Miền Nam Jordan, di sản UNESCO giữa văn minh và hoang dã
- 18/10/2018
- ĐIỂM ĐẾN CHÂU ÂU, E.MAGAZINE
- du lịch Jordan, Jordan, kì quan bất tử, miền nam Jordan, người Nabatean, Petra, thung lũng ánh trăng, Unesco, Wadi Rum
[Wanderlust Tips tháng 10/2018] Những chặng đường ngao du vùng Trung Đông đã đưa tôi đến đất nước Jordan, nằm lọt giữa Israel, Syria, Iraq và Saudi Arabia, nhỏ bé nhưng quyến rũ đến lạ lùng. Nhắm mắt nhớ về Jordan, trong tâm trí tôi tràn ngập một màu nắng bàng bạc phủ lên dải sa mạc đã chứng kiến ngàn thăng trầm.
Jordan đẹp, cái đẹp khô khốc, dữ dội của nắng gió, và bí ẩn của vạn năm quá khứ. Tôi nhớ thành phố cổ Petra và sa mạc Wadi Rum, hai di sản UNESCO nằm trọn ở miền Nam Jordan. Tại đây, tôi không ít lần đứng lặng, chiêm ngưỡng, tạc ghi từng khoảnh khắc vào tâm hồn và cảm thấu bằng con tim rung động. Hơn ở đâu hết, tôi lạc lối giữa một nền văn minh đã từng đạt tới đỉnh cao và thiên nhiên hoang dã, hai thái cực tưởng như đối lập nhưng lại hóa thành một thực thể hòa hợp không ngờ.
[rpi]
1. PETRA
KHO BÁU CỦA NGƯỜI NABATEAN
Đi dọc “Con đường của các vị Vua” từ Bắc xuống Nam Jordan,tôi dừng chân ở Petra, thủ đô của những người Nabatean xưa kia. Thành phố ngày nay mang tên Petra, “đá”. Còn người xưa từng gọi nơi đây là “đa sắc”, Raqmu, theo những đường vân tinh tế muôn màu từ xanh, trắng, vàng, đen, của rừng đá sa thạch tạo nên thành phố.
Chỉ trong vài thế kỉ ngay trước và sau Công Nguyên, người Nabatean, cùng với những kiến trúc sư tài ba từ Ai Cập, Hi Lạp và La Mã đã tạo nên một Petra độc nhất vô nhị, với những công trình kiến trúc tuyệt vời, mang âm hưởng của những nền văn minh vĩ đại nhất. Dòng Wadi Musa trước kia chảy qua Siq vào trung tâm Petra đã được đổi dòng bởi một con đập lớn. Siq từ đó trở thành lối vào huyền bí của một thành phố dường như chỉ tồn tại trong mơ.
Trong quá khứ hưng thịnh, Petra sở hữu những trục đường lớn thẳng tắp lát đá, những lăng mộ, điện thờ được tạc từ sa thạch, những bậc cầu thang vô tận cheo leo trên các triền núi giữa đất và trời, dẫn mãi lên những đỉnh núi cao nhất, cũng là những nơi thiêng liêng nhất. Bao quanh Petra xưa kia không phải là hoang mạc phủ đầy cát bụi và gió tràn mà là những ườn nho và ô liu màu mỡ, được dẫn nước bằng hệ thống kênh và hồ chứa, kết quả của kĩ thuật thủy lợi phát triển của người Nabatean. Họ thống trị được tài nguyên nước và từ đó sở hữu cả một vùng sa mạc rộng lớn, nằm trên vị trí đắc địa giao thương giữa Ai Cập và Tây Á.
Tuy vậy con người thời đó đã lùi bước trước thiên tai. Thiên nhiên hoang dã đã chiếm lại Petra sau nhiều trận động đất mạnh giữa thế kỉ 4 và thế kỉ 7, phá hủy hầu hết các công trình lớn. Đập nước bị hư hại không còn ngăn được dòng Wadi Musa lấp kín lối vào thành phố. Kĩ thuật của người Nabatean dần mai một, Petra dần rơi vào lãng quên, cách biệt với thế giới bên ngoài. Có chăng chỉ là nơi cư ngụ của một số ít người Bedouin du mục, hậu duệ của người Nabatean năm xưa. Những rặng sa thạch cao vời vợi, trước đây là những bức thành tự nhiên bảo vệ thành phố, nay đóng vai người coi giữ sự cô đơn và biệt lập của Petra. Có lẽ vì vậy, bên trong những bức tường thành ấy, Petra vẫn bất tử và vẹn nguyên như những gì người Nabatean để lại cách đây hơn mười ba thế kỉ.
KÌ QUAN BẤT TỬ CỦA VƯƠNG QUỐC JORDAN
Sáng sớm ngày hôm ấy, lần đầu rảo bước trong khe núi tạo nên Siq, lắng nghe tiếng bước chân mình dội vào những vách đá cao hơn 200m, tôi tự hỏi, có phải mình đang đi ngược thời gian. Nắng mai chưa kịp chạm đến đáy con đường hẹp, khiến chúng không khác nào một hành lang phủ ánh tím hồng mộng mị. Và ở cuối đường hầm, trước khi kịp lấy lại cân bằng trong một không gian bừng sáng, tôi đã đứng trước một kì quan – Al-Khazneh. Al-Khazneh, Treasury hay “Kho báu” trong tiếng Ả Rập, lấy tên từ truyền thuyết về nơi cất giấu kho báu của Pharaon trong kinh cựu ước. Được xây vào khoảng thế kỉ thứ 1 trước Công Nguyên, tạc sâu vào nền núi sa thạch đỏ hồng, Al-Khazneh thật sự là một kho báu kiến trúc, mang phong cách Hi Lạp cổ tuyệt mĩ, vừa trang nhã, vừa thoát tục. Tôi lặng thinh ngắm nhìn những đường nét thanh thoát rực rỡ trong nắng nghiêng, trái tim như lỡ đi một nhịp
Petra rộng lớn hơn tôi tưởng tượng, trải trên hàng chục km vuông. Và Al-Khazneh chỉ là điểm mở đầu cho một hành trình khám phá Petra trên những cung đường trek nằm hai bên trục đường chính, vắt từ các sườn núi cao qua thung lũng sâu. Tôi tiếp tục đi theo tiếng gọi của nền văn hóa Nabatean ngàn năm, ghé ngang những nhà hát, lăng mộ và đền thờ khoét trong lòng núi: lăng mộ Hoàng gia, điện thờ chính, đền thờ Sư tử có cánh, Tu viện, Mộ binh sĩ La Mã… Người Nabatean, cũng như những tộc người cổ đại khác, rất coi trọng thế giới của người đã khuất. Họ xây dựng nhiều lăng mộ trên các vách đá cao, hòng lưu giữ Nefesh – một trong hai linh hồn con người theo đức tin của người Nabatean.
Tháng 5, Jordan đã chớm hè. Chỉ sau một vài giờ trên đường trek, Petra bắt đầu vào giấc trưa. Cái nắng cháy bỏng của sa mạc hừng hực hắt lên từ nền cát đỏ. Những con suối rí rách trong các thung lũng hẹp, nguồn sống của những khóm trúc đào nở hoa hồng nhạt đang dần cạn khô. Tôi kiên nhẫn bước trên những con đường trek đưa mãi lên cao. Không lúc nào hết ngạc nhiên qua từng khúc quanh. Petra không ngừng cuốn hút tôi, như thể tôi muốn ở đó mãi mãi, để ngắm nhìn từng đường vân đá ngũ sắc trên mặt núi hồng bên trong các lăng mộ, sửng sốt trước những ngôi đền Hi Lạp duyên dáng, ẩn dật trong một thung lũng bí mật. Có những lúc, tôi đứng trong gió lộng trên một đỉnh núi, dõi mắt theo đám bụi tung lên từ một đàn lạc đà chạy ngang bóng chiều, rất xa bên dưới. Một lúc khác, tôi lại hoàn toàn bị mê hoặc bởi ánh hoàng hôn rọi qua chiếc cổng chào gần như đã đổ sập, chiếu một màu cam ấm áp lên mặt tiền các lăng mộ phía xa.
Petra cứ thế, không hề phô trương hay rườm rà, vẫn lộng lẫy và tỏa ánh hào quanh theo một cách riêng. Petra lúc ấy rất trầm, làm tôi yêu rất chậm. Những ngày ở đó, tôi luôn nằm trong số những khách du lịch đầu tiên vào Petra buổi sáng và cuối cùng rời đi buổi tối. Khi không còn ai cả, tôi như cảm thấy Petra như của riêng mình, linh hồn của thành phố như ở đâu đây rất gần.
2. WADI RUM
THUNG LŨNG ÁNH TRĂNG
Lưu luyến nói lời tạm biệt Petra, tôi tiến về Wadi Rum, “Thung lũng Cát” trong tiếng Ả Rập, mà người ta còn hay gọi là “Thung lũng Ánh Trăng”. Wadi Rum, vùng sa mạc rộng lớn phía Nam, giáp với biên giới Saudi Arabia là điểm đến cuối cùng của tôi ở Jordan. Mỗi khi nghĩ lại, không phải Petra mà chính Wadi Rum mới khiến tôi nhớ Jordan đến khắc khoải. Vì thế, mỗi dòng tôi viết cho Wadi Rum đều là một lời chép vội, như thể tôi sợ những kí ức tuyệt đẹp về dải đất này sẽ như những dòng cát mịn chảy qua kẽ tay và bay theo những cơn gió lốc.
Wadi Rum không giống với những sa mạc khác mà tôi đã từng đến. Đây không phải là một hoang mạc trắng bạc màu, lác đác những khóm xương rồng phủ bụi. Không phải là những cồn cát vàng dưới bầu trời xanh nhàm chán. Tôi yêu nơi này vì vẻ đẹp mạnh mẽ và khoáng đạt, hoang dã nhưng mềm mại. Những dải sa thạch bao quanh thung lũng, muôn hình dạng và sắc thái, đổi màu theo độ mặt trời nghiêng chính là bí mật mang đến sự quyến rũ của nơi đây. Những vách núi thẳng đứng, đa sắc, như thể mọc lên từ hư không, kì vĩ và bí ẩn. Xen vào đó là những dải cát dài, đỏ, vàng, trắng, rồi lại vàng, đan lấy nhau như không có điểm dừng. Đây đó, những túp lều du mục chắp vá của người Bedouin và vài chú lạc đà túm tụm núp bóng những cây keo hiếm hoi, nhắc tôi về sự sống con người trong không gian im ắng ấy.
Phong cảnh hùng vĩ và siêu thực của Wadi Rum thường xuyên được các nhà làm phim Hollywood mượn làm bối cảnh quay các bộ phim viễn thưởng. “Promotheus” của Ridney Scott, “Hành tinh Đỏ”, “Star Wars Rogue One”, hay gần đây là “Người về từ sao Hỏa” với diễn xuất của Matt Damon… Nhưng có lẽ người nước ngoài nổi tiếng nhất từng ghi dấu nơi đây là nhà khảo cổ, sĩ quan quân đội Anh T.E. Lawrence, nhân vật chính trong bộ phim kinh điển đạt 7 giải Oscar “Lawrence xứ Ả Rập” tái hiện cuộc đời ông và cuộc khởi nghĩa Ả Rập 1916-1918. Đại tá Lawrence đã miêu tả một sa mạc “rộng lớn, vang vọng, thần thánh”, và 100 năm sau, Wadi Rum vẫn vẹn nguyên như vậy, khiến tôi không thể chối từ.
TIẾNG VỌNG TỪ SA MẠC
Nếu đứng từ trên cao nhìn xuống, Wadi Rum giống như bức hình in trên tấm bưu thiệp cũ, bạn đã xem hàng trăm lần, rồi để lạc mất lúc nào không hay. Rồi một chiều hè, tìm thấy tấm thiệp ấy kẹp trong cuốn sách năm nào, quăn góc, bạc màu, và lần này, có hình bạn đứng xa xa trong đó. Khi đi đủ nhiều, ta biết tại mỗi điểm đến ta đều tìm thấy một điều gì đó. Đến Wadi Rum, tôi như tìm thấy chính bản thân mình.
Wadi Rum là một xâu chuỗi xen kẽ của tĩnh lặng và dữ dội. Tôi may mắn được chiêm ngưỡng những sắc thái ấy. Trong những ngày tôi ở đó, nắng không chan hòa như người ta thường thấy. Wadi Rum trong tôi là bão. Một buổi chiều, mây tầng tầng lớp lớp, kéo nhau họa hình trước mặt. Sấm rền và chớp giật, lốc kéo đến cuốn bay tấm khăn mỏng, tưởng chừng cơn dông sắp ập xuống. Nhưng rồi trong chớp mắt, tất cả lại biến vào thinh không. Một hôm khác, mưa kéo đến thật. Những giọt mưa hiếm hoi thi nhau in lên cửa kính xe, quệt bụi cát thành dòng. Rồi mưa đá đổ xuống túp lều nơi tôi trú tạm. Cục đá to bằng quả trứng gà, lộp bộp đập xuống nền cát đỏ. Và thoắt một cái, mây đen lại kéo đi nhanh như khi nó đến, bỏ lại tôi ngẩn ngơ.
Bình minh và hoàng hôn là hai thời khắc huy hoàng nhất của sa mạc. Giữa những trận mưa, mặt trời sắp lặn hạ xuống dưới tầng mây cuối cùng. Không gian bỗng bừng sáng một lần cuối, như có một phép màu. Hồng ấm, đỏ rực, rồi tím lịm, lặng lẽ trong không gian nhưng mạnh mẽ trong cảm xúc.
Với thời tiết như thế, tôi chẳng thể đi theo kế hoạch nào. Cậu bé Farar dẫn đường, đưa tôi đến trú mưa ở túp lều nhà họ hàng của cậu. Giữa hai cơn lốc, cậu bảo tôi leo lên một đỉnh núi tranh thủ ngắm cảnh, rồi thoắt cái vội vàng kêu tôi xuống khi dông tố bất thình lình ập đến. Cư dân Wadi Rum chỉ có vài bộ tộc Bedouin, mọi người biết nhau cả và hình như ai cũng là anh em họ. Farar thuộc bộ tộc Zalabia. Cậu tự hào dẫn tôi đến nguồn nước nơi cách đây rất nhiều năm ông của cậu đã lần đầu dựng trại và từ đó ở lại lập nghiệp. Tôi thích nghe cậu kể những câu chuyện về cuộc sống của người du mục bên một tách trà kèm thảo mộc. Trà của người Bedouin khác hẳn trà bạc hà của người Maroc hay Thổ Nhĩ Kì. Họ đun trà đen cùng với những loại lá thơm có sẵn trên sa mạc, hầu hết là lá sôn và cỏ xạ hương, pha thêm một chút đường, ngọt vừa phải và thơm dịu dàng. Giữa chốn vắng, những vụn cỏ khô nổ tanh tách dưới chiếc ấm trà, bung những tàn lửa đỏ vào trong đêm tối.
Trong màn đêm, tôi nghe rõ tiếng vọng của sa mạc như thể nó phản chiếu tâm hồn tôi vậy. Xung quanh hoàn toàn yên tĩnh, cát nằm lặng thinh. Mọi thứ tĩnh lặng đến mức, nếu đây không phải sa mạc, có lẽ tôi đã nghe thấy tiếng cây nảy mầm. Rồi tôi nhảy lên chiếc xe cũ kĩ không đèn pha, kêu rù rù, lao vào đêm thẳm sâu hun hút.
W.TIPS
THỊ THỰC
Jordan chưa có Đại sứ quán ở Việt Nam. Vì thế để làm visa đi Jordan, đầu tiên, bạn sẽ cần gửi hồ sơ, giấy tờ qua bưu điện sang Đại sứ quán Jordan tại Trung Quốc. Khi hồ sơ đã được duyệt, bạn sẽ cần mang passport tới Đại sứ quán để dán visa. TIỀN TỆ Dinar Jordan (JOD). 1JOD ~33.000VND (theo tỷ giá hiện tại).
MUA TOUR Ở WADI RUM
Wadi Rum hoàn toàn hoang dã và không có đường. Vì thế bạn nên mua tour của người bản địa để tránh bị lạc. Các tour thường bắt đầu vào 9, 10 giờ sáng tại làng Wadi Rum, có độ dài từ 1 đến 3 đêm. Bạn nên chọn các hãng tour có khu lều trại nằm trong thung lũng để tiện di chuyển và ngắm bình minh, hoàng hôn. Tour 2 đêm có giá khoảng 120JOD/người. Nếu muốn thêm một chuyến cưỡi lạc đà khoảng 1 giờ thì trả thêm 20JOD/người.
CHỖ Ở
Vào mùa cao điểm, nhất là ở Petra (Wadi Musa), bạn nên đặt phòng sớm trước vài tháng đến vài tuần, để được chỗ tốt và giá rẻ. Giá khách sạn ở Jordan có sự dao động lớn, tùy từng nơi. Ví dụ ở Madaba, một phòng đôi có điều hòa, tắm nóng lạnh với giá chỉ 27JOD/đêm, nhưng đến Petra (cũng có phần vì đặt sát ngày) mà giá cho 1 phòng tử tế đã lên tới 60JOD.
TÔN GIÁO
Quốc đạo của Vương quốc Jordan là Hồi giáo. Đến đây, các bạn nữ nên mặc kín đáo, hạn chế áo hở nách, váy ngắn ra đường để thể hiện sự tôn trọng dân bản địa. Nếu nóng quá, có thể mang một chiếc khăn mỏng, dài, bản to để choàng thay vì mặc áo có tay.
NGÔN NGỮ
Người Jordan nói tiếng Ả Rập. Tuy vậy ở các điểm du lịch, người bán hàng, phục vụ quán ăn, taxi, tiếp tân khách sạn, đều nói được tiếng Anh.
ẨM THỰC
Đồ ăn Jordan rất hợp khẩu vị Việt Nam. Cơm, bánh mì, rau, súp đều ngon tuyệt. Các món ăn nhất định phải thử khi đến Jordan:
- Mansaf: món cơm truyền thống Bedouin của Jordan, trộn với lạc rang, rưới sốt sữa chua, ăn kèm thịt cừu hoặc thịt gà.
- Maqluba: cơm gà nấu trong lư rồi “lộn ngược” khi đổ ra đĩa.
- Warak Enab: cơm thịt cuốn lá nho.
- Tabbouleh: Sa lát cà chua trộn rau thơm, nước chanh và dầu ô liu.
- Và tất nhiên không thể quên hummus, món đậu gà nghiền mịn trộn dầu ô liu ăn kèm bánh mì.
- Trà Jordan cũng là một thức uống không thể bỏ qua. Người Bedouin đun trà đen với lá sôn và cỏ xạ hương, pha chút đường, ngọt vừa phải mà thơm dịu dàng.
Bùi Huyền Chi | Wanderlust Tips