Đắk Lắk và những lễ hội đặc sắc không thể bỏ lỡ
- 16/08/2022
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- du lịch Việt Nam, du lịch Đăk Lăk, Editor picks
Đắk Lắk có nhiều truyền thống đa dạng và pha trộn nhiều nét văn hóa dân tộc đặc sắc. Nếu đi đúng dịp lễ hội, du khách sẽ được tham dự những lễ hội truyền thống mang đậm tính dân gian.
[rpi]
Trong dịp lễ hội, người đồng bào cầm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa, hát những ca khúc truyền thống lâu đời bằng ngôn ngữ cổ truyền. Đắk Lắk được xem là “cái nôi” nuôi dưỡng văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Hãy cùng Wanderlust Tips điểm qua các lễ hội lớn của Đắk Lắk, “bỏ túi” ngay những lễ hội dưới đây để không bỏ lỡ nhé!
Lễ hội đua voi của người đồng bào ở Đắk Lắk
Vào tháng 3 dương lịch, người đồng bào thiểu số ở Đắk Lắk đã rộn ràng tham gia lễ hội đua voi. Đây được xem là nét văn hóa truyền thống lâu đời và được ưa chuộng.
Buôn Đôn – Đắk Lắk là “tụ điểm” của việc săn bắt và thuần dưỡng voi rừng vì thế lễ hội này thường được tổ chức tại đây. Những đàn voi di chuyển từ các buôn khác đến đây để tham dự vì thế không khí rất náo nhiệt. Sân đua là một bãi đất rộng, chiều dài từ 400 – 500m, chiều rộng đủ để 30 chú voi đứng thành hàng.
Khi gần đến giờ thi đua, các chú voi bắt đầu đứng vào vạch xuất phát. Tiếng tù và cất lên, vang vọng khắp núi rừng thì các chú voi tiến thẳng về phía trước trong tiếng hò reo của mọi người. Sau cuộc thi đấu, các “vận động viên voi” sẽ được bồi bổ bằng các thực phẩm khoái khẩu, tươi ngon. Riêng chú voi thắng cuộc sẽ được thưởng rất nhiều đồ ăn ngon và được đội vòng nguyệt quế.
Vào dịp lễ hội, người dân cả nước cũng hào hứng đến Buôn Đôn, Đắk Lắk để được tham gia
Lễ hội cúng lúa sắp trổ bông của người đồng bào Ê đê, Đắk Lắk
Đây là nghi thức của người đồng bào Ê đê với ước mong thần linh phù hộ cho lúa trổ bông đều, dài hạt và cho năng suất cao. Để thực hiện nghi lễ này, người Ê đê ở huyện Krông Bông, Đắk Lắk đã chuẩn bị lễ cúng gồm 4 chén rượu cần, 2 con gà trong đó có một con lông trắng, 2 con heo. Thời gian dành cho nghi lễ là 2 giờ.
Lễ bỏ mả của người Ê đê
Người dân Đắk Lắk không có tục thờ cúng tổ tiên nên khi có người qua đời được một năm hay đến ba năm thì người thân trong gia đình sẽ làm lễ bỏ mã.
Ngôi mộ của người Ê đê được xây dựng rất công phu, xung quanh mồ được trang trí bằng những tượng gỗ được điêu khắc tinh tế. Người Ê đê quan niệm về vòng luân hồi của đời người các chút khác biệt. Họ tin rằng người chết phải qua lễ bỏ mã thì mới về với thế giới của tổ tiên. Khi linh hồn qua 7 lần chết mới biến thành giọt sương mang linh hồn tổ tiên để quay về thế giới trên mặt đất đầu thai vào đứa trẻ.
Với người Ê đê, đây là một nghi lễ quan trọng. Chủ xướng của lễ là một gia đình, một dòng họ hoặc của một buôn làng. Nhà giàu, dòng họ lớn sẽ giết nhiều trâu bò và buộc nhiều ché rượu. Nhà nghèo thì phải chuẩn bị đủ rượu thịt để phân chia cho người dự lễ.
Nghi thức của lễ bỏ mả được diễn ra tại khoảng đất rộng của nghĩa địa. Bò đực được xẻ thịt ngay tại đó, rượu cần được buộc thành hàng và bàn cúng được dựng bằng tre nứa. Thực chết, đây là nghi lễ để nói lời tạm biệt với người chết. Sau lễ này, linh hồn người chết sẽ chuyển kiếp và ngôi mộ trở nên “trống trơn”.
Lễ cúng bến nước của dân tộc Ê đê
Một trong những phong tục tập quán lâu đời của đồng bào Ê đê. Lễ hội được tổ chức hàng năm sau mùa thu hoạch nhầm cảm tạ thần nước đã đem lại may mắn trong năm cũ và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no. Đây là một trong những hoạt động văn hóa cộng đồng nhiều ý nghĩa của cộng đồng dân tộc Ê đê.
Không khí của lễ cúng bến nước vô cùng long trọng. Thầy cúng sẽ là người chủ trì, mâm đồ cúng là thịt lợn, gà và quan trọng nhất là một chật tiết loãng. Sau khi hoàn thành thủ tục, những người con buôn làng đã gùi những bầu nước mát ngọt về nhà. Người chủ lễ sẽ đi đến cầu thang từng nhà, hát cầu cúng và rưới tiết vào chân cầu thanh để cầu may mắn cho gia chủ…Sau nghi lễ, cả buôn làng quây quần bên nhau, uống rượu cần, nhảy múa trong âm sắc rộn ràng của tiếng cồng chiêng Tây Nguyên.
Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên
Cồng chiêng được xem là “phương thức” để giao lưu với thành linh, thông tin buôn làng, và còn được xem là tâm hồn của người Tây Nguyên.
Mỗi dân tộc đều có một bộ cồng chiêng khác nhau, dàn chiêng của người Ê đê, Đắk Lắk, có từ 7 – 10 chiếc. Chỉ cần nghe giai điệu là biết ngay có chuyện gì đang xảy ra, chiêng rộn ràng báo hiệu đám cưới hạnh phúc, chiêng ngân nga là sự trang trọng trong các lễ cúng, tiếng chiêng chậm chậm là sự thương tiếc cho một điều không may…
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.
Wanderlust Tips | Cnet