Mẹo chọn và bảo quản quà khi du lịch

(#wanderlusttips) Nếu như gốm sứ cần bọc gói cẩn thận để tránh vỡ thì với hoa quả hay mỹ phẩm, bạn phải chú ý đến nhiệt độ bảo quản cũng như các lực ép trên đường để yên tâm khi sử dụng.

[rpi]

Hầu hết du khách đều sẽ chọn một hoặc vài món đồ thích hợp trên hành trình khám phá để làm quà cho bạn bè và người thân. Tùy từng loại đã mua mà bạn cần lên kế hoạch bảo quản cho phù hợp.

Đồ gốm sứ

Gốm và sứ là hai loại khác nhau nhưng nhiều người dễ bị nhầm lẫn. Ngoài phân biệt bằng cách kiểm tra lớp tráng men, bạn có thể gõ nhẹ vào sản phẩm, đồ sứ sẽ cho tiếng ngân kéo dài hơn đồ gốm. Khi chọn mua đồ gốm sứ, bạn nên chọn các sản phẩm có nước men bóng, không nên chọn nước men bị rạn chân chim hoặc lẫn tạp chất, sần sùi… Chú ý nhìn thật kỹ toàn bộ sản phẩm để tránh mua phải đồ bị sứt, mẻ hoặc móp méo. Sau đó bọc kỹ lại bằng giấy báo, chèn trong vali quần áo, tránh tiếp xúc trực tiếp với các lực mạnh bên ngoài để không bị nứt, vỡ.

wanderlusttips-meo-bao-quan-qua-khi-di-du-lich-1

Hoa quả

Mỗi vùng đất bạn đặt chân đến đều có những loại hoa quả đặc trưng có thể mua về làm quà, tùy từng loại sẽ có cách chọn khác nhau. Tuy nhiên, bạn nên chọn những quả có cuống còn tươi, không bị dập nát bên ngoài, không nên chọn quả xanh hoặc đã chín hẳn để khi biếu tặng, bạn bè và người thân sử dụng là vừa. Khi đóng gói mang về, hạn chế cất trong túi nilon kín (trừ sầu riêng, mít… vì ngăn mùi) và nơi có nhiệt độ cao, ánh sáng chiếu trực tiếp khiến hoa quả nhanh bị hỏng. Bạn có thể dùng giấy báo để bọc lại hoặc mang theo túi hút chân không để bảo quản.

Hải sản

Còn sống và sạch là hai tiêu chí quan trọng quyết định độ tươi ngon của hải sản. Tuy nhiên, so với tôm và cá, việc chọn cua, ghẹ, mực, sò, ốc… dường như khó khăn hơn. Cua nhiều thịt là loại có yếm to, rắn chắc, không nên chọn cua có càng và mai trông hơi xanh. Ghẹ chọn con vừa phải, thật chắc, bấm vào yếm không bị lún. Ốc, sò nên chọn những loại còn đang bò, khi chạm tay mới khép miệng lại, nếu có mùi khó chịu thì có thể chúng đã chết. Với mực, chọn con có đầu còn dính với thân, thịt màu trắng đục (mực nang) hoặc trắng hồng (mực ống). Muốn vận chuyển về nhà sau chuyến du lịch biển, tất cả nên được bỏ vào thùng xốp, rải một lớp đá lạnh lên trên để giữ nguyên độ tươi ngon.

Dung dịch lỏng

Rượu, nước mắm chỉ hai trong nhiều món quà thường được du khách chọn mua. Thường các sản phẩm này được đóng chai sẵn, nên xách về làm quà khá tiện lợi. Tuy nhiên, bạn nên chú ý đến màu sắc, mùi vị và độ đạm khi mua nước mắm cũng như thành phần, nồng độ và xuất xứ của rượu vang. Khi mang theo trên đường về, dù đã đóng chai nhưng bạn vẫn nên bọc ngoài bằng túi nilon để trong trường hợp bị nứt, vỡ, vỏ chai và dung dịch trong đó không dây rớt ra các đồ vật khác.

wanderlusttips-meo-bao-quan-qua-khi-di-du-lich-3

Mỹ phẩm

Ngoài thành phần và xuất xứ, khi mua mỹ phẩm bạn cần quan tâm đến hạn sử dụng, thường là 3 năm kể từ ngày sản xuất. Bạn cũng cần xem đối tượng tặng quà là ai để mua loại mỹ phẩm sao cho phù hợp, không mua ở các quầy hàng vỉa hè vì có thể mua phải hàng giả, kém chất lượng. Khi cất trữ mang về, tránh để chung mỹ phẩm với các loại thực phẩm. Tốt nhất nên gói trong túi riêng, bảo quản nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp.

Quần áo, giày dép

Việc đầu tiên là bạn cần nhớ size, số của người định mua tặng. Tùy từng nơi mà cách tính size, số này sẽ có sự khác nhau. Nếu bạn không thể nhớ được cách quy đổi tương ứng với các size, số này, hãy nhờ đến sự tư vấn của người bán thông qua chiều cao và cân nặng. Ngoài ra, chất liệu và sự tiện dụng của sản phẩm cũng rất đáng để bạn cân nhắc trước khi mua. Vì làm quà tặng nên hãy hạn chế tối đa sự nhàu nát, móp méo bằng cách gấp gọn và để riêng chúng vào một góc vali, tránh bị thấm nước hay ám mùi từ thứ khác.

VnExpress | Wanderlust Tips | Cinet

Leave A Comment