Về thăm đền Hùng lắng nghe những truyền thuyết xưa

Người dân Việt Nam dù già, trẻ, lớn, bé, dù xa hay gần, ai cũng nằm lòng dòng thơ lục bát nhắc nhở mỗi người nhớ về tổ tiên, tự hào với nguồn gốc con Rồng, cháu Tiên. Nhân dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương sắp đến, ta hãy đi tìm hiểu về lịch sử và những truyền thuyết gắn với đền Hùng nhé!

[rpi]

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mồng Mười tháng Ba”

NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ ĐỀN HÙNG

Đền Hùng hay Khu di tích lịch sử Đền Hùng là quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh, thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì của tỉnh Phú Thọ. Nơi đây cũng là nơi tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Hiện nay, sau một thời gian dài nghiên cứu, các nhà khoa học đều đa số thống nhất nền móng kiến trúc đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng trị vì và hoàn thiện như hiện tại ở thời Hậu Lê (thế kỷ XV).

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips | Thăm Đền Hùng và nghe lại truyền thuyết

Khi xưa, đây là khu vực trung tâm của nước Văn Lang khi sở hữu địa thế đẹp với hai dòng sông bao quanh bao bọc lấy cố đô. Nếu phía Đông có các dãy núi đồi trung điệp thì xung quanh đền Hùng còn sở hữu nhiều sông ngòi, ao hồ, núi non, những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu do phù sa của ba con sông bồi đắp. Địa hình vừa thuận lợi cho cuộc sống định canh định cư của nông dân, vừa thuận lợi cho việc phòng thủ hay rút lui khi xảy ra các cuộc xung đột bộ lạc.

DỪNG CHÂN NGHE TRUYỀN THUYẾT

Về thăm đền Hùng, du khách sẽ đi từ cổng đền, lên dần tới đền Hạ, qua đền Trung và đền Thượng. Dọc đường đi có rất nhiều di tích để du khách dừng chân. Điểm đặc biệt nhất của đền Hùng chính ở mỗi điểm dừng đều gắn với những truyền thuyết ly kỳ.

Từ chân núi đi lên, bước qua cổng đền bạn sẽ thấy điểm dừng chân đầu tiên của du khách là đền Hạ, tương truyền chính là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng. Trăm trứng ấy đẻ ra trăm người con, năm mươi người theo cha xuống biển, bốn chín người theo mẹ lên núi. Người con ở lại làm vua, lấy tên là Hùng Vương, đó cũng là vị vua Hùng đầu tiên trong lịch sử.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips | Thăm Đền Hùng và nghe lại truyền thuyết

Qua đền Hạ là đền Trung. Người xưa kể rằng, đây chính là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Đặc biệt, vua Hùng thứ sáu đã nhường ngôi cho Lang Liêu – người con hiếu thảo vì đã có công làm ra bánh chưng, bánh dày tại đền Trung.

Trên đỉnh núi cao của đền Hùng là đền Thượng, trong đó có lăng Hùng Vương thứ sáu (trong dân gian gọi là mộ tổ). Đi xuống phía Tây Nam từ đền Thượng sẽ có đền Giếng, nơi giếng đá quanh năm nước trong vắt, mát lành. Khi xưa, các công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con vua Hùng Vương thứ mười tám thường lui tới gội đầu tại đó. Hai bà đã có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips | Thăm Đền Hùng và nghe lại truyền thuyết

THỜI ĐIỂM HOÀN HẢO THAM QUAN ĐỀN HÙNG

Tiết trời miền Bắc những tháng đầu năm âm lịch tương đối mát mẻ, dễ chịu sẽ là khoảng thời gian thích hợp nhất để người Việt trên khắp mọi miền tổ quốc tới tham quan, ôn lại lịch sử đồng thời nhắc nhở thế hệ con cháu nhớ về cội nguồn, tổ tiên.

Di chuyển đến đền Hùng khá dễ dàng, bạn có thể lựa chọn xe cá nhân hoặc phương tiện công cộng tùy theo lịch trình. Trong khu di tích cũng có xe điện phục vụ du khách đi lại giữa các điểm tham quan. Vì đây là khu du lịch tâm linh, nên bạn hãy chuẩn bị trang phục gọn gàng, lịch sự, đi giày thể thao để việc di chuyển dễ dàng hơn.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips | Về đất tổ và nghe lại truyền thuyết

Đáng tiếc do tình hình dịch bệnh, năm nay Ban tổ chức lễ hội Đền Hùng đã nhất trí chỉ tổ chức phần Lễ và bỏ phần Hội. Vậy nên, du khách sẽ không được tham gia đầy đủ các hoạt động nhưng bạn vẫn có thể đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng và tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh nhé!

Ảnh: Internet

Wanderlust Tips | Cinet