Tháng Giêng là tháng ăn chơi

Cùng với mùa xuân đến là các lễ hội tưng bừng trên khắp cả nước. Cùng điểm danh những lễ hội hấp dẫn bạn không nên bỏ lỡ sẽ diễn ra trong tháng Giêng này.

[rpi]

Hội rước pháo làng Đồng Kỵ

26.Wanderlust-Tips

Thời gian: 4 – 6/1 Âm lịch

Địa điểm: Làng Đồng Kỵ, thị trấn Từ Sơn, Bắc Ninh

Trong ngày hội, khách sẽ được nhìn thấy hai quả pháo lớn có đường kính hơn 0,5m trang trí sặc sỡ các hình tứ linh long, lân, quy, phụng. Hai quả pháo này được đặt trên kiệu có lọng vàng che đầu và rước từ nhà trưởng đám ra đình cùng với đoàn tế hàng trăm người. Đám rước đi đến đâu, tiếng kèn, trống, reo hò của dân làng và khách thập phương rộn rã đến đó. Ngoài rước pháo, lễ hội còn có đấu cờ người, vật cổ truyền, chọi gà và biểu diễn các canh hát quan họ, các tích tuồng cổ…

Lễ hội núi Bà Đen

Thời gian: 4/1 Âm lịch

Địa điểm: Núi Bà Đen, Tây Ninh

Đây là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất phương Nam. Bên cạnh các hoạt động tín ngưỡng, khách còn có thể tham gia theo dõi các chương trình chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể dục thể thao, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa… Du khách có thể lên chùa Bà trên núi bằng cách đi bộ hoặc hệ thống máng trượt, cáp treo. Ngoài hành hương lễ Phật đầu năm, núi Bà Đen với độ cao 968 m còn là thử thách thú vị với nhiều bạn trẻ mê chinh phục.

Hội Gò Đống Đa

Thời gian: 5/1 Âm lịch

Địa điểm: Gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội

Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung, người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất.

Hội Gióng

15.Wanderlust-Tips

Thời gian: 6 – 8/1 Âm lịch

Địa điểm: Xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội

Hội Gióng tưởng nhớ công đức của Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng). Lễ hội diễn ra với các nghi lễ truyền thống như lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Sang ngày mùng 7 chính hội (ngày thánh hoá theo truyền thuyết), hoạt cảnh chém tướng giặc diễn tả lại cảnh Thánh Gióng chém 3 tướng giặc Ân cuối cùng ở chân núi Vệ Linh trước khi bay về trời được tổ chức. Đến chiều ngày mùng 8, lễ hóa mô hình voi và ngựa giấy với kích thước lớn được tiến hành để kết thúc lễ hội bởi voi chiến và ngựa sắt là hai linh vật gắn liền với quá trình Thánh Gióng chống giặc Ân, bảo vệ non sông bờ cõi. Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo…

Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn

Thời gian: 5 – 7/1 Âm lịch

Địa điểm: Xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam

Đầu xuân năm 987, Vua Lê Đại Hành đã thực hiện lễ cấy tịch điền để động viên, khuyến khích nhân dân sản xuất. Lễ tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp. Phần lễ có: rước chân nhang vua Lê Đại Hành, lễ rước nước, lễ sái tịnh và lễ Tịch điền,và lễ tạ Thần Nông…  Phần hội có: hội vật mùa xuân thượng võ, hội chọi gà, đánh đu, kéo co, cờ người, đặc biệt hội thi trang trí trâu cũng là một hoạt động khá sôi nổi trong lễ hội này.

Lễ hội xuống đồng

12.Wanderlust-Tips

Thời gian: 8/1 Âm lịch

Địa điểm: xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Đây là một trong những lễ hội thu hút nhiều du khách trong và nước ngoài đến tham dự nhất. Phần lễ được bắt đầu từ tục rước đất, rước nước rồi đến lễ cúng giao linh với thần linh. Phần hội được bắt đầu bằng các điệu múa và các tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc của người Tày, người Dao Nhưng nổi bật nhất, vui nhất, nhiều người tham gia nhất là những màn xoè, khi tiếng kèn trống vang lên các cô gái Tày mở đầu màn xoè với những động tác xoè duyên dáng, điệu nghệ mời mọi người tham gia, vòng xoè cứ rộng mãi đi đều trong tiếng kèn, tiếng trống dập dìu. Khi các màn xoè kết thúc mọi người lại đổ tới khu chơi trò chơi. Các trò chơi ở đây đa số là trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, kéo co, đánh quay, đánh bóng, bịt mắt bắt dê, leo cột mỡ…

 Wanderlusttips | Cinet

Leave A Comment