Tỉ mẩn nghệ thuật khảm trai Chuyên Mỹ
- 22/06/2016
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Chuyên Mỹ, du lịch, Editor picks, khảm trai, kinh nghiệm du lịch, làng nghề, Phú Xuyên
(#wanderlusttips#ChuyenMy) Khảm trai là một nghề cổ đã xuất hiện từ hàng trăm năm trước và tồn tại mãi theo thời gian cho đến ngày hôm nay. Khi nhắc đến làng nghề khảm trai, người trong nghề ai cũng nhớ tới Chuyên Mỹ, nơi làng quê vẫn giữ được cái hồn cốt riêng bởi những lớp nghệ nhân tài hoa tâm huyết với nghề truyền thống.
[rpi]
Xã Chuyên Mỹ thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Nội nằm ven bờ sông Nhuệ với hàng loạt các làng nghề khảm trai liền kề nhau san sát như Chuôn Thượng, Chuôn Trung, Chuôn Hạ, Chuôn Ngọ…
Theo thần phả của làng Chuôn Ngọ, nghề khảm trai nơi đây phát triển vào khoảng thế kỷ XI. Ông tổ nghề hiện được thờ tại làng là Trương Công Thành – một vị tướng văn võ song toàn từng tham gia vào quân đội của Lý Thường Kiệt. Tương truyền, Trương Công Thành là một vị phó tướng tài ba của vua Lý, sau khi đánh đuổi quân xâm lược, ông được vua ban thưởng rất hậu và đến cuối đời ông sống một cuộc sống phong lưu tao nhã, thường ngao du sơn thủy. Trong một lần tình cờ ra bờ suối, thấy những mảnh vỏ trai, vỏ ốc mang nhiều màu sắc óng ánh rất lạ, ông bèn đem về nhà nghiên cứu, thử lắp ghép những vật liệu đó và tạo ra các họa tiết hoa văn rất sinh động. Dần dần, ông khai nghiệp cho người dân trong vùng, tạo nên nghề khảm trai cho người dân ở Chuôn Ngọ. Từ đó, làng nghề được phát triển rộng khắp ra toàn xã Chuyên Mỹ.
Tới đời nhà Trần, nghề khảm vỏ trai,vỏ ốc đã phát triển đến độ điêu luyện nên được triều đình trưng thu làm cống phẩm gửi tặng nhà Nguyên năm 1289. Nhiều cụ già ở thôn Ngọ đã được triệu vào Kinh thành Huế để làm hàng khảm dâng Vua như cụ Nguyễn Văn Phú, cụ Lý Mục…
Khi người châu Âu sang đến Việt Nam thì trình độ hàng khảm địa phương được nhắc đến là một trong những nghệ thuật cao, rất tinh vi, khéo léo. Điển hình là năm 1868 khi người Pháp chiếm xong Nam Kỳ, thống đốc De La Grandière đã xin triều đình Huế gửi hai người thợ khảm giỏi vào Sài Gòn để truyền nghề. Tới năm 1877, hàng khảm ốc Việt Nam được triều đình gửi sang Pháp dự Hội chợ Đấu xảo.
Từ những vỏ trai, vỏ ốc tưởng như vô dụng, nhưng với sự sáng tạo và khéo léo, người thợ khảm Chuyên Mỹ có thể tạo ra bất kỳ họa tiết nào dù tinh vi, phức tạp đến đâu. Nghề khảm trai không đơn thuần chỉ có đục đẽo, mài, lắp ráp theo khuôn mẫu nhất định, đó còn là cả một quy trình bao gồm nhiều công đoạn mới tạo nên một sản phẩm khảm trai hoàn chỉnh. Với những nghệ nhân trong làng, nghề khảm trai là cả một “chặng đường” nghệ thuật nếu như muốn có được một sản phẩm khảm trai theo đúng nghĩa.
Một trong những công đoạn quan trọng nhất của nghề khảm trai là “cẩn xà cừ”, nghĩa là theo nét vẽ, đục gỗ và gắn những nguyên liệu họa tiết lên đó. Những tranh gỗ sau khi đã “cẩn” được tỉa gọn, đánh bóng, mài khảm rồi vẽ nét. Công đoạn cưa, đục các mảnh trai cũng cần được làm cầu kỳ. Người thợ phải mài thủ công, chọn lựa các miệng trai đầy đủ cho mặt tranh.
Nguyên liệu khảm trai không chỉ có vỏ trai, vỏ ốc trong nước mà còn nhập ngoại từ Hồng Kông, Singapore, Indonesia… Vỏ trai dùng để khảm cũng có nhiều loại. Trai cánh mảnh, nhỏ có màu sẫm trong khi trai thịt trắng có vỏ dày, nhiều vân. Trai ngọc bên trong có lớp xà cừ dày óng ánh tựa sắc cầu vồng. Cùng với vỏ traQi, vỏ ốc đỏ có màu sắc sang trọng được coi là nguyên liệu quý hiếm dùng để khảm cảnh núi non, cánh phượng, cánh rồng hay họa tiết trên những bức tranh áo gấm vua chúa…
Trước đây, người thợ Chuyên Mỹ chủ yếu làm hoành phi, câu đối trong nhà thờ, đình đền, trang trí họa tiết trên sập gụ, tủ chè. Theo thời gian và xu thế hội nhập thế giới, những người nghệ nhân khảm trai nơi đây đã từng bước nâng cao tay nghề để sáng tạo ra những mẫu tranh tinh xảo, kỹ thuật hơn, những sản phẩm có mẫu mã đa dạng và phong phú.
Trải qua hàng trăm năm theo sự phát triển thăng trầm của lịch sử dân tộc, có những lúc nghề khảm trai tưởng như bị mai một nhưng những người thợ khảm trai đích thực của làng nghề vẫn một lòng trung thành để gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề cổ do ông cha truyền lại. Với cái tâm kiên trì như thế, các thế hệ người Chuyên Mỹ vẫn luôn nối tiếp nhau tỉ mỉ, cần mẫn, không ngừng sáng tạo, học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật mới để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Một lớp nghệ nhân mới của Chuyên Mỹ đã có thể tự hào vì vừa kế tục được nghề truyền thống vừa mang được kỹ thuật hiện đại, tư duy sáng tạo mới vào trong những tác phẩm khảm trai. Họ đang khảm một nét đặc sắc của văn hóa và con người Việt Nam với những tác phẩm độc đáo từ những đôi bàn tay chai sạn và tâm hồn yêu nghề thiết tha…
Lê Bích | Wanderlust Tips | Cinet