Sa Pa: Bản phối tuyệt vời miền sơn cước
- 12/06/2020
- ĐIỂM ĐẾN VIỆT NAM
- du lịch Việt Nam, Editor picks, Sa Pa
Sa Pa không lộng lẫy, hoa lệ. Sa Pa níu chân tôi bằng những con đường dài uốn lượn trên triền dốc. Từng mái nhà tranh, cảnh ngôi làng nhỏ thấp thoáng trong thung lũng mờ sương làm lòng tôi chao đảo. Tôi yêu một Sa Pa bình dị của núi rừng, yêu văn hóa thiểu số làm cho dân tộc mình thêm phần rực rỡ.
[rpi]
Sa Pa là một thị trấn nhỏ miền núi thuộc tỉnh Lào Cai nằm cách Hà Nội khoảng 350km về phía Tây Bắc, sát biên giới với Trung Quốc. Đây là nơi bạn sẽ tìm thấy dãy núi Hoàng Liên Sơn và cả đỉnh Fansipan cao nhất của đất nước. Thị trấn yên tĩnh nằm lọt thỏm giữa các dãy núi là nơi sinh sống của nhiều nhóm dân tộc khác nhau. Có năm dân tộc chính ở Sa Pa: người H’mông, Dao, Tày, Giáy và Xã Phó.
Người ta nói rằng, những người dân đầu tiên sinh sống tại Sa Pa chính là bà con dân tộc thiểu số, sau đấy người Kinh mới từ các vùng thấp hơn di chuyển lên thị trấn này. Ngày nay, nhờ vào vẻ đẹp mượt mà của thiên nhiên và văn hóa dân tộc thiểu số nên Sa Pa thu hút đông du khách ghé thăm.
LỊCH SỬ LÂU ĐỜI CỦA SA PA
Dấu tích sinh sống của những người đầu tiên tại Sa Pa được lưu giữ trên bãi đá cổ từ thế kỉ XV. Hàng trăm bức tranh khắc họa trên đá được các chuyên gia cho rằng, người xưa đã vẽ chúng và miêu tả về các sinh hoạt văn hóa dân gian.
Trong các dân tộc thiểu số thì người H’mong và người Dao sinh sống đầu tiên ở Sa Pa. Các thung lũng ở Sa Pa rất hẻo lánh, hoang vu nên thị trấn này đã chẳng hề xuất hiện trên bất kì bản đồ địa lý nào cho tới khi người Pháp đến đây vào cuối những năm 1880. Khi đó, thị trấn này được người Pháp gọi là “Chapa”, rồi chẳng mấy chốc lực lượng quân đội và các nhà truyền giáo người Pháp cũng kéo đến nơi đây. Từ năm 1891 trở đi, toàn bộ khu vực thị trấn Sa Pa được cai trị bởi thực dân Pháp. Trong những thập kỷ sau đó, thường dân Pháp đã tới Sa Pa để sinh sống và làm việc, từ đây đã làm thay đổi diện mạo của mảnh đất này. Trong những cuộc chiến xảy ra tại Sa Pa, đa phần các tòa nhà lớn và công trình người Pháp xây dựng đều đã bị phá hủy. Mãi đến 1960, khi người Kinh được nhà nước khuyến khích di chuyển lên Sa Pa sinh sống và dần dần, từ năm 1993, cảnh đẹp và bầu không khí trong lành của thị trấn được đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.
SA PA LÀ NƠI TA ĐẮM SAY
Sa Pa không lộng lẫy phồn thịnh, Sa Pa níu chân tôi bằng những con đường dài uốn lượn trên triền dốc. Những mái nhà tranh, cảnh ngôi làng nhỏ thấp thoáng trong thung lũng mờ sương làm lòng tôi chao đảo. Tôi yêu một Sa Pa bình dị của núi rừng, yêu văn hóa thiểu số làm cho dân tộc mình thêm phần rực rỡ. Đến với Sa Pa là trải nghiệm khác lạ với ngay chính khách du lịch Việt Nam vậy. Người dân tộc thiểu số đã hình thành nên bản sắc độc đáo trong di sản và văn hóa nơi đây. Chính vì vậy, Sa Pa không giống bất kỳ nơi du lịch nào trong cả nước, nó mang riêng mình một nét đẹp để hấp dẫn người ghé qua.
Chẳng hạn tại chợ Sa Pa, mọi người sẽ gặp những người dân địa phương từ các bộ tộc khác nhau. Họ mặc quần áo truyền thống và bán đồ thủ công do chính tay mình sản xuất. Thỉnh thoảng, bạn còn có thể chứng kiến một đám cưới hay lễ kỷ niệm mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương nữa. Bình thường, nếu như nghe nói về dân tộc Dao Trắng, bạn có thoáng nghĩ về những người dân có làn da trắng không? Ban đầu tôi đã nghĩ như vậy, nhưng sự thật vì văn hóa yêu thích màu trắng và quần áo truyền thống của họ cũng là màu trắng thôi. Tên gọi Dao Trắng được đặt ra để phân biệt với nhánh dân dộc Dao khác.
Tới Sa Pa, chắc hẳn ai cũng sẽ đi qua cung đường chính của thị trấn để đến với thung lũng Mường Hoa. Nhìn từ trên cao, tôi thấy suối Hoa chẻ ngang qua thung lũng, chạy dài tạo điểm nhấn khiến Mường Hoa nhìn từ xa như một bức tranh vẽ. Khung cảnh đồng lúa mênh mông, ngôi nhà gỗ màu nâu đen chấm phá trên nền lúa xanh vừa thơ mộng vừa xen lẫn một chút đơn côi. Cung đường đi qua những ngôi làng nhỏ nằm giữa thung lũng ấy, đồng lúa yếu ớt nhưng dìu nhau cắt vào sườn núi hiểm trở. Trời trở lạnh, dù đã quá trưa sương mỏng vẫn lãng đãng khắp triền đồi, tôi chìm trong cảm giác thơ mộng và đắm say. Nếu bạn yêu thích treckking thì đây quả là một nơi hoàn hảo để khám phá.
8 ĐIỀU TUYỆT VỜI KHÔNG THỂ BỎ QUA Ở SA PA
ĂN
Nghe thì có vẻ khá đơn giản, nhưng nếu không có chủ đích trong việc thưởng thức đặc sản, bạn sẽ bỏ sót nhiều món ngon và hấp dẫn tại Sa Pa. Rút kinh nghiệm sau những lần khám phá quá nhiều điểm du lịch, tôi dường như quên mất mình đã ăn gì trong suốt chuyến đi. Việc ghé qua nhanh chóng, di chuyển và nhồi nhét thông tin của điểm đến làm tôi mệt đừ. Thường quên mất việc nếm thử đặc sản nên lần này đến với Sa Pa, tôi cứ chầm chậm nếm đủ: thắng cố, thịt trâu gác bếp, mầm đá chấm trứng, cá hồi, cá suối, lợn cắp nách…
CHINH PHỤC ĐỈNH FANSIPAN
Đỉnh Fansipan của dãy Hoàng Liên Sơn là đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Việc chinh phục đỉnh núi bằng đường bộ nay chỉ dành riêng cho người có kinh nghiệm và sức khỏe tốt. Để an toàn và nhẹ nhàng hơn cho việc tham quan, tôi khuyên các bạn nên chọn cách đi cáp treo, ngắm cảnh sắc hùng vĩ qua cabin và tham quan sau khi lên đến đỉnh. Đứng ở một nơi cao tới 3.143m để ngắm toàn cảnh non nước tận tít chân trời sẽ là một trải nghiệm khó quên. Đặc biệt vào mùa đông, ở xứ nhiệt đới như Việt Nam, Sa Pa sẽ đem đến cho bạn cơ hội “hưởng” một chút băng tuyết mới mẻ.
THĂM BẢN CÁT CÁT
Bản Cát Cát là một nơi quyến rũ hiếm du khách nào có thể bỏ qua. Đây là một ngôi làng nhỏ thành lập sớm nhất ở Sa Pa của dân tộc H’Mông. Đến thăm Cát Cát, ngoài ngắm những ngôi nhà gỗ đơn sơ, đi qua con suối róc rách mát lạnh, bạn còn có thể tìm hiểu về kỹ thuật dệt truyền thống của người dân nơi đây.
THÁC TÌNH YÊU LÃNG MẠN
Trước khi đến Sa Pa tôi chưa kịp tìm hiểu về thác Tình Yêu hay thác Bạc của nơi này. Do chưa có kinh nghiệm, tôi khởi hành khá trễ, đến cổng mua vé xong cũng đã 2 rưỡi chiều. Ngày hôm đó rất lạnh, chỉ khoảng 6-7OC, cả nơi tham quan dường như chỉ có hai chúng tôi. Trời chiều Sa Pa sương mù dày đặc và thiếu ánh sáng, đoạn đường từ cổng đi vào đến thác mất hơn 30 phút đi bộ. Vì quá mệt còn trời thì cứ tối dần nên có lúc, chúng tôi đã định dừng chân và quay lại. Nhưng cuối cùng, sở thích khám phá thiên nhiên đã chiến thắng. Chúng tôi reo lên khi nghe tiếng nước thác đổ vọng lại rồi bước vào bờ nước với màn sương mỏng bốc lên lạnh băng từ mặt hồ. Khung cảnh hữu tình huyền ảo cùng dòng thác trắng xóa mềm mại đổ mình xuống làm cho mọi mệt mỏi tan biến. Trong bầu không khí trong lành, tươi mát của núi rừng, tôi bắt đầu hồi tưởng câu chuyện các nàng tiên tắm trong rừng…
THĂM TU VIỆN ĐÁ SA PA
Ngoài nhà thờ Mân Côi ở khu vực trung tâm thị trấn, tôi còn đi sâu hơn để đến với Tu viện đá có lịch sử hơn trăm năm nằm trong một vườn đào thuộc thôn Tả Phìn. Vào những ngày mùa xuân, vẻ đẹp hoài cổ của tu viện sẽ khiến ta say lòng khi từng cánh hoa đào rơi trên nền đất cũ rêu phong. Hiện giờ, hầu như tầng hầm của tu viện đã sụp đổ hoàn toàn chỉ còn lại vài bức tường cũ, thấp thoáng dáng dấp của một ngôi thánh đường bị lãng quên.
ĐÈO Ô QUY HỒ
Đèo Ô Quy Hồ chính là đường lên cổng trời để ngắm Sa Pa từ trên cao. Dừng chân tại cổng trời, tôi thấy được thung lũng xanh mướt rơi xuống trước mắt và những ngọn núi cứ kéo dài ra xa. Để lên đèo Ô Quy Hồ, bạn có thể chọn cách đi xe máy hoặc thuê taxi nhưng vào mùa nắng đẹp, đi xe máy để tiện dừng chân ngắm cảnh sẽ thú vị hơn nhiều.
THƯ GIÃN TRONG KHÔNG GIAN ĐẸP
Ngoài những lúc vãn cảnh ngoài trời, hãy chọn cho mình một nhà hàng hay quán cà phê có không gian đẹp và dịch vụ tốt, điều đó sẽ làm cho chuyến đi của bạn thêm phần ý nghĩa. Tại đây, hãy thưởng thức những bữa ăn ngon, những loại nước yêu thích rồi cùng rì rào tâm sự với bạn bè. Nếu có đi một mình cũng không sao vì đây là lúc bạn nghỉ ngơi và nạp năng lượng cho điểm đến tiếp theo.
GHÉ THĂM CÁC KHU CHỢ ĐỊA PHƯƠNG
Hãy đến một khu chợ đậm nét văn hóa địa phương và cảm nhận nhịp sống phong phú của người dân Sa Pa. Vào những ngày họp chợ cuối tuần, bạn sẽ thích thú bắt gặp nhiều mặt hàng mới mẻ, độc đáo và cũng đừng ngại nếm thử rượu ngô cay nồng của núi rừng Tây Bắc hay thịt trâu gác bếp thơm lừng. Các loại rau rừng xào xứ lạnh ăn kèm thịt nướng mọi là hương vị không thể nào quên khi ghé thăm chợ địa phương ở Sa Pa.
W.TIPS TẠI SAPA
NÊN ĐI SA PA VÀO MÙA NÀO
Nếu đi Sa Pa vào dịp cuối tháng 11 – đầu tháng 2, bạn sẽ được thưởng thức cái lạnh ngày đông. Thỉnh thoảng sẽ có vài cơn mưa phùn nhẹ nên bạn cần chuẩn bị quần áo phù hợp cho dịp này. Từ cuối tháng 2 – cuối tháng 3 là mùa của hoa đào, hoa mận. Lúc này, Sa Pa trăm hoa đua nở, xinh đẹp rực rỡ hơn bao giờ hết. Nếu muốn chụp những bức ảnh mãn nhãn với ruộng bậc thang, từ tháng 6 – tháng 8 là thời điểm lý tưởng để ngắm cánh đồng lúa xanh mượt mà. Đến đầu tháng 10 và tháng 11 là lúc lúa chín vàng trên ruộng bậc thang. Một nét đẹp khác của Sa Pa làm bạn khó khăn khi chọn chuyến du lịch thích hợp cho mình.
DI CHUYỂN
Từ thủ đô Hà Nội, bạn có thể lên Sa Pa bằng nhiều cách như: tàu lửa, xe giường nằm hoặc xe tự lái. Hiện nay, đoạn đường này đã có cao tốc nên xe di chuyển rất thuận tiện. Bạn nên khởi hành vào tầm 7h sáng để trưa đến nơi có thể check in khách sạn luôn sẽ rất tiện.
ĐỊA ĐIỂM LƯU TRÚ
Sa Pa đem đến cho bạn nhiều lựa chọn lưu trú đa dạng. Bạn có thể ở trong một khách sạn 5 sao đẳng cấp, một căn phòng homestay với view hướng ra cánh đồng lúa chín hay thậm chí là trải nghiệm sinh hoạt trong nhà sàn độc đáo.
Wanderlust Tips | Quỳnh Mori
Vẻ đẹp của Hang Kia – Pà Cò | Tạp chí du lịch Wanderlust Tips
[…] cùng hoàn hảo và chuẩn mực, tạo nên nét đẹp hiếm có kết hợp cùng khí hậu miền sơn cước. Không quá cao cũng chẳng quá thấp, nơi đây mang theo tiết trời mát mẻ quanh […]