Bí kíp phòng vệ khi đối mặt với thú dữ (phần 2)

(#wanderlusttips #thegioihoangda) Khám phá thế giới hoang dã tuy đầy rủi ro nhưng có một sức hút mãnh liệt khó cưỡng đối với những du khách yêu thiên nhiên. Tuy nhiên, để dấn thân vào thám hiểm cuộc sống hoang dã đầy thú vị nhưng không kém phần mạo hiểm, hãy tìm hiểu về những nguy cơ đang rình rập bạn và cách đối phó.

[rpi]

Chó hoang Châu Phi  hay chó nhà được huấn luyện tấn công

wanderlust_tips_bi-kip-phong-ve-khi-doi-mat-voi-thu-du-phan-2-2

Chúng thường săn mồi vào buổi sáng, tối hoặc đôi khi cả ban đêm, dưới ánh trăng. Đây sẽ không phải loài bạn dễ dàng bắt gặp một là do tập tính săn mồi của chúng khá kín đáo và hai là bởi loài chó hoang Châu Phi là một loài đang bị đe dọa nghiêm trọng. Số lượng cá thể của loài hiện nay còn rất ít.

Lời khuyên của những người có kinh nghiệm là không nhìn thẳng vào mắt nó, nếu bạn đeo kính mát thì hãy bỏ ngay xuống. Bạn không nên cử động đột ngột, hay quay lưng lại phía nó, hoặc bỏ chạy, hay là cười với chúng, vì điều đó kích thích bản năng săn mồi của chúng. Tuyệt đối không để bạn ngã xuống mặt đất, vì chó hoang là loài vô cùng tinh khôn, với bản năng săn mồi hoàn hảo, chúng biết rõ điểm yếu của bạn và sẽ ngoạm cổ bạn ngay tức khắc.

Trong những trường hợp này, đối phó không phải cách hay mà quan trọng là chuẩn bị. Bình xịt cay, dao, gậy, mọi thứ dùng để tự vệ nên được mang sẵn trong người chứ không phải để trong balo. Nếu khu vực bạn đi có chó hoang, bạn có thể mang sẵn cho chúng một miếng thức ăn để tránh tình trạng bầy chó sẽ tấn công bạn vì quá đói hoặc chỉ để bảo vệ lãnh thổ mặc dù chúng không hứng thú với việc tấn công con người.

Tình huống của bạn sẽ trở nên nguy hiểm khi chó hoang biểu lộ sự tức giận như: gầm gừ, nhe răng, mắt trắng dã, đầu hơi cúi xuống thủ thế, tai cụp lại phía sau (giống như lúc nó rượt con mồi).

Khi đối mặt với nó, đừng huơ tay huơ chân, hay thu bàn tay thành nắm đấm để bảo vệ ngón tay, đứng nghiêng người về phía nó để đừng đối mặt và cũng không quay lưng lại. Ném một vật gì đó ra xa như gậy, gạch đá, thậm chí ba lô hay giầy của bạn, nó sẽ giống như đánh lạc hướng, hoặc với những con chó hoang quen với sự hiện diện của loài người thì đây như một lời mời chơi cùng.

wanderlust_tips_bi-kip-phong-ve-khi-doi-mat-voi-thu-du-phan-2-1.0

Nếu như chúng vẫn không giảm dấu hiệu hung bạo và nhăm nhe tấn công, hãy dùng giọng nói lớn (chứ không phải hét hay rít lên). Khi tình huống tiếp tục trở nên xấu đi, bạn có thể nghĩ tới phương án tấn công bằng bình xịt cay nếu có, và khi tấn công luôn nhớ chú ý nhắm vào những con hung hăng nhất, con đầu đàn vì nếu con chó đầu đàn hoảng sợ hay rút lui thì cả đàn cũng sẽ làm như thế. Với các vũ khí khác như gậy, dao, hay dùng chân đá vào những phần đầu, cổ của con vật.

Trường hợp xấu nhất là khi bạn ngã xuống, thì hãy dùng hay tay ôm lấy đầu theo tư thế đầu cúi sao cho cằm sát ngực, khuỷu tay khép cổ, mặt, bàn tay ôm sau gáy, cuộn người gập gối lại bảo vệ những phần mềm và … cầu nguyện sự trợ giúp trước khi quá muộn.

Cách giết con mồi: Chúng săn mồi theo bầy, tận dụng khả năng chịu đựng phi thường, kích thước nhỏ gọn, tốc độ cực nhanh và một bản năng săn mồi siêu đẳng. Chúng sẽ săn những con mồi đơn độc bị tách khỏi đàn.

Nó có thể chạy tới 60km/h, rượt con mồi 3-5km cho tới khi con mồi gục vì dọc đường rượt mồi, chúng sẽ dùng hàm răng sắc nhọn ngoạm từng phần thịt trên mông, sườn khiến con mồi mất máu.

Cá mập

wanderlust_tips_bi-kip-phong-ve-khi-doi-mat-voi-thu-du-phan-2-3

Mỗi năm, có vài chục cuộc tấn công cá mập nhắm vào con người, đơn giản là bởi chúng không thích gì mùi vị của bạn, nhưng cái chết gây ra bởi cá mập thì vô cùng thảm khốc. Bạn sẽ làm gì khi gặp “nỗi kinh hoàng” của đại dương?

Trước tiên, không đeo trang sức hay bất kỳ vật gì phản chiếu ánh sáng, vì nó làm bạn trông giống như cá, khi ánh sáng mặt trời phản chiếu trên vẩy của chúng. Bộ đồ bơi sáng màu cũng có thể khiến cho bạn gặp rắc rối vì cá mập chỉ nhìn được màu đen, trắng, chúng dựa vào tương phản màu sắc để phân biệt. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cá mập có thể bị hấp dẫn bởi tất cả các gam màu sáng do màu đó tương phản với màu nước xung quanh. Và nên nhớ hải cẩu là thức ăn ưa thích của cá mập nên đừng để chúng nhầm lẫn bạn với món khoái khẩu đó. Và hãy bơi / lặn cùng bạn đồng hành, vì cá mập thường chỉ tấn công những con mồi đơn độc. Cũng đừng bơi lúc nhá nhem, bình minh hoặc đêm.

Nhớ rằng, tấn công hoặc giả chết đều chẳng giúp ích gì cho bạn cả. Nhẹ nhàng bơi đến gần bờ biển hoặc một chiếc thuyền, hãy chọn phương tiện gần nhất. Tránh đập tay hoặc đá chân hoặc bắn nước tung toé khi bơi và tránh cả những chuyển động đột ngột. Cũng lưu ý không chặn lối đi của cá mập và luôn giữ chúng trong tầm mắt. Nếu bạn đang bơi giữa cá mập và vùng biển mà chúng đang hướng đến, hãy bơi đi nơi khác.

Trong tình huống buộc phải tấn công, thì hãy nhớ kĩ, một là bạn có thể dùng bất cứ vật gì để chặn hàm răng nhọn hoắt của các mập lại như dùng đá hay ván lướt sóng của bạn chẳng hạn. Nếu có vật sắc nhọn, hãy đâm vào mắt, mang, mũi, phần đầu cá mập hoặc đấm mạnh vào mũi/mắt nó. Đó là những vùng nhạy cảm nhất của loài săn mồi nguy hiểm nhất đại dương.

Cách giết con mồi: Cá mập có nhiều cách tấn công: trực diện, từ phía sau, hoặc bơi vòng vòng quanh con mồi trước khi tấn công nhanh gọn chỉ bằng vài cú đớp để chia con mồi thành nhiều mảnh nhỏ.

Hà mã

wanderlust_tips_bi-kip-phong-ve-khi-doi-mat-voi-thu-du-phan-2-4

Đi qua những rừng cây bụi Châu Phi vào mùa khô bạn có thể đối mặt với một con hà mã, một loài động vật to lớn với răng nanh khổng lồ mà chỉ bằng một cú táp có thể giết chết cả một con cá sấu lớn.

Hà Mã to lớn vậy nhưng có thể chạy tới gần 50km/h. Chúng ít khi tấn công nhưng nếu xâm phạm vào lãnh địa của nó thì hãy coi chừng. Nếu bạn đang đi thuyền cạnh một chú hà mã thì hãy nhớ rằng, khi nó ngáp nghĩa là nó đang cảnh báo việc bạn tiếp cận quá gần.

Khi khoảng cách còn đủ xa, hãy thông báo sự có mặt của bạn bằng cách đập tay vào mạn tàu / thuyền hoặc đập mái chèo xuống mặt nước vài lần đặc biệt là khi con hà mã đang lặn dưới mặt nước.

Ở trên cạn, bãi cỏ cạnh các hồ nước, bờ sông là nơi yêu thích của hà mã, vì vậy đừng đứng ở đó mà hãy nhẹ nhàng tránh qua một bên. Bởi con vật có thể cho là bạn đang xâm phạm lãnh thổ và khiến nó giận dữ. Khi bạn di chuyển, chú ý rằng hà mã dùng phân của nó để đánh dấu đường đi, khu vực có nước và thức ăn, không phải một bãi lớn mà là những vệt dài vẩy từ đuôi của chúng.

Nếu chúng tấn công, hãy tìm một chỗ kiên cố và chắc chắn để nấp như là nhà, một cái xe ô tô hay là những chỗ trú ẩn tự nhiên như tảng đá, gò, đồi, cây lớn.

Hà mã đặc biệt hung hăng vào mùa giao phối vì phải tranh chấp bạn tình. Chúng thường giao phối vào đầu mua mưa. Ở Tây Phi, mùa mưa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9, Nam Phi từ tháng 10 đến tháng 4, ở Đông Phi có hai mùa mưa từ tháng 3 đến  tháng 5 và từ tháng 10 đến tháng 12.

Vào mùa khô, khi vùng nước rất ít, tránh chèo thuyền vì hà mã cần vùng nước đủ sâu và rộng để ngâm cả cơ thể xuống. Ngay cả khi thấy một con hà mã con, đừng lại gần vì mẹ chúng hẳn phải ở đâu đó quanh con của nó.

Cá sấu

wanderlust_tips_bi-kip-phong-ve-khi-doi-mat-voi-thu-du-phan-2-5

Đây là một trong những loài giết người nhiều nhất. Mỗi năm hơn 2.000 người bị cá sấu giết hại. Chúng thích các vùng nước tối, u ám, là nơi chúng có thể giấu mình để săn mồi, hoặc vào giờ săn mồi của chúng như là bình minh hay buổi tối. Chúng giấu mình dưới nước và chỉ thò hai con mắt và lỗ mũi lên để thở. Chúng cũng có thể ngụy trang hoàn hảo trong các bụi cỏ rậm rạp, hay rình rập trong im lặng ngay sát mà bạn không hề biết. Chúng đớp mồi cực nhanh và di chuyển dưới nước cũng vậy, mặc dù chỉ chạy được khoảng 16km/h trên cạn.

Trừ khi chúng đã nhắm bạn làm con mồi và rình từ xa, còn không chúng chỉ tấn công khi bạn làm chúng giật mình. Vì vậy hãy luôn đảm bảo thông báo sự hiện diện của bạn một cách rõ ràng. Nếu chúng trở nên hung dữ muốn tấn công thì bạn hãy chạy lên bờ nhanh nhất có thể. Vì nước mới là phạm vi hoạt động chính của con vật.

Chúng tức giận nhưng thường chỉ táp một cái cảnh cáo, rồi bỏ đi nếu bạn không còn là mối đe dọa. Tuy nhiên trong một vài trường hợp không phổ biến thì chúng cũng đuổi theo kẻ đã chọc giận mình và chúng cũng có thể ở trên bờ bao lâu tùy thích.

Hãy tấn công bằng gậy, que, dao, hay bằng tay cũng được vào mắt, mũi, tai của con vật. Cá sấu còn có một mang chắn sau lưỡi giúp ngăn nó không bị ngộp nước khi há miệng. Nếu như tay hoặc chân bạn đã bị kẹt trong miệng cá sấu, hãy đẩy cái mang chắn này để nước tràn vào miệng con vật thì có thể nó sẽ nhả bạn ra.

Cách giết con mồi: Cá sấu có rất nhiều răng nhưng nó lại không thể nhai con mồi. Vì vậy, nó sẽ táp con mồi sau đó giằng, xé ra làm những mảnh nhỏ để ăn.

Nhện

wanderlust_tips_bi-kip-phong-ve-khi-doi-mat-voi-thu-du-phan-2-6

Khi bạn phát hiện ra loài vật này thì hầu hết chúng đã ở rất gần, thậm chí đậu trên người bạn nên bỏ chạy hầu như là không cần thiết. Có đến 43.000 giống nhện khác nhau và trong số đó có khoảng 30 loài có nọc độc gây chết người. Nhện độc có thể ở bất cứ đâu chứ không phải chỉ ở những vùng hoang sơ, rừng núi hay sa mạc. Và có nhiều loài mà nọc độc của chúng không gây chết người chỉ vì tương quan về kích thước của chúng với con người quá chênh lệch. Tuy vậy thì có thể bạn sẽ gặp nhiều triệu chứng kinh khủng và thậm chí phần cơ thể bị  cắn sẽ hoại tử và phải cắt bỏ.

Khi phát hiện bị nhện cắn, bạn không nên hoảng loạn, nhanh chóng tìm kiếm, giữ lại con nhện để thuận lợi cho việc điều trị khi cần thiết. Trong một số trường hợp, nhện cắn người xong có thể hàm răng vẫn còn bấu vào da thịt, dễ gây nhiễm trùng. Vì thế, bạn nên dùng kính lúp kiểm tra vết thương, dùng nhíp gắp răng của chúng ra nếu có. Sau đó, rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch và xà phòng diệt khuẩn để loại vi khuẩn và mô chết. Tiến hành bôi cồn hoặc thuốc sát trùng lên vết thương cắn rồi băng bó, theo dõi. Để hạn chế khả năng sưng, ngứa, bạn có thể đắp đá lên vết cắn.

Những loài nhện có độc tính mạnh nhất phải kể đến nhện nâu ẩn dật, loài có thể phá vỡ các thành mạch máu gần vết cắn và làm loét vùng da lớn, thường sống ở miền tây và nam nước Mỹ. Nhện lang thang Brazil, hay sống trên lá chuối cũng là một trong những loài đáng sợ.

Rắn

wanderlust_tips_bi-kip-phong-ve-khi-doi-mat-voi-thu-du-phan-2-7

Đây là loài đứng đầu bảng trong danh sách các loài vật nguy hiểm chết người. Bạn có biết rằng mỗi năm, có tới hơn 50.000 vụ tử vong được cho là gây ra bởi nọc độc của loài bò sát này, trong đó rắn hổ mang Châu Á (có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan) là loài sát thương nhiều nhất do độc tính mạnh, tốc độ nhanh cộng với sự hung hăng hiếu chiến của nó. Ở Châu Phi thì có Black Mamba, nọc độc của chúng không có thuốc chữa và gần như một khi đã bị cắn là cầm chắc cái chết.

Khi bạn đi vào những khu vực rậm rạp, cố gắng bám theo lối mòn, hoặc những khu vực quang. Đừng có bàm bàn tay hoặc chân của bạn vào các hố đất hay khe nứt nơi rất có thể có một chú rắn đang nằm cuộn tròn. Giầy cao cổ, ủng, quần dài, dầy thậm chí những cái xà cạp phủ kín bắp chân sẽ rất hữu ích nếu chẳng may bạn dẫm phải rắn.

Cũng nên cẩn thận những con rắn treo mình trên cành cây, và cả những loài bơi dưới nước. Loài rắn còn biết giả chết để đánh lừa con mồi.

Khi gặp loài vật đáng sợ này trong phạm vi 1-2m, ngay lập tức bạn cần di chuyển thật chậm hoặc đứng yên tại chỗ để xem động thái của nó. Nếu con rắn tiếp tục trườn, có thể nó sẽ bỏ qua bạn. Nhưng khi con rắn ngóc cổ lên, bành mang ra, uốn cổ cong như cái lưỡi câu, thì rất có thể nó đang sẵn sàng tấn công. Khi gặp rắn, nếu không tránh xa được thì bạn hãy xua đuổi chúng bằng những cành cây dài. Trăn và rắn hổ di chuyển bằng cách trườn thẳng trong khi các loài rắn khác thường bò theo hình sóng.

Nếu như không tránh khỏi bị cắn, cố gắng giữ vết cắn ở dưới vị trí tim để tránh nọc độc lan nhanh khắp cơ thể. Tháo bỏ đồ trang sức xung quanh khu vực bị cắn.

Lưu ý cố gắng nhớ hình dạng con rắn để các chuyên gia y tế tìm đúng loại giải độc phù hợp cho từng loài.

Không nên garo vì dễ làm hoại tử vết thương và shock độc khi tháo bỏ, mà băng kếp, quấn toàn bộ vùng bị cắn sau khi rửa sạch vết thương. Trừ khi rắn quá độc và bạn không thể tiếp cận với y tế một cách nhanh chóng.

HN (TH) | Wanderlust Tips | Cinet