Nghiêng vành nón lá nơi làng nghề truyền thống

Từ bao đời nay, chiếc nón lá đã trở nên gần gũi, thân thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Hình ảnh chiếc nón lá mộc mạc, duyên dáng không chỉ là vật dụng che nắng, che mưa mà còn chứa đựng nét văn hóa độc đáo và đi vào nhiều bài thơ, bài ca Việt Nam. Chiếc nón lá góp phần tạo nên vẻ đẹp duyên dáng và trở thành biểu tượng cho sự dịu dàng, bình dị, thân thiện của người phụ nữ Việt Nam từ ngàn đời nay.

Chính vì sự phổ biến của nón lá trong đời sống người Việt cũng như ý nghĩa văn hóa của nó, mỗi du khách nước ngoài khi đến Việt Nam không thể không mua những chiếc nón lá đặc trưng mang về làm quà.

[rpi]

Từ xa xưa do chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nắng lắm mưa nhiều, người dân Việt đã biết lấy lá kết vào nhau để làm vật dụng đội lên đầu che nắng che mưa. Dần dần chiếc nón lá đã hiện diện như một vật dụng cần thiết trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Nón lá được làm từ những nguyên liệu đơn giản và sẵn có như lá cọ, lá nón, tre,… Nhưng qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, chiếc nón lá đã trở thành một một biểu tượng của nhiều làng nghề truyền thống trong hàng thế kỷ qua.

Nghiêng vành nón lá nơi làng nghề truyền thống - Wanderlust Tips
Nón lá không chỉ là vật dụng mà mang trong nó còn là cả hồn Việt.

Những chiếc nón lá từ đâu mà ra, làm như thế nào, cùng Wanderlust Tips tìm về những làng nghề truyền thống có vành nón lá nghiêng nghiêng và tìm hiểu nhé!

Nón lá làng Chuông

Thế hệ người Hà Nội cũ không ai là không biết đến làng Chuông, một trong những làng nghề làm nón cổ truyền đã tồn tại từ rất lâu đời. Làng nằm ở xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Xưa kia, nón lá làng Chuông từng được tiến dâng Hoàng hậu và Công chúa. Đến nay, làng vẫn giữ được truyền thống, chiếc nón trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Thanh Oai.

Nghiêng vành nón lá nơi làng nghề truyền thống - Wanderlust Tips

“Muốn ăn cơm trắng cá trê
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông.”

câu ca từ đời xưa truyền miệng

Giữa lòng Hà Nội, làng Chuông Thanh Oai hiện lên với một nét cổ kính nhuộm màu thời gian. Từ những con ngõ nhỏ đến những ngôi nhà với mái ngói xưa đều tạo nên một vẻ đẹp bình yên nơi làng quê thân thuộc. Là làng nghề truyền thống Việt Nam nên khi dạo quanh Làng Chuông hầu hết bạn sẽ thấy người người nhà nhà đều làm nghề nón lá từ thế hệ này qua thế hệ khác. Qua đôi bàn tay của nhiều nghệ nhân từ già đến trẻ đã tạo ra những chiếc nón xinh xắn lưu giữ nét đẹp truyền thống của người Việt Nam.

Để tạo ra một chiếc nón lá đẹp đòi hỏi bàn tay công phu, khéo léo của người làm. Làm nón phải tỉ mỉ từ khâu đầu tiên là chọn lá, phơi lá. Nguyên liệu làm nón thường là lá cọ, lá buông – một loại lá họ hàng với lá cọ (thường mọc ở vùng đồi núi trung du). Lá làm nón không được quá non cũng như không quá già. Sau đó lá sẽ được phơi nắng, đạt đủ chuẩn sẽ xếp lên phần khung nón.

Trong quá trình đặt các lớp lá này cần cố định nón bằng cách buộc chéo những sợi dây dù. Sau đó là khâu và đan sợi. Một chiếc nón sẽ phải mất từ 6-8 tiếng để hoàn thành.

Làng Chuông được coi là nguồn cội của chiếc nón là Việt với lịch sử từ những thế kỉ trước. Ở ngôi làng truyền thống này còn có chợ nón làng Chuông, có các phiên chính vào ngày mồng 4, 10, 14, 20, 24, 30 và phiên phụ và mồng 1, 3, 6, 8, 11, 13. Chợ tổ chức vào ngày mồng mười tháng Giêng là hội chợ lớn nhất của tỉnh Hà Đông cũ.

Từ 4h sáng khi trời còn chưa sáng rõ, người dân đã họp phiên chợ bên bờ sông Đáy, buôn bán trao đổi sôi nổi. Tham gia chợ nón làng Chuông cũng là một trải nghiệm nên thử khi đến thăm ngôi làng truyền thống này.

Nón làm càng cầu kỳ thì càng được giá. Một chiếc nón cho dân lao động được bán với giá khoảng 30.000 VND – 40.000 VND. Chiếc nón được bán với giá cao nhất tại làng Chuông đạt mức 150.000 VND với nhiều họa tiết cầu kỳ.

Hiện tại, làng Chuông vẫn chưa phát triển hình thức du lịch cộng đồng để du khách được tiếp cận nhiều hơn với nghề làm nón truyền thống. Hi vọng trong tương lai, sẽ có những kế hoạch phát triển thật rõ ràng để lưu giữ và duy trì nghề truyền thống đáng tự hào này.

Nón lá làng Dền

Làng Dền thuộc xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, cách khu Di tích lịch sử Đền Hùng khoảng hơn 20km, nép mình bên sông Lô hiền hòa. Làng nghề sản xuất nón lá này đã hơn 100 năm tuổi, hiện có tới trên 80% số hộ dân và nhân khẩu làm nghề đan nón. Từ trẻ nhỏ 13 -15 tuổi đến các cụ già trên 80 tuổi đều có thể cầm kim khâu, mỗi nhà trở thành một công xưởng nhỏ với các công đoạn nhịp nhàng từ tẽ lá, làm vanh tới cắt mo, quay lá, khâu, nức nón, quang dầu.

d 12
Làng Dền làm nón truyền thống ở Phú Thọ.

Nón làng Dền sau bao năm vẫn giữ được nét truyền thống, nét riêng độc đáo. Làng Dền được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống cuối năm 2006.

Việc sản xuất nón lá có nhiều lợi thế, tuy thu nhập không cao nhưng đây là nghề ổn định, góp phần tạo việc làm cho người lao động. Trong mọi điều kiện, mọi thời gian, công cụ phục vụ sản xuất nón có chi phí không lớn, ít gây ô nhiễm môi trường lại tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ như tre, nứa, diễn, mo các loại.

Không chỉ là một sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu cuộc sống của địa phương, ngày nay nón lá làng Dền còn trở thành sản phẩm du lịch phục vụ các đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm các công đoạn làm nón.

c 11
Nón lá làng Dền còn trở thành sản phẩm du lịch phục vụ các đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm các công đoạn làm nón.

Nón lá làng Đan Du

Làng Đan Du nay thuộc xã Kỳ Thư, Kỳ Anh, Hà Tĩnh nằm cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 60km về phía Nam, từ lâu được biết đến với những câu hò ví dặm. Đặc biệt, nơi đây còn nổi tiếng với nghề làm nón lá có tuổi đời gần 1 thế kỷ.

Cũng như bao làng nghề truyền thống khác, những người làm nón ở Đan Du đều được học nghề từ khi còn nhỏ. Họ được học từ ông, từ cha, từ bà, từ mẹ, dần dần, nghề làm nón ở làng Đan Du không chỉ là một nghề, kiếm thêm thu nhập mà còn là tuổi thơ, vừa là lịch sử truyền thống gia đình.

d2
Nón lá làng Đan Du

Ở cái tuổi xấp xỉ 70, nhưng hàng ngày vợ chồng ông Võ Xuân Nam, bà Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1955) vẫn miệt mài người vót tre, kẻ luồn kim may vá, đều đặn hằng ngày có từ 2 đến 3 chiếc nón xuất xưởng.“Không biết, sau này nghề làm nón sẽ đi về đâu, mấy chục năm nữa còn có ai đội nón đi làm, đi chơi nhưng miễn tôi còn sống, còn sức khỏe thì tôi vẫn sẽ tiếp tục làm nón, giữ bằng được cái nghề này”, ông Nam khẳng định.

Giờ đây, nghề làm nón đã không còn được phát triển như những năm trước, nón lá không còn được nhiều người sử dụng nhưng nghề làm nón mãi là niềm tự hào của những người làm nón nơi đây và đại diện cho văn hóa của mảnh đất Đan Du mộc mạc, giản dị.

Nón là làng Đốc Sơ

Hình ảnh chiếc nón bài thơ gắn liền với những tà áo dài xứ Huế đã đi vào bao câu ca, nhạc họa nổi tiếng Việt Nam. Ở Huế, có nhiều làng nghề làm nón truyền thống nhưng nổi bật phải kể đến làng Đốc Sơ với tuổi đời hàng trăm năm.

Khác với những làng nón khác, nón ở Đốc Sơ hay ở Huế đều được tô điểm bởi những họa tiết đậm nét văn hóa mảnh đất Cố đô, nét trữ tình, nên thơ. Đặc biệt hơn, bên cạnh những loại nón được làm bằng lá cọ truyền thống, ở đây người ta còn tận dụng lá sen để làm nên những chiếc nón bài thơ đẹp mắt.

s 9
Nón được làm bằng lá sen ở Huế.

Từ những chiếc lá nón tươi được người thợ xử lý qua nhiều công đoạn như hấp, sấy, phơi sương đến ủi cho mặt lá thật phẳng sẽ trở thành nguyên liệu chính tạo ra chiếc nón. Sau khi đã chọn được những chiếc lá ưng ý, các công đoạn từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đan nón cũng cần sự tỉ mỉ, cần mẫn để làm ra những chiếc nón đều và đẹp.

h 7
Nón Huế với nét trữ tình, thơ mộng rất riêng.

Du lịch phát triển mạnh ở Huế, nón lá trở thành mặt hàng lưu niệm mang nét văn hóa đặc sắc của Huế được du khách ưa chuộng. Rất nhiều du khách đã về tận các làng nón để được tận mắt chứng kiến và tham gia vào các công đoạn của nghề làm nón. Không ít người đã thực sự bất ngờ và thích thú khi được người thợ nón lưu ảnh, tên của mình trên chiếc nón bài thơ mang về làm kỷ niệm. 

vc
Nón lá trở thành biểu tượng văn hóa, mang đậm hồn Việt.

Hiện nay, tuy nghề làm nón lá đang dần mai một nhưng vẫn còn những người thợ tài hoa âm thầm gắn bó với nghề, thổi hồn văn hóa Việt vào qua từng vành nón nghiêng nghiêng, giữ lửa cho nghề truyền thống.

Ảnh: Internet

Wanderlust Tips | Cnet.