Cuộc phiêu lưu của chiếc bánh croissant
- 24/07/2019
- ẨM THỰC THẾ GIỚI
- Bánh Croissant, bánh kipferl, bánh sừng trâu, bánh truyền thống của áo, Editor picks
Những chiếc bánh ngọt luôn biết kể chuyện, đó là những giai thoại phiêu lưu đầy thú vị. Và ngày hôm nay, hãy cùng nghe chiếc bánh croissant mà chúng ta vẫn biết đến với tên gọi bánh sừng trâu kể câu chuyện lịch sử của chính nó.
[rpi]
Sự ra đời của Croissant bắt đầu từ mục đích làm bánh để ăn mừng chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc của nước Áo, sau đó bánh phát triển và biến hóa cầu kì giữa lòng thủ đô Paris tráng lệ, cuối cùng trở thành món ăn sáng phổ biến ở châu Âu.
BÁNH CROISSANT, CHIẾC BÁNH ĐỂ ĂN MỪNG
Vào những năm 1683, cuộc chiến tranh giữa Áo và Thổ Nhĩ Kì đang diễn ra quyết liệt nhất. Tại thời điểm đó, có một người thợ làm bánh của nước Áo trong khi làm việc đã nghe thấy những tiếng ồn dưới mặt đất một cách bất thường. Vì vậy, người thợ làm bánh đã thông báo cho quân đội nước Áo. Nhờ thông tin ấy, quân đội nước Áo đã phát hiện và ngăn chặn được hành động đào đường hầm tiến vào thủ đô Vienna của quân đội Thổ Nhĩ Kì. Và điều này đã giúp cho nước Áo có được chiến thắng sau đó.
Người thợ làm bánh sau đó được ban thưởng, và nguyện vọng duy nhất là được làm một mẻ bánh thật ngon ăn mừng chiến thắng của nước Áo. Và chiếc bánh sừng trâu – croissant đã ra đời, tuy nhiên lúc này nó có tên là kipferl và mang hình trăng lưỡi liềm, sở dĩ bánh có hình trăng lưỡi liềm vì mô phỏng lại quốc kì của Thổ Nhĩ Kì như một lời nhắc nhở về cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Áo với Thổ Nhĩ Kì.
CROISSANT DU NHẬP VÀO PHÁP
Năm 1770, khi công chúa nước Áo Marie Antoinette kết hôn với thái tử nước Pháp, vì vậy chiếc bánh croissant bắt đầu theo chân nàng công chúa đi qua thủ đô Paris tráng lệ. Từ đây có nhiều giai thoại được kể xung quanh nàng công chúa và chiếc bánh này.
Có giai thoại kể rằng công chúa Marie qua Pháp khi mới 14 tuổi, món ăn mà công chúa nhớ nhất khi nghĩ về nước Áo là món bánh kipferl. Từ đó, để chiều lòng nàng, các đầu bếp Pháp đã mô phỏng lại bánh kipferl, nhưng với hình dáng cầu kì bắt mắt hơn để phù hợp với bàn ăn hoàng gia, chiếc bánh ấy được đặt tên là croissant.
Một giai thoại khác được kể lại, công chúa Áo khi tới Pháp với tính cách phóng khoáng và ngang ngạnh của mình, đã từ chối dùng bữa với các thành viên của hoàng tộc Pháp. Trên bàn ăn chung, nàng ngồi yên lặng và không tháo găng tay. Nàng chỉ ăn khi về phòng riêng và bữa ăn của nàng là những món ăn nước Áo, trong đó không thể thiếu bánh kipferl. Sau đó, nàng bắt đầu dùng bữa chung với hoàng gia Pháp khi có món kipferl “cải tiến” hay còn gọi là croissant.
CROISSANT, CHO MỘT BỮA SÁNG GIẢN ĐƠN
Công thức cơ bản của croissant là bột mì, men, bơ, sữa và muối. Bánh không có nhân. Hiện nay ở Áo và Ý, croissant vẫn giữ nguyên tính chất truyền thống này, bởi họ cho rằng sự nhẹ nhàng giản dị của bánh croissant là phù hợp cho bữa sáng.
Sau đó ở Pháp, croissant ít nhiều mang ảnh hưởng tính cầu kì của ẩm thực đất nước này. Bánh có thể có nhân chocolate, mứt, nho khô hoặc kem bơ mềm óng như bánh su kem, ngoài ra còn có nhân trái cây hoặc nhân mặn. Và dù được chế biến một cách cầu kì hay đơn giản, croissant vẫn được người châu Âu ưa thích và sử dụng bánh cho bữa sáng của mình để bắt đầu một ngày mới nhẹ nhàng.
Ngày nay, người ta vẫn kể lại câu chuyện của croissant như một minh chứng cho thấy ẩm thực không đơn thuần chỉ là cách chúng ta lấp đầy chiếc bao tử của mình mà còn là sự giao lưu văn hóa, tiếp nối và phát triển những giá trị tốt đẹp nhất từ lịch sử cho đến hiện tại.
Wanderlust Tips | Cinet