Khám phá các loại mặt nạ truyền thống của Nhật Bản
- 01/07/2022
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Editor picks, mặt nạ, Nhật Bản
Mặt nạ – một nét văn hóa đặc sắc, phản ánh được rõ ràng bản sắc văn hóa và bản tính của người dân đất nước mặt trời mọc.
[rpi]
Các loại mặt nạ ở Nhật đều có ý nghĩa và vẻ đẹp riêng biệt được thiết kế cho từng tôn giáo, từng nhân vật và được đeo trong các lễ hội, đặc trưng của từng vùng miền.
Vai trò của mặt nạ với đời sống của người Nhật
Theo nghiên cứu, văn hóa mặt nạ Nhật Bản đã tồn tại gần 2.000 năm và có liên quan mật thiết với đời sống tâm linh của người dân xứ Phù Tang. Không quá khó khi thấy người Nhật rất yêu thích và bảo tồn nét văn hóa này. Họ luôn gắn liền những chiếc mặt nạ trong mọi hoạt động cuộc sống như lễ hội, phim ảnh, hay quà lưu niệm.
Vào các dịp lễ hội mặt nạ, họ sẽ hóa trang thành gương mặt của các vị thần hoặc ác quỷ để xua đuổi những điều xui xẻo, hay cầu xin thần linh sự bình an, thịnh vượng.
Một số loại mặt nạ nổi tiếng của Nhật Bản
Mặt nạ rất đa dạng về kích thước, màu sắc và hình dáng. Hãy cùng Wanderlust Tips khám phá về nét hấp dẫn của một số mặt nạ truyền thống Nhật Bản nhé!
Onna-men
Mặt nạ là đạo cụ được sử dụng trong các vở chính kịch truyền thống của người Nhật (Noh). Các vai diễn đều được đảm nhận bởi các diễn viên nữ, nên diễn viên nam sẽ phải đeo mặt nạ khi diễn chung.
Mặt nạ được thiết kế phức tạp, tinh xảo để khi ánh sáng sân khấu rọi vào sẽ thể hiện rõ được nét mặt của nhân vật. Mặt nạ Onna – men đã góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công của một vở kịch.
Hannya
Đây là một loại mặt nạ ăn sâu vào tiềm thức của người Nhật, thường xuất hiện tại các vở chính kịch Noh. Cũng tương tự như Onna-men, mặt nạ diễn tả cảm xúc của nhân vật và cách bắt sáng sân khấu.
Khi nhìn thẳng vào khán giả, họ sẽ thấy một gương mặt giận dữ. Thế nhưng, nếu Hannya cúi xuống, người ta sẽ thấy cô đang khóc.
Mặt nạ Hannya diễn tả một gương mặt quỷ dị, đôi mắt đầy u sầu cùng sự khổ cực. Trong truyền thuyết, Hannya là một phụ nữ bị phản bội trong tình yêu. Cô tổn thương, sinh lòng thù hận, ghen ghét kẻ đã làm mình đau khổ. Cuối cùng, cô hóa thành quỷ và đi báo thù.
Một nữ nhân hóa quỷ thường có ba cấp độ. Bắt đầu là sự hình thành, lúc này trên đầu sẽ mọc chiếc sừng nhỏ, biết sử dụng ma thuật và triệu tập được linh hồn. Tuy nhiên, nữ nhân vẫn có thể trở lại làm người nếu biết cải tà quy chính.
Tiếp đến cấp độ hai, gương mặt lúc này đã có răng nanh, trông rất dữ tợn. Cặp sừng đã dài thêm, hấp thụ được năng lượng tà ác để ám hại loài người. Thế nhưng, con quỷ sẽ bị đánh bại bởi lời kinh của các nhà sư.
Giai đoạn cuối, nữ quỷ sẽ hóa thành Hannya thực sự. Miệng lúc này sẽ thở ra lửa, cơ thể hóa rắn, nét nữ tính trên mặt chỉ còn lại sự hung tợn. Không còn tính người, chỉ còn là quái vật tàn ác.
Chiếc mặt nạ Hannya chính là sự tích tụ của đau khổ, nỗi buồn, oán hận, ganh ghét…Cặp sừng thể hiện sự phản bội, thay lòng đổi dạ của đàn ông, khiến phái nữ phải thực hiện những chuyện kinh thiên động địa.
Hyottoko
Chiếc mặt nạ phổ biến thứ hai ở Nhật, đó là mặt nạ người đàn ông với chiếc mũ trùm đầu, đôi môi lệch về một bên. Hình ảnh chiếc mặt nạ luôn gắn liền với nụ cười. Thế nhưng câu chuyện về nó lại không hài hước.
Một câu chuyện thần thoại ở tỉnh Iwate, có một ông lão thu lượm củi trên núi. Ông gặp một công chúa và đưa cô về cung điện của thần linh. Để đền đáp ơn nghĩa, công chúa đã tặng Hyottoko với gương mặt kỳ lạ cho ông.
Vợ chồng ông lão rất thích cậu bé, đặc biệt là khi thấy cậu bé có thể tạo vàng ra từ rốn. Khác với ông lão, bà vợ lại vô cùng tham lam. Để có thể lấy được nhiều vàng, bà đã dùng kẹp để luồn vào bụng của Hyottoko khiến cậu bé chết. Quá đau buồn, ông lão đã làm một chiếc mặt nạ giống Hyottoko để tưởng nhớ cậu bé. Ngày này, người Nhật thường treo mặt nạ trên lò sưởi để cầu mong sự hạnh phúc và vui vẻ cho gia đình.
Okame
Có thể nói Okame là phiên bản nữ của mặt nạ Hyottoko. Mang hình ảnh “khuôn trăng đầy đặn”, má hồng, nụ cười mỉm chi. Okame được xem là biểu tượng của sự may mắn và cuộc sống trường thọ. Thế nhưng, không phải ai cũng biết câu chuyện đằng sau đó đầy bi thương. Okame là một người phụ nữ sống ở ngoài đời thực vào thế kỷ 13. Cô đã kết hôn với người thợ mộc, làm việc ở Kyoto.
Sau khi phát hiện ra một sai lầm của chồng trong công việc, để không ảnh hưởng đến uy tín của chồng, Okame đã nghĩ ra cách để xử lý. Phương pháp của cô thành công và đạt được kết quả hoàn mỹ. Để chắc chắn rằng không ai phát hiện được việc người phụ nữ thông minh vượt mặt người đàn ông. Okame đã tự sát. Câu chuyện không thể che giấu, ấy vậy mà người đời lại không quan tâm việc cô chết vô nghĩa.
Về sau, mặt nạ Okema ra đời như “đại diện” cho sự thông minh, trí tuệ. Tuy nhiên, màu sắc của mặt nạ lại nhợt nhạt đến ghê rợn.
Tengu
Mặt nạ Tengu được ưa thích vì ngoại hình dữ tợn và chiếc mũi lớn đặc trưng.
Tengu có kích thước khổng lồ với đôi cánh và chiếc mũi dài như Doryo, một vị thần trú ngụ trên ngọn núi thiêng Kanagawa. Trong các dịp lễ hội, mặt nạ Tengu được bố mẹ mua cho con cái như món quà lưu niệm để bảo hộ chúng trước những điều xấu xa, kém may mắn.
Những chiếc mặt nạ truyền thống có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân “đất nước mặt trời mọc”…điều này tạo nên nét văn hóa ấn tượng, riêng biệt chỉ có tại Nhật Bản.
Wanderlust Tips | Cnet