc tiên phong hành động bảo vệ đại dương bằng những nỗ lực tái chế rác thải. Từ năm 2015, thương hiệu thời trang thể thao adidas đã hợp tác với tổ chức Parley for the Oceans để chế tác ra đôi giày training sản xuất từ chai nhựa và nylon từ lưới đánh cá cũ thu nhặt trên biển. Đôi giày ra đời mang ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự khả thi trong việc tái chế rác thải nhựa thành nguyên liệu sản xuất giày thể thao chất lượng không kém những sản phẩm truyền thống, vốn phải sử dụng nhựa mới.

Cũng trong năm 2015, nam ca sĩ da màu Pharrell Wiliiams cũng giới thiệu bộ sưu tập G- Star Raw với nguyên liệu từ rác thải đại dương tái chế. Rác nhựa được phân tách nhỏ ra và xử lý với các nguyên liệu khác trở thành sợi vải jeans thời trang. Trước đó, tổ chức Parley đã thu thập từ biển hơn 700.000 chai nhựa PET để cung cấp cho thương hiệu thời trang của ca sĩ bài hit “Happy” để làm nên bộ sưu tập này. Bên cạnh đó, “ông lớn” trong trong ngành hàng gia dụng là P&G cũng bắt tay vào công cuộc “dọn dẹp” rác thải nhựa cho đại dương bằng cách cho ra đời dòng sản phẩm dầu gội đầu với vỏ chai tái chế từ các chai nhựa thu nhặt dọc các bãi biển tại Pháp. 170.000 chai dầu gội đầu phiên bản tái chế từ rác nhựa ra đời nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về việc sử dụng nhựa tái chế.

Tiếp nối thành công bước đầu của công nghệ tái chế nhựa trong ngành thời trang, năm 2017 adidas đã lập một cú đúp: ra mắt dòng trang phục bơi làm từ rác thải nhựa qua xử lý thành chất Econyl, có tính chất tương tự như sợi nylon truyền thống dùng trong trong sản xuất trang phục bơi. Cú đột phá thứ hai trong năm của adidas chính là phiên bản thứ ba của đôi giày Parley x Ultraboost X lấy nguyên liệu từ 11 chai nhựa thu gom từ các bờ biển cho mỗi đôi giày. Chất nhựa PET từ chai và lưới đánh cá cũ, được giặt sạch rồi đưa vào xử lý công nghệ cao tái chế thành sợi nylon dệt nên đôi giày mang tính đột phá này.

wanderlust-tips-nhat-ky-duong-chay-run-for-the-oceans-nang-cao-nhan-thuc-bao-ve-dai-duong-2
Thiết kế mới nhất của đôi adidas x Parley UltraBOOST X được ra mắt cùng đợt với cuộc chạy vì Đại Dương (Run for the Oceans).

Parley x adidas Ultraboost X 3.0 vẫn giữ công nghệ dệt Primeknit và phần lưới ở đế giày đặc trưng của adidas giúp ôm lấy bàn chân và cho hiệu quả vận động tối ưu. Độc đáo hơn cả, dòng giày tái chế của adidas được gắn công nghệ NFC cho phép người dùng quét chip và tiếp cận những thông tin hữu ích về môi trường biển cùng chiến lược bảo vệ đại dương của adidas và Parley. Kiểu dáng thời thượng, màu xanh san hô thời trang, công năng tuyệt vời và hơn hết là công nghệ tái chế hiện đại giúp bảo vệ đại dương khiến adidas x Parley Ultraboost X thế hệ 3.0 trở thành hiện tượng được các tín đồ giày thể thao săn đón.

Không có đóng góp nào là quá nhỏ. Mỗi hành động nhỏ sẽ tạo nên sự thay đổi lớn. Nhờ công nghệ tái chế hiện đại, sáng kiến của những nhà hoạt động môi trường cùng trách nhiệm của từng cá nhân, doanh nghiệp trên toàn cầu, rất mong một ngày không xa đại dương sẽ được trở lại màu xanh thẳm diệu kỳ.

Wanderlust Tips | Cinet