Kinh nghiệm du lịch Cửu Trại Câu
- 21/10/2015
- KINH NGHIỆM DU LỊCH
- Cửu Trại Câu, kinh nghiệm du lịch
Để đến được với thiên đường nơi hạ giới Cửu Trại Câu trong một chuyến đi hội đủ các yếu tố “ngon, bổ, rẻ” và an toàn theo đúng tiêu chí của dân phượt, bạn cần có sự chuẩn bị nhất định. Dưới đây là những lưu ý bạn cần nắm vững trước khi khởi hành, theo kinh nghiệm của Wanderlusttips.
Vị trí
Công viên quốc gia Cửu Trại Câu – di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới nằm tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cách Thành Đô khoảng hơn 500 km về phía Bắc. Với nhiều du khách quốc tế, Thành Đô là trạm chung chuyển để đến với những khu thắng cảnh, di sản nổi tiếng nằm trên cung đường này, bao gồm Nga My – Lạc Sơn – Cửu Trại Câu và Hoàng Long. Do đó, với phần lớn du khách Việt Nam, Thành Đô là điểm đến đầu tiên, là nơi để các phượt thủ “khởi động” hành trình đến với thiên đường nơi hạ giới Cửu Trại Câu.
Thời điểm lý tưởng nên đi
Cửu Trại Câu mở cổng quanh năm để đón khách, và mùa nào cũng có những nét đặc sắc khác nhau. Dù vậy, thời điểm lý tưởng nhất để đến với Cửu Trại Câu và các danh lam thắng cảnh lân cận là vào những ngày cuối thu tháng 10, khi rừng cây bắt đầu chuyển sang sắc vàng đỏ và những bông tuyết đầu tiên bắt đầu rơi phủ trên những con đường gỗ.
Tuy nhiên, tuyệt đối không nên chọn đi du lịch trong tuần lễ du lịch vàng của Trung Quốc (thông thường kéo dài từ ngày 1– 7/10 hoặc 10/10), vì nếu lỡ đi vào thời gian này, tất cả những gì bạn thấy là người và người, cộng thêm những khoản chi phí đắt đỏ gấp nhiều lần so với ngày thường.
Thời điểm lý tưởng để đến thăm khu du lịch nổi tiếng này là từ 11 – 30/10. Lúc này, khách du lịch nội địa đã giảm bớt, nhiệt độ từ khoảng 8 – 18 độ, có nắng ấm, lá vàng, đỏ phủ khoảng 90 % diện tích Cửu Trại Câu. Bắt đầu vào tháng 11, Cửu Trại Câu bắt đầu “ngủ đông”, sắc vàng đỏ dần được thay thế bằng sắc trắng của tuyết, nhiệt độ thấp dưới 0 độ và không mấy thuận lợi cho việc tham quan, ngắm cảnh.
Phương tiện di chuyển
Khi đã xác định được thời điểm đến Cửu Trại Câu, bạn hoàn toàn có thể canh vé giá rẻ để đến với Thành Đô. Lộ trình Hà Nội – Thành Đô thường xuyên có những đợt khuyến mại lớn với giá vé chỉ 9usd (chưa kể thuế và phí). Nếu không, bạn có thể chọn những lộ trình khác như Hà Nội (Hồ Chí Minh) – Bangkok – Thành Đô với chi phí vừa phải.
Phương tiện đi lại
Có nhiều cách để đi từ Thành Đô đến Cửu Trại Câu và mỗi cách đều có những điểm tiện lợi của riêng nó.
Nếu đi thành đoàn từ 8 người trở lên, bạn có thể tự thuê xe riêng để di chuyển từ Thành Đô đến khu du lịch Cửu Trại Câu. Đừng ngần ngại liên lạc với các công ty du lịch, các khách sạn, nhà nghỉ bên Thành Đô để hỏi và thương lượng về giá thuê xe trọn gói. Việc thuê xe riêng dù chi phí khá tốn kém so với phương tiện xe bus, nhưng bạn có thể hoàn toàn chủ động trong lịch trình của mình, có thể dừng xe tại những điểm tham quan hoặc những khung cảnh đẹp trên tuyến đường hơn 500 km này.
Sân bay Cửu Hoàng với nhiều chuyến bay nội địa, tuy nhiên, giá vé khá đắt và tình trạng bị hoãn, hủy chuyến vì lý do thời tiết thường xuyên xảy ra.
Xe bus từ Thành Đô đến Cửu Trại Câu chỉ mất 140 tệ/ người trên hành trình suốt tuyển. Đây là cách di chuyển rẻ và an toàn với các dân phượt. Tuy nhiên, thời gian ngồi xe bus sẽ lâu hơn so với thuê xe riêng và không thể dừng lại ở những điểm mong muốn.
Ngồi máy bay từ sân bay quốc tế THành Đô đến sân bay Cửu Hoàng (cách Cửu Trại Câu khoảng 80 km) chỉ mất chưa đầy 1 tiếng, là cách di chuyển nhanh nhất đối với các du khách. Tuy nhiên, do đặc điểm thời tiết, các chuyến bay giữa 2 điểm này thường xuyên bị hoãn do yếu tố thời tiết. Giá vé khứ hồi từ Thành Đô – Cửu Hoàng cũng khá đắt và hầu như không có khuyến mại, trung bình từ 7 – 9 triệu/ vé.
Tham quan
Có nhiều cách để khám phá Cửu Trại Câu, tùy vào thời gian và điều kiện sức khỏe của bạn. Thông thường, dân phượt chọn lưu lại ở đây 2 ngày để có thể ngắm trọn cảnh sắc nơi đây, thảnh thơi đi dạo và ghi lại những khuôn hình đẹp. Giá vé và xe bus 1 ngày tại công viên quốc gia này là 310 tệ (220 tệ tiền vé + 90 tệ tiền xe). Nếu trình diện thẻ sinh viên khi mua vé, bạn sẽ được giản giá 100 tệ tiền vé.
Cửu Trại Câu được chia làm 2 nhánh giống như hình dạng của chữ Y. Nhánh bên phái với nhiều điểm tham quan hơn so với điểm bên trái, nên thường được ưu tiên đi vào ngày đầu tiên.
Thông thường, xe bus của công viên sẽ đưa du khách lên đến điểm cao nhất, chặng cuối cùng của mỗi nhánh, sau đó, du khách sẽ tự do đi xuống và dừng lại ở các điểm đến tùy thích. Tuy nhiên, ở nhánh bên phải, có 1 điểm tham quan bạn nên đến vào tầm 8h – 9h sáng để thưởng ngoạn hết vẻ đẹp của nơi này. Đó là hồ Gương (Mirror Lake). Hồ Gương trở thành tấm gương trong vắt đúng nghĩa, phản chiếu hoàn hỏi cảnh vật soi bóng vào tầm buổi sáng, trước khi mặt trời lên cao, nắng chiếu gắt và gió bắt đầu thổi. Do đó, hãy đến thăm hồ Gương vào lúc sớm nhất có thể trong lịch trình của bạn, vì đến chiều, do ảnh hưởng của ánh mặt trời và các điều kiện thiên nhiên khác, nước hồ không còn giữ được vẻ phẳng lặng và màu nước trong vắt.
Mọi điểm tham quan trong Cửu Trại Câu đều đáng để dừng chân và khám phá, từ rừng nguyên sinh, hồ Trường Hải, hồ Ngũ Sắc, thác Nặc Nhật… nên người đi cần lên lịch và cân đối thời gian, không nên quá sa đà ở một nơi nào đó rồi không kịp để thăm những thắng cảnh khác.
Bên cạnh đó, nên dành một chút thời gian để khám phá những con đường gỗ của Cửu Trại Câu, nằm ở phía bên trong những cung đường lớn dành cho xe bus. Có khoảng 70 km đường gỗ trong Cửu Trại Câu, nối liền giữa các điểm tham quan, dành cho những du khách thích đi bộ thong dong. Các con đường này được xây dựng theo nhiều kiểu khác nhau, nhưng đều đẹp, lãng mạn và là nơi tuyệt vời để ghi lại những khuôn hình thơ mộng.
Một điều khác nên lưu ý, đó là khi tham quan nhánh phải của Cửu Trại Câu, bạn nên ngồi về phía bên phải của xem, trong khi tham quan nhánh trái, nên ngồi phía bên trái (cùng phía với lái xe) để có thể ngắm cảnh dễ dàng hơn.
Ẩm thực
Những điểm đến trên cung đường Cửu Trại Câu đều thuộc vùng Tứ Xuyên, với đặc sản là những món tê và cay xé lưỡi. Cộng thêm cách nấu nướng nhiều dầu mỡ, nhìn chung, các món ăn ở vùng này không hợp với khẩu vị của người Việt Nam, nên đồ ăn khô như ruốc, muối lạc hay xúc xích là những món ăn nhiều tiện ích trên hành trình.
Trong khu thắng cảnh Cửu Trại Câu có những điểm phục vụ bữa trưa cho khách, nhưng giá cả khá cao. Chủ động chuẩn bị bữa ăn nhẹ (nước, bánh mì, cháo lon, đồ ngọt…), bạn có thể ăn theo kiểu picnic giữa núi xanh, nước biếc và lá vàng nhẹ bay. Còn gì lãng mạn và tuyệt vời hơn thế?
Vật dụng cá nhân nên mang theo
Nằm ở độ cao từ 2.000 – 4.000m so với mực nước biển, không khí loãng hơn so với khu vực khác, nên Cửu Trại Câu có thể gây ra một chút rắc rối với du khách có sức khỏe yếu, như khó thở hoặc đau đầu. Những loại thuốc cá nhân như thuốc giảm đau, hoạt huyết dưỡng não, các loại thuốc bổ trợ sức khỏe, vitamin C,… là hành trang không thể thiếu.
Với những ai không quen thời tiết lạnh, miếng dán giữ nhiệt là vật dụng đầy tiện ích. Socola, kẹo ngọt sẽ giúp bạn đỡ mệt hơn khi di chuyển trên những quãng đường dài ở độ cao hơn mức bình thường.
Đến thiên đường nơi hạ giới không khó, nhưng hãy có sự chuẩn bị và nghiên cứu kỹ lưỡng để hành trình đến Cửu Trại Câu trở nên hoàn hảo nhất có thể.
Theo ivivu
Leave A Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.