Lễ hội Đền Hùng, nét đẹp văn hóa tâm linh người Việt
- 07/04/2022
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Editor picks, lễ hội đền hùng, Phú Thọ, đền hùng
Lễ hội Đền Hùng là một trong những lễ hội lớn nhất ở Việt Nam. Lễ hội này từ lâu đã trở thành điểm hội tụ văn hóa tâm linh thiêng liêng và cao cả trong mỗi thế hệ người Việt.
[rpi]
Giới thiệu lễ hội Đền Hùng
Lễ hội Đền Hùng hay còn gọi là ngày “Giỗ tổ hùng Vương” là một lễ hội lớn cấp quốc gia để tưởng nhớ các vị vua Hùng đã có công dựng nước. Lễ hội sẽ được tổ chức một cách long trọng với nghi thức đại lễ quốc gia.
Kéo dài từ mùng 8 đến ngày 11 tháng 3 âm lịch hàng năm, lễ hội Đền Hùng thu hút hàng triệu người dân từ khắp mọi miền tổ quốc và kiều bào nước ngoài trở về Phú Thọ, mảnh đất cội nguồn dân tộc với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”.
Trải qua nhiều biến động của thời gian, những giá trị tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng vẫn được vun đắp qua nhiều thế hệ, để rồi trở thành điểm dựa tinh thần và biểu tượng cho sức mạnh đại đoàn kết các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Lễ hội Đền Hùng có gì?
Mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, lễ hội Đền Hùng sẽ được tổ chức tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Cũng như hầu hết các lễ hội khác ở đồng bằng Bắc Bộ, lễ hội Đền Hùng gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội.
Phần lễ tế tại Đền Hùng
Lễ rước kiệu
Các kiệu dâng lễ vật là lễ tam sinh bao gồm 1 lợn, 1 dê và 1 bò cùng với bánh trưng, bánh dày và xôi nhiều màu phải tập trung đông đủ dưới cổng Công Quán từ chiều mùng 9 thì mới kịp cho lễ hội.
Sáng sớm mùng 10, các đoàn đại biểu sếp hàng chỉnh tề sau các cỗ kiểu. Từng đoàn rước kiệu xuất phát từ dưới chân núi, đi qua các đền để đến đền Thượng trong tiếng nhạc của phường bát âm và đội múa sinh tiền.
Thông thường, những cỗ kiệu dâng lễ vật đều sẽ được sơn son thiếp vàng, chạm trổ rất tinh xảo. Sự bày biện, trang trí trên cỗ kiệu phải thật khéo léo và bắt mắt.
Các vị chức sắc thường sẽ mặc áo thụng theo kiểu các bá quan triều đình; Các cụ bô lão cũng mặc áo thụng đỏ, hoặc mặc quần trắng, áo the, đầu đội khăn xếp. Khung cảnh rước kiệu vô cùng sống động và rực rỡ nhưng cũng không mất đi sự trang nghiêm, thành kính.
Lễ dâng hương tại đền Thượng
Tới trước cửa đền Thượng, đoàn đại biểu kính cẩn dâng lễ vào Thượng cung. Sau đó, những vị chức sắc vào tế lễ dưới sự điều khiển của chủ lễ, rồi tới các cụ bô lão của làng, xã sở tại quanh đền Hùng. Cuối cùng là nhân dân và du khách hành hương vào tế lễ trong các đền thờ, tưởng niệm các vua Hùng.
Đồng chí lãnh đạo Tỉnh sẽ thay mặt cho nhân dân cả nước (năm chẵn là đồng chí nguyên thủ quốc gia hoặc lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) kính cẩn đọc diễn văn Lễ Tổ.
Phần hội tại Đền Hùng
Bên cạnh phần lễ tế trang trọng, lễ hội này còn có rất nhiều trò chơi dân gian khác được tổ chức tạo sự phóng phú, đa dạng cho các hoạt động của lễ hội.
Đồng thời các hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa, quảng bá giới thiệu hình ảnh của vùng đất Tổ cội nguồn tới với du khách cũng được chú trọng trong phần hội tại Đền Hùng.
Cuộc thi rước kiệu
Cuộc thi dành được sự quan tâm nhiều nhất trong phần hội tại Đền Hùng phải kể đến thi rước kiệu.
Với sự tham gia của các đám rước linh đình đến từ những thôn, làng sở tại xung quanh Đền, cuộc thi này đã mang tới không khí tưng bừng và náo nhiệt cho lễ hội.
Để có được đám rước kiệu đẹp lộng lẫy thì phải chuẩn bị rất công phu và chu đáo. Các cỗ kiệu phải tập trung trước vài ngày thì mới kịp cho cuộc thi. Cỗ kiệu đoạt giải nhất sẽ được thay mặt các cỗ kiệu còn lại rước lên đền Thượng để triều đình cử hành quốc lễ trong kỳ hội năm tới.
Đoạt giải nhất trong cuộc thi rước kiệu là niềm tự hào và vinh dự lớn lao của dân làng ấy. Bởi họ cho rằng, đã được các vua Hùng cùng các vị thần linh phù hộ cho nhiều may mắn, nhân khang, vật thịnh…
Hát Xoan, hát ca trù
Hát thờ, tục hay gọi là hát Xoan, một lễ thức rất quan trọng và độc đáo. Mở đầu ông trùm phường Xoan Kim Đức cùng chủ tế đứng trước hương án hát chúc bằng bài khấn nguyện.
Sau đó là một kép trẻ đeo trống nhỏ trước ngực ra làm trò giáo trống, giáo pháo. Bốn cô đao ra hát thơ nhang và dâng hương bằng giọng hát lề lối. Cuối cùng là những bài ca ngợi thánh thần để kết thúc phần nghi lễ của Xoan.
Ở đền Hạ, người ta còn tổ chức hát ca trù hay còn gọi là hát nhà tơ, hát ả đào để mừng dâng thành trong dịp hội làng.
Trò chơi dân gian
Trong khu vực hội có rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, các quán bán hàng dịch vụ ăn uống, hay trại văn hóa của các tỉnh, huyện, bên cạnh những trò chơi dân gian thú vị như đấu vật, bắn nỏ, rước kiệu, hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, thi kéo lửa thổi cơm, trò diễn “Bách nghệ khôi hài” và Trò Trám của làng Tứ Xã, rước lúa thần…
Tối đến, các chương trình nghệ thuật như hát chèo, hát tuồng được tổ chức ở các bãi rộng ngay cửa đền Hạ hoặc đền Giếng…Tất cả tạo ra một bức tranh lễ hội đầy màu sắc và sinh động.
Ý nghĩa của lễ hội Đền Hùng
Thờ cúng vua Hùng đã trở thành một truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết toàn dân tộc trong suốt tiến trình dựng nước và giữa nước.
Lễ hội Đền Hùng được xem là ngày hội chung vui của toàn dân tộc, là một dịp quan trọng để mọi người nhớ về công ơn sâu sắc của các vua Hùng đã có công dựng nước cùng với sự kiên cường chống giặc ngoại xâm, giữ nước, khẳng định chủ quyền đất nước qua các thế hệ tiền nhân.
Ngoài ra, đây cũng là dịp diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thể thao truyền thống và tâm linh của người Việt.
Có thể thấy, tín ngưỡng và Lễ hội Đền Hùng trong quá trình hình thành, tồn tại đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên những giá trị đạo đức truyền thống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân của người Việt Nam.
Wanderlust Tips | Cnet