Ngày xuân chơi tranh dân gian

Cứ mỗi độ Xuân về, ngoài cành đào, bánh chưng, mỗi gia đình không thể thiếu câu đối đỏ cùng những bức tranh dân gian chơi Tết. Chơi tranh không chỉ là một thú vui mà còn để tạo không khí vui tươi, rực rỡ cho gia đình vào những ngày đầu xuân mới.

[rpi]

Bit mat bat de
Dòng tranh dân gian được thể hiện qua nhiều tác phẩm, mỗi dòng mang sắc thái riêng, cách làm riêng và cả “thị phần” riêng. 

Nổi tiếng nhất vẫn là tranh Đông Hồ ở làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tranh Đông Hồ là tranh Tết. Cái làng Hồ ven sông Đuống một thuở nhộn nhịp, nhà nhà làm tranh, buôn tranh. Tranh làng Hồ từ bến sông tỏa đi muôn phương. Lúc cực thịnh, trong làng có 120 hộ gia đình thì có đến 100 gia đình làm tranh để bán Tết. Có những dòng họ ở đây làm tranh đã đến 20 đời. Trong làng có cả chợ phiên, mỗi tháng họp 5 phiên chuyên bán tranh. Tranh xếp từng bó chất lên thuyền để chở đi trong Nam ngoài Bắc. Tranh Đông Hồ mang không khí Tết, bởi thế, bất kể sang hèn, bất kể giàu nghèo, đến Tết vẫn phải có tranh Đông Hồ treo trên vách nhà.

Ngày nay, thú chơi tranh Đông Hồ đã mai một và ít người chơi.

Tranh Đông Hồ được in trên giấy dó hay giấy vỏ dâu dai và xốp, màu được hấp thụ tốt nhất. Trước khi in, giấy được quét lên một lớp điệp trắng thành một thứ giấy điệp óng ánh mà ấm áp. Giấy điệp làm từ vỏ điệp đem nung, hầm rồi nghiền nhỏ. Sau đó hòa tan vào hồ loãng và quét lên giấy bằng chổi làm bằng lá thông. Có thể nói giấy điệp là sáng tạo của người Việt mà chẳng thấy ở đâu khác.

Các dòng tranh đều là in bằng bản khắc gỗ. Tuy vậy, mỗi dòng cũng có cách in khác nhau. Dòng tranh Đông Hồ thì khắc gỗ nhiều mảnh, mỗi mảnh một màu. Bản khắc bôi màu rồi ấn từ trên xuống giấy.

Danh ghen
Bức Đánh ghen.

Mảng tranh Đông Hồ phản ánh đời sống hết sức sinh động như cảnh đánh ghen, cảnh hứng dừa bằng váy. Ngoài ra còn có cảnh đời thường như thổi sáo trên lưng trâu, đánh vật, múa rồng, cấy lúa, đám cưới chuột, xử án trê cóc, thả diều, chọi trâu. Người nghệ sĩ làm tranh cũng là người nông dân nên đã phản ánh khá sinh động cuộc sống của chính mình trên tranh. Tranh Đông Hồ còn có mảng đề tài phản ánh ước vọng của người dân như bức “vinh hoa” tả một đứa trẻ mập mạp đang ôm một con gà trống, bức “phú quý” có đứa trẻ như bức họa trên nhưng đang ôm một con vịt bàu. Bức “Quốc gia thịnh trị” miêu tả một con công xòe cánh múa xung quanh hoa nở phản ánh sự thanh bình của đất nước.

Cũng với hình ảnh tương tự nhưng ở một góc nhìn khác thì bức tranh lại được đề chữ “thiên hạ thái bình”, tranh “Đại Cát” miêu tả một con gà trống đẹp mã. Tranh Đông Hồ thường được chua chữ Hán làm rõ hơn ước vọng ngàn đời mà bình dị: hạnh phúc đơn sơ, no đủ, lợn gà đầy sân.

TranhDongHo (2)

Dòng tranh dân gian Hàng Trống mang một dáng vẻ riêng, phục vụ chủ yếu là thị dân Hà Thành. Tết đến, người các phố Hàng Trống, Hàng Hòm, hàng Quạt làm tranh và bày bán dọc hai bên vỉa hè. Ngoài ra còn có dòng tranh Kim Hoàng (huyện Hoài Đức, Hà Nội), tranh Vũ Di (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), tranh làng Sình (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế)…

Dòng tranh Hàng Trống để bản in ngửa, phết giấy lên và tạo nét màu đường viền. Sau đó, họ mới dùng bút vẽ để tô các màu vào khoảng trống. Tranh thường phản ánh ước vọng và thú chơi thưởng ngoạn của dân Thăng Long như 4 bức tranh: “Tố nữ” miêu tả vẻ đẹp điển hình của các cô gái Hà Thành, tranh “Lý Ngư Vọng Nguyệt”, tranh “Tứ Quý” tả vẻ đẹp 4 mùa.

Bên cạnh những dòng tranh dân gian treo tường ngày Tết còn có các loại tranh được sản xuất chuyên cho việc thờ cúng. Đó là tranh thờ như tranh thờ ở đền Độc Lôi (Nghệ An), tranh Thập Điện ở chùa Thầy, tranh Tứ Phủ (bốn phủ trong đạo Mẫu), tranh Tam Thân (trong đạo Phật), tranh thờ Nguyễn Trãi ở đền thờ của ông ở Nhị Khê (Thường Tín), tranh Ngọc Hoàng Thượng Đế, Bắc Đẩu Tinh Quan (trong Đạo giáo), tranh Ngũ Hổ của người Dao. Những tranh thờ này đều mang phong cách nghệ thuật dân gian, ảnh hưởng qua lại giữa các dòng tranh.

Tranh Hàng Trống
Tranh Hàng Trống

Tranh dân gian ở ta khá độc đáo về mặt mỹ thuật. Đó là việc sử dụng màu sắc. Cái đẹp về mặt tạo hình ở chỗ tạo ra các đường viền đơn giản, tròn trịa, bố cục đăng đối, không tạo khối nổi mà có các viền đen bó lại. Dường như cách chọn các màu nguyên, không pha trộn như các cặp mầu đối lập: đỏ-vàng, lục – cam, trắng – đen cùng các đường viền đã làm nên nét độc đáo của tranh Việt mà không thấy ở các tranh nước ngoài khác. Màu sắc thiên về sặc sỡ, mạnh mẽ như một điểm nhấn trên nền các kiến trúc đình làng vốn thiên về các mảng màu âm tính như màu gỗ cột đình, màu đá xám chân đá tảng, bia đá. Trong các ngôi nhà gỗ lợp lá bình dị của nông thôn Việt Nam, bức tranh Tết nhiều màu cũng như một tín hiệu mạnh để chào đón xuân về. Người nghệ sĩ cũng sử dụng một thủ pháp hội họa có từ thời văn hóa Đông Sơn, đó là bỏ qua luật viễn – cận. Các tỷ lệ trong tranh được ước lệ, không như trong nghệ thuật nhiếp ảnh.

Điểm độc đáo nữa trong tranh dân gian là nguyên liệu, hầu hết là những chất tạo màu có sẵn: hạt dành dành, hoa hòe, lá chàm, vỏ cây vang, bột quả gấc, tro lá tre, rỉ đồng, đất đồi, phù sa, đá cuội non…Giấy để in màu cũng đặc biệt. Chính nguyên liệu giấy cũng là một cách phân biệt giữa các dòng tranh dân gian. Giấy điệp làm nên dòng tranh Đông Hồ, giấy trắng làm nên dòng tranh Hàng Trống, giấy đỏ làm nên dòng tranh Kim Hoàng.

Tranh làng Sình.
Tranh làng Sình.

Đáng chú ý hơn là tranh dân gian Việt Nam đã phản ánh tâm hồn, mong ước và xã hội người Việt. Vì thế, đề tài mà tranh phản ánh đều gần gũi với cuộc sống bình dị xung quanh, dễ đi vào lòng người, phần lớn là dân quê chân chất, thuần nông. Các mảng tranh dân gian đều phản ánh các đề tài gần gũi với đời sống, sinh hoạt và tín ngưỡng của người Việt.

Tranh dân gian đã đi được chặng đường hơn 400 năm lịch sử của người Việt. Có lúc thăng, lúc trầm. Nhưng đấy thực sự là một mảng “hồn cốt” của người Việt. Người Việt đã có cuộc sống hiện đại, nhiều người Việt làm ăn xa quê, nhưng họ vẫn nhớ về cội nguồn, nhất là trong dịp Tết, những mái đình, lũy tre và những bức tranh dân gian sặc sỡ mà biểu cảm chẳng đâu trên thế gian này có được.

Ảnh: Lê Bích

Trịnh Sinh | Wanderlust Tips | Cinet

Leave A Comment