Phải lòng đặc sản Quảng Bình (Phần 1)
- 19/05/2016
- ẨM THỰC VIỆT NAM
- ẩm thực Quảng Bình, Du lịch Quảng Bình, phải lòng đặc sản quảng bình, Quảng Bình, đặc sản Quảng Bình
(#wanderlusttips) Có lẽ nhắc đến Quảng Bình người ta nghĩ ngay tới địa danh của những thắng cảnh nổi tiếng, nổi bật nhất là Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Thế nhưng sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua ẩm thực Quảng Bình, các món ăn nơi đây giản dị nhưng lại cuốn hút một cách kỳ lạ.
[rpi]
Bánh xèo gạo lứt Quảng Hòa
Nét độc đáo của bánh xèo Quảng Hòa là không làm bằng loại gạo thông thường mà dùng thứ gạo lứt đỏ. Đợi bếp thật đỏ lửa, dùng môi hay tàu chuối tẩm mỡ chà lên đáy khuôn rồi múc đổ bột gạo lứt lên. Bánh chín dậy mùi thơm phức, có hình hoa văn theo khuôn rất đẹp mắt.
Để món bánh xèo Quảng Hòa tròn vị, khi ăn không thể thiếu các món ăn kèm như: cá chuối, nộm, rau sống, bánh đa và nước chấm. Đĩa nộm gồm giá, rau két và vừng. Cá chuối thực chất sử dụng các loại chuối sứ (chuối có hạt) chưa già nhưng không non quá. Sau khi gọt vỏ, ngâm phèn hoặc chanh, người ta uốn thành hình thù con cá rồi nhúng qua gia vị.
Thực khách lấy bánh xèo cuốn rau sống, nộm, cá chuối lại rồi kẹp vào bánh đa. Ăn tới đâu biết thấm vị tới đó, sự nóng hổi giòn tan, mùi thơm của gạo lứt cùng rau sống, cá chuối hòa quyện với nhau thật tuyệt vời.
Bánh lọc bột tôm sông
Mặc dù là món ăn xuất phát từ Huế nhưng ở Quảng Bình món bánh bột lọc này cũng có hương vị thơm ngon riêng chẳng hề thua kém. Bánh được làm từ bột sắn lọc, phần nhân gồm tôm, mộc nhĩ và gia vị. Sau khi hấp chín, bánh chuyển màu trong suốt để lộ phần nhân bên trong hấp dẫn. Khi thưởng thức, thực khách chấm cùng nước mắm chắt Quảng Bình bỏ vài lát ớt càng làm hương vị bánh thêm đậm đà.
Cháo canh
Cháo canh là món ăn thân thuộc với người Quảng Bình như phở đối với người Hà Nội hay mỳ Quảng đối với người Đà Nẵng.
Cháo canh sử dụng sợi mì khá thô sơ (nhào mịn, cán mỏng và cắt sợi thủ công). Nước dùng nhiều và có màu vàng ươm của thịt cua. Người ta lại bỏ thêm vào tô cháo canh cá, tôm, thịt nạc… Khi ăn, thực khách dùng kem rau cải xanh thái nhỏ, thậm chí ở thành phố Đồng Hới người ta còn dùng kèm cả nem chả.
Tô cháo canh nóng hổi, bốc mùi thơm phức phức, vừa có vị mềm dẻo của mì, vị ngọt của thịt cua và vị cải xanh nồng tạo nên hương vị đặc trưng không thể lẫn vào đâu được.
Canh nấm tràm
Nấm tràm thường mọc trên sườn các gò đồi hay dọc theo ven bờ của những con suối ở Quảng Bình, có hình tròn như quả trứng gà, nhìn béo múp, có màu tím đậm, mỗi năm chỉ có hai mùa vào khoảng tháng 4 và tháng 7, tháng 8 âm lịch. Nấm tràm có thể chế biến được nhiều món như nấu cháo, xào với các thực phẩm khác, nhưng có lẽ món ăn phổ biến, quen thuộc nhất với người dân Quảng Bình vẫn là canh nấm tràm.
Nấm tram gọt vỏ, tách màng nâu trên tán nấm rồi ngâm nước muối loãng để bớt đắng, cuối cùng rửa sạch lại bằng nước lạnh và để ráo. Ướp tôm và thịt, đảo riêng từng loại rồi mới cho một lượt vào nước đun sôi. Tiếp tục cho nấm rồi chờ đến khi nước sôi lại, lại bỏ thêm rau vào, nêm nếm gia vị vừa miệng. Tới khi rau chín là canh nấm hoàn thành. Canh nấm tràm vừa thơm vừa bổ, ăn một lần, hai lần rồi lại thành nghiền lúc nào không hay.
Cơm bồi
Người Minh Hóa ở Quảng Bình có món cơm bồi dẻo, thơm đặc trưng mà không nơi nào có được. Ai lên Minh Hóa mà chưa thưởng thức cơm bồi thì coi như chưa đến miền đất sơn cước này. Nguyên liệu dùng để chế biến cơm bồi là ngô hạt (sậu), lúa (thóc) và có thêm cả sắn gạo. Ngô hạt được ngâm vào nước sôi khoảng 2-3 tiếng đồng hồ rồi vớt ra cho ráo, bỏ vào cối giã, dần lấy bột, thấm nước lã, nhồi kỹ, đánh tơi ra, bỏ vào nghè hông (chõ đồ). Đổ nước vào nồi sân, lấy lá chuối khô vấn quanh miệng, bỏ chõ đồ có bột ngô lên, bắc lên bếp đun lửa đồ trong khoảng một tiếng đồng hồ là cơm bồi chín, đưa xuống bỏ vào khuôn đóng thành miếng cơm bồi để mang đi xa ăn.
Khoai deo
Du khách có thể dễ dàng tìm được món khoai deo được bán nhiều nơi ở Quảng Bình. Khoai deo ngon thường được chế biến từ loại khoai lang đỏ trồng trên đất thịt, sau khi luộc xong sẽ cắt thành từng lát và phơi khô khoảng 10 đến 12 nắng, độ dẻo của lát khoai tùy thuộc vào số lần phơi nắng ít hay nhiều.
Khi ăn, thực khách nhai chầm chậm để cảm nhận vị ngọt bùi tan chảy nơi đầu lưỡi. Ăn khoai deo cũng là cách để du khách cảm nhận phần nào tâm hồn của người dân Quảng Bình ẩn chứa nơi món ăn, vừa từ tốn nhưng lại có chút kham khổ, chịu đựng.
(còn tiếp)
LN (tổng hợp) | Wanderlust Tips