Chàng trai Hải Phòng kể về chuyến thăm làng cổ Đường Lâm
- 09/08/2019
- ĐỐI THOẠI
- du lịch Lăng Cô, du lịch làng cổ Đường Lâm, làng cổ Đường Lâm, Đường Lâm Hà Nội
Phạm Văn Minh từng có cơ hội ghé chân đến nhiều địa danh khác nhau, nhưng anh lại dành niềm cảm mến sâu sắc cho làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. Với Văn Minh mà nói, chuyến ghé thăm làng cổ xinh đẹp này giúp anh có được những trải nghiệm vô cùng đáng nhớ.
[rpi]
Phạm Văn Minh đến từ Hải Phòng, anh có niềm đam mê mãnh liệt với việc khám phá bức tranh cuộc sống muôn màu. Chính vì thế, Minh luôn dành thời gian để có thể đặt chân đến những miền đất mà anh ao ước.
“Mình từng đến Thái Lan, Trung Quốc, còn ở Việt Nam thì mình đã được ghé chân tới Cát Bà và một số điểm gần Hà Nội, dù chưa có cơ hội đi nhiều nhưng mỗi chuyến đi đều để lại trong mình những kỷ niệm đẹp và ấn tượng sâu sắc. Càng đi mình càng thấy thế giới rộng lớn và những gì mình biết thật sự rất nhỏ. Mỗi một địa danh đều có những nét riêng biệt đặc sắc, nhưng hơn hết mình nhớ chuyến đi đến làng cổ Đường Lâm vì mình thích những điều xưa cũ“.
Chuyến đi này Văn Minh chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển, với lộ trình bến xe Mỹ Đình – bến xe Sơn Tây – làng cổ Đường Lâm. “Bạn chỉ cần ra bến xe Mỹ Đình tìm xe số 70 hoặc 71, sau đó nhắn bác tài dừng ở bến xe Sơn Tây rồi lên xe đi thôi. Sau đó mình bắt taxi để đến Làng cổ Đường Lâm. Hoặc bạn cũng có thể di chuyển bằng xe máy, nhưng tay lái phải chắc chắn để đảm bảo an toàn”, Văn Minh nói.
Xã Đường Lâm hiện nay gồm có 9 làng là: Mông Phụ, Cam Lâm, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Đông Sàng, Hà Tân, Hưng Thịnh, Phụ Khang và Văn Miếu. Văn Minh cho biết:”Vào mùa lễ hội và mùa lúa chín (cuối tháng 5 – đầu tháng 6) những con đường trải đầy rơm vàng óng chắc hẳn sẽ níu chân bạn, đưa bạn về với cái thời ‘đầu trần chân đất’, chắc chắn đó sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị”.
Đường vào làng đều được lát gạch, một số chỗ lát bằng đá tổ ong nên có màu vàng sậm đặc trưng. Văn Minh thích cảm giác được đi dạo trong bầu không khí trong lành để ngắm nhìn những ngôi nhà cổ, tạm vứt bỏ hết mọi vướng bận đời thường.
Minh ghé qua nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh nằm trong trung tâm của quần thể di tích Làng cổ ở Đường Lâm. Nơi đây đang trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu của nhiều du khách. Nhắc đến địa danh này, Minh cho biết: “Di tích là nơi linh thiêng ghi công trạng của Thám hoa và cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Đến đây, mình lại càng muốn tìm hiểu thật kỹ về lịch sử cũng như văn hóa từ lâu đời của đất nước”.
“Điều thú vị là Đường Lâm còn lưu giữ lại hệ thống giếng nước đa dạng. Nhìn chung, những chiếc giếng làng ở Đường Lâm khá đẹp và giữ được nét thâm trầm, cổ kính. Ở làng Mông Phụ – trọng điểm của Đường Lâm, mỗi thôn xóm đều có một giếng mang tên của xóm, như: giếng xóm Sải, xóm Giang, xóm Hè… Khi dạo quanh các ngõ xóm trong ngôi làng Việt cổ này, dường như đều bắt gặp những chiếc giếng khơi mát lành, khiến mình nhớ về năm tháng tuổi thơ. Ngoài ra thì mình có ghé thăm đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, chùa Mía và một số ngôi nhà cổ như nhà ông Nguyễn Văn Hùng, ông Hà Nguyên Huyến, nhà cổ chị Dương Lan… “, Văn Minh chia sẻ thêm.
Chàng trai này cũng chia sẻ rằng, đến với làng cổ Đường Lâm thì hãy mua kẹo lạc, tương bần, chè lam, bánh tét… mang về làm quà dành tặng cho người thân, bạn bè sau chuyến đi. Hơn thế nữa, Văn Minh còn nhắn một số lưu ý để có thể có chuyến tham quan làng cổ ý nghĩa. Đó là: “Khi tham quan nhà cổ nên xin phép chủ nhà. Nếu không có bản đồ thì bạn cứ hỏi đường người dân đến các điểm tham quan. Bạn nhớ mang chứng minh thư đi thuê xe để có thể tham quan được nhiều điểm. Hãy nhớ ghé qua quán cà phê ở lối đi vào đình làng Mông Phụ, bạn có thể vào đây uống nước, ăn trưa và thuê xe luôn“.
Làng cổ Đường Lâm dường như đã làm sống lại những năm tháng tuổi thơ với kí ức về một vùng quê yên bình trong trái tim Văn Minh, anh nói: “Dẫu bao thăng trầm lịch sử, ‘Đường Lâm cổ trấn’ vẫn giữ cho riêng mình những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng xưa với ‘cây đa, bến nước, sân đình’. Dĩ nhiên là Làng cổ Đường Lâm ngày nay không hoàn toàn là nhà cổ nữa, một số ngôi nhà đã được xây bằng xi măng và cửa cuốn thay vì đá ong, cửa gỗ. Nhưng về cơ bản thì mình vẫn thích nơi này, rất yên bình và mang đậm bóng dáng xưa. Những thứ mà từ ngày Hà Nội ‘thay da đổi thịt’ mình chẳng còn thấy nữa thì giờ đều hiện hữu ở đây. Hơn cả vẫn là sự bình dị, chân chất của những người dân địa phương, làm mình thực sự ấn tượng. Từ cô bán hàng dễ thương đến bác gái cho mình mượn nón chụp ảnh, họ rất hiếu khách“.
Cùng xem thêm một số hình ảnh trong chuyến đi của Phạm Văn Minh:
Ảnh: NVCC
Thi Thi | Wanderlust Tips | Cinet