Samurai và những ý nghĩa quan trọng của nó trong văn hóa Nhật Bản

(#wanderlusttips #NhatBan) Trong văn hóa Nhật Bản, tinh thần võ sĩ đạo – Samurai nổi bật như một biểu tượng của sức mạnh và ý chí tuyệt vời khiến bất cứ ai đều nể phục.

Samurai (bushi) là những chiến binh người Nhật được hình thành từ tầng lớp quý tộc quân sự là tầng lớp xã hội cao cấp nhất trong thời kì Edo (1603 – 1867). Samurai sử dụng rất nhiều các loại vũ khí như cung tên, giáo mác thậm chí cả súng, nhưng vũ khí chính và đặc trưng nhất là thanh trường kiếm trên tay.

wanderlust-tips-samurai-va-nhung-y-nghia-quan-trong-cua-no-trong-van-hoa-nhat-ban-2

Sự ra đời của Samurai

Văn hóa Nhật Bản có hàng ngàn năm lịch sử hình thành và phát triển. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì nguồn gốc của dân tộc Nhật Bản bắt nguồn từ nhiều vùng đất khác nhau như Hàn Quốc hay Trung Quốc di cư đến rồi sau đó ngụ cư ở đây từ lâu đời. Vào khoảng năm 4500 trước công nguyên, quần đảo Nhật Bản được rất nhiều ngư dân, nông dân , thợ săn cư trú. Nền văn hóa sơ khai được gọi là Jomon vì thời kỳ này người ta thường dùng hoa văn dây thừng để tô điểm. Người Ainu chính là những cư dân đầu tiên của quần đảo Nhật Bản. Hiện nay người Ainu vẫn còn ở hầu hết các quần đảo Cực Bắc của Nhật Bản, bây giờ là Hockaido.

Trong lịch sử của đất nước Nhật Bản thì chiến tranh luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng, những bộ tộc mạnh mẽ và hiếu chiến kiểm soát hầu hết các quần đảo. Đất nước Nhật Bản cũng chỉ có khoảng 20% diện tích đất đai có thể sử dụng trong nông nghiệp, vì vậy hầu hết các cuộc chiến tranh chủ yếu mang mục đích tranh giành quyền quyển kiểm soát đất đai.  Chính những cuộc chiến này đã tạo ra tầng lớp Samurai mà chúng ta vẫn quen gọi là võ sĩ đạo.

wanderlust-tips-samurai-va-nhung-y-nghia-quan-trong-cua-no-trong-van-hoa-nhat-ban-1

Tinh thần thượng võ

Vào khoảng những năm 660 TCN, theo truyền thuyết kể lại rằng, một người có tên là Jimmu Tenno chính thức chở thành lãnh đạo của tất cả các bộ tộc hiếu chiến khác. Jimmu Tenno còn được gọi với cái tên “chiến binh siêu phàm”, ông đã đưa dân tộc mình từ Kiushu đến chinh phục vùng Kinki, lập nên triều đại Yamoto.

Những chiến binh Yayoi xa xưa đã biết chế tạo áo giáp, vũ khí trong các thế kỷ sau đó. Họ là những nhân tố của các Saimurai tại Nhật Bản. Vũ khí của thời kì sơ khai này là bao gồm cung tên và kiếm. Một sự thay đổi lớn đã diễn ra khi ngựa được du nhập vào Nhật Bản. Đến thế kỉ thứ 15 thì súng được đưa vào các trận đánh. Vào thời kì này nước Nhật đã đề cao một khái niệm du nhập từ Trung Quốc, đó là “tinh thần thượng võ” của chiến binh mà người Nhật gọi đó là Bushido.

Một trong những triết lí của Bushido là người võ sĩ không hề biết sợ hãi điều gì, kể cả cái chết. Chính sự can trường này mang đến cho võ sĩ đạo một sự yên tĩnh trong tâm hồn và sức mạnh để phục vụ chủ nhân một cách trung thành, thậm chí họ sẵn sàng hy sinh tính mạng nếu cần. Tinh thần thượng võ này đã dẫn dắt hành vi của tầng lớp Samurai.

Một Samurai bắt buộc phải sống theo quy tắc nhất định, đó chính là “con đường võ sĩ đạo”, các Bushido luôn đề cao về khái niệm như sự trung thành với chủ nhân, kỉ luật của bản thân và các hành vi đạo đức. Bên cạnh đó, một số Samurai cũng rút ra các giáo lý và cách thực hành của Phật giáo Thiền tông.

Hầu như tất cả các Samurai thường sử dụng hai loại kiếm, đó là Trường Kiếm (Daito-Katana) dài hơn 60cm và Đoản Kiếm (Shoto-Wakizashi) dài từ 30cm đến 60cm. Những thanh kiếm cổ của Samurai hình dáng thường là thẳng giống với đa số các loại kiếm tại Trung Quốc và Hàn Quốc, Sau đó các Samurai đã thiết kế lại loại kiếm riêng cho mình thành những thanh kiếm có lưỡi cong vô cùng sắc bén như chúng ta vẫn thấy hiện nay.

wanderlust-tips-samurai-va-nhung-y-nghia-quan-trong-cua-no-trong-van-hoa-nhat-ban-4

Thời kỳ hoàng kim của Samurai

Tầng lớp Samurai đã nổi bật từ những cuộc chiến tranh giành đất đai giữa 3 bộ tộc chính: Minamoto, Fujiwara và Taira. Một số Samurai có liên hệ khá mật thiết với giai cấp thống trị – các Daimiyo. Theo tinh thần của các Samurai thì họ sẽ tuyệt đối trung thành với chủ và đổi lại họ được nhận đất đai và chức vụ. Các Daimyo tuyển dụng các Samurai để bảo vệ đất đai của họ và bành chướng thế lực.

Hai gia tộc mạnh nhất trong số những gia tộc địa chủ, Minamoto và Taira, cuối cùng cũng đã thách thức chính quyền trung ương và gây hấn lẫn nhau để giành quyền lực tối thượng trên cả nước. Minamoto Yoritomo đã giành chiến thắng và thành lập chính quyền quân đội mới năm 1192, dẫn đầu bởi các shogun hay chỉ huy quân đội tối cao.

Trong thời kì hỗn loạn này, Nhật Bản bị chia rẽ thành nhiều quốc gia nhỏ thường xuyên gây hấn với nhau, vì vậy nhu cầu có các chiến binh rất cao, đó cũng là thời kì xuất hiện các ninja là các chiến binh chuyên về chiến tranh trái với tập tục.

Đất nước cuối cùng cũng thống nhất vào cuối những năm 1500, và một hệ thống tầng lớp xã hội cứng nhắc được thành lập vào thời Edo, khi đó các Samurai được đặt lên hàng đầu, kế tiếp là nông dân, thợ thủ công và thương nhân. Trong thời gian này, Samurai buộc phải sống ở các thị trấn lâu đài, là những người duy nhất được phép sở hữu và mang kiếm, đồng thời cũng được Daimyo hay lãnh chúa cung cấp tiền bạc . Samurai vô chủ được gọi là ronin và gây ra nhiều rắc rối nhỏ trong những năm 1600.

wanderlust-tips-samurai-va-nhung-y-nghia-quan-trong-cua-no-trong-van-hoa-nhat-ban-3

Năm 1876 Hoàng đế Meiji (Minh Trị) ban hành lệnh phế đạo, các Samurai mất hẳn quyền mang kiếm và nghề nghiệp của mình. Cũng từ đó vị trí đặc biệt của họ trong xã hội cũng biến mất sau gần 1000 năm tồn tại.

Mặc dù vị trí của Samurai đã không còn nữa kể từ khi bị phế đạo nhưng tinh thần thượng võ, lòng dũng cảm và trung thành tuyệt đối của các Samurai thì mãi mãi là những điều tốt đẹp còn mãi đối với người dân Nhật Bản. Nếu có dịp đến Nhật Bản, du khách hãy dành một chút thời gian tìm hiểu về lịch sử Nhật Bản cũng như về các Samurai thời xưa, chắc hẳn bạn sẽ có những bài học quý giá về lòng kiên cường và dũng cảm.

Ảnh: Internet

LN (TH) | Wanderlust Tips | Cinet