Kỳ lạ tập tục nuôi dưỡng hình nhân của những cặp song sinh đã chết
(#wanderlusttips #Bénin) Cộng hòa Bénin ở Tây Phi là nơi có tập tục khá kỳ lạ đối với người chết. Người Fon tại đây rất tôn thờ những cặp song sinh, và nếu chúng không may chết yểu thì họ sẽ khắc tượng chúng và chung sống với những bức tượng như thể người sống.
[rpi]
Nhiếp ảnh gia Eric Lafforgue là người đã có chuyến thăm tới đất nước Bénin. Anh đã tiếp xúc với người dân địa phương, trò chuyện với họ và nghe họ kể về tập tục đặc biệt của mình. Cùng theo chân Eric để tới thăm người Fon ở Bénin.
40% các cặp song sinh trên thế giới được sinh ra ở châu Phi. Đặc biệt là người Fon ở Cộng hòa Bénin (Tây Phi) có tỷ lệ xuất hiện sinh đôi cao nhất, cứ 20 ca sinh thì có 1 ca sinh đôi. Tuy nhiên cùng với đó là tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao. Chính điều này đã góp phần làm phát triển thêm những tập tục truyền thống của người Fon theo đạo Voodoo đối với những đứa trẻ sinh đôi đã chết.
Khi cặp song sinh chết, người ta chạm khắc bức tượng gỗ gọi là “hohovi”. Bức tượng này cũng chính là nơi mà linh hồn đứa trẻ đã không còn sẽ trú ngụ trong đó. Điều đặc biệt hơn nữa là người ta cũng đối xử với những bức tượng này hệt như những đứa trẻ đang sống. Bởi đối với người Fon, cặp song sinh là bất tử. Ngay cả sau khi chết đi thì linh hồn chúng sẽ tiếp tục sống, linh hồn ấy mang phước lành hay bất hạnh tùy thuộc vào cách chúng được đối xử.
Cô Hounyoga sống ở Bopa có 2 bức tượng thể hiện cho cặp sinh đôi đã mất của cô. Cô thường xuyên mang theo các bức tượng hohovis bên mình. Chúng được giắt lên trang phục và để lộ khuôn mặt để mọi người đều có thể thấy. Và khi cặp song sinh muốn thứ gì đó thì mọi người sẽ phải cho thứ đó, có thể là tiền hoặc đồ ăn.
Hounyoga giới thiệu tôi với Zinsou (bé trai) và Zinhoue (bé gái), hai anh em sinh đôi đã chết. Cô đã có 9 đứa con, bao gồm cả cặp song sinh đã qua đời lúc 2 tuổi. Cô nói về cặp song sinh ở hiện tại như chúng vẫn đang sống. Lúc này là 1h chiều và Hounyoga phải chuẩn bị bữa ăn cho các hohovis. Thấy thái độ hoài nghi của tôi, cô giải thích: “Chúng phải được cho ăn hàng ngày ”. Và Hounyoga mang đến cho các cặp song sinh một đĩa lớn đậu nấu với dầu cọ đỏ.
“Các cặp song sinh rất thích Fanta và Coca Cola ” người mẹ nói. Trong các nghi lễ của đạo Voodoo, nếu ai đó muốn một cuộc sống yên bình hơn thì họ sẽ cho đường vào các bức tượng. Đường mang ý nghĩa sự bình an và tục lệ này sẽ giúp bạn thêm cơ hội nhận được cuộc sống tốt hơn. Các cặp song sinh có năng lượng siêu nhiên và có khả năng ảnh hưởng tới số phận của bạn.
Cặp song sẽ được tắm rửa hàng tuần với Hounyoga tại hồ nước. Hoạt động này không phải với mục đích đơn thuần là làm sạch sẽ các bức tượng mà ý nghĩa thiêng liêng hơn thế là giúp chúng tẩy rửa mọi điều xấu xa. Hounyoga gột rửa các bức tượng bằng xà phòng và lá rau, sau đó phủ bột talc, lau khô nhẹ nhàng, mặc quần áo và xịt nước hoa cho chúng.
Dah Tofa, chồng Hounyoga luôn đưa các hohovis đi cùng khi ông lái xe đến Cotonou, thủ đô của Bénin. “Tôi để cặp song sinh ở thắt lưng của tôi, vì tôi biết chúng sẽ bảo vệ tôi. Không có gì xấu có thể xảy ra với tôi khi có chúng. Tôi sẽ không gặp phải cướp, tai nạn xe hơi hay bất cứ điều gì không may khác ”.
Hounyoga mơ thấy những đứa con sinh đôi của cô chăm chỉ học tập ở trường và sau đó là đi làm việc ở châu Âu. Còn khi tôi hỏi vì sao cặp song sinh lại chết, Dah Tofa bằng một giọng rất thấp nói thầm vào tai tôi: “Ai đó đã yểm một lời nguyền rất mạnh lên chúng “.
Nếu người mẹ không có thời gian để chăm sóc các bức tượng thì người cha sẽ làm việc đó. Nếu cả hai bố mẹ đều bận thì chúng sẽ được gửi đến nhà trẻ. Đó là một nơi thiêng liêng. Có hàng chục bức tượng, tất cả đều mặc quần áo rực rỡ màu sắc.
Các bức tượng cũng phản ánh tỷ lệ tử vong cao của những đứa trẻ trong làng. Trong ảnh là Mister Attobern – người trông trẻ chỉ cho tôi thấy cháu trai của ông.
Một số bức tượng hohovis được làm sạch khiến cho khuôn mặt hoàn toàn biến mất, đó là do gỗ bị mòn đi sau nhiều lần chà cọ. Có những người đã hỏi mua các bức tượng hohovis vì chúng có giá trị như những tác phẩm nghệ thuật, thậm chí giá có thể lên tới hàng ngàn đô la. Thế nhưng cha mẹ của các cặp song sinh thì không hề muốn, họ nói rằng: “Làm sao mà chúng tôi có thể bán con cái mình được! ”.
Kpsouayo là vợ của một ngư dân ở biển Dedoukodji. Cô đã sinh 2 cặp sinh đôi nhưng 1 cặp trong số đó đã chết. Kpsouayo mang các bức tượng hohovis tới biển mỗi tháng một lần và làm sạch chúng bằng nước biển, cô tin rằng thần nước sẽ giúp gột rửa mọi điều xấu xa.
Vào dịp 25/10 hàng năm, các cặp sinh đôi còn sống hay đã chết (hohovis) đến từ Bénin, Nigeria và Togo (theo đạo Voodoo) sẽ được ban phước và cho rất nhiều kẹo.
Eric là một giáo viên tiếng Anh tại Ouidah. Anh sống trong một ngôi nhà hiện đại với người vợ Tatiana. Mặc dù nghề nghiệp khá hiện đại nhưng vợ chồng Eric vẫn giữ truyền thống tôn thờ các cặp song sinh. Họ có một cặp song sinh trai (Paterne) và gái (Paterna) nhưng không may bé gái Paterna đã qua đời khi còn nhỏ. Và bé gái cũng được khắc tượng hohovis. Trong ảnh là hohovis Paterna đang ngồi trên chiếc ghế nhựa, đằng sau là vợ chồng Eric và con trai Paterne.
Khi vợ chồng Eric sắm sửa quần áo mới cho gia đình, họ cũng không quên làm một bộ cho Paterna. Quần áo của Paterna cũng được may từ cùng loại vải như anh trai Paterne. Và khi cặp song sinh đủ tuổi, cả hai sẽ cùng đến trường.
Eric cũng đã làm một phiên bản giường thu nhỏ giống với của Paterne cho Paterna. Điều này để tránh sự đố kỵ và công bằng cho cả hai.
Mặc dù người mẹ Tatiana rất buồn khi mà con gái cô không còn nhưng theo phong tục, cô không nên thể hiện điều đó ra ngoài. Các gia đình không tới các ngôi mộ để thể hiện sự thương tiếc. Các tượng hohovis mới chính là nơi gửi gắm các linh hồn và chúng vẫn đang sống.
Bà Ablossi chia sẻ về số phận buồn bã của mình: “Khi tôi sinh con, tôi không biết rằng tôi đang mang nhiều hơn một đứa. Các bác sĩ đã đỡ ra một, sau đó đứa thứ hai, và cuối cùng là đứa thứ ba! Thời gian tiếp theo, tôi lại có một cặp sinh đôi. Nhưng tất cả chúng đều không còn. Chỉ tới lần sinh thứ ba tôi mới lại có một cặp sinh đôi khác. Khi tôi nói chuyện với các hohovis của cặp sinh ba và sinh đôi, tôi nói với chúng rằng có quá nhiều miệng ăn và tôi thì hết tiền. Rất nhanh sau đó, thật bất ngờ khi có người gõ cửa và cho tôi một bao ngô ”.
Dường như sốt rét là nguyên nhân dẫn đến cái chết của rất nhiều trẻ em địa phương. Nhiều người Fon sống gần hồ, vùng nước kém vệ sinh và muỗi bu. Chi phí điều trị cho một trường hợp chống sốt rét là 4.000 CFA (khoảng 7 euro) và người dân thì không có khả năng trả khoản tiền đó. Chính vì vậy mà những nhà điêu khắc hohovis dường như chẳng bao giờ thất nghiệp.
LN (Theo BP) | Wanderlust Tips | Cinet