Bleisure – Lối sống hay nhu cầu
- 05/06/2017
- E.MAGAZINE, KINH NGHIỆM DU LỊCH
- Bleisure, Công tác kết hợp du lịch, Editor picks, FoundersCard
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của thông tin, hàng không và các phương tiện vận tải hiện đại, dường như xu hướng kết hợp việc du lịch với những chuyến công tác không còn là chuyện xa lạ, thậm chí những người thuộc đối tượng này đem lại doanh thu không nhỏ cho ngành dịch vụ.
[rpi]
Chuyến công tác dễ thở hơn
Năm 2014, khi tôi đến Myanmar lần đầu để dự một cuộc hội thảo kéo dài chỉ 1 ngày, tôi đã chủ động đề nghị phía đơn vị tổ chức đặt vé máy bay với ngày đi và ngày về rộng rãi hơn lịch trình của họ. Theo lịch, ngày đầu tiên đại biểu sẽ quy tụ về Yangon, ngày thứ 2 dự hội thảo cả ngày và ngày cuối cùng thì họ sẽ về nước. Tôi lại yêu cầu ban tổ chức mua vé cho tôi sang sớm hơn 1 ngày và về trễ hơn 1 ngày. Tất nhiên chi phí ăn ở, đi lại những ngày đi sớm về trễ đó tôi phải tự lo. Mặc dù tôi vẫn có thể về luôn nhưng tôi muốn ở lại Myanmar thêm nữa để tìm hiểu về đất nước chùa tháp xinh đẹp và giàu bản sắc, thăm những người bạn cũ và gợi mở đề tài để phục vụ cho việc cộng tác với báo chí của mình. Tất nhiên, sếp tôi thích điều này nên tôi được tạo điều kiện cho ở thêm.
Thường thì, với nhiều chuyến công tác, người ta chưa kịp tìm hiểu về nơi mình tới thì đã phải về rồi. Với tôi thì ngược lại. Không những hoàn thành nhiệm vụ công tác, thời gian dư dả ở Myanmar đã giúp tôi hàn huyên với những người bạn cũ để hiểu rõ hơn nơi tôi đang đến. Tôi làm quen được những người bạn mới là người bản xứ và họ đã hé lộ cho tôi rất nhiều chi tiết thú vị về Myanmar. Ngoài ngày hội thảo miệt mài thì thời gian dư dả còn lại khiến tôi thoải mái vô cùng, cảm thấy công việc không bị gò bó và căng thẳng.
Vậy mà trước đó, khi chưa nghĩ ra việc công tác kết hợp du lịch, tôi bay từ TP HCM sang Viêng Chăn hồi tháng 8 năm ngoái để dự hội thảo. Đến thủ đô Lào thì đã buổi tối nên tôi chỉ kịp nghỉ ngơi chút rồi sáng sớm hôm sau lao vào cuộc họp hành căng thẳng. Sáng hôm sau nữa thì tôi lại tất tả ra sân bay về nước trong trạng thái mỏi mệt.
Di chuyển và hội họp liên tục tất nhiên chẳng dễ chịu chút nào. Nếu so sánh 2 chuyến đi, tất nhiên chuyến đi kết hợp du lịch, nghỉ ngơi vẫn thích hơn nhiều. Công tác kết hợp du lịch không phải chuyện xa lạ nhưng trong những năm qua nó trở thành một xu hướng được tận dụng mà người ta dùng từ “bleisure” để nói về nó, ghép từ “business” (công việc, công tác) với “leisure” (nghỉ ngơi).
Ngành du lịch nắm bắt xu thế
Cách đây vài năm, bleisure nổi lên như một xu hướng lữ hành, có thể do nhu cầu cân bằng làm và nghỉ ngơi, cũng có thể do lối sống muốn tận dụng những khoảng thời gian nho nhỏ bên cạnh lịch làm
việc dày đặc.
Theo một báo cáo về xu hướng của trang web lữ hành Skift công bố năm 2015 thì đi công tác kết hợp du lịch nổi lên như một lối sống hơn là sự cần thiết đối với một số người. Cũng theo báo cáo của Skift thì một nửa trong số những người đi dạng bleisure nói họ đem theo gia đình hoặc người quan trọng nào đó đi cùng trong chuyến đi.
FoundersCard, một chương trình hội viên ưu đãi khách sạn, đi lại và mua sắm đã khảo sát các thành viên của mình và đưa ra thông tin thú vị. Khảo sát của FoundersCard hồi cuối năm 2016 tho thấy 81% người được hỏi nói họ đã có những chuyến đi kết hợp công việc và nghỉ ngơi. Trong khi đó, 51% nói họ sẽ có những chuyến bleisure ít nhất 1 lần trong năm 2017. Thú vị hơn, 23% người được hỏi nói họ chủ đích đi du lịch để thay đổi khung cảnh làm việc, điều mà FoundersCard gọi là “workcation”, ghép từ “work” (công việc) và “vacation” (kỳ nghỉ).
Trung Nguyễn, quản lý tiếp thị và truyền thông của một khu nghỉ dưỡng sang trọng tại Phú Quốc chia sẻ rằng thường kết hợp việc nghỉ ngơi sau chuyến công tác đến một nơi nào đó. “Thời điểm xong việc có thể rơi vào ngày cuối tuần và thường tôi xin ở lại chơi thêm 1, 2 ngày nếu như lúc đó công ty không quá nhiều việc”, anh Trung cho biết như vậy và nói thêm rằng đó dường như là xu hướng chung, nhất là đối với những người trẻ. Theo anh, với sự phát triển của mạng xã hội thì việc tiếp nhận thông tin du lịch ở nơi mình đi công tác cũng là một lợi thế.
Nắm bắt được xu hướng này, nhiều công ty cũng chủ động chuẩn bị cho khách đến làm việc những chương trình tham quan tại địa phương. Anh Trung kể lại chuyện khi đi công tác ở Hàn Quốc, Singapore, công ty đối tác đã e-mail thông báo trước chương trình tham quan sau khi kết thúc công việc để ai có nhu cầu thì đăng ký. “Điều này chứng tỏ công tác kết hợp du lịch ngày càng phổ biến hơn” – anh chia sẻ.
Bà Maria Du, một giám đốc marketing có kinh nghiệm đi lại và làm việc với nhiều đối tác khách sạn trong và ngoài nước chia sẻ câu chuyện của mình rằng với áp lực công việc cao và lịch làm việc dày đặc thì rất khó để sắp xếp một kỳ nghỉ dài. “Vì thế, mỗi lần đi công tác, tôi luôn cố gắng tốt nhất để kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, giúp cân bằng công việc và cuộc sống”. Theo bà, hiện nay rất nhiều các khách sạn cũng ý thức được điều này nên họ cũng thiết kế những tiện ích rất tốt để đảm bảo cho khách tận dụng một cách tối đa nhu cầu làm việc kết hợp với nghỉ dưỡng.
“Khái niệm này ngày càng phổ biến” – bà cho hay – “Mỗi nơi tôi đi, tôi đều tìm hiểu rất kỹ những điều đặc biệt thú vị, những địa điểm mà tôi muốn khám phá. Sau đó thì tôi nói chuyện với bộ phận conceirge của các khách sạn nơi tôi nghỉ để họ giúp tôi sắp xếp các chuyến tham quan sao cho tiện nhất với lịch trình của mình”.
Là một phụ nữ luôn tất bật với lịch làm việc dày đặc, bà cho rằng công việc luôn luôn là ưu tiên hàng đầu, song việc nghỉ dưỡng cũng giúp bà lấy lại nguồn năng lượng dồi dào để luôn tràn đầy hứng khởi trong công việc.
Trần Việt Phương | Wanderlust Tips | Cinet