Những lễ hội đặc sắc của Thái Lan không thể bỏ lỡ
- 02/07/2022
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Editor picks, Thailand
Không chỉ cảnh đẹp, nét văn hóa đặc trưng, Thái Lan còn nổi tiếng với nhiều lễ hội mang đậm màu sắc dân tộc.
[rpi]
Thái Lan được xem là quốc gia du lịch hàng đầu Đông Nam Á. Hằng năm, Thái Lan đều thu hút được hàng triệu lượt khách đến. Ngoài phong cảnh hữu tình, các công trình kiến trúc Phật giáo nổi tiếng, ẩm thực đặc trưng…Thái Lan còn là nơi hội tụ những lễ hội truyền thống đầy màu sắc. Hãy cùng Wanderlust Tips lên lịch trình giúp bạn khám phá trọn vẹn vùng đất này nhé!
Lễ hội Songkran – “không ướt không về”
Đây là dịp người dân Thái Lan sẽ được nghỉ để vui chơi cùng gia đình, người thân. Lễ hội Songkran diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15 tháng tư dương lịch.
Songkran là một từ tiếng Phạn có nghĩa là “sự chuyển giao”, hàm ý nói về việc mặt trời chuyển dịch từ sao Song Ngư sang Bạch Dương. Lễ hội Songkran cổ truyền mừng năm mới của người Thái.
Tương tự như lễ hội Chol Chnam Thmay của người Campuchia hay lễ hội té nước Thingyan của người Myanmar, lễ hội Songkran Thái Lan mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc. Hoạt động lễ hội sôi động ở các trung tâm du lịch của Thái Lan như Bangkok, Hua Hin, Chiang Mai, Phuket… Thông thường, ở các thành phố du lịch, lễ hội còn kéo dài đến 1 tuần hoặc 10 ngày.
Người Thái tin rằng càng ướt sẽ càng may mắn vì thế họ ra sức tạt nước vào đối phương. Đây là cách họ gội rửa và thanh tẩy đi những bệnh tật, xui rủi, tội lỗi trong năm cũ để chào đón một tươi lai tươi sáng. Không khí của lễ hội xứ chùa Vàng trở nên vô cùng sôi nổi. Các hoạt động diễn ra náo nhiệt từ thời điểm chuẩn bị.
Ngày đầu tiên tên là Wan Sungkharn Long (13/4), người Thái sẽ dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sắm sửa đồ đạc mới. Họ cũng nấu đồ ăn để chuẩn bị cho ngày cúng vào hôm sau.
Ngày thứ hai có tên là Wan Nao (14/4), người dân Thái lan sẽ dậy sớm để mang đồ đi cúng chùa. Ngày này tương tự như 30 tết của người Việt. Theo tập tục, họ sẽ đến bên bờ sông để làm những ngôi chùa bằng cát, mỗi hạt cát tương ứng với một tội lỗi khi trôi đi sẽ giúp gội rửa. Kế đến, họ sẽ tiến hành nghi lễ Rod Nam, người nhỏ tuổi sẽ vẩy nước vào bậc lớn tuổi để thể hiện sự thành kính và cầu mong sự tha thứ cho những lỗi lầm.
Ngày thứ ba tên là Wan Payawan (15/4), người dân sẽ ăn mặc thật đẹp và đi lễ chùa vào sáng sớm. Đây cũng là lúc lễ hội té nước Songkran bắt đầu. Ngoài nước, người tham gia còn dùng bột màu để ném nhau.
Thái Lan là một quốc gia có 95% dân số theo đạo Phật, nên ngày Songkran được tổ chức với sự đón nhận của toàn dân và lễ hội này bắt đầu từ năm 1941 do Hoàng gia Thái Lan quy định.
Lễ hội ma xó Phi Ta Khon
Nếu bạn muốn trải nghiệm lễ hội này, hãy đến Thái Lan vào dịp cuối tháng 6. Lễ hội diễn ra ở tỉnh Loei, vùng Đông Bắc Thái Lan và chỉ duy nhất tỉnh này tổ chức.
Trong lễ hội này, người dân không được lộ diện mà phải ngụy trang bằng mặt nạ quỷ, trang phục sặc sỡ đầy ma mị. Lễ hội thu hút nhiều du khách đến tham dự. Họ mang những chiếc mặt nạ quỷ làm từ thân cây dừa, bao phủ một lớp gạo nếp hấp hoặc lớp liễu gai.
Đối với người dân Thái Lan, lễ hội là thời điểm tỏ lòng biết ơn với những linh hồn đã che chở, bảo vệ ngôi làng và cầu xin sự thuận lợi cho mùa vụ sắp tới.
Lễ hội mang ý nghĩa tâm linh đặc sắc, là nét đẹp truyền thống của dân tộc và thu hút khách du lịch trên toàn thế giới.
Lễ hội Phật giáo Khao Phansa
Đất nước chùa Vàng với 90% dân số theo đạo Phật. Lễ hội Khao Phansa là lễ Phật giáo lớn bắt đầu từ tháng 7 hằng năm, kéo dài suốt 3 tháng tịnh tu của các tăng sĩ.
Vào ngày lễ, các tăng nhân sẽ ở tại chùa, còn người thường thì sẽ bái lễ, cúng dường, cầu nguyện cho gia đình và bản thân.
Ngày đầu tiên của lễ hội, người Thái sẽ ăn mặc thật đẹp, ăn bữa cơm đoàn viên và đến chùa sớm. Sau nghi lễ, họ sẽ mang nước thơm để lau chùi tượng Phật nhằm tỏ lòng thành kính và cầu xin sự may mắn.
Ngày thứ hai gọi là Wan Nao, đây được xem là đêm giao thừa của Tết cổ Truyền. Theo phong tục truyền thống, người Thái sẽ nói những điều tốt đẹp và làm điều thiện, nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ và đồ đạc phải mới.
Một hoạt động rất phổ biến trong ngày lễ như các Phật tử sẽ đang đến chùa các vật cúng để góp phần công đức và đám rước đèn vào ban đêm thu hút đông đảo người tham gia. Ngoài ra, những đám đông sẽ tụ tập để lắng nghe câu chuyện về đức Phật để gội rửa và thấu hiểu được điều hay lẽ phải.
Lễ hội Loy Krathong
Lễ hội này thường được tổ chức vào ngày 5 đến ngày 11 tháng 11 theo dương lịch, đây là thời điểm trước và sau trăng tròn. Đây được xem là một người lễ lớn và quy mô toàn nước. Trong ngày này, cả đất nước như bao phủ bởi màu sắc rực rỡ, đặc biệt là các thành phố lớn như Bangkok, Phuket, Sukhothai…
Trong những ngày này, tại con sông Chao Phraya, các bờ hồ ở công viên luôn đông đúc người qua lại vì người Thái sẽ thả Krathong xuống nước, mong ước điều may mắn sẽ đến.
Nói đến cái nôi sinh ra lễ hội này, không thể k nói đến Sukhothai. Vào giai đoạn lễ hội, nhiều hoạt động ý nghĩa như thả đèn hoa đăng, biểu diễn âm nhạc và võ thuật, diễn kịch… được người dân hồ hởi tham dự.
Sukhothai có ý nghĩa “Bình minh của hạnh phúc” và khu đền cổ Công viên lịch sử Sukhothai đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Trong tiếng Thái, “loy” nghĩa là “thả”, “Krathong” có nghĩa “hoa đăng”. Nguồn gốc của lễ hội từ Ấn Độ cổ đại, người dân Thái dùng để cảm tạ ba vị thần nổi tiếng Brahma, Vishnu và Shiva. Sau khi, vua Rama IV công nhận đây là nghi lễ chính thức và là nghi thức để tôn vinh Đức Phật thì lễ hội được lan rộng khắp nơi. Người dân sẽ làm đèn lồng, thả trôi theo dòng nước để xoá bỏ những điều bất hạnh.
Đây cũng là dịp người Thái bày tỏ sự biết ơn đến thần nước Phra Mae Khongkha vì đã đem đến nguồn nước dồi dào cho dân tộc. Họ tin rằng, ngài sẽ luôn che chở và ban điều may mắn cho cuộc sống họ. Ngoài ra, lễ hội còn là dịp các đôi lứa đang yêu nhau đến tham dự để nguyện cầu được bền lâu.
Lễ hội thả hoa đăng Yi Cheng
Lễ hội được bắt đầu vào ngày 15/12 âm lịch của người Thái và kéo dài trong 3 ngày. Để tham gia lễ hội Yi Cheng, bạn sẽ đến khu vực miền Bắc Thái Lan, cụ thể là Chiang-Mai.
Vào dịp lễ hội, hàng nghìn ngọn đèn lồng được thắp sáng bên dòng sông Ping, tạo nên một khung cảnh thiêng liêng, ngoạn mục.
Chiang-Mai được biết là cái nôi của nền văn hóa Lana. Việc thả đèn trời Lana là tượng trưng cho sự mong ước điều may mắn đến trong năm mới, xua tan đi những bất hạnh năm cũ. Khi đến dịp lễ hội, những ngôi đền được trang trí vô cùng đẹp mắt bởi những chiếc đèn lồng đầy màu sắc.
Đèn lồng mang ý nghĩa giải thoát sự bất hạnh và nhận công đức. Theo Phật giáo, nếu chiếc đèn lồng bay lên cao và biến mất thì người thả sẽ gặp được điều may mắn, điều họ cầu nguyện đã được Đức Phật chấp thuận. Còn nếu đèn lồng cháy giữa chừng, đó là lời cảnh báo cho điều không hay sẽ đến.
Thái Lan, vùng đất của nền văn hóa đặc sắc, vô vàn lễ hội đang chờ bạn đến khám phá. Bạn còn chần chờ chi mà không xách ba lô lên và trải nghiệm ngay những lễ hội hấp dẫn này nhé.
Wanderlust Tips | Cnet