Trekking hang Én: Về với thời tiền sử
- 22/04/2019
- ĐIỂM ĐẾN VIỆT NAM
- Du lịch Quảng Bình, Editor picks, hang Én, Hang Sơn Đoòng, Kinh nghiệm Trekking, Phong nha kẻ bàng, Trekking hang Én, Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng
Hang Én nằm ở khu trung tâm trong quần thể núi đá vôi thuộc vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình, Việt Nam). Đây là hang động lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau hang Sơn Đoòng (Việt Nam) và hang Deer (Malaysia).
[rpi]
Đường tới hang Én xuyên qua rừng rậm, qua dốc cao và ngoằn ngoèo, qua hàng chục quặng sông suối… Nên chỉ có một cách di chuyển duy nhất là đôi chân đi bộ. Trekking hang Én, đối với tôi là một hành trình khám phá thú vị, lãng mạn và đầy bí ẩn.
HÀNH TRÌNH ĐÃ LÀ HẠNH PHÚC
Hành trình ấy được khởi đầu bằng con dốc Ba Giàng dài gần 2km. Dốc cao và gập ghềnh. Đường mòn vừa một người đi, khá trơn, nhiều chặng có cây khô chắn ngang phải trèo qua, hoặc những vòm dây leo giăng chéo phải khom người chui qua. Bù lại, tôi được nhìn tận mắt những gốc cây cổ thụ tán cao vút, thân đầy các loại dây leo; có cả sên, vắt cùng nhiều loài côn trùng và chim chóc tôi không biết tên… Cảm giác một cuộc “ngược dòng” tìm về thủa sơ khai đến với tôi ngay khi len lỏi qua cánh rừng nguyên sinh này.
Đi hết dốc Ba Giàng là tới thung lũng Rào Thương, được bao quanh bởi con suối cùng tên. Nhiều đoạn đường băng qua thung lũng, suối róc rách sát chân núi, thảm cỏ rồi cây cối rậm rạp, lúp xúp, từ đó vẳng ra tiếng chim kêu… Thích nhất là khi được lội qua suối, nước trong vắt, mát lạnh, hiện rõ làn đá cuội nơi đáy suối, nhiều quãng còn nhìn rõ đàn cá bơi liêu xiêu giữa dòng nước chảy xiết như những chiếc lá trúc khô. Càng ấn tượng hơn nữa là những đàn bướm đủ màu: vàng, trắng, xanh, đen mà tôi gặp ven đường, ven suối. Chúng đậu thành từng vạt như đám hoa lá ai xếp trên mặt đất. Thấy động, chúng bay lên, lượn vòng, quấn quít cả vào chân người. Bước đi cùng đàn bướm, ngắm những cánh hồ điệp mong manh giữa không gian trong trẻo im vắng, tôi ngỡ mình đang đi trong một giấc mộng đẹp.
Cuộc gặp gỡ với bản Đoòng đưa tôi về thực tại, nhưng là một thực tại khác xa cuộc sống vội vã, sôi động ở “ngoài kia”. Bản chưa đầy chục nóc nhà, chỉ khoảng ba chục người dân, sống bằng nương rẫy và những sản vật của rừng. Cuộc mưu sinh của họ nhiều vất vả, khó khăn thể hiện qua màu da sạm nắng và nét người khắc khổ, thế nhưng gương mặt họ lại chẳng hề có nỗi lo âu hay sự hoài nghi. Họ luôn niềm nở, ánh mắt và nụ cười rất hồn nhiên, chân thật. Tôi thầm mong sao cuộc viếng thăm của bao nhiêu đoàn khách như chúng tôi sẽ chỉ mang thêm chút niềm vui, chứ không làm đổi thay nhịp đập bình yên, thư thái trong trái tim những con người hiếu khách ấy.
Quãng đường từ bản Đoòng đến hang Én dễ đi và rất đẹp. Hai bên đường là những vạt lau lách rậm rạp, những bãi cỏ bằng phẳng. Trên cao là bầu trời rộng thênh thang. Cạnh đó là những dãy núi trùng điệp được phủ kín cây xanh, mây và khí núi màu lam nhẹ bay vờn qua đỉnh rừng. Cách 1km, đã có thể nhìn thấy vòm hang Én. Và hãy tin tôi, những mệt mỏi của một ngày leo dốc, lội sông hơn 10 cây số sẽ tiêu tan ngay trong khoảnh khắc bạn đứng trước hang Én, ngỡ ngàng trước không gian hoang sơ được hình thành từ khoảng 500 triệu năm trước.
MẸ THIÊN NHIÊN
Chưa ở đâu mà tôi cảm nhận về Mẹ thiên nhiên một cách rõ ràng như mấy chục giờ sống và lang thang giữa lòng hang Én.
Hang Én như cái tổ khổng lồ và an toàn mà Mẹ thiên nhiên tạo dựng sẵn cho con người, với không gian trú ẩn, nước, không khí, và ánh sáng… Hang có 3 cửa lớn. Cửa thứ nhất có 2 lớp: vòm cửa ngoài dẫn vào một “sảnh chờ” rất rộng rãi; cửa trong lại thấp hẹp, sát ngay dải sông ngầm khá rộng, sâu quá thắt lưng. Cửa thứ hai thông lên mặt đất như cái giếng trời khổng lồ đón khí trời và ánh sáng. Cửa thứ ba ở phía sau của hang Én, cao hơn 100m, là nơi dòng sông ra khỏi lòng hang và dẫn lối đến Sơn Đoòng.
Muốn vào hang, thông qua cửa thứ nhất, phải lội qua sông rồi lại trèo ngược vách đá hiểm trở, cao mấy chục mét. Đứng trên đỉnh dốc sẽ nhìn thấy lòng hang xa tít phía dưới, được bao bọc bằng một quãng sông rộng. Vịn đá lần xuống chân dốc, chúng tôi ngồi bè qua sông để đến lòng hang chính. Lòng hang Én phía trước, nơi rộng nhất khoảng 170m, có thể chứa được hàng trăm người. Trần hang đẹp như mái vòm của một thánh đường, nơi cao nhất tương đương với tòa nhà 40 tầng (khoảng 120m).
Hàng vạn con chim én vẫn cư ngụ trong hang và chưa biết sợ con người. Bữa tối, một chú én sa xuống bên bàn ăn, cánh nó bị thương không bay được, một bạn trong đoàn chúng tôi vội đỡ lấy và cho nó ăn trong lòng bàn tay. Sáng hôm sau, tôi đã thấy nó thản nhiên đi lại quanh lều, chắc nó sẽ sớm bình phục và lại tung cánh bay qua cái giếng trời kia, lên tận bầu trời cao trong xanh… Tôi còn thấy nhiều bạn én “thiếu niên” ngủ nướng, đậu ngay trên đá dọc lối đi, nếu “tiện đường” các bạn ấy sẽ rúc vào tóc hoặc leo ngay lên chễm chệ trên đầu mình để… ngủ tiếp!
Vòng ra phía sau hang Én là có thể bước chầm chậm qua vài trăm triệu năm. Tôi thấy những “thương hải tang điền” còn hiện hữu trên dải hóa thạch nơi vách đá. Rồi nhũ đá, măng đá, ngọc động giăng đầy bên những vách hang… Chuyên gia hang động Howard Limbert, người đã tìm ra hơn 500 hang động ở Việt Nam, trong đó có hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới, đã khẳng định rằng: mỗi cm kia là phải có cả trăm triệu năm bào mòn hay bồi đắp mới nên. Và tất cả măng đá, nhũ đá, ngọc động ấy vẫn “sống” trong hành trình tạo tác của tự nhiên. Chỉ một cái chạm tay thôi, có thể sự sống vĩnh cửu ấy sẽ lập tức chấm dứt, vì chất dầu trên da con người sẽ khiến nước trôi tuột đi, không còn có thể bồi đắp nữa. Từng người chúng tôi đi qua đây đều rón rén trên lối đi nhỏ để không gây ảnh hưởng tới bất kỳ di tích đáng quý nào.
Trong lòng hang sau còn có những dải đá san hô uốn lượn thành bao nhiêu tầng, bậc lớn nhỏ, mỗi bậc đều đọng đầy nước nguồn trong vắt tựa như những ruộng bậc thang nước tuyệt đẹp.
ĐÊM CỦA THỜI TIỀN SỬ
Vào buổi chiều, mọi người trong đoàn được tắm nơi quãng sông ngầm đỗ lại bên lòng hang chính thành mặt hồ êm đềm. Bờ cát thoải dần, đáy toàn sỏi, đá đã bào nhẵn, nước mát lạnh, nhìn thấu đáy, quãng sông tựa như một bãi tắm thiên nhiên dành sẵn cho con người. Do nhiệt độ chênh lệch nên một nửa bến tắm này ấm hơn, một nửa lại lạnh hơn. Lúc đằm người xuống dòng nước nguồn trong vắt, nghe tiếng cười vang vọng vào vách đá, nhìn những đốm sáng chập chờn giữa lòng hang tối, tôi lại ngỡ mình lạc về thời nguyên thủy…
Và đêm ở Hang Én chính là trải nghiệm đáng nhớ nhất của tôi trong chuyến đi này.
Khi bóng tối trùm kín hang thì khoảng trời trên cửa hang thứ hai vẫn sáng rất lâu, vì vậy mọi người vẫn có thể nhìn thấy từng đàn én bay về, chao liệng qua lại không dứt. Đây là nơi cư ngụ của hàng vạn con chim én. Nghe nói thời xa xưa, tộc người Arem đã sống trong hang Én, chim non và trứng chim từng là nguồn thực phẩm của họ. Giờ họ đã rời ra ngoài sống thành bản nhưng vẫn còn giữ lễ hội “ăn én”. Nhưng họ không bao giờ “ăn hết” của rừng, mà luôn biết dành dụm và nuôi dưỡng, như khi “ăn ong” họ bao giờ cũng để lại một phần tổ cho đàn ong có nơi trú ngụ, sinh sống tiếp. Cũng nghe nói trong bản Arem vẫn còn một người có bàn chân dẹt, đó là dấu tích của bao nhiêu thế hệ leo vách đá, trần hang cao cả trăm mét.
Dù biết phải dưỡng sức để ngày hôm sau còn leo trèo các vách núi và lội sông ngầm nhưng mọi người trong đoàn đều không nỡ ngủ trong một đêm tuyệt diệu như thế này. Chúng tôi, 16 người đến từ những quốc gia khác nhau đã cùng ngồi bệt trên cát, trước mặt là khoảng sông lấp lánh, trên cao là trần hang và khoảng trời thăm thẳm, tứ bề tiếng chim líu ríu như ru nhau và ru người.
Chợp mắt một chút, nửa đêm tôi bỗng tỉnh dậy, vẫn nghe tiếng chim chíu chít, tiếng nước chảy âm âm và cả tiếng phân chim rơi lộp độp trên mái lều. 5h đã thấy sáng bừng cả hang như bật điện, ánh sáng rọi chéo từ khoảng trời cao xuống thành luồng, hòa với hơi nước mỏng trở nên lãng đãng khói mơ. Mọi người nhoài ra khỏi lều, chân trần chạy lòng vòng dọc bờ sông, rồi ngồi ngay trên bờ vục nước rửa mặt, hít căng lồng ngực thứ không khí mát lành, trong vắt. Gương mặt ai cũng hồn nhiên, rạng rỡ, tất cả đều hào hứng khi đã có mặt tại đây để tham gia vào hành trình khám phá thế giới bí ẩn trong lòng hang Én.
Vẻ đẹp nguyên sơ và khả năng lưu giữ dấu tích của thời tiền sử là linh hồn của hang Én nói riêng và Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nói chung. Mỗi bước chân trên hành trình tới Hang Én là một trải nghiệm quý giá cho chúng tôi được sống với buổi ấu thơ của Trái đất và loài người. Mong sao, sẽ không có sự tham lam hay thiển cận nào làm mất đi vẻ đẹp vô giá này.
W.TIPS
TOUR DU LỊCH
Hiện nay, Oxalis là công ty lữ hành duy nhất được tỉnh Quảng Bình cho phép tổ chức tour khám phá hang Én. Tour kéo dài 2 ngày 1 đêm, giá niêm yết là 7.600.000đ, tuy nhiên bạn có thể giảm chi phí nếu “săn” được chương trình khuyến mại. Mỗi tuần thường có từ 1 – 2 chuyến được tổ chức, tối đa 16 khách mỗi chuyến. Bạn nên đăng kí trước ít nhất 1 tháng.
ĐIỀU KIỆN THAM GIA TOUR
Du khách cần có thể lực tốt; có kinh nghiệm trekking; có thể leo dốc cao tương đương 42 tầng lầu; đi bộ 22km đường rừng; lội qua 30 quãng sông suối và qua 4km sông ngầm trong lòng hang.
THỜI ĐIỂM LÝ TƯỞNG
Tour khám phá hang Én hoạt động từ cuối tháng 12 đến hết tháng 8 năm sau (tour không hoạt động từ tháng 9 đến tháng 12). Thời gian lý tưởng nhất là tháng 3 và tháng 4, nếu đi sớm hơn khoảng thời gian này thì thời tiết sẽ hơi lạnh, còn đi muộn hơn thì khá nóng. Đặc biệt, cuối mùa xuân là thời điểm du khách sẽ được ngắm rất nhiều bướm và cây cối xanh tươi.
TRANG BỊ
Do hành trình đi bộ nhiều nên giày là trang bị quan trọng nhất. Công ty Oxalis có chuẩn bị giày cho khách mượn nhưng lời khuyên là bạn nên tự mua và chuẩn bị trước sẽ tốt hơn. Bạn nên mua giày lội suối có thoát nước, rộng hơn chân vì sau một ngày leo dốc và ngấm nước, chân bạn sẽ “nở” ra. Bên cạnh đó, nên mặc áo dài tay, kín cổ, loại thấm mồ hôi; quần dài không thấm nước; tất cao cổ và xà cạp quấn tránh vắt. Bạn cũng nên đem theo kem chống nắng, thuốc chống muỗi hoặc tinh dầu xả/chanh…; nên sử dụng ba lô loại nhẹ mang theo người để đựng nước uống, ô, áo ngoài… Những vật dụng khác như: mũ bảo hiểm, găng tay, đèn pin, lều trại, bữa ăn chính… thì công ty lữ hành sẽ chuẩn bị sẵn và vận chuyển theo trong hành trình.
DI CHUYỂN
Từ các tỉnh thành khác tới Quảng Bình, các bạn có nhiều lựa chọn như đi máy bay, tảu hỏa hay xe khách. Phương tiện tiện lợi hơn cả vẫn là xe khách chạy chuyến đêm. Xuất phát từ chiều tối ngày hôm trước, sáng sớm ngày hôm sau bạn có thể tới thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) rồi tiếp tục di chuyển tới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng để khoảng 9, 10h sáng bắt đầu khởi hành tour khám phá hang Én.
THAM QUAN
Nếu có dư dả thời gian, sau khi di chuyển tới Quảng Bình, bạn có thể nghỉ đêm tại thành phố Đồng Hới hoặc khu vực gần Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng để kết hợp tham quan thêm nhiều điểm du lịch nổi tiếng của thành phố (biển Nhật Lệ, đồi cát Quang Phú, Vũng Chùa – Đảo Yến….) và trong Vườn quốc gia (động Phong Nha, động Thiên Đường, sông Chày, hang Tối, suối Moọc…).
Nguyễn Thị Nương | Wanderlust Tips