Đến Đà Lạt đừng quên ghé thăm Lăng mộ Nguyễn Hữu Hào
- 05/08/2021
- ĐIỂM ĐẾN VIỆT NAM
- di tích lịch sử, Editor picks, lăng nguyễn hữu hào, Đà Lạt
[rpi]
Ông Nguyễn Hữu Hào là thân sinh của Nam Phương Hoàng hậu – Hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Nhưng Lăng mộ Nguyễn Hữu Hào là công trình lăng mộ bề thế lại rất ít du khách biết tới.
Nguyễn Hữu Hào là ai?
Ông Nguyễn Hữu Hào là thân sinh của Nam Phương Hoàng hậu – Hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình vốn khá giả ở tỉnh Gò Công (nay là Tiền Giang), ông Hào được học ở các trường Tây và đỗ bằng Tú Tài. Đến tuổi trưởng thành, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Bính, cũng là con gái của một đại điền chủ nổi tiếng đất Nam Kỳ. Theo các tài liệu còn lưu lại, chỉ tính riêng quận Long Mỹ, tỉnh Lạch Giá (nay thuộc Cần Thơ), vào năm 1928 gia đình ông Nguyễn Hữu Hào đã có hơn 1.000 mẫu ruộng. Sau khi lập gia đình, được sự hậu thuẫn từ phía nhà vợ, ông Nguyễn Hữu Hào không ngừng mở rộng đất đai, đồn điền trồng lúa, cao su… ở các tỉnh Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và vùng Tây Nguyên, trong đó có Đà Lạt.
Năm 1914, vợ chồng Nguyễn Hữu Hào đã sinh được người con gái là Nguyễn Hữu Thị Lan. Năm 1927, Nguyễn Hữu Thị Lan lúc bấy giờ sang Pháp học, 7 năm sau trở về Việt Nam và được Hoàng đế Bảo Đại cưới, tấn phong làm Nam Phương hoàng hậu. Bà Nam Phương đưa cha lên sinh sống ở Đà Lạt. Kể từ đó, gia đình ông đã gắn bó với nơi này đến những giây phút cuối đời.
Gắn bó là vậy nên sinh thời, ông Hào rất yêu mến vùng đất Đà Lạt. Gia đình ông cũng đã cho người làm khai khẩn hàng trăm hecta đất, lập nên những trang trại cà phê, chè, rộng lớn tại vùng Xuân Trường, Trạm Hành và trung tâm TP Đà Lạt ngày nay. Nhiều dinh thự có vị trí đẹp tại Đà Lạt cũng đã được gia đình ông mua lại từ các quan chức năng Pháp, trong đó nổi tiếng nhất là dinh I, II và III.
Những tháng năm cuối đời, vợ chồng ông hầu như chỉ sinh sống ở Đà Lạt mà ít khi trở về quê nhà Gò Công. Khi bắt đầu lâm bệnh nặng, ông có nguyện vọng sau khi qua đời sẽ được chôn cất tại Đà Lạt.
Lăng Nguyễn Hữu Hào
Mùa thu năm Kỷ Mão (ngày 13/9/1939), Nguyễn Hữu Hào mất, lăng mộ của ông được xây dựng và hoàn thành sau đó 4 năm.
Tọa lạc trên đỉnh một ngọn đồi phía Tây Nam thành phố, đối diện với Thác Cam Ly, lăng mộ được xây dựng trên 4ha đất, xung quanh được bao phủ bởi rừng thông nguyên sinh. Thời bấy giờ, lăng mộ là công trình kiến trúc tráng lệ, uy nghi, bề thế, vị trí được coi là đắc địa, cao điểm long mạch.
Công trình tạo sự ấn tượng ngay từ cổng với 4 trụ biểu cao, trên đỉnh hình bông sen và hai con chó ngao cách điệu. Lối lên lăng được xây dựng thẳng tắp với 158 bậc thang. Đây cũng là lối đi duy nhất để có thể lên thăm được lăng.
Chính lăng được xây theo lối kiến trúc cung đình Huế, nhưng vẫn có cây thánh giá ở trên đỉnh, thể hiện gia đình ông Hào theo đạo Công giáo. Bên trong chính lăng, là mộ của hai ông bà, được tạc bằng đá xanh nguyên khối với nhiều hoa văn thể hiện sự quyền uy, giàu có. Chính giữa hai ngôi mộ là một bàn cúng cũng được tạc bằng đá xanh. Chính loại đá này đã giúp cho ngôi mộ của hai vị thân sinh Nam Phương Hoàng hậu vẫn vững chãi, không bị xuống cấp cho đến ngày nay.
Di tích tráng lệ dần bị lãng quên
Trải qua hơn 80 năm kể từ ngày xây dựng, lăng Nguyễn Hữu Hào vẫn kiên cố, vững chãi, uy nghi ở đó, nhưng dường như chính những người dân bản địa cũng dần quên đi di tích trạng lệ một thời này.
Không người nhang khói, không người trông coi, lại được bao phủ bởi rừng thông bạt ngàn, cỏ dại um tùm trên lối đi, trên mái vòm, chắc hẳn mỗi ai khi đến đây, đều có cảm giác lạnh lẽo, đìu hiu đến dựng tóc gáy. Theo một số nguồn tin, năm 1975, người dân đã lấy đá ở các bia trong khu lăng để làm đường, khiến một phần khu lăng bị xuống cấp.
Bên cạnh dinh I, II, III Vua Bảo Đại, lăng Nguyễn Hữu Hào là một trong những công trình kiến trúc, di tích tiêu biểu của Đà Lạt. Song, do công tác quản lí cũng như bảo tồn của nhà chức trách địa phương, khu di tích lịch sử, văn hóa này dần chìm vào quên lãng.
Hiện nay, với tốc độ phát triển của Internet, công nghệ số, nhiều bạn trẻ yêu thích sự mày mò, khám phá đã tìm đến lăng như một địa điểm mới lạ, kì bí khác xa với thành phố tấp nập, náo nhiệt ngoài kia. Hi vọng trong tương lai gần, khu di tích sẽ được trùng tu, bảo dưỡng và phát triển theo hướng hợp lí, để Đà Lạt không bị mất đi một “viên ngọc quý”, xét về cả lối kiến trúc cũng như ý nghĩa lịch sử văn hóa mà nó mang lại.
Ảnh: Internet
Wanderlust Tips | Cnet