Đi tìm “ẩn số” Bhutan

Nằm bên dãy Himalaya trùng điệp tuyết phủ, Bhutan gần đây được nhắc đến như một vương quốc kỳ lạ xen lẫn những nét cổ xưa và những truyền thuyết được thêu dệt khiến vùng đất này trở nên bí ẩn, quyến rũ và thu hút hơn bao giờ hết.

12Wanderlust-tips-di-tim-an-so-bhutan-12

Ngay cả khi Bhutan đang xuất hiện với tần suất dày trên mạng xã hội thì nhiều người vẫn chưa biết rõ về quốc gia này, nhiều lắm cũng chỉ là những chi tiết như một quốc gia nhỏ bé với địa hình hiểm trở cô lập với thế giới, một nơi truyền thống được bảo tồn, môi trường tuyệt vời, những điều cấm kỵ và chỉ số tổng hạnh phúc quốc dân đưa nước này trở thành nơi hạnh phúc nhất thế giới. Những chuyện hư hư thực thực ấy tồn tại đến mức nào?

Vương quốc cổ tích

Tôi có những người bạn Bhutan. Họ có vẻ rất hiện đại và năng động. Một vài trong số đó là người hoàng tộc nên tôi mới biết rằng Bhutan vẫn còn chế độ quân chủ, có vua và hoàng hậu. Người Bhutan rất tôn trọng hoàng gia. Những người bạn Bhutan thường kể cho tôi nghe về đất nước của họ và tôi bị cuốn hút từ những câu chuyện thời hiện đại và cả những chuyện đã không còn tồn tại ở vương quốc ấy như việc cấm internet và truyền hình.

08Wanderlust-tips-di-tim-an-so-bhutan-8
Ở Bhutan, những nét văn hóa truyền thống được bảo tồn, môi trường được bảo vệ nghiêm ngặt.

Điều cuốn hút tôi hơn cả là những nét văn hóa truyền thống được bảo tồn, môi trường được bảo vệ nghiêm ngặt và chỉ số tổng hạnh phúc quốc dân (GNH) mà nước này coi là quan trọng hơn cả chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Và chính câu chuyện Bhutan được coi là quốc gia hạnh phúc thế giới đang hàng ngày gây tò mò cho du khách trên toàn thế giới đến tìm hiểu và trải nghiệm.

Ngày mà tôi ước ao được du lịch Bhutan cũng đến. Lời mời từ người bạn hoàng gia giúp tôi đến Bhutan dễ dàng hơn những du khách thông thường. Ngay khi bước lên máy bay của hãng hàng không hoàng gia Bhutan Druk Air, tôi đã cảm nhận được sự quyến rũ của vương quốc bí ẩn này. Đó là những cô tiếp viên hàng không trong trang phục kira truyền thống dành cho nữ giới với khuôn mặt thanh tú và hiền hậu.

Bhutan gây ấn tượng lần đầu với tôi là nhà ga sân bay xây theo kiểu truyền thống, kiến trúc mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy trên khắp Bhutan, nhất là những dzong (kiến trúc kiểu pháo đài). Người dân Bhutan trong trang phục gho hay kira truyền thống hiện ra trước mắt như thể tôi đang bước vào vương quốc cổ tích thời hiện đại.

Truyền thống được bảo tồn

03Wanderlust-tips-di-tim-an-so-bhutan-3
Đa số kiến trúc ở Bhutan đều được xây theo kiểu truyền thống.

Đến một đất nước mà đa số kiến trúc đều được xây theo kiểu truyền thống, còn người dân từ học sinh đến công chức và dân thường đều mặc đồ truyền thống đi lại tấp nập trên đường thì bạn sẽ như tôi, muốn mặc thử bộ đồ truyền thống của họ để biết trang phục không hề có nút của người Bhutan diệu kỳ đến thế nào.

Và nếu may mắn đặt được phòng khách sạn ở những nơi như Gangtey Palace ở Paro, một lâu đài cổ của hoàng tộc được chuyển thành một khách sạn để tiện việc tu bổ chăm sóc, thì bạn sẽ càng cảm thấy chuyến đi của mình như hành trình ngược về thời xa xưa, nơi chỉ có những lâu đài cổ kính, những con người mang trang phục khác lạ và hoàn toàn không có sự hiện diện của bất cứ thứ gì của thế giới hiện đại.

19Wanderlust-tips-di-tim-an-so-bhutan-19
Có nhiều dzong ở Bhutan và đa số được bảo tồn rất tốt.

Đi khắp Bhutan, từ thung lũng Paro, thủ đô Thimphu hay Punakha và cả những nơi khác, bạn không thể bỏ qua các dzong với kiến trúc pháo đài. Có nhiều dzong ở Bhutan và đa số được bảo tồn rất tốt. Du khách muốn vào thăm dzong trong trang phục truyền thống bắt buộc phải mặc đúng quy cách, tức là phải khoác thêm tấm khăn tráng như một sự tôn trọng truyền thống địa phương. Nếu mặc đồ bình thường, không nên mặc quần, váy ngắn vào những nơi tôn nghiêm như đền chùa, dzong. Một số nơi có qui định không mang theo máy ảnh.

21Wanderlust-tips-di-tim-an-so-bhutan-21
Trang phục truyền thống của người dân Bhutan.

Đã đến Bhutan, gần như du khách nào cũng sẽ tới thăm tu viện Taktsang dù có phải leo bộ 3 tiếng đồng hồ để thấy người Bhutan bảo tồn truyền thống như thế nào. Tu viện Taktsang ẩn dưới thung lũng Paro ở độ cao 3.000m so với mực nước biển. Nơi đây còn được mênh danh là hang cọp, được coi là biểu tượng bất thành văn của nước này. Tu viện được xây dựng từ năm 1692, tồn tại qua nhiều thế kỷ và được trùng tu gần nhất là năm 2005.

Mặc dù đây là một nơi thu hút khách du lịch và dường như là điểm không thể bỏ qua khi đến Bhutan nhưng tất cả những ai muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tu viện ở lưng chừng núi này đều phải leo bộ. Muốn đỡ mệt hơn du khách có thể đi ngựa nhưng điều này khá mạo hiểm bởi những con ngựa đôi khi sẽ bị mất kiểm soát. Đã có lời đề nghị Bhutan làm cáp treo lên Taktsang nhưng họ từ chối bởi theo quan niệm của họ, cái gì phải khó khăn để đạt được thì mới quý giá.

Ẩm thực ngon lạ

Du lịch Bhutan cũng là cơ hội để bạn thưởng thức các món ăn địa phương đậm chất, không giống đồ Ấn hay đồ Tàu dù Bhutan nằm lọt thỏm giữa hai quốc gia rộng lớn ấy. Đó là một “trường phái” đồ ăn riêng. Các món ăn được để trong những chiếc chén hoặc tô gỗ. Đồ ăn đủ loại, nổi tiếng nhất phải kể đến món Ema datshi, với nguyên liệu là ớt nguyên trái kết hợp với phomat tươi nhà làm. Đây là món ăn và là niềm hãnh diện của người Bhutan.

10Wanderlust-tips-di-tim-an-so-bhutan-10
Các món ăn được để trong những chiếc chén hoặc tô gỗ.

Đặc biệt người Bhutan ăn rất nhiều rau. Bạn có thể thưởng thức các món rau lạ chỉ có ở địa phương hay thậm chí là món ớt khô xào. Món ăn kỳ quặc này lại là đặc trưng, là bản sắc của ẩm thực nơi đây. Các món ăn được dùng với cơm nên bạn cũng không quá lo về chuyện không hợp khẩu vị.

Đến Bhutan bạn cũng đừng quên nếm thử món trà đặc biệt của vùng đất Himalaya này. Đó là món trà suja, một loại đồ uống được nấu từ trà, bơ và muối mà khi uống bạn sẽ cảm thấy không giống trà. Nó giống như một loại súp hơn. Tuy nhiên, đây lại là một trải nghiệm thú vị.

Người Bhutan cũng thường đãi khách đến nhà bằng món trà sữa thường thấy ở vùng Nam Á, gạo rang và bánh quy thơm ngon.

Môi trường tuyệt vời

17Wanderlust-tips-di-tim-an-so-bhutan-17
Bhutan đã quy định ngay trong hiến pháp rằng rừng bao giờ cũng phải bao phủ ít nhất 60% diện tích toàn quốc gia.

Tôi đã được khuyên khi đến Bhutan, điều đầu tiên nên làm là hãy hít một hơi thật sâu bởi không khí ở đây cực kỳ tuyệt vời. Quả không sai. Bhutan là một vương quốc nhỏ bé và khép mình nên không bị ô nhiễm. Bầu không khí ở đây thật sự trong lành.

Để đạt được điều đó, Bhutan đã quy định ngay trong hiến pháp rằng rừng bao giờ cũng phải bao phủ ít nhất 60% diện tích toàn quốc gia. Thậm chí ở Bhutan, người ta bị cấm hút thuốc. Sống thân thiện với thiên nhiên và phần thưởng mà người Bhutan có được là một bầu không khí trong sạch để hít thở. Câu chuyện cấm xe cơ giới hoạt động vào một số ngày cụ thể hay ngày chẵn đi xe biển số chẵn, ngày lẻ đi xe biển số lẻ có thể là nực cười ở một số quốc gia nhưng là chuyện có thật ở Bhutan.

16Wanderlust-tips-di-tim-an-so-bhutan-16
Khi đến Bhutan, nếu cảnh quan quá đẹp khiến bạn ngỡ ngàng, đừng ngần ngại nói lái xe cho bạn dừng lại để ngắm cảnh.

Và tất nhiên, khi đến Bhutan, bất cứ khi nào trên đường đi, dù là leo bộ lên núi hay đi xe từ nơi này đến nơi khác, nếu cảnh quan quá đẹp khiến bạn ngỡ ngàng, đừng ngần ngại nói lái xe cho bạn dừng lại để ngắm cảnh. Sẽ không có ai nỡ từ chối yêu cầu của bạn đâu.

Đặc biệt, đến thủ đô Thimphu, bạn sẽ được trải nghiệm đi lại trong thủ đô duy nhất trên thế giới không có đèn giao thông. Mọi người đều đi lại rất từ tốn và ở các giao lộ đều có sự xuất hiện của cảnh sát giao thông, đảm bảo cho chuyện đi lại được thông suốt.

Bhutan không dành cho tất cả

Bhutan là một nước ít phát triển hơn các nước láng giềng và tất nhiên so với các quốc gia ở quanh Việt Nam thôi thì Bhutan còn thua rất xa về kinh tế. Tuy nhiên, bạn đừng nghĩ rằng Bhutan nghèo thì sẽ sẵn lòng mở cửa đón bất kỳ vị khách nào. Họ lọc đối tượng khách rất kỹ. Và tất nhiên, Bhutan không phải là một nơi dành cho dân du lịch bụi. Ở Bhutan cũng không có đầy đủ các dịch vụ để người ta có thể đi du lịch bụi.

Chính sách lọc đối tượng khách du lịch thực chất là để đảm bảo mỗi du khách đến Bhutan đều được hưởng dịch vụ trọn vẹn và hoàn hảo, cũng là giữ cho Bhutan không bị xô bồ vì khách du lịch, lại hưởng được nguồn thu từ đối tượng du khách có thu nhập trung bình trở lên.

Để du lịch Bhutan, mỗi du khách buộc phải mua gói dịch vụ từ một công ty du lịch với số tiền tối thiểu cho mỗi ngày lưu lại Bhutan là 200USD vào mùa thấp điểm (tháng 1,2,6,7,8,12) và 250USD vào mùa cao điểm (tháng 3,4,5,9,10,11). Đừng hiểu lầm rằng số tiền này là phí bạn phải trả cho mỗi ngày lưu lại Bhutan. Chi phí này đã bao gồm khách sạn, ăn 3 bữa, tiền xe đi lại, hướng dẫn viên, vé tham quan… Nói chung sau khi mua tour từ các công ty lữ hành được cấp phép thì bạn không cần phải chi trả thêm chi phí nào khác khi vào Bhutan, trừ vé máy bay và phí visa 43USD. Và chỉ sau khi đóng tiền tour đầy đủ bạn mới được cấp visa. Thủ tục sẽ do công ty tour lo hết.

Mặc dù hiện nay đã có 2 hãng hàng không bay từ Thái Lan, Singapore, Ấn Độ và Nepal tới Bhutan nhưng đều là 2 hãng của Bhutan. Du khách không có nhiều sự lựa chọn và vé 2 hãng này không hề rẻ. Nếu so với những hãng hàng không giá rẻ thì vé của Druk Air hay Bhutan Airlines quả là chát chúa. Ngoài lý do độc quyền đường bay thì chính vị trí hiểm trở của sân bay Paro (sân bay quốc tế duy nhất của Bhutan) nằm trong thung lũng cũng khiến máy bay các hãng hàng không nước ngoài khó tiếp cận. Rất ít phi công được cấp phép hạ cánh xuống sân bay này và cũng chỉ có những chiếc máy bay được thiết kế động cơ riêng mới có thể đáp xuống Paro.

Nếu bạn cảm thấy vé máy bay từ Bangkok hay Singapore đi Paro đắt đỏ (từ 650USD trở lên) thì có thể chọn cách bay đến Ấn Độ hoặc Nepal rồi từ đó bay tiếp, như thế vừa du lịch Bhutan lại vừa có thể thăm thú Nepal hay Ấn Độ.

Đi Bhutan khó là vậy nhưng du khách lúc nào cũng chật kín trên các chuyến bay đến đây. Vào mùa cao điểm nếu không đặt tour sớm bạn sẽ khó có khả năng đặt chân đến quốc gia bí ẩn này. Nhưng cũng chính những khó khăn đó cùng với những điều kỳ diệu về môi trường, bảo tồn văn hóa truyền thống cũng như những chính sách đem lại hạnh phúc cho người dân đã khiến vương quốc Himalaya này trở thành một nơi đẹp hoàn hảo như chuyện cổ tích, để ai cũng khao khát được đặt chân đến một lần trong đời.

Travip | Wanderlust Tips | Cinet

Comments are closed.