Nhớ thương những thức quà truyền thống Việt

Trên mỗi con phố Hà Nội ngày nay, bạn có thể dễ dàng tìm thấy vài ba cửa hàng bánh Tây, bánh ngoại, thế nhưng để tìm một cửa hàng bánh truyền thống dân tộc thì không phải dễ. Cùng tạp chí Wanderlust Tips tìm lại những nét văn hóa ẩm thực xưa đã bị lãng quên nhau qua 5 cửa hàng lâu đời ở Hà Nội.

[rpi]

Hội nhập cùng những văn hóa nước ngoài ngày càng ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân Hà Nội, theo đó những món bánh kẹo truyền thống đang lùi dần về phía sau, chỉ còn chiếm một góc nhỏ trong vô số những cửa hàng bánh ngọt Âu nhan nhản trên khắp các con phố. Ngày nay trẻ con không còn thích thú với những chiếc kẹo lạc, kẹo dồi, bánh khảo, bánh chả… Và người ta chỉ còn nhớ đến một vài loại bánh truyền thống như bánh cốm, bánh trung thu trong những dịp lễ Tết, cưới hỏi đặc biệt.

Cùng điểm qua những cửa hàng bánh truyền thống lâu đời vẫn còn giữa lòng Hà Nội, để nhớ về những giá trị văn hóa quý giá xưa cũ.

BÁNH CỔ TRUYỀN GIA TRỊNH – GÌN GIỮ NÉT ẨM THỰC TINH TẾ NGƯỜI HÀ NỘI

wanderlust tips nho thuong nhung thuc qua truyen thong viet 10

Nằm trong con ngõ nhỏ 16 Lý Nam Đế, tiệm bánh Gia Trịnh là một nơi thú vị để thưởng thức hương vị bánh cổ truyền Hà Nội đúng chất và khám phá nét văn hóa ẩm thực người Hà Nội tinh tế nhường nào. Cửa hàng nhỏ nằm ngay mặt ngõ, với những quầy kệ bày kín các đủ loại bánh với những cái tên lạ tai: Bánh mảnh cộng xanh mát,bánh ít dừa giòn béo, bánh gấc đỏ tươi, bánh bò dẻo thơm mùi nước cốt dừa, bánh rán lúc lắc nhân đậu, bánh chín tầng mây màu sắc rực rỡ… Mỗi loại bánh đều có nét đặc trưng riêng về cách chế biến, màu sắc cũng như hương vị.

wanderlust tips nho thuong nhung thuc qua truyen thong viet 8

wanderlust tips nho thuong nhung thuc qua truyen thong viet 9

Bà Phạm Thị Hồng Hà – chủ cửa hàng bánh Gia Trịnh vốn là người Hà Nội gốc. Trước kia cứ mỗi dịp đặc biệt như ngày giỗ, mùng một, lễ Tết… là bà ngoại và mẹ của bà Hà lại làm những thức bánh truyền thống để cả gia đình thưởng thức. Chính hương vị truyền thống ấy đã truyền cảm hứng cho bà gây dựng tiệm bánh Gia Trịnh ngày hôm nay.

Bà Hà chia sẻ: “Trong số các lượt khách thì khách hàng có tuổi là đông nhất, ai cũng thích được thưởng thức lại đúng cái hương vị bánh xưa kia. Xúc động nhất là có một vị khách Việt Kiều cứ ôm tôi khóc, cô ấy không ngờ sau bao năm lại có được cảm giác sống lại ngày thơ bé như thế và chỉ mong tôi nhất quyết phải giữ cho được nghề”, bà Hà tâm sự.

wanderlust tips nho thuong nhung thuc qua truyen thong viet 11

Hiện nay bên cạnh cửa hàng tại phố Lý Nam Đế, Gia Trịnh còn cung cấp bánh cho hệ thống siêu thị Vinmart và Aeon Mall Long Biên. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng cho thấy bánh cổ truyền dân tộc đang đến gần với mọi người hơn.

BÁNH CỐM NGUYÊN NINH – VẸN NGUYÊN HƯƠNG VỊ QUA 6 THẾ HỆ 

Bánh cốm là một trong những đặc sản nổi tiếng của Hà Nội, đặc biệt nó còn rất quen thuộc với người dân trong các dịp cưới hỏi, giỗ chạp. Và nếu được hỏi nơi nào ở Hà Nội có bánh cốm nổi tiếng nhất, chắc chắn bất kỳ ai cũng không chần chừ mà chỉ ngay bạn tới phố Hàng Than. Cả dãy phố Hàng Than có vô số hàng bánh cốm với những cái tên na ná nhau, thường có cùng chữ “Ninh” hoặc chữ “Nguyên”. Thế nhưng nếu đã là người sành ăn, chắc hẳn ai cũng phải tìm tới đúng cửa hàng Nguyên Ninh lâu đời ở số 11 phố Hàng Than – cửa hàng đã có tới 6 đời làm bánh cốm.

wanderlust tips nho thuong nhung thuc qua truyen thong viet 21

Theo lời của chủ cửa hàng, cái tên Nguyên Ninh có được là do trước kia phố Hàng Than này thuộc làng Yên Ninh, tổng Yên Thành, ngoại thành Hà Nội. Nguyên Ninh hàm nghĩa bánh cốm sẽ mang trọn “nguyên gốc làng Yên Ninh”. Và cách đây tới hơn 130 năm, cụ tổ của họ Nguyễn Duy đã mở cửa hàng bánh cốm đầu tiên ở số nhà 11 phố Hàng Than. Trải qua 6 đời làm bánh, chất lượng và uy tín của bánh cốm Nguyên Ninh vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào.

wanderlust tips nho thuong nhung thuc qua truyen thong viet 19

Cũng cốm, cũng đậu xanh, cũng những cách làm công phu cầu kỳ nhưng hương vị của bánh cốm Nguyên Ninh khác hẳn với những hàng bánh cốm khác. Nó dẻo, thơm ngon mùi cốm đặc trưng, rất mộc mạc, dân dã. Để có được loại cốm thơm ngon làm bánh, gia đình phải lấy nguyên liệu từ làng Vòng, làng Lũ, từ tận Thái Bình, đậu xanh phải từ vùng Sơn La, Hà Bắc, bánh không có chất phụ gia và thường chỉ làm theo yêu cầu, sản xuất tới đâu, tiêu thụ hết tới đó. Cửa hàng chịu trách nhiệm về thời gian sử dụng bánh trong 3 ngày cho khách hàng.

wanderlust tips nho thuong nhung thuc qua truyen thong viet 17

QUÀ QUÊ – GỢI NHỚ NHỮNG KÝ ỨC XƯA CŨ

Cửa hàng Quà Quê hay nhiều người còn gọi là Bánh Bà Diệu nằm ở số 1 phố Đinh Liệt Hà Nội. Cũng như con phố cổ kính và nhỏ bé, cửa hàng cũng chỉ khiêm nhường vài mét vuông nhưng đã có tuổi đời vài chục năm. Phía trước cửa hàng là tủ kính bầy đủ các thức quà bánh truyền thống như: cốm xào, bánh xoài dừa, bánh dày đậu xanh, bánh xu xê, chè con ong, bánh rán…

wanderlust tips nho thuong nhung thuc qua truyen thong viet 3

Cốm xào xanh mướt, đặt cạnh bánh phu thê vàng ruộm, lại thêm cả bánh dầy trắng tinh… khiến ai nhìn cũng thích mắt, chỉ muốn nếm thử tất cả các loại bánh.

wanderlust tips nho thuong nhung thuc qua truyen thong viet 2

Đặc trưng nhất phải kể tới món cốm xào dừa thơm ngọt bùi béo. Cắn miếng nào miếng đấy dẻo thơm, đúng mùi cốm non thoang thoảng. Hay bánh xu xê trong vắt nhìn thấy cả nhân đậu xanh vàng ruộm bên trong. Món bánh vừa dẻo, vừa mềm, lại không mất đi vị dai dai đặc trưng của bột năng, bột sắn. Một món nữa cũng được rất nhiều thực khách yêu thích là chè on ong. Vị dẻo ngọt đậm của gạo nếp, lại thêm chút cay dịu vừa phải của gừng khiến ăn một miếng lại muốn ăn thêm nữa…

wanderlust tips nho thuong nhung thuc qua truyen thong viet 1

Mặc dù hương vị lẫn vẻ ngoài chẳng chê vào đâu được nhưng cửa hàng Bánh Quê vẫn chỉ có khách chủ yếu là trung tuổi, người già. Cô vui – Chủ cửa hàng chia sẻ: “Giới trẻ ngày nay chỉ thích cái lạ, cái mới, những món ăn này ít được chúng yêu thích, nên đa phần khách ở đây toàn những người có tuổi thích các thức quà quê dân dã ngày xưa”.

OẢN ĐƯỜNG KIM KHÁNH – NHỚ VỀ MỘT THỨC QUÀ QUÝ

Oản đường là thứ bánh trắng muốt, thơm ngọt, thường được đem dâng cúng tổ tiên, thần thánh, cúng Phật trong các ngày lễ. Theo quan niệm của người Việt, oản thanh khiết, trắng trong, không vẩn bụi trần, mang cả tinh hoa đất trời và thể hiện lòng thành kính của người dâng lễ.

wanderlust tips nho thuong nhung thuc qua truyen thong viet 6

Và nhắc tới oản đường chắc chắn không thể không nhớ tới cửa hàng oản đường Kim Khánh ở 21 Hàng Giày đã có 4 đời theo nghề làm oản.

wanderlust tips nho thuong nhung thuc qua truyen thong viet 4

Cụ bà Đoàn Thị Tuyết – chủ cửa hàng cho hay, chiếc oản của đất Tràng An thơm ngon, tinh khiết không làm từ bất cứ nguyên liệu nào khác, ngoài nếp cái hoa vàng, đường cát tinh luyện và hương hoa bưởi. Để có lãi nhiều hơn, oản ở nhiều nơi người ta cho thêm bột khoai, bột tẻ, nhưng đây lại là một điều cấm kị của oản Hàng Giầy. Nếp cái hoa vàng rang chín, đem xay nhỏ, mịn. Đường cát trắng tinh luyện đem nấu với nước theo tỉ lệ thích hợp rồi để cho nguội (bước này gọi là hoán đường). Đường hoán xong, để nguội rồi cho vào với bột, rắc hương hoa bưởi, rồi cán đều. Cán bột với đường bằng cái lăn gỗ cho tới khi bột, đường bông tơi lên như bỏng. Cuối cùng chỉ việc đóng khuôn. Khuôn đóng oản đường Hàng Giầy bằng gỗ, theo nhu cầu của người đi lễ chùa, có đến 10 loại khuôn to khuôn nhỏ khác nhau, khuôn to nhất cho chiếc oản đến 15kg. Chiếc oản sau khi ra khỏi khuôn, trắng muốt, thơm ngào ngạt hương bưởi, đóng vào giấy bóng kính ngũ sắc xanh, đỏ, vàng, hồng hay trắng, dán một cái tem vàng trên đỉnh, thế là xong những chiếc bánh cổ truyền dân tộc Việt.

wanderlust tips nho thuong nhung thuc qua truyen thong viet 5

Ngày này, cửa hàng oản đường Kim Khánh là một trong những nơi hiếm hoi ở Hà Nội vẫn còn giữ nghề oản gia truyền, đây cũng là địa chỉ để du khách có thể thưởng thức món ăn truyền thống vẫn giữ nguyên hương vị và nét văn hóa xưa rõ nét nhất.

NẾP HƯƠNG – ĐẶC SẢN DÂN TỘC TRÊN KHẮP CÁC VÙNG MIỀN

Cửa hàng nhỏ bé nằm tại số 42 Nguyễn Đình Chiểu ít ai ngờ đã có tuổi đời lên tới 27 năm. Ban đầu cửa hàng chỉ bán vài mặt hàng như bánh đậu xanh Bảo Yên, bánh cốm Hà Nội, chè Thái Nguyên… Sau đó, khoảng 10 năm trở lại đây, chủ cửa hàng đã phát triển với rất nhiều mặt hàng phong phú hơn, đều là các đặc sản của các tỉnh thành trên khắp cả nước.

wanderlust tips nho thuong nhung thuc qua truyen thong viet 12

Giải thích về cái tên Nếp Hương, chủ cửa hàng chia sẻ đó bắt nguồn từ loại gạo Nếp cái hoa vàng nổi danh của Hải Dương – quê hương của ông. Bên cạnh đó, đối với nghề làm bánh kẹo thì bột Nếp cái hoa vàng là vua của các loại bột nếp. Loại nào có bột này, người thưởng thức có thể nhận ra ngay ở mùi thơm rất đặc trưng của nó.

Vào một ngày Tết Trung thu, đến cách cửa hàng một khoảng xa, khách đã thấy nức mùi bột nếp và tấm tắc khen: Ôi, cái mùi Nếp hương thơm quá, ngon quá! Tôi bắt được cái “hồn” của Nếp cái hoa vàng từ đó. Cái tên của cửa hàng “Nếp Hương” ra đời từ đó. Nó gọn gàng và rất gợi cảm, na ná như khi ta nghe nhắc những cái tên như: gạo Nàng hương, mướp hương… khiến ta nhận ra ngay chất lượng một loại hàn” – ông chủ cửa hàng cho biết thêm.

wanderlust tips nho thuong nhung thuc qua truyen thong viet 13

Chú trọng chất lượng sản phẩm cũng như uy tín với khách hàng, vì vậy mà nhiều năm nay chủ cửa hàng Nếp Hương thường xuyên đến tận nơi cơ sở sản xuất để khảo sát và tìm mua những sản phẩm tốt nhất, hợp với khẩu vị người tiêu dùng nhất. Tại đây, du khách có thể tìm thấy rất nhiều sản phẩm bánh kẹo hấp dẫn cũng là những nét đặc trưng văn hóa của các vùng miền của Việt Nam.

wanderlust tips nho thuong nhung thuc qua truyen thong viet 16

LN&TH | Wanderlust Tips | Cinet