Ẩm thực Khmer Nam Bộ: Những nét đặc sắc riêng biệt
- 27/08/2024
- ẨM THỰC VIỆT NAM
- Ẩm thực Khmer Nam Bộ
Ẩm thực Khmer Nam Bộ không chỉ đơn thuần là bữa ăn mà còn là sự giao hòa giữa thiên nhiên, văn hóa và con người. Với nguồn nguyên liệu phong phú từ sông ngòi, đồng ruộng, cùng bàn tay khéo léo của người dân, ẩm thực Khmer đã tạo nên những hương vị độc đáo, khó quên. Ẩm thực của người Khmer Nam Bộ luôn có một chỗ đứng nhất định trong lòng những người yêu ăn uống và khám phá văn hóa du lịch.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất của sự giao thoa văn hóa, ẩm thực. Nếp sống của người Việt và Khmer Nam Bộ có những nét tương đồng vì sự hòa nhập của hai dân tộc. Dù hòa nhập về nhiều mặt nhưng ẩm thực của người Khmer vẫn có nét đặc sắc riêng biệt.
Nếp ăn của người Khmer
Giống với người Kinh, “bữa ăn” của người Khmer gọi là “bữa cơm”. Trong bữa cơm, họ luôn phải có cơm gạo tẻ. Ngoài ra, họ cũng cấy lúa nếp để chế biến các món ăn như: xôi, bánh tét, bánh chưng, bánh ú, làm rượu từ gạo nếp rồi chưng lại uống – một món rượu nổi tiếng của người Khmer. Ẩm thực Khmer Nam Bộ mang đậm dấu ấn của cuộc sống nông nghiệp. Người Khmer sử dụng chủ yếu các nguyên liệu sẵn có như cá, tôm, cua, rau củ, trái cây… để chế biến thành những món ăn dân dã nhưng đậm đà. Sử dụng nhiều loại gia vị: Ớt, tỏi, sả, riềng, nghệ… là những gia vị không thể thiếu trong các món ăn của người Khmer, tạo nên hương vị cay nồng, thơm lừng. Nước mắm: Mắm bò hóc là loại nước mắm đặc trưng của người Khmer, được làm từ nhiều loại cá tươi, ủ lên men tự nhiên, tạo nên hương vị đậm đà, khó quên. Các món ăn luôn chế biến cùng nhiều rau xanh, các loại rau xanh như rau đắng, bông điên điển, rau má… được sử dụng rất nhiều, không chỉ tạo màu sắc mà còn bổ sung chất xơ và vitamin cho cơ thể.
Trong buổi nhậu người Khmer, họ thường ăn cháo như cháo vịt, bò nướng – những món nhậu phổ biến của người Kinh. Ngoài ra, họ thường phơi các loại cá ăn dần hay chế thành nhiều loại mắm để tích trữ được lâu, nổi tiếng nhất là mắm “Bhóc” còn gọi là prahok làm từ cá sọc, cá trê, có thể ăn kèm với cơm, bún, cho vào canh, làm nước lèo chan bún.
Cách ăn của người Khmer
Người Khmer ở Nam bộ ngày xưa vẫn thường dùng tay không để đưa các loại thức ăn vào miệng. Bởi như vậy việc ăn uống sẽ “gọn” và nhanh hơn khi phải ăn uống ngay trên đồng ruộng dưới cái nắng như đốt cháy da thịt hay những cơn mưa bất chợt. Hiện nay, phong tục dùng tay để đưa thức ăn vào miệng đã được thay thế bằng muỗng, nĩa. Các dụng cụ dùng để nấu ăn của người Khmer thường bằng đất nung. Tiêu biểu nhất là chiếc Cà ràng, một loại bếp nấu truyền thống của người Khmer, có thể vừa đun nấu vừa để nướng.
Văn hóa ẩm thực của người Khmer
Người Khmer Nam Bộ cũng có cơ cấu bữa ăn thông thường là cơm – canh – rau – tôm cá, với các món ăn đặc trưng như mắm prahok, canh sòm lo ko kô, bún sòm lo mun mờ chat…
Khẩu vị dân tộc trong món ăn của người Khmer nam Bộ là vị chua và vị cay. Vị chua chủ yếu được lấy từ quả me hoặc “con mẻ” (một loại vi khuẩn nảy sinh từ cơm để chua), gia vị nổi tiếng này của người Khmer. Vị cay có trong phần lớn các món ăn do ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ từ xa xưa trong cách thức nêm rất nhiều hương vị như tiêu, tỏi, ớt, sả, cà ri,…
Việc sử dụng lượng đạm thực vật từ quả dừa đã thể hiện rõ nét giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc Việt và Khmer Nam Bộ. Hầu hết món ăn mặn, ngọt của người Khmer và người Việt Nam Bộ đều có tập quán nấu với nước cốt dừa béo, để làm tăng thêm vị thơm ngon của món ăn.
Một số món ăn đặc trưng của người Khmer
Ẩm thực Khmer đa dạng, phong phú. Tại các vùng khác nhau, các món ăn sẽ được chế biến với các đặc trưng riêng biệt. Hãy cùng Wanderlust Tips điểm qua một số món ăn nổi tiếng của người Khmer nhé.
Gỏi sầu đâu
Nếu có dịp về An Giang, hẳn không ai có thể quên được vị đắng thanh của món gỏi sầu đâu, đó là món ăn riêng của người Khmer Nam bộ và là đặc sản của vùng Bảy Núi.
Món gỏi này được người Khmer chế biến từ ngọn bông chưa kịp nở của cây sầu đâu (một loại cây thân gỗ họ xoan, bông ăn được, rất đắng) pha chút ít sự mặn mà của con mắm, con khô.
Mắm prahok
Người Khmer nổi tiếng với món mắm prahok (người Việt gọi là bò hóc). Món mắm prahok ngon nhất của người Khmer là mắm “bò hóc ốp” (mắm bò).
Mắm prahok thường là cá trê vàng, sống trong môi trường tự nhiên, thịt chắc. Khi làm mắm mới có màu nâu đẹp, ăn ngon miệng. Mắm bò hóc ốp càng để lâu mùi và vị càng mặn nồng, ăn với thịt heo đùi hoặc ba rọi luộc, thái lát mỏng, cuốn bánh tráng.
Bên cạnh đó còn có các loại mắm pro ot (bò ót), ơng pa, pơ ling làm bằng tép mồng, tép bạc. Dùng tôm tép trộn muối, cho vào nhiều thính (gạo rang) xong đem phơi nắng khoảng 7-10 ngày. Khi ăn người ta trộn với đu đủ xanh thái nhỏ, củ gừng, củ riềng, ớt, chuối chát xắt mỏng.
Canh sòm lo ko kô
Canh sòm lo ko kô hay canh sim lo, có cách nấu rất công phu. Nguyên liệu phải dùng thịt, cá tươi nấu với rau ngổ, bắp chuối, hoặc trái đu đủ non và nêm bằng mắm prahoc. Đây là món canh phổ thông được dùng ở nhiều nơi.
Nếu như Sim lo của người Việt được bào chế bằng nhiều thứ như bắp chuối xắt nhỏ, nấu với đầu hoặc xương cá khô, thêm chút mắm, gia vị, rau om, nhiều ớt… thì canh Sim lo của người Khmer phong phú hơn và dù nấu với bất kỳ thực phẩm thực vật nào, cũng phải có chút vị mắm Bò hốc.
Bún sòm lo mun mờ chat
Bún sòm lo mun mờ chat (bún nước lèo) là đặc sản của người Khmer. Đây là món ăn không thể thiếu vào ngày mồng một tết ở chùa hoặc trong mỗi gia đình. Bún dẻo sợi nhỏ, khô, ăn với nước lèo cá lóc tán nhỏ nêm cùng các loại gia vị, rau hành ăn không ngán.
Bún nước lèo đã có từ những năm 50 của thế kỷ trước. Vùng Sóc Trăng và Trà Vinh là quê hương của món ăn đặc sắc này. Nước lèo ngon phải trong, ngọt và thơm lừng mùi mắm. Rau ghém của nó phải là bắp chuối, xắt mỏng ngâm nước lạnh, vắt chanh để ghém có màu trắng đục mới đúng điệu.
Các món từ măng
Một điểm khác nữa là, những món ăn của người Khmer luôn gắn với các loại măng, và thịt bò. Mùa mưa có măng luộc chấm nước mắm trong, măng chua nấu canh, hay xào ếch, xào gà, xào thịt bò… Măng khô thì kho với thịt heo, thịt bò…
Ẩm thực của người Khmer, còn rất nhiều món dân dã, mộc mạc khác gắn với động vật, cỏ cây, không xen lẫn dân tộc anh em trong vùng. Tuy nhiên thời gian cũng bị sự giao thoa qua lại nên việc chế biến dần dần cũng lợt đi bản gốc. Chẳng hạn, ngày nay hiếm có nhà người dân tộc ở chợ còn làm “bò hốc”, đó cũng là lẽ thường trước nhu cầu và những món ăn công nghiệp hiện nay.