Đừng là một người leo núi thiếu ý thức!
- 16/06/2021
- KINH NGHIỆM DU LỊCH
- bảo vệ môi trường, Editor picks, leo núi, ý thức du lịch
Người ta vẫn thường tìm đến những hành trình leo núi để bước chân vào chuyến thám hiểm tự nhiên gắn với rèn luyện sức khỏe. Thế nhưng, nhiều người leo núi hiện nay thiếu đi ý thức “giữ sức khỏe” cho thiên nhiên. Bước chân vào chuyến đi chinh phục những đỉnh cao để gắn kết với tự nhiên và thấu hiểu hơn trách nhiệm của con người với việc gìn giữ vẻ đẹp nguyên sơ của thế giới.
[rpi]
BẠN CÓ NGHE THẤY TIẾNG THIÊN NHIÊN ĐANG KÊU CỨU?
Leo núi giờ đây không chỉ còn dành cho những nhà thám hiểm hay các vận động viên chuyên nghiệp, người ta tìm đến bộ môn thể lực này như một hình thái du lịch sức khỏe gắn với tự nhiên. Vẻ đẹp của thiên nhiên quá đỗi lớn lao, khơi dậy trong bất cứ ai niềm khát khao được khám phá. Cùng với nhu cầu gia tăng là sự nhân rộng của những đoàn leo núi đông đảo.
Dẫu biết hành trình leo núi cần có những hành trang sinh tồn không thể thiếu, song nhiều người vẫn ngán ngẩm khi nhìn vào hàng “núi rác” được để lại bởi những người leo núi thiếu ý thức. Người ta vẫn thường muốn tìm về với Mẹ thiên nhiên để được ôm ấp trong vẻ yên bình, trong lành và tinh khiết, thế nhưng không phải ai cũng nhận thức được việc chính con người mới có sức mạnh giữ gìn vẻ đẹp đó của thiên nhiên.
Hãy bắt đầu từ nóc nhà của thế giới: đỉnh Everest ở Nepal. Vốn là một trong những địa điểm khó chinh phục nhất hành tinh, thế nhưng dòng người leo núi đổ về đây hàng năm vẫn có khả năng tạo ra cả triệu tấn rác trên đỉnh núi này, nhiều đến mức người ta phải đặt cho Everest một cái tên khác: bãi rác cao nhất thế giới. Lều bạt, vỏ đồ hộp, túi ni lông, bình gas rỗng… nằm la liệt trên đỉnh Everest, khiến các chuyên gia môi trường sốc nặng.
Ở Việt Nam, mọi thứ còn tồi tệ hơn khi đại đa số người dân vẫn còn giữ thói quen sử dụng nhiều túi nilon và các vật liệu khó phân hủy. Không chỉ trên các ngọn núi mà ngay cả các cung đường đồi vốn không quá nặng nhọc, người ta vẫn vô tư xả rác để trút bớt gánh nặng khi đi leo núi.
Chắc hẳn người ta vẫn không quên hình ảnh gây choáng váng của những đống rác ngổn ngang được đoàn trekking 100 người thải ra trên cung đường Tà Năng – Phan Dũng. Trên các đỉnh núi Bà Đen, Tà Chì Nhù, dãy Hoàng Liên Sơn… chỉ cần có bóng người đi qua là sẽ có rác để lại.
Không chỉ có đại dương, núi rừng linh thiêng giờ đây cũng đang gào thét trước hàng tấn rác thải.
CHUYỆN GÌ SẼ XẢY RA?
Hiện nay, các khu bảo tồn thiên nhiên đang ra sức kêu gọi những người leo núi nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bên cạnh đó là nhiều nhóm hoạt động vì môi trường cũng đang nỗ lực để thu gom nhiều nhất lượng rác thải trên các cung đường leo núi, trekking, hiking. Thế nhưng, những cố gắng đó không đi kịp so với lượng rác thải vẫn được thải ra từng ngày, từng giờ.
Kể cả khi rất nhiều người đang ra sức tìm cách tái chế các loại rác thải du lịch, không phải bất cứ loại rác nào cũng có khả năng tái chế dễ dàng. Chưa kể quá trình thu gom rác thải cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, khi họ phải đu dây trên núi để thu nhặt những mảnh rác bám trên các vách cao. Ngoài ra, chi phí để tái chế rác thải cũng vô cùng, vô cùng, vô cùng đắt đỏ. Ngọn đồi Yumonang – điểm săn mây nổi tiếng ở Lâm Đồng đã từng cấm cửa khách du lịch vì tình trạng xả rác bừa bãi.
Bạn cần biết rằng, rác thải nhựa cần tới ít nhất từ vài trăm đến 1.000 năm để phân hủy, chưa kể trong đó có nhiều loại nhựa chứa nhiều hóa chất gây độc cho thiên nhiên và cả con người. Đặc biệt, chúng chỉ có thể phân hủy khi có sự tác động của ánh sáng mặt trời. Các loại hộp thiếc có thời gian phân hủy là 50 năm, túi nhựa ít nhất từ 10 đến 20 năm, dây câu cá cần ít nhất 600 năm. Ngay cả tàn thuốc lá cũng cần ít nhất 1 đến 5 năm để phân hủy.
Đó chẳng phải đều là những loại rác thải phổ biến trong hành trình leo núi hay sao? Vậy giữa rừng cây đại ngàn nơi núi rừng, mất bao lâu để các loại rác thải kể trên có thể phân hủy? Câu trả lời này xin được bỏ ngỏ để bạn tự suy nghĩ.
MỘT SỐ CÁCH HẠN CHẾ RÁC THẢI KHI LEO NÚI
CHUẨN BỊ HÀNH LÝ GỌN GÀNG
Việc trút bỏ rác thải sau khi sử dụng để giảm nhẹ gánh nặng hành lý khi leo xuống là lý do phổ biến nhất để người ta xả rác trên các ngọn núi. Vậy thì chẳng có giải pháp nào tốt hơn việc bạn nên hạn chế các loại tư trang, hành lý cá nhân cồng kềnh và sử dụng bừa bãi các loại túi nilon, màng bọc nhựa.
Bạn hãy thật sự cân nhắc những món đồ cần thiết khi leo núi và tính toán cẩn thận các bữa ăn của mình. Nếu là người lần đầu leo núi, hãy tham khảo kinh nghiệm đóng gói hành lý gọn gàng từ các porter hay những người có nhiều kinh nghiệm. Hành lý nặng nề không chỉ làm chùn bước chân và tạo áp lực lên cơ thể mà còn tạo ra những gánh nặng cho môi trường. Bên cạnh đó, bạn thực sự nên học hỏi các kỹ năng sinh tồn cần thiết để biết cách sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, giúp hành trình leo núi được nhẹ gánh hơn.
ĐỔI SANG CÁC VẬT LIỆU MỚI, VẬT LIỆU TÁI SỬ DỤNG
Ngay cả khi đã giảm bớt hành lý, bạn vẫn nên kết hợp thêm việc sử dụng các vật liệu mới hay vật liệu có khả năng tái sử dụng để chung tay bảo vệ môi trường. Đơn giản nhất, thay vì bọc thức ăn trong màng bọc nilon, bạn có thể thay thế bằng màng bọc sáp ong (phù hợp với các loại thức ăn nguội) có thể tái sử dụng nhiều lần. Trong trường hợp bạn cần hâm nóng đồ ăn, silicon chịu nhiệt không phải một ý kiến tồi.
Bên cạnh đó, hãy dùng bếp dã ngoại và nhóm lửa trên một tảng đá hay sỏi để tránh làm tổn hại đến thả thực vật và giảm nguy cơ cháy rừng.
MANG THEO TÚI ĐỰNG RÁC VÀ BỎ RÁC ĐÚNG NƠI TẬP KẾT
Đừng xả rác bừa bãi, thay vào đó hãy tập hợp các mảnh rác thải nhỏ vào chung một túi và đem xuống các điểm tập kết rác đã được quy định, kể cả các loại giấy vệ sinh đã qua sử dụng. Đừng ngại ngần việc có thêm một túi rác đi theo bản thân mà phải đánh đổi bằng cả một môi trường sống ô nhiễm.
Ảnh: Internet
Wanderlust Tips | Cinet