Trò chuyện cùng Rosie Nguyễn: “Tuổi trẻ phải “đi” như thế nào?”
- 10/05/2017
- ĐỐI THOẠI, E.MAGAZINE
- du lịch, Editor picks, Rosie Nguyen, Ta ba lô trên đất Á, trekking, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu
“Đừng dùng du lịch như một cứu cánh, một lối thoát khỏi thực tại. Bản thân chuyện đi du lịch không giúp giải quyết toàn bộ vấn đề trong cuộc sống. Đi là một cách rất tốt để học hỏi. Nhưng để sống hạnh phúc thì ta phải cho đi, phải tạo ra giá trị và làm những điều hữu ích khiến ta cảm thấy cuộc sống của mình ý nghĩa.”
[rpi]
- Tên thật: Nguyễn Hoàng Nguyên
- Nickname: Rosie Nguyễn
- Tuổi: 29 tuổi.
- Nghề nghiệp hiện tại: tác giả sách, blogger/facebooker về văn hóa và du lịch, giảng viên một số khóa học kỹ năng, và huấn luyện viên yoga.
- Đam mê: Mình bắt đầu đi từ thời sinh viên, nhưng đi nhiều kể từ 2010 sau khi tốt nghiệp đại học. Hiện tại mình đã đi khoảng gần 20 quốc gia trên thế giới, tuy không nhiều, nhưng những nơi mình thích thì thường xuyên đi lại để khám phá thật sâu, ví dụ mình đã đi Thái Lan đến hơn 20 lần. Điểm đến yêu thích của mình là Nhật Bản, Thái Lan, Hong Kong, Úc…
- Các cuốn sách đã xuất bản: Ta ba lô trên đất Á, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?
Chào Rosie Nguyễn, chị có thể chia sẻ cơ duyên đến với niềm đam mê du lịch?
Sau những chuyến đi bỡ ngỡ đầu tiên, mình nhận ra, đi là để khám phá thế giới và khám phá chính mình vì những bài học có được trên đường là vô giá. Ngoài kiến thức xã hội và kỹ năng sống, điều quan trọng là đi giúp mình vượt qua những giới hạn của bản thân, mở rộng “vùng an toàn”, can đảm thử những điều mới, từ đó hiểu bản thân mình hơn và trở nên tự tin hơn. Và đối với tuổi trẻ, trải nghiệm là điều cần thiết.
Chị có thể chia sẻ những trải nghiệm đáng nhớ nhất trong những hành trình của mình?
Trải qua những năm tháng lữ hành, rất khó để chọn ra được hành trình ấn tượng nhất. Ở Myanmar, mình đã cực kỳ ngạc nhiên với sự nhiệt tình của người dân, có những người khi mình hỏi đường thì sẵn sàng dẫn mình đi rất xa để đưa mình đến được chỗ mình cần. Khi đi Hong Kong, mình đã mê mẩn những cung đường trekking được cho là đẹp nhất châu Á, một bên là rừng trúc gió thổi rì rào, còn một bên là những làng chài xinh xắn nép mình dưới chân núi, nhìn ra biển cả bao la. Còn lúc đến Úc, đi lặn bình dưỡng khí ở Great Barrier Reef – điểm đến mơ ước của dân lặn biển thế giới, mình đã ngẩn ngơ khi dần dần lặn xuống giữa những đàn cá đang bơi vòng tròn xung quanh và bên trên, cứ như đang ở giữa một cơn mưa đầy màu sắc. Mỗi vùng đất lại đáng yêu theo một cách khác nhau.
Chị có thể chia sẻ với độc giả về những khó khăn khi quyết tâm từ bỏ công việc để đến với du lịch và viết lách?
Thực ra thì mình không phải là bỏ việc để đi du lịch hay viết lách, mà chuyển từ công việc toàn thời gian sang công việc của một freelancer sau khi xuất bản quyển sách đầu tiên, đã được ít nhiều độc giả biết đến và đã phần nào kiếm sống được bằng nghề. Mình phải nói rõ như vậy để tránh hiểu nhầm vì khá nhiều bạn trẻ nhắn với mình rằng họ muốn bỏ học, bỏ làm để theo đuổi đam mê. Nhưng khi hỏi ra thì họ chưa có sự chuẩn bị kỹ càng, mới chỉ có ý thích mơ hồ chứ chưa thực sự làm gì để xây dựng nền tảng chắc chắn, để bảo đảm rằng “cú nhảy” thay đổi cuộc sống đó được hạ cánh an toàn.
Trước khi quyết định nghỉ việc quản lý tại một tập đoàn nước ngoài, mình đã tìm hiểu và nghiên cứu rất nhiều. Mình biết rõ ràng rằng khi từ bỏ việc làm mấy chục triệu đồng một tháng để theo đuổi việc viết lách, mình sẽ gặp những khó khăn về mặt tài chính. Nhưng chuyện đó không khó khăn bằng phải vượt qua áp lực từ phía gia đình. Khi nghe tin mình nghỉ việc làm full time thì gia đình mình phản đối dữ dội. Thậm chí có người họ hàng gọi điện đến nhà bảo: “Anh chị không thể để con cái nó lông bông hư hỏng vậy được, làm tổn hại tới thanh danh dòng họ“.
Nhưng mình không để bản thân bị lung lay bởi quan điểm của người khác. Thay vào đó, mình nghiên cứu tài liệu và xem xét hoàn cảnh hiện tại để cân nhắc. Mình có thu nhập đủ để trang trải cuộc sống hàng tháng từ viết lách, lại có khoản tiết kiệm dự phòng, mình có đủ kỹ năng, kiến thức và trình độ, mình có kết nối với các cộng đồng khác nhau, các hoạt động xã hội để không cảm thấy bị tách rời khi không làm việc chung với tập thể. Và mình có phương án dự phòng nếu thất bại. Và thế là mình quyết định theo đuổi đam mê viết lách. Đến nay đã gần hai năm, mình làm thêm được nhiều hoạt động cộng đồng có giá trị, ra mắt quyển sách thứ hai tạo được tiếng vang lớn, và có nhiều thời gian hơn để làm những điều thật sự có ý nghĩa với bản thân mình. Có được một công việc phù hợp với đam mê là món quà lớn nhất mà mỗi người có thể trao tặng cho chính mình. Và mình rất hạnh phúc vì đang được sống với món quà đó.
Chị có thể đưa một số lời khuyên cho những bạn trẻ còn đang phân vân trước những lựa chọn trong cuộc sống của mình, khi mà bỏ việc để đi du lịch đang là một xu hướng trên thế giới?
Dù bản thân là một travel blogger, mình chưa bao giờ khuyến khích các bạn trẻ bỏ việc hoặc bỏ học để đi du lịch. Có một thực trạng là không ít bạn trẻ lý tưởng hóa chuyện đi, xem đó như đam mê, như mục đích sống, như tất cả ý nghĩa của cuộc đời mình. Có bạn trẻ nghiện đi, cứ đi hết chuyến này đến chuyến khác, dùng đó như một cứu cánh, một lối thoát khỏi thực tại. Bản thân chuyện đi du lịch không giúp giải quyết toàn bộ vấn đề trong cuộc sống. Đi là một cách rất tốt để học hỏi. Nhưng để sống hạnh phúc thì ta phải cho đi, phải tạo ra giá trị và làm những điều hữu ích khiến ta cảm thấy cuộc sống của mình ý nghĩa.
Mình chỉ muốn nhắn nhủ như những gì đã viết trong cuốn “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” rằng:“Trải nghiệm giúp ta tự tin hơn, giúp ta sẵn lòng đương đầu với những khó khăn khác trong đời. Bởi vì có những lúc ngủ bờ ngủ bụi mới làm tăng sức chịu đựng của bản thân. Có những lúc chắt chiu tằn tiện cho các chuyến đi mới biết hoạch định tài chính cho mình trong chặng đường dài. Có trải qua những ngày tháng mông lung vô định, rồi mới học cách giữ cho tâm mình bình an và vững chãi trước cuộc đời”. Do vậy, với những bạn trẻ đam mê xê dịch, mình muốn nhắn nhủ rằng: hãy đi khi còn có thể, song hãy học cách để đi sao cho thật hữu ích.
Em được biết chị đã cho ra mắt 2 cuốn sách là: “Ta ba lô trên đất Á” và “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” Nếu như “Ta ba lô trên đất Á” là những kinh nghiệm du lịch, còn “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” lại chia sẻ về kinh nghiệm “học, làm, đi và cả đọc” trong cuộc sống ra sao. Vì sao lại có sự khác biệt này?
Đối với mình mỗi quyển sách là một hành trình học hỏi và lớn lên. Từ “Ta ba lô trên đất Á” đến “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” là một hành trình dài của sự chuyển biến. Khi bắt đầu viết Ta ba lô, mình nhận thấy có một thực tế là có nhiều người trẻ khao khát đi để trải nghiệm thế giới, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và như thế nào. Tại Việt Nam thì có rất nhiều sách du ký, kể về các câu chuyện trên đường, nhưng lại chưa có quyển nào hướng dẫn cụ thể tỉ mỉ về việc đi du lịch bụi. Ta ba lô ra đời là để đáp ứng nhu cầu đó. Còn với Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu, mình nhắm đến một hiện tượng mang tính xã hội, đó là khủng hoảng tuổi hai mươi, sự hoang mang lạc lối không biết mình thích gì, giỏi gì và đam mê của mình là gì của rất nhiều người trẻ. Cuốn sách đưa ra những chia sẻ, trải nghiệm của mình trong hành trình vượt qua khủng hoảng và vươn lên “tỏa sáng”. Dù viết về đề tài gì, thì điều mình muốn hướng tới là tập trung giải quyết một vấn đề cụ thể, để lại giá trị lâu dài, lan tỏa những điều tốt lành tích cực để có thêm niềm vui sống, và tạo ra những cái mới qua các trang viết của mình.
Chị có thể chia sẻ với độc giả về những dự định sắp tới của mình?
Dự định sắp tới của mình là xuất bản quyển sách thứ ba về đề tài hạnh phúc, và hoàn thành quyển sách thứ tư, sẽ là thể loại truyện hư cấu, khác với ba quyển trước. Năm nay mình có mong muốn làm một chuyến đi dài, khám phá vùng Nam Á, từ Sri Lanka, đến Ấn Độ và lên tới Nepal.
Cám ơn chị vì những chia sẻ thú vị, chúc chị thành công trong những dự định sắp tới!
Wanderlust Tips | Cinet