Kinh nghiệm leo đỉnh Fansipan

Chinh phục đỉnh Fansipan, chạm tay vào nóc nhà Đông Dương là thử thách mang đến nhiều sự phấn khích cho những người mê du lịch mạo hiểm.. Dù đi theo chương trình tour hay tự lên lịch trình thì việc chuẩn bị kỹ lưỡng những kinh nghiệm leo Fansipan là điều rất cần thiết. Dưới đây là những kinh nghiệm hữu ích từ Wanderlusttips, để bạn có chuyến leo núi an toàn và thú vị.

wanderlusttips-kinh-nghiem-leo--fanxipan

1. Thời điểm thích hợp nhất để leo núi

Thời gian mùa thu – đông là thời gian đẹp nhất để du lịch Sapa, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ruộng bậc thang chín vàng và đặc biệt mùa đẹp cho các phượt thủ chinh phục nóc nhà Đông Dương.

Một nguyên tắc quan trọng luôn được dân phượt truyền tai nhau là nên đi theo nhóm từ 5 người trở lên. Trong suốt hành trình, tất cả các thành viên phải tôn trọng kỷ luật khi đi theo nhóm, bỏ qua khái niệm thích thể hiện cá nhân, vì sự an toàn của bản thân.

Đặc biệt, khi leo Fansipan, mỗi nhóm nhất thiết phải thuê theo porter, vừa có người dẫn đường, vừa mang vác đồ giúp các thành viên trong đoàn.

2. Không đi tách đoàn

wanderlusttips-kinh-nghiem-leo--fanxipan-1

Khi leo Fansipan, các bạn nên chú ý đi theo đoàn và người hướng dẫn, tuyệt đối không xé lẻ. Tùy thể lực mỗi người trong đoàn mà leo nhanh chậm khác nhau nhưng lúc nào trong một nhóm nhỏ cũng nên có ít nhất 2 người đi cùng nhau. Tránh trường hợp để một người đơn độc giữa núi rừng, đặc biệt là những người không có kinh nghiệm đi phượt. Mặt khác, một kinh nghiệm nhỏ đó là bạn nên mang theo dây ruy băng để đánh dấu lại những đoạn không chắc.

3. Xử lý khi bị lạc đường

Theo lời của những phượt thủ từng leo Fansipan, trong quá trình chinh phục đỉnh núi, bạn có thể gặp rất nhiều đường mòn do người dân địa phương mở để đi, nằm ở đoạn lưng chừng núi hoặc ở dưới thấp và những con đường này không dẫn lên đỉnh hay xuống núi. Vì thế rất có thể bạn sẽ đi nhầm đường nếu không có người chỉ dẫn, đặc biệt là khi xuống với tâm lý chủ quan là đã nhớ đường rồi. Khi đi được một đoạn mà thấy đường lạ, khó đi thì bạn nên quay lại ngay. Nếu không xác định được phương hướng thì tốt nhất là không nên đi tiếp mà chờ người tới tìm. Một mặt để tránh việc tiêu hao năng lượng, tai nạn xảy ra, mặt khác để đội cứu hộ dễ khoanh vùng mất tích của bạn hơn. Quan trọng là bạn phải hết sức bình tĩnh và tập trung thì mới có khả năng tìm về đoàn được.

4. Thận trọng những đoạn đường nguy hiểm

Từ đỉnh Fansipan cao 3.143 m xuống trạm dừng chân 2.800 m, có một vài đoạn dài khoảng 5 – 10m là chỗ nguy hiểm nhất vì phải ôm sát men theo triền núi đứng để vòng qua với điểm tựa chỉ đặt vừa đủ một bàn chân mà thôi. Chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể bị trượt chân ngã xuống vực thẳm. Vì thế, việc trang bị những kỹ năng leo núi trước khi chinh phục Fansipan là điều rất cần thiết. Trong trường hợp gặp dốc đứng, bạn men theo triền để tiến lên theo hình chữ Z, sử dụng thêm cả hai tay để hỗ trợ bằng cách bám vào đá, thân, rễ cây… Nhưng nhớ ướm thử độ chắc chắn của những vật mà bạn dùng làm điểm tựa.

Lưu ý khi xuống núi, bạn cần cẩn thận, không nên đi quá nhanh vì rất dễ bị vấp ngã, lăn xuống dưới. Khi xuống dốc, hãy khom người và chùn đầu gối lại, giữ cho ba lô ổn định và cân đối trên lưng. Nếu đi thẳng người, trọng tâm ba lô sẽ nằm phía sau, khiến bạn dễ bị trượt ngã. Nếu dốc khá đứng, bạn xoay người lại đối diện với vách núi, sử dụng luôn cả hai tay để bám mà leo xuống.

5. Luôn mang theo những đồ dùng cần thiết

wanderlusttips-kinh-nghiem-leo--fanxipan-2

Những đồ dùng bất ly thân mà bạn luôn nhớ phải để trong ba lô của mình đó là đèn pin, thiết bị định vị GPS, điện thoại di động và một chút đồ ăn nhẹ để đề phòng khi tình huống xấu xảy ra, bạn vẫn có thể tìm cách xoay sở hoặc gọi người đến giúp. Những món đồ này đều gọn nhẹ, bạn hoàn toàn có thể tự mang. Không nên phụ thuộc và giao hết đồ đạc cho porter.

6. Rèn luyện thể lực trước khi leo núi

Theo kinh nghiệm của dân phượt, để có đủ sức khỏe chinh phục thử thách mà không bị bỏ cuộc giữa chừng, yêu cầu đầu tiên cần phải có chính là thể lực. Bạn nên tập thể lực 1 – 2 tháng trước khi thực hiện chuyến leo Fansipan. Đầu tiên là khởi động kỹ các khớp, để tránh gây ra chấn thương lãng xẹt như khớp háng, đầu gối, mắt cá chân… Bước tiếp theo kết hợp đi bộ, leo cầu thang hoặc chạy trong thời gian ít nhất 1 giờ, tập khoác ba lô (nặng 5 kg) trên đường dốc… Các bài tập này nhằm đánh giá khả năng đi bộ của bạn và giúp bạn quen với việc vận động hơn.

7. Những nguyên tắc cần lưu ý khi leo núi

Trước khi đi Fansipan, nên đi bộ buổi sáng và buổi chiều ít nhất 10 phút mỗi ngày.

Mang theo trang phục gọn gàng thuận tiện cho việc leo núi:

– Một cái ba lô không được quá 4,5 kg. Chọn ba lô tốt nhất là loại có múi ở phần tiếp giáp với lưng để thoáng khí. Ba lô nên có dây cài ngang thắt lưng và trên ngực để giữ cho ba lô chắc vào người khi di chuyển, tránh gây cản trở cho bạn hoặc kéo bạn về phía sau.

– Một đôi giày leo núi có ma sát nhẹ. Giầy tốt nhất là giầy chuyên dụng đi trek, có cổ qua mắt cá để giữ chắc khớp tránh bong gân. Giầy nặng và có nhiều gai ở đế. Có hệ thống thoáng khí tốt và tránh nước. Nếu bạn là người đi trek nhiều thì nên đầu tư lấy một đôi.

– Khi leo nên đi 2 đôi tất: một mỏng bên trong (không nên đi tất nilông hay tất giấy bên trong mà nên đi tất mềm thấm mồ hôi), và một đôi tất dài bên ngoài để trùm lên quần tránh vắt. Khi đi hai đôi tất như vậy có lợi là giảm độ cọ của giầy và chân, tránh làm phồng rộp da chân.

– Găng tay leo núi nhẹ, gọn. Găng tay tốt là găng tay bảo hộ dầy có chấm nhựa ở lòng bàn tay. Không nên mua găng tay mỏng. Có găng tay, bạn tự tin hơn khi bám vào rễ cây, thân cây, tre nứa… khi trèo… Không nên dùng găng tay len hay găng tay da, bàn tay sẽ ra mồ hôi trơn.

– Một cái áo khoác mỏng nhưng tương đối ấm, không hút ẩm

– Một cái mũ kiểu mũ tai bèo gọn, nhẹ

– Một cái áo mưa chụp cả người gọn nhẹ

– Mang theo máy ảnh hoặc máy quay gọn nhẹ có túi an toàn

– Mang theo một số thuốc uống mà cá nhân thường dùng cho bệnh tật của mình (nếu có), ngoài ra như thuốc cảm cúm, đường ruột… gọn nhẹ.

– Mang theo một tuýp Salonpast để xoa bóp tránh chuột rút, 1 túi đồ cứu thương cho 10 người.

Trả lời