Geisha: Nét văn hóa đặc biệt của Nhật Bản
- 16/07/2021
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- du lịch Nhật Bản, Editor picks, geisha
Geisha không chỉ là những người nghệ sĩ giải trí đơn thuần, họ còn là những người sở hữu và lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của xứ sở mặt trời mọc. Cùng đến Nhật Bản để tìm hiểu những bí mật của geisha.
[rpi]
Geisha theo ngôn ngữ Kansai là Geiko hay Geiki, có thể dịch là nghệ sĩ, họ còn được gọi là nghệ giả. Họ là những cô gái được đào tạo khả năng múa, hát, chơi nhạc cụ, đặc biệt khéo léo khi trò chuyện. Khách hàng của họ là tầng lớp thượng lưu giàu có ở Nhật Bản. Geisha được đối đãi như những nữ hoàng khi có người giúp mặc trang phục, không bao giờ sử dụng phương tiện công cộng.
“MÃI NGHỆ, KHÔNG MÃI DÂM”
Geisha thường bị lầm tưởng là những cô gái làng chơi. Thế nhưng đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. “Mãi nghệ, không mãi dâm” là tuyên ngôn của các nghệ giả. Các khách hàng chỉ tìm tới các phòng trà để giải trí, thưởng rượu và trò chuyện với họ. Thực tế, các nghệ giả vẫn có thể trao thân cho người nào trả giá cao nhất để mua trinh tiết của họ hoặc trở thành tri kỷ của người đàn ông mà họ cảm mến.

Geisha xuất hiện lần đầu vào những năm 1730 dưới thời Edo tại các phòng trà. Trái với suy nghĩ của nhiều người, ban đầu geisha là tên gọi dành cho nam giới và đàn ông là những người đầu tiên kiếm sống bằng công việc này. Phải đến 20 năm sau, nữ giới mới chính thức hành nghề, song họ bị chính quyền cấm đoán nghiêm ngặt. Vì vậy nhiều cô gái phải đổi nghệ danh thành nam giới và hoạt động lén lút.



Cho đến thời Minh Trị vào năm 1872, geisha mới chính thức trở thành một nghề quan trọng và được truyền bá rộng rãi. Nơi phát triển nhất là Kyoto.
TỪ MAIKO ĐẾN GEISHA
Để trở thành một nghệ giả chuyên nghiệp, họ phải trải qua quá trình đào tạo từ nhỏ. Khi đến độ tuổi trưởng thành (15-20 tuổi), họ sẽ được gọi là các Maiko. Nơi đào tạo Maiko là các quán trà đạo, kĩ viện.

Tại đây, họ sẽ có một Geisha kinh nghiệm dìu dắt, hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm làm nghề. Họ sẽ kết nghĩa chị em, các Maiko sẽ lấy một chữ trong tên của người đàn chị khi ra mắt.


Maiko và Geisha được phân biệt với nhau qua cách trang điểm và phụ kiện đặc trưng trên cơ thể. Các Maiko có kiểu trang điểm tươi tắn, màu sắc hơn, đôi môi được vẽ nhỏ đi; tạo kiểu từ tóc thật và sử dụng nhiều phụ kiện. Trong khi các Geisha lại có lối trang điểm đơn giản, đôi môi được vẽ đầy đặn; kiểu tóc được tạo từ cả tóc giả lẫn tóc thật rất cầu kì nhưng không sử dụng thêm nhiều phụ kiện.
GEISHA THỜI HIỆN ĐẠI
Hiện nay, các geisha vẫn tiếp tục phục vụ trong các tiệm trà, quán rượu lâu đời, phục vụ cho đông đảo những vị khách quý và cả những khách du lịch muốn tìm hiểu về nét văn hóa đặc sắc này của xứ Phù Tang. Công việc của họ về cơ bản vẫn giống như 400 năm trước.

Theo Hiệp hội du lịch quốc gia Nhật Bản, có khoảng 273 geisha và maiko đang làm việc ở quận Gion của Kyoto. Trong các tour du lịch Nhật Bản, du khách sẽ có cơ hội tham quan các khu phố cổ vẫn còn lưu giữ nhiều kiến trúc từ thời Edo.

Các Maiko thường không về nhà dù không có luật cấm gặp gia đình vì đơn giản chỉ riêng việc học tập đã chiếm tới 18 tiếng trong ngày của họ. Thay vì được đào tạo từ khi mới chỉ vài tuổi, các maiko thời hiện đại phải đi học tới lúc ít nhất 15 tuổi và tốt nghiệp cấp hai rồi mới được trở thành maiko. Các geisha hiện đại thậm chí cũng không cần trải qua nhiều năm làm maiko nhưng cũng cần tối thiểu 1 năm đào tạo để trở thành geisha chính thức.
Ảnh: Internet
Wanderlust Tips | Cinet