Những phong tục trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam (Phần 1)
- 27/12/2022
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Cổ truyền, Editor picks, Tết
Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam. Đây là dịp để cả gia đình sum họp, hỏi thăm nhau sau một năm dài xa nhà và dành cho nhau những câu chúc khởi đầu năm mới đầy may mắn. Trong ngày Tết cổ truyền có nhiều phong tục tập quán đã được lưu truyền từ xa xưa và dần trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Việt.
[rpi]
Cúng ông Công, ông Táo
Ngày ông Công, ông Táo được diễn ra vào 23 tháng Chạp hàng năm. Theo quan niệm của người Việt, vào ngày này, ông Công, ông Táo sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong gia đình nhà chủ với Ngọc Hoàng. Vì thế, mọi người thường dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ và làm mâm cơm cúng ông Công ông Táo để tiễn về chầu trời. Bộ mã dành cho ông Công ông Táo không thể thiếu trong ngày đặc biệt này, bao gồm mũ, giày, áo bằng giấy và một chậu nước có 3 con cá chép vàng.
Sau khi cúng, cá vàng sẽ được phóng sinh ra sông, ao, hồ khu vực lân cận. Bữa cơm cúng ông Công, ông Táo đại diện cho ấm no, hạnh phúc của gia đình, đó cũng thể hiện mong muốn năm mới may mắn, hòa thuận và hạnh phúc hơn.
Đi thăm mộ tổ tiên
Sau ngày 23, là thời gian con cháu trong gia đình trở về nhà, đi thăm và quét dọn mồ mả tổ tiên. Họ thường đến dọn dẹp, trang hoàng lại phần mộ của tổ tiên, sau đó là mang theo hương, hoa quả đến cúng và mời vong linh tổ tiên về nhà ăn Tết với con cháu.
Phong tục quan trọng này thể hiện lòng hiếu đạo, sự thành kính đối với đấng sinh thành và những người đã mất. Đây cũng chính là truyền thống uống nước nhớ nguồn, đạo lý từ lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Dọn nhà
Những ngày giáp tết, người Việt Nam sẽ dọn dẹp và trang trí nhà cửa để sẵn sàng cho năm mới nhiều tài lộc. Họ vứt bỏ những thứ đồ cũ, không còn sử dụng, sắm sửa đồ mới với mong muốn trong năm mới, tất cả những điều không tốt của năm cũ đều được xóa bỏ, để đón chào năm mới may mắn sắp tới.
Gói bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng, bánh tét là một phần không thể thiếu dịp Tết của người Việt. Cứ vào các ngày cận tết, nhà nhà lại quây quần bên nhau, gói lên những chiếc bánh chưng bánh tét trong tiếng cười rộn ràng.
Mỗi miền dọc đất nước Việt Nam đều có cách gói bánh và tên gọi đặc trưng riêng. Ở miền Nam bánh tét có hình trụ, trong khi miền Bắc hay gói loại bánh chưng hình vuông. Tuy vậy, các nguyên liệu gói bánh và hương vị hoàn toàn giống nhau. Bánh chưng, bánh tét là một trong những nét đẹp văn hóa lâu đời được gìn giữ qua nhiều thế hệ người Việt. Những chiếc bánh bánh tét càng tròn, bánh chưng càng vuông thì năm mới càng đầy đủ, sung túc, thành công.
Chơi hoa dịp Tết
Hoa không chỉ để trang trí ngày tết cho ngôi nhà thêm rực rỡ, tràn đầy sức sống, nó còn tượng trưng cho sự may mắn ngày Tết, hoa nở càng đẹp, càng thơm thì năm mới càng ấm no, hạnh phúc.
Hoa đào là loài hoa phổ biến vào dịp tết, được người dân miền Bắc cắm trên bàn thờ gia tiên hoặc trang trí nhà. Bên cạnh đó cây quất sai chĩu quả, tượng trưng cho phúc lộc trong dịp năm mới cũng được người dân lựa chọn để bày trí trong nhà.
Ở miền Trung và miền Nam, người dân lại ưa chuộng cành mai vàng, bởi theo quan niệm của họ, mai vàng tượng trưng cho sự cao sang của vua chúa thời phong kiến, là biểu tượng cho sự phát triển thăng tiến.
Chợ Tết
Chợ Tết thường đông vui, nhộn nhịp và có không khí háo hức hơn so với các phiên chợ ngày thường. Bên cạnh mua sắm đồ dùng thiết yếu cho dịp tết, mọi người cũng thường đi chợ Tết để gặp mặt nhau trò chuyện, chụp hình và tận hưởng cái không khí ngày giáp Tết.
Bày mâm ngũ quả
Trên bàn thờ tổ tiên ngày tết, người dân Việt Nam thường bày mâm ngũ quả. Các loại quả trong mâm ngũ quả khác nhau tùy vào đặc trưng của từng vùng miền. Tuy nhiên, bàn thờ tổ tiên lúc nào cũng phải đầy đủ ngũ quả để cầu mong một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, hy vọng một năm mới sẽ đầy đủ, sung túc hơn.