Tranh kiếng: Nghề lưu giữ nét xưa tại An Giang

Tranh kiếng có thể xem là một nét đặc trưng trong văn hóa dân gian Nam Bộ. Được hình thành gần 80 năm, nghề làm tranh kiếng tại cù lao Chợ Mới (tỉnh An Giang) chủ yếu tập trung ở ấp Long Tân, xã Long Điền B. Ngày nay, tuy số cơ sở sản xuất còn rất ít, nhưng thị trường vẫn đón nhận những mẫu tranh truyền thống, được phân phối khắp Đồng Bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Đông Nam Bộ.

[rpi]

Tranh kiếng là loại tranh được vẽ từ mặt sau của tấm kiếng, sau đó được lật lại mặt trước để treo. Do đó, để hoàn thành bức tranh, người thợ vẽ phải thực hiện ngược mọi chi tiết. Nét nào vẽ sau cùng thì đối với tranh kiếng là phải vẽ trước tiên. Đây chính là nét độc đáo của nghề làm tranh kiếng.

Vẽ tranh kiếng - Nghề lưu giữ nét xưa tại An Giang
Vẽ tranh kiếng, nét xưa trong văn hóa Nam Bộ. (Nguồn ảnh: baoangiang)

Ở vùng nông thôn, hầu như gia đình nào cũng treo tranh kiếng, phổ biến nhất là tranh thờ tín ngưỡng đặt trang trọng trên bàn thờ tổ tiên, kế đến là tranh trang trí phòng khách và tranh treo cửa buồng. Những câu chuyện dân gian Thoại Khanh – Châu Tuấn,  Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga, Nàng út ống tre… được nhiều khách hàng ưa chuộng, bởi ý nghĩa giáo dục sâu sắc, tôn vinh đức tính quý trọng tình bằng hữu, sống hiếu thảo, bênh vực chính nghĩa của người Việt.

Hiện nay, thể loại tranh kiếng trang trí ngày càng phong phú, không chỉ duy trì những khuôn mẫu truyền thống, nay còn bổ sung thêm tranh vẽ phong cảnh đất nước, thắng cảnh. Đặc biệt, tranh thờ là loại tranh to nhất, trang trí đa dạng, màu sắc hài hòa. Là loại tranh không thể thiếu trong mỗi gia đình, nhắc nhở con cháu về cội nguồn.

Vẽ tranh kiếng - Nghề lưu giữ nét xưa tại An Giang
Ngày nay, những mẫu tranh truyền thống này vẫn được phân phối khắp ĐBSCL và một số tỉnh Đông Nam Bộ. (Nguồn ảnh: baoangiang)

Việc treo tranh trong nhà đã trở thành nét văn hóa của người dân Nam Bộ hơn trăm năm qua. Bản thân bức tranh cũng hội đủ giá trị chân – thiện – mỹ khi mang những cái đẹp, ý nghĩa, cái tâm và sự tài hoa của các nghệ nhân.

Tùy loại tranh mà các công đoạn làm nhiều bước khác nhau. Điển hình như tranh xà cừ thực hiện qua 5-6 công đoạn, cần bàn tay thủ công để làm từng chi tiết nhỏ, rắc kim tuyến và sau cùng là phủ lớp sơn … Bên cạnh đó, để tạo ra một tác phẩm tranh kiếng, ngoài việc đòi hỏi tay nghề khéo léo thì việc lựa chọn màu, pha màu cũng rất là kỳ công đối với thợ vẽ.

Trước đây người thợ phải mất 3 ngày để dùng cọ vẽ từng đường nét, điểm phá từng chi tiết của bức tranh, chọn màu phù hợp, chủ yếu là những màu tươi, sáng để bắt mắt, hợp ý người mê tranh kiếng.

Nhưng ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, tranh kiếng đa phần được sử dụng công nghệ để phun, kéo lụa, màu sắc sinh động, giá thành chỉ bằng 1/3 tranh kiếng truyền thống nên nghệ nhân vẽ tranh dần mai một, óc thẩm mỹ của người tiêu dùng về tranh kiếng cũng ít dần. Việc sản xuất tranh phụ thuộc nhiều vào thời tiết (nắng nhiều để phơi tranh), giá thành một bức tranh không đủ để nuôi một người thợ nên hầu như người dân không còn mặn mà với nghề.

Vẽ tranh kiếng - Nghề lưu giữ nét xưa tại An Giang
Để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật cần trải qua nhiều giai đoạn và sự khéo léo của các thợ lành nghề.

Tranh sau khi được vẽ trên kiếng sẽ được lồng vào khung gỗ. Giá bán hiện nay tùy theo kích thước, cách phối màu, kiểu dáng, độ dầy của kiếng, giá từng bức tranh dao động từ 500.000đ đến vài triệu đồng.