Kỳ dị “lễ hội ma” của người Madagascar
- 26/05/2020
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Editor picks, lễ hội Famadihana, Madagasca
Cứ mỗi dịp “lễ hội ma” Famadihana đến, người dân tại các gia đình Madagascar lại cùng xuống hầm mộ, đào lên hài cốt của người đã khuất rồi bọc trong lớp vải mới.
[rpi]
Cứ mỗi 5-7 năm một lần, người Merina ở Madagascar lại tưng bừng chuẩn bị cho lễ hội Famadihana hay còn được gọi với nhiều cái tên như: lễ hội ma, tục thay xương… Famadihana là tập tục thể hiện tình yêu thương, kính trọng với tổ tiên và người thân cũng được dịp đoàn tụ, sum vầy. Đối với người Merina, tổ chức xã hội của họ chỉ gồm hai phần: thế giới người sống và thế giới tổ tiên vì họ tin rằng, cái chết không phải kết thúc mà là bước vào một thế giới mới.
Trong những ngày diễn ra “lễ hội ma” Famadihana, các hoạt động như biểu diễn nhạc sống, hiến tế động vật sống sẽ diễn ra trước các khách mời, thành viên trong gia đình và sau đó cùng nhau nhận những phần thịt được chia sẵn. Tại chính buổi hội tụ này, bậc ông cha sẽ ngồi lại và giải thích cho con cháu về công lao của tổ tiên xưa kia. Theo quan niệm của người Merina ở Madagasca, con người không tự nhiên sinh ra mà nhờ vào tro cốt của người đã khuất. Vậy nên trong lễ hội Famadihana, những người trong nhà sẽ đào lên hài cốt của cha ông chưa bị phân hủy và bày tỏ tình yêu thương, tôn kính tới tổ tiên gia đình.
Trước “lễ hội ma” Famadihana diễn ra 2 ngày, mọi người trong gia đình đã cùng nhau hội tụ và chuẩn bị chu đáo để hoàn thành tập tục. Lúc này, người thân và khách khứa sẽ đi bộ lên tận đỉnh đồi (nơi chôn cất của tổ tiên) mang theo đủ loại thức ăn, chiếu, vải, đồ đạc… chuẩn bị tiến hành “đổi đầu xương”, dùng vải lụa mới bọc kín lại sau đó ghi tên cẩn thận để tiễn đưa người đã khuất khỏi dương gian, đến với thế giới tổ tiên. Mang không khí của ngày lễ hội, người dân tham gia đều vui vẻ và không buồn rầu, nuối tiếc.
Chi phí tổ chức “lễ hội ma” không hề nhỏ khi mỗi gia đình cần chuẩn bị chu đáo bữa tiệc thịnh soạn tiếp đãi khách mời, quần áo tươm tất cho người sống và người chết. Với mong muốn chuẩn bị chu đáo, bày tỏ lòng tôn kính với tổ tiên, những người nghèo tại Madagascar phải tiếp kiệm nhiều năm để xây mộ, tổ chức nghi lễ cho người đã khuất. Tuy nhiên, sẽ là bất kính nếu một gia đình không tổ chức tục lệ Famadihana khi họ đủ khả năng chi trả.
Dưới không gian rộng lớn của đất trời hòa cùng tiếng nhạc, tiếng nói cười của người dân Madagascar, “lễ hội ma” Famadihana hình thành từ thế kỷ XVII đến nay vẫn được gìn giữ và dành trọn lòng tôn kính. Nếu có dịp vi vu khám phá Madagascar hoang dã trong những ngày lễ hội đông đúc, náo nhiệt, bạn sẽ hiểu và yêu thêm mảnh đất nằm ở Đông Phi xa xôi.
Wanderlust Tips | Cinet